Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

VÌ SAO VIỆT NAM KHÔNG CHỊU XỬ ÔNG LÊ ĐỨC THUÝ? 


Lời dẫn: Có bạn thắc mắc, liệu ông Lê Đức Thúy có bị pháp luật VN xử lý khi tòa án ở Anh đang xét xử 1 bị cáo đã "bao" cho con ông Lê Đức Thúy du học? Chuyện "bao" cho con của quan chức đi du học không phải chỉ có một trường hợp ông Lê Đức Thúy. Ở VN đã từng xảy ra mà chưa có ai bị xử lý, cả hình sự lẫn hành chính hay ... kỷ luật nội bộ! 

Thứ Hai, 05/06/2006, 04:09 (GMT+7) 

Hối lộ chiến lược!

Hàng chục xe công đắt tiền được cho mượn vô tội vạ
TT - Khi nói tới hối lộ chúng ta thường nghĩ ngay tới việc ai đó dùng tiền của để tác động tới một người có quyền chức để người đó giúp đỡ một sự việc cụ thể nào đó. Khái niệm này được dùng từ xưa tới nay và thống nhất không chỉ ở nước ta mà còn cả trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, qua sự việc các ông Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng cho mượn vô tội vạ và cho mượn vô hạn hàng chục xe hơi đắt tiền tới khắp các cơ quan nhà nước (mà núp sau đó là các cá nhân cụ thể), qua việc tổng giám đốc của Vietnam Airlines (VNA) hạ bút tài trợ hàng tỉ đồng cho con của các quan chức cao cấp đi học thì khái niệm về hối lộ nên có thêm một từ mới. Đó là hối lộ chiến lược. 
Họ dùng tiền công quĩ để chi xài cho hàng loạt quan chức ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để đầu tư cho sự đồng tình hay hỗ trợ để che chắn khi cần phải “chạy” ghế, “chạy” việc hay “chạy” tội về sau... Một khi trình độ hối lộ, tham nhũng đã trở nên tinh vi, sản phẩm hối lộ trở nên đa dạng gồm cả đầu tư cho cơ hội nắm giữ quyền lực hay bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí vây cánh...
Đã tới lúc xã hội và pháp luật nên nhìn nhận vấn đề này một cách thực tế và nghiêm khắc hơn. Bởi lẽ khi sự việc bung ra, cả trăm cũng như cả vạn người dân đều hiểu đó là hối lộ nhưng luật pháp lại chỉ có thể qui là sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công?! Mà mức độ xử lý hai vấn đề này là vô cùng khác biệt.
Do vậy, pháp luật nên mạnh dạn qui định những hành vi nói trên là hành vi hối lộ. Chúng ta có thể gọi đó là hối lộ chiến lược, hối lộ trực tiếp, hối lộ gián tiếp... Nếu ai phạm vào các trường hợp đó thì sẽ xử theo khung của tội hối lộ.
THANH BÌNH

================ 
============
Mời xem thêm:
Vietnam Airlines thu hồi tiền 'bao' con quan chức du học

TGĐ Nguyễn Xuân Hiển là người chịu trách nhiệm chính vụ cử tuyển sai quy định.  Ảnh: P.V.
Chiều 6/6, thông báo thu hồi toàn bộ tiền đã đài thọ sai quy định cho 16 sinh viên học ở Mỹ, Nga và Ukraina đã được Vietnam Airlines phổ biến tới phụ huynh những lưu học sinh trên. Trong số này có con của cán bộ công tác tại Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao...
Nhiều con cán bộ cấp cao du học bằng tiền Vietnam Airlines
Thua kiện, Vietnam Airlines mất 5,2 triệu euro
Thiệt hại hàng triệu USD vì thương vụ mua Boeing 777
Người phát ngôn của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Tấn Chấn cho biết: "Đây là các trường hợp mà Uỷ ban kiểm tra Trung ương kết luận Vietnam Airlines đã đài thọ đi học sai với quy chế của hãng này". 16 người được kết luận là không đúng đối tượng và không tham gia xét tuyển theo quy chế do chính Vietnam Airlines ban hành.
Trao đổi với báo giới, ông Chấn khẳng định, việc đài thọ đi học với cam kết khi trở về làm việc tại Vietnam Airlines trong 25 năm là cách để hãng tạo nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, người phát ngôn của Vietnam Airlines lại tự mâu thuẫn với chính mình khi buộc thừa nhận: "trong số đó có những em thi trượt đại học ở Việt Nam". Theo nguồn tin riêng của VnExpress, tỷ lệ này là 7 trong 16 người.
Theo quy chế, ngoài các tiêu chuẩn về học lực, những sinh viên được Vietnam Airlines chi trả học phí trong thời gian học tập ở nước ngoài phải là con em của cán bộ trong ngành. Nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển vẫn ký quyết định cử tuyển một số con của cán bộ cấp cao trong ngành tư pháp... du học.
Ngay sau khi VnExpress và một số báo khác phản ánh Vietnam Airlines bao tiền cho một số con quan chức cấp cao du họcngày 2/6, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển đã ký thông báo chuyển chế độ đài thọ kinh phí học tập của 16 sinh viên sang chế độ tự túc. "Các học viên có trách nhiệm nộp toàn bộ kinh phí đã được Tổng công ty hàng không Việt Nam đài thọ", văn bản nêu.
Ông Hiển cũng được xác định là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc cử tuyển sai quy định này.
Quyết định trên được phê duyệt trước ngày ông Hiển sang Pháp giải quyết vụ kiện với một luật sư người Italy, mà theo phán quyết của toà phúc thẩm Paris, Vietnam Airlines phải trả hơn 5,2 triệu euro vì thua kiện.
15 năm trước, vì không đánh giá hết được tính chất của vụ kiện, Vietnam Airlines đã không cử đại diện tham dự phiên xử sơ thẩm của toà án Roma (Italy) về vụ luật sư Maurizio Liberati yêu cầu hãng này và công ty Falcomar (được thuê làm đại lý tại Italy) thanh toán chi phí cho những công việc ông đã thực hiện. Năm 2002, Vietnam Airlines nhận được "trát" yêu cầu thanh toán hơn 4,3 triệu euro theo án quyết. Đầu tháng 3/2006, bản án trên được toà phúc thẩm công nhận, khoản tiền phải trả lúc này là 5,2 triệu euro (tính lãi đến hết tháng 11/2003).
Người phát ngôn của hãng từ chối tiết lộ động thái của Vietnam Airlines trước phán quyết của toà án, nhưng sau đó thông tin được đưa ra không chính thức là nhiều khả năng hãng này sẽ kháng án.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress, Chính phủ đã yêu cầu Vietnam Airlines phải tổ chức kiểm điểm các cá nhân, bộ phận qua các thời kỳ có liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, một quan chức đề nghị giấu tên cho hay, hiện Chính phủ chưa hề nhận được báo cáo nào của Vietnam Airlines về việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.  
Cũng trong chiều 6/6, việc Vietnam Airlines mua 4 máy bay tầm xa Boeing 777 nhưng lại sử dụng động cơ tầm trung cũng được đặt ra với người phát ngôn Nguyễn Tấn Chấn. Vietnam Airlines cho rằng, vì chủ yếu khai thác các tuyến bay tới tầm trung và tầm ngắn (Đông Bắc Á, Australia, châu Âu) nên việc không mua động cơ tầm xa (chủ yếu đi Mỹ) là phù hợp. "Chúng tôi đã tính bài toán kinh tế có lợi nhất, chọn loại có chi phí thấp nhất", ông Chấn cho biết. Tuy nhiên, ông không giải thích nổi vì sao Vietnam Airlines lại mua 4 Boeing 777 (loại máy bay tầm xa) mà không sử dụng loại máy bay tầm trung, để tiết kiệm chi phí. Đây cũng là 4 chiếc Boeing 777 mà Việt Nam có trong tay. 6 chiếc cùng chủng loại đang khai thác là đi thuê. "Bộ phận kỹ thuật sẽ giải trình sau với các nhà báo", ông Chấn thoái thác.
14 người có con học ở Nga, Ukraina được Vietnam Airlines đài thọ:


Anh Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001