Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nguyễn Quỳnh - “Nefelejcs! -Đừng quên em!” của nhà thơ Szabó Lőrinc 


Szabó Lőrinc
Nguyễn Hồng Nhung chuyển ngữ, Nguyễn Quỳnh bình thơ
Tác giả Nguyễn Quỳnh là giáo sư Triết học và Lịch sử Mỹ thuật, hiện đang giảng dạy tại EPC, College, EI paso, TX, USA


Hoa Nefelejcs - Forget Me Not
Trong các loài hoa tôi yêu trước nhất Nefelejcs – Đừng Quên Em
xanh biếc: ôi cái tên xinh, biết trò chuyện thỏ thẻ
như muốn thổ lộ ý nghĩa đóa hoa xinh:
như muốn van nài người khác lắng nghe
em muốn thế (chắc em cần như thế, đúng không
khi đã van nài?) rằng ĐỪNG QUÊN EM! Anh nghe
rất rõ, tiếng bầu trời trăm sắc, để đôi khi thì thầm
anh tự nhủ, hay anh không thì thầm nhỉ, chỉ
chờ đợi, vô cùng chờ đợi, tiếng tim anh nói hộ, hay từ tai anh:
anh không biết, có phải anh mường tượng?
hay anh đánh lừa hoa bằng thảng thốt tên hoa? … Nhưng
cho dù đánh lừa đi chăng nữa, anh đã tự yên lòng, bởi chút
giãi bày chẳng là gì cả - bởi anh rất yêu hoa
sao quên được, anh, không bao giờ quên em được.

Szabó Lőrinc

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung
Thơ là âm-nhạc trong ngôn-ngữ rất tự-nhiên (a priori) của con người, mặc dù không phải ai cũng là thi-sĩ. Thơ hay (tuyệt vời) là đỉnh cao nhất của ngôn-ngữ, và thi-nhân đúng là một vũ-trụ nhỏ có trong tâm-hồn mình nhiều sợi “tơ” va vào cảm giác để thành thơ.
Bài thơ của nhà thơ Hungary Szabó Lőrinc có cái tên Nefelejcs mà Nguyễn Hồng Nhung chuyển sang Việt-ngữ mang tựa đề: “Nefelejcs! - Đừng quên em!”
Không thể nói tôi đọc thơ của Szabó Lőrinc. Thật dản dị: tôi không biết tiếng Hung.
Tôi đọc thơ của N. Hồng Nhung, vì ngôn ngữ và chữ viết là tiếng Việt, và ngay cả tâm tình, dù cho cảm ứng của Hồng Nhung đến từ tác phẩm của Lőrinc.
Chúng ta đọc Chinh Phụ Ngâm-khúc của Phan Huy-Ích (theo Hoàng Xuân Hãn), hay Đoàn thị Điểm, chứ chúng ta không đọc tác phẩm đó bằng chữ Nho của Đặng Trần Côn. Hơn nữa, chính Phan Huy-Ích cũng đã xác-nhận: “Nhân khi thanh nhàn ta phiên thành khúc mới.”
Thực tình chúng ta không biết ngôn ngữ và tình cảm của Sz. Lőrinc và Hồng Nhung gần gũi và xa cách nhau thế nào trong bài Nefelejcs. Đây không fải là bản dịch trong lớp học để trắc nghiệm khả năng tiếng Hung. Đây là sáng tạo.
Chúng ta nói về THƠ trong mọi ngôn-ngữ (languages), nhưng chúng ta không thể bảo THƠ trong ngôn-ngữ A giống THƠ trong ngôn-ngữ B. Cho nên câu nói “dịch là diệt” rất đúng trong thơ. Dịch đúng là vô tình hay cố ý xóa bỏ Identity của chính-bản và thay thế bằng một Identity khác. Người dịch thơ bỗng nhiên trở thành tác giả một bài thơ, nhất là bản dịch là một tuyệt phẩm.
Tôi thích tiếng thơ (âm-điệu) và cách gieo chữ trong bài Nefelejcs - Đừng Quên Em của Hồng Nhung. Tôi thích luôn cả bố cục của bài thơ. Không hiểu vì sao, ngay cái đầu đề bài thơ cũng đã làm tôi lưu ý.
Đầu đề này có mấy vần? Xin thưa ngay nó có có sáu vần. Nếu tôi đặt nó vào thể “Lục Bát”, chúng ta sẽ thấy ngay:

Nefelejcs – Đừng Quên Em
Dù năm tháng đã khuây dần nhớ mong!
(1)

Chữ “Nefelejcs” có ba âm hợp với ba âm Việt “Đừng quên em”. Thế nên, theo giai điệu thơ Việt, đầu đề đã là một câu thơ.
“Nefelejcs” là một chữ trong tiếng Hung, chúng ta nghe chắc phải lạ tai, nhưng “Nefelejcs” nghe ra độc đáo. Nó gây cho người đọc một cảm giác bâng khuâng về cái tên. Chẳng hạn, tên của một người đẹp chưa bao giờ thấy ở cõi trần.
Đúng thế! Họa may chỉ có những người như Hồng Nhung ở Hungary, và phải để ý đến hoa, đến Nefelejcs, mới biết mà thôi.
Đối với chúng ta, Nefelejcs là một bí mật trở nên mông lung và huyền hoặc rất tâm đắc với cái mông lung và huyền hoặc của thơ – đặc-biệt trong bài “Đừng Quên Em” tiếng thơ thì thầm: “độc-thoại” hay “với ai” cũng chỉ là lối nói của tâm-tình.
Câu nói nào cũng có giai điệu thấp cao – tôi nghĩ rằng ngay cả ở những ngôn ngữ nghe ra rất oái oăm và lỗ mãng. Người Tầu trong thời Tiền Lê nhận xét rằng tiếng Việt nói nghe “ríu rít như chim”, còn ngày nay người Anh Mĩ lại liên tưởng tiếng Việt nói ra như ca hát (sing song).
Thế thì trong “Nefelejcs – Đừng Quên Em”, “Nefelejcs” là cung bậc cao, còn “Đừng Quên Em” là cung bậc thấp. Âm hưởng nghe rất riêng tư nên rất trữ tình. Có phải Hồng Nhung muốn thế không?
Ý muốn có thể ở trong thời gian khoảnh khắc lúc này, tức là kinh nghiệm hay ý thức; hoặc ý muốn là vận hành tiềm tàng chảy trong vô-thức. Nếu vậy, ý muốn phải là của một người. Trong ý muốn ấy có biết bao nhiêu biểu trưng của người ấy.
Câu tiếp theo bắt đầu là hai âm “xanh biếc”. “Xanh biếc” rồi có hai chấm (:) thế thì những gì sau đó sẽ bổ nghĩa cho hình dung từ “xanh biếc” – trong cảm giác xa gần, trực tiếp và gián tiếp, biểu thị, biểu tượng, siêu thực hay trừu tượng?
“Xanh biếc” là quán ngữ miêu tả “tính từ” và “trạng từ”. Khi ta nói: “Trời xanh biếc” thì “xanh biếc” là tính từ”. Nhưng nếu ta chỉ nói bâng quơ: “rất là xanh biếc”; thì “xanh biếc” là trạng từ chỉ sự mơ hồ, thiên về cảm xúc (emotive) hơn là mầu sắc.
“Xanh biếc” trong bài thơ này là một gợi ý hơn là chỉ vào tính chất, cho nên “xanh biếc” ở đây là “trạng từ”. Trạng từ trong tiếng Việt thường có hai tiếng (chữ) rất lung linh. Bởi vậy phải nhìn vào nội dung để biết hai tiếng (chữ) lung linh ấy là tính từ hay là trạng từ, hay là nó thay đổi, bất thường, qua lại như con thoi trong tai ta, rồi trở thành suy tưởng của chúng ta. Tiếng thơ là tiếng đầy ám ảnh, và bất thường.(2)
“Xinh” và “đẹp” là hai vẻ ưa nhìn, nhưng không luôn luôn chỉ vào cùng một đối tượng. Có đối-tượng “xinh” nhưng không “đẹp” và ngược lại. Vẻ “xinh” là vẻ dễ-thương hay đáng mến. Vẻ “đẹp” quyến rũ cái nhìn nhưng có loại “đẹp” xa cách và không gây cảm giác êm đềm. Ta có thể nói “Xinh không ác và đẹp không hiền.”
“Xanh biếc” có hai chấm (:) đưa người đọc đến cái gì sau đó? Đến “xinh” (dáng vẻ), đến “thỏ thẻ” (âm thanh). Điều này khiến tôi tự hỏi những động từ và tính từ ở đoạn này là nguyên ngữ tiếng Hung của Lőrinc hay là chữ nghĩa của Hồng Nhung?
Bản chất của mỗi ngôn ngữ khác nhau, cho nên dù cùng một nghĩa, hai chữ trong hai ngôn ngữ rất khác nhau. Chúng ta chỉ cần đọc lên hay nhìn vào hai chữ “beautiful” (Anh) và “đẹp” (Việt) sẽ rõ là ở vào hoàn cảnh cao hơn trong thẩm mĩ hai chữ này đòi hỏi vị trí khác nhau trong tương quan với những chữ đứng gần chúng và với những âm bên cạnh chúng. Có như thế, “xinh” hay “đẹp” mới đưa ta tới một phương trời thẩm mĩ khiến ta đọc thơ hay nghe thơ cảm ra một thứ tính tình.


Hoa Nefelejcs - Forget Me Not
Bây giờ chúng ta hãy bàn đến vài tiếng (chữ) khác trong bài Nefelejcs - Đừng Quên Em của Hồng Nhung.
“Tiếng bầu trời trăm sắc”. Làm sao có thể nghe được tiếng trong không gian, ngoại trừ những tiếng như sấm nổ hay tiếng chim kêu, mặc dù ở lúc hoàng hôn là thời điểm có khi mầu sắc vô cùng rực rỡ. Thế thì chỉ là mường tượng khi chính tiếng nói của người trong cuộc vang ra rồi lại vọng về.
Nếu vậy những tiếng như: “Ôi cái tên xinh…trò chuyện, thỏ thẻ …ĐỪNG QUÊN EM trong mông lung dù độc thoại nhưng tỏa khắp không gian của người trong cuộc. Chính ở điểm của không gian và cũng là thời gian như thế âm thanh và mầu sắc mới rộn ràng trong cái tâm siêu thực (surrealistic) để thấy phi-lý (absurdity) lúc này chính là thực tại.
“Mường tượng?”. Phải ở trong trạng-thái “có”“không” lung linh đến độ lí trí “thấy” và cũng “không thấy” mới khiến cho người trong cuộc tự hỏi “có hay không?”.
Nếu chỉ là tưởng tượng thì có khi người trong cuộc không cần đặt câu hỏi, và cũng không cần đến câu trả lời. Ví dụ có người nói thế này: “Tôi tưởng tượng tôi là con thuyền đi đến cung trăng.” Nói như thế tức là hành động của lý trí đang ngụy tạo ra một cái gì không thực.
Trong ngôn ngữ, “mường tượng” vừa là “trạng từ” vừa là “động từ” và cũng có thể là “danh từ”. Trong khi ấy, “tưởng tượng” không có nghĩa “trạng từ”. “Trạng từ” là chữ rất ưu việt trong thi ca, nhưng thường vắng mặt trong thế gian duy-lý.
“Thảng thốt tên hoa?”. Có lẽ đây là một câu hay nhất trong bài.
Vì văn phạm trong thơ không theo qui luật tất định (deterministic), nên câu thơ sẽ có thể lướt rất nhanh để nắm bắt “mường tượng” hay sẽ ngừng lại chập chờn bất định (indetermnistic) để người đọc “nhâm nhi”.
Vậy thì, “thảng thốt” có thể gợi lên một khoảng trống sau hai chữ đó, để hiểu ngầm có tiếng “gọi” như: “thảng thốt [gọi] tên hoa?” Nhưng vì “thảng thốt” là tính từ kép, qúa mông lung, nên người đọc có thể loay xoay xếp đặt theo tình cảm của mình. Theo đó: “thảng thốt tên hoa” có thể trở thành “hốt-hoảng [khi biết] tên hoa”, hay “bất ngờ gọi tên hoa”.
Dù thế nào cả bốn chữ “thảng thốt tên hoa” là một diễn tả lung linh, mà người đọc nghe xong cần yên lặng. Từ yên lặng lại trở về … lẩn thà lẩn thẩn. Có người bảo “say thơ” là thế.
Nói chung, Nefelejcs – Đừng Quên Em là bài thơ mềm mại với tâm tình, lúc nhắn nhủ, lúc thỏ thẻ, lúc băn khoăn. Đây là tình yêu đẹp và ngây thơ như bông hoa vừa nở, một thứ ẩn dụ thế này “Có nhiều hoa, nhưng chỉ có một bông hoa là đáng yêu thôi. Và rất mong manh!”.
Bài thơ tiếng Hung thế nào chúng ta không biết, và có khi ngay cả rất nhiều người Hung đọc Nefelejcs nhưng không cảm thấy mãnh liệt trong lòng.
Nhưng “Nefelejcs – Đừng Quên Em” thực sự là của Hồng Nhung và là một bài thơ tuyệt vời.
Nguyễn Quỳnh
(Giáo sư Triết học và Lịch sử Mỹ thuật, hiện đang giảng dạy tại EPC, College, EI paso, TX, USA)
________________________________________
Ghi chú:
1. Câu thứ hai là chữ của tôi, để làm ví dụ.
2. Trong khi trạng-từ trong tiếng Anh, Pháp, Đức được nói hay viết theo thể khác nhau rõ ràng, ví dụ: “profound” (tính từ) “profoundly” (trạng từ). Hai chữ “bâng khuâng” trong tiếng Việt chỉ có một thể, được phân biệt là tính từ hay trạng từ tùy vào nội dung diễn tả. “Tâm trạng bâng khuâng.” (tính từ). “Lòng nhẹ bâng khuâng” (trạng từ). Trong câu này “nhẹ” là tính từ, còn “bâng khuâng” là trạng-từ.
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121130/nguyen-quynh-binh-tho-nefelejcs-dung-quen-em-cua-nha-tho-szabo-lorinc
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001