David Thiên Ngọc (Danlambao)
- Đây là một giai đoạn ngắn trong một thời điểm lịch sử Việt Nam hiện
đại đầy sôi động, hấp dẫn và hồi hộp như trong một bộ phim hành động
được thực hiện giữa thành phố Sài Gòn ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng từ
chiến tranh ngoài trận tuyến đến cuộc chiến không xác người giữa lòng
thủ đô. Ta cứ xem như một cảnh phim hành động và được dựng nên trong bối
cảnh chính quyền Đệ nhị Cộng hòa có sự rạn nứt trầm trọng trong nội bộ
mà cụ thể là giữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn
Cao Kỳ. Nguyên nhân gần lẫn xa đưa đến sự rạn nứt, mâu thuẫn này tôi xin
được trình bày trong một bài khác nếu được phép.
Để hoàn chỉnh những thước phim trên có sự đóng góp của các nhân vật với những vai trò như sau (Tạm gọi như thế):
Giám Đốc: Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ.
Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn: Dân Biểu VNCH Hồ Ngọc Nhuận cùng sự cộng tác của DB Kiều Mộng Thu.
Diễn viên chính: SV Huỳnh Tấn Mẫm, DB Hồ Ngọc Nhuận.
Các vai phụ như: 2 sĩ quan cấp tá QLVNCH vai anh hùng trên vô lăng, SV Nguyễn Thị Yến.
Cùng sự góp mặt của: Má "Tám Ảnh", Má "Văn Hoa", SV Phật tử Ngô Thế Lý.
Như trên đã nói là sự rạn nứt, mâu thuẫn trong nội bộ giữa T.T Nguyễn
Văn Thiệu và PTT Nguyễn Cao Kỳ đã đến lúc cao độ và lên đỉnh điểm có thể
dẫn đến một cuộc lật đổ soán ngôi. Trong một buổi họp ở dinh thự riêng
của PTT Kỳ trong trại Phi Long để bàn thảo một cuộc đảo chánh có mặt Dân
biểu đối lập thân cộng Hồ Ngọc Nhuận tham dự.
Nói như thế thì nội tình trong chính phủ VNCH lúc này VC mà cụ thể là
Thành đoàn đã nắm rõ thông qua DB Hồ Ngọc Nhuận. Ta cũng nên biết thêm
là từ nền Đệ I đến Đệ II Cộng Hòa có nhiều phong trào, đoàn thể chống
chính phủ nhưng không hẳn là tất cả theo CS. Như giới Phật Giáo chống
chính quyền đàn áp Phật Giáo, ban đầu là không thiên cộng nhưng sau đó
một số bộ phận đã bị CS lợi dụng giựt dây, kích động và đã sai lầm làm
theo ý đồ mưu gian của CS như một nhóm trong Phật giáo Ấn Quang. Nói
chung tất cả các thành phần đối lập, chống chính phủ trên nhiều phương
diện thì CS luôn tìm mọi cách len lỏi vào những khe hở để kích động,
giựt dây... Mục đích chính của CS là làm bất lợi cho chính quyền VNCH,
đồng thời làm rối trí, bận tay để bị phân tâm, ảnh hưởng trì trệ, sai
lạc trong việc chỉ huy ngoài mặt trận.
Chính vì nắm rõ được nội tình chính phủ VNCH nên Thành đoàn trực tiếp
chỉ đạo Huỳnh Tấn Mẫm bằng mọi cách tiếp cận PTT Nguyễn Cao Kỳ để nắm
thời cơ đào sâu chia rẽ nội bộ trong lúc T.Ư cục Miền Nam, Đặc khu ủy,
Thành đoàn "tọa sơn quan hổ đấu".
Như đã dẫn ở trên, nhân vật Hồ Ngọc Nhuận là một con cờ chiến lược trong
tay Đặc khu ủy, Thành đoàn do đó vấn đề Huỳnh Tấn Mẫm tiếp cận tướng
Nguyễn Cao Kỳ là không quá khó dưới sự dàn dựng và tích cực tiếp tay của
vị Dân biểu thân cộng này.
PTT Nguyễn Cao Kỳ |
Nước cờ của Thành đoàn bắt đầu thực hiện. Đầu tháng 9/1971 DB Hồ Ngọc
Nhuận đã nằm trong ruột tướng Nguyễn Cao Kỳ, từng ý đồ và diễn tiến,
hành động ra sao của ông ta vị DB này nắm trong lòng bàn tay. Để chống
phá TT Nguyễn Văn Thiệu, một trong những mũi xung kích mà tướng Kỳ nhắm
vào là lực lượng SVHS mà đứng đầu là Huỳnh Tấn Mẫm. Riêng về thành tích
và mọi hoạt động (theo CS) của Huỳnh Tấn Mẫm thì tướng Kỳ không lấy gì
làm lạ mà không rõ. Tuy nhiên mục đích của tướng Kỳ lúc này là chống phá
TT Nguyễn Văn Thiệu do đó mọi thế lực nào lợi dụng được là tướng Kỳ
không loại trừ. Xét về bản lĩnh chính trị thì đây rõ là hạ sách! Ví như
tướng Kỳ dùng bàn tay CS hạ gục TT Thiệu thì người bị bêu đầu, hạ sát
tiếp theo chính là tướng Kỳ chứ CS nào có có dung tha cho ông ta!?
Trở lại vấn đề. Dưới sự dàn dựng của DB Hồ Ngọc Nhuận, đầu tháng 9/1971
cuộc hội kiến của phái đoàn SVHS với PTT Nguyễn Cao Kỳ được diễn ra tại
tư dinh của ông ở trại Phi Long. Phái đoàn SVHS dẫn đầu là Huỳnh Tấn Mẫm
cùng Hạ Đình Nguyên (ĐH Văn khoa) Nguyễn Thị Yến (ĐH Văn khoa) Võ Như
Lanh (ĐH Vạn Hạnh) Lê Văn Nuôi (Kỹ thuật Cao Thắng)... và một vài nhân
vật khác nữa.
Như đã nói ở trên, phái đoàn SVHS diện kiến hôm nay tướng Kỳ đã biết rõ
là ai, làm gì? nhận chỉ thị từ đâu? nhưng vì mục đích riêng nên không
quan ngại và cũng chẳng quan tâm... trong đó không thiếu tự phụ và chủ
quan. Mở đầu buổi tiếp kiến tướng Kỳ hỏi một câu nửa bâng quơ nửa là
thật (vì nó đúng) rằng "Các anh chị có phải là Việt cộng không?"
như một cú tát thẳng vào mặt, các cặp mắt đảo về nhau một lượt nhưng chỉ
trong tích tắc. Với tài trí, thông minh và nhạy bén - cùng tắc biến,
biến tắc thông - Huỳnh tấm Mẫm không trả lời ngay câu hỏi mà lại đặt
ngược câu hỏi đó lại cho tướng Kỳ "Thưa PTT theo PTT thì chúng tôi có
phải là Việt cộng không?". Nhưng mà trong đầu tướng Kỳ lúc này trọng tâm
không phải là vấn đề VC. Nếu tướng kỳ quan tâm đến vấn đề VC thì cuộc
diện kiến này làm gì có cơ hội diễn ra? Do đó câu hỏi của ông mà ông
không cần có câu trả lời. Nội dung chính là ông mượn tay Huỳnh Tấn Mẫm
để quậy phá TT Thiệu mà thôi.
SV Huỳnh Tấn Mẫm |
Điều này không nằm ngoài tầm hiểu của Huỳnh Tấn Mẫm với dạn dày kinh
nghiệm trong cuộc chiến cân não không tiếng súng, không xác người nhưng
đầy cam go và nguy hiểm giữa lòng thủ đô trong thời gian qua, do đó cả
nhóm tỏ ra vui hẳn và bình tĩnh để đi đến thắng lợi.
Xin nói thêm ở đây một điều là ngoài tài trí thông minh, linh hoạt ứng
xử ra, Huỳnh Tấn Mẫm còn có tài diễn xuất nữa. Tôi xin ngưng tường trình
một lúc và quay về thời niên thiếu của Huỳnh Tấn Mẫm để ta biết sơ qua
vì sao tôi nói Huỳnh Tấn Mẫm còn có tài diễn xuất?
Huỳnh Tấn Mẫm sinh ra trong một gia đình nghèo khó mồ côi cha rất sớm ở
ấp Tân Trụ, xã Tân Sơn Nhì, Tân Bình, Gia Định. Thuở thiếu thời ở cấp
tiểu học Mẫm theo học thầy Đội Chiêu (Chín Chiêu) dạy trường tư ở ấp Tân
Trụ. Trong thời gian này thầy Chín Chiêu phát hiện ra Mẫm còn có tài
diễn tuồng và ca hát cải lương khá hay nữa nên thầy quan tâm và có dạy
thêm môn này ngoài dạy chữ, đồng thời lập nên đoàn ca kịch cải lương
thiếu niên và Mẫm thường thủ vai kép chính. Dần dà tiếng tăm đồn xa, hơn
nữa đoàn tài tử này cũng có đi diễn nhiều nơi... Tin bay tới tai bà bầu
Thơ, mẹ của nghệ sĩ Thanh Nga (cùng lứa tuổi với Mẫm-1943), và sau đó
chính bà bầu Thơ đã tiếp cận và xin bà Thơm (mẹ Mẫm) cho phép Mẫm theo
nghề ca hát, nhưng bà Thơm từ chối vì muốn Mẫm tiến hơn trên con đường
học vấn. Đây chắc cũng là do sự sắp xếp của bàn tay con tạo chứ nếu
không thì với đôi trai tài gái sắc, xứng đôi đào kép này thì Thanh Nga
chưa chắc đã sớm bỏ cuộc chơi khi vườn hoa nghệ thuật trong trái tim
Thanh Nga đang tỏa ngát hương? Và Huỳnh Tấn Mẫm cũng đã đi trên con
đường khác, lĩnh vực khác và chắc cũng nổi danh trên sân khấu nghệ
thuật. Với tài trí, thông minh, hoạt bát và hiểu xa trông rộng của Mẫm
thì bước đi của Thanh Nga chắc hẳn còn dài chứ không chìm vào ngõ cụt để
lại bao niềm tiếc thương trong lòng hàng triệu khán giả. Đây là lý do
vì sao mà tôi nói là Huỳnh Tấn Mẫm còn có thêm tài diễn xuất!
Trở lại không khí của buổi hội kiến. Nắm được ý đồ của tướng Kỳ muốn lợi
dụng lực lượng SVHS để chống phá đối thủ Nguyễn Văn Thiệu, cũng chính
đây là chủ ý của Thành đoàn, mượn súng giặc bắn kẻ thù. Nơi đây Huỳnh
Tấn Mẫm bắt đầu từng bước nêu ra những yêu sách, đòi hỏi về phía tướng
Kỳ như xin bãi bỏ chương trình quân sự học đường mà trong thời gian qua
chính Mẫm cầm đầu trong những cuộc bãi khóa xuống đường chống chương
trình trên. Riêng về điểm này thì tướng Kỳ không chấp thuận vì đó là
chương trình do ông ta đề ra. Tuy nhiên ông hứa là sẽ cho hoãn đến sau
kỳ thi sẽ thực hiện để tránh cho SV khỏi bị ảnh hưởng trong thi cử.
Thêm một đòi hỏi nữa là Huỳnh Tấn Mẫm đề nghị tướng Kỳ cấp cho một nơi
để làm trụ sở tổng hội SVSG vì trụ sở ở số 207 Hồng Bàng quận 5 đã bị
cảnh sát phong tỏa. Phần này Tướng Kỳ không hứa cấp nhà nhưng ông hứa sẽ
cho mượn một phần của Nhà Quốc khách số 4 Tú Xương Q3 để làm trụ sở
tạm.
Đến đây Thành đoàn và Đặc khu ủy nhận định bước đi của nước cờ đã đúng
chiến thuật và đúng hướng, do đó chỉ thị Mẫm về khẩn trương tập họp và
tổ chức các cuộc xuống đường rầm rộ hơn, manh động hơn với qui mô lớn.
Vài ngày sau cuộc hội kiến với PTT Nguyễn Cao Kỳ, Huỳnh Tấn Mẫm đã thể
hiện sức mạnh của mình và đã tổ chức một cuộc xuống đường vô cùng khí
thế và rầm rộ, bạo động xô xát choảng nhau thẳng tay với lực lượng cảnh
sát áo trắng và cảnh sát dã chiến của ông Trang Sĩ Tấn ngay cụm đại học
Văn khoa-Dược khoa-Nông Lâm súc ở đường Cường Để. Lúc này trên bầu trời
sôi sục đó máy bay trực thăng do đích thân tướng Kỳ lái đảo lượn quan
lãm. Thế là chỉ một ngày sau tướng Kỳ ra lịnh giao một phần Nhà Quốc
khách cho Mẫm làm trụ sở và ông cũng không quên dặn dò nhân viên cấp
thêm cho Mẫm đầy đủ phương tiện và dụng cụ VP... có cả lựu đạn MK3 nữa
để Mẫm dùng trong việc đánh phá các thùng phiếu và những điểm bầu cử. Vũ
khí này (MK3) chỉ là loại lựu đạn dùng trong huấn luyện, có tiếng nổ
lớn nhưng không gây sát thương.
Có cờ trong tay, Huỳnh Tấn Mẫm và lực lượng SVHS tha hồ phất, quậy tưng
thủ đô Sài Gòn trong những ngày đầu và trong ngày bầu cử Tổng thống
VNCH. Kể cả làm những việc không mấy tốt đẹp như ngoài chuyện tung lựu
đạn phá các thùng phiếu ở các điểm bầu cử nói trên ra còn dùng bút lông
bôi xóa, sửa tên, câu chữ trong các bích chương cổ động bầu cử thành
những từ ngữ thiếu văn hóa. Tình hình lực lượng Huỳnh Tấn Mẫm lợi dụng
tướng Kỳ để chống phá bầu cử và gây rối loạn Sài Gòn như thế nào thuộc
về một bài viết trong dịp khác. Bây giờ ta theo dõi tiếp đoạn hấp dẫn
trong phim "Giải cứu trong gang tấc"...
Khoảng cuối tháng 9/1971 Huỳnh Tấn Mẫm đến khách sạn Caravelle đường Tự
Do để thực hiện buổi trả lời phỏng vấn của đài BBC và trở về trụ sở Tổng
vụ Thanh niên Phật tử số 294 Công Lý. Với sự nhạy bén và cảnh giác cao,
linh tính Huỳnh Tấn Mẫm biết là đang bị theo dõi và thực tế là khi vừa
về đến nơi và vào bên trong trụ sở thì lực lượng cảnh sát của ông Trang
Sĩ Tấn đã bao vây kín bên ngoài và cả khu vực một con kiến cũng không
thể nào thoát qua được trong khi Huỳnh Tấn Mẫm đã nằm gọn trong Bát Quái
trận đồ.
Nói về khoảng chơi ngông và vô cùng nguy hiểm của tướng Kỳ về phía chính
phủ vẫn biết nhưng ngày bầu cử đã gần kề nên mục tiêu của chính phủ chỉ
cố bắt cho bằng được tên cầm đầu lực lượng SVHS đấu tranh, phá hoại là
Huỳnh Tấn Mẫm mà thôi chứ không muốn khoét sâu thêm sự mâu thuẫn nội bộ
với tướng Kỳ.
Bên ngoài trụ sở thì dày đặc cảnh sát dã chiến, cảnh sát đặc biệt với
trang bị vũ khí, phương tiện bán vũ trang tận kẽ răng. Bên trong trụ sở
thì ngoài Mẫm ra còn có Ngô Thế Lý - đoàn trưởng đoàn SV Phật tử Đà Lạt
và một số SV Phật tử khác.
Tình hình quá nguy cấp! Nước đã dâng lên đến miệng chỉ còn vài phân nữa
thì con đường sống của cuộc đấu tranh sẽ bị dập tắt. Nguyễn Thị Yến xuất
trận trực tiếp xông pha, băng mình đối diện với DB Hồ Ngọc Nhuận cùng
DB Kiều Mộng Thu và ngay lúc đó Hồ Ngọc Nhuận gọi điện khẩn cấp cho PTT
Nguyễn Cao Kỳ hối hả thúc giục giải nguy cho Huỳnh Tấn Mẫm không được
trễ một giây. Vì ý đồ lợi dụng Huỳnh Tấn Mẫm của tướng Kỳ bước đầu có
thành công, do đó ông ta tức tốc chỉ thị 2 sĩ quan cấp tá thuộc loại
tinh nhuệ xuất quân bằng 2 chiếc xe Jeep nhà binh trực chỉ số 294 Công
Lý, đồng thời chiếc LaDalat của DB Hồ Ngọc Nhuận cũng nhập cuộc 3 mũi
giáp công. Với khí thế của 2 vị sĩ quan cấp tá cùng huy hiệu của trại
Phi Long, đồng thời một vị nữa là DB với quyền bất khả xâm phạm, toán
cảnh sát của Trang Sĩ Tấn miễn cưởng nghiêm chào trong tư thế thật ngỡ
ngàng...
Hai đặc nhiệm tiến thẳng lên mật phòng mà Huỳnh Tấn Mẫm đang ẩn náu do
sự hướng dẫn của Ngô Thế Lý. Tức tốc không chậm một giây Mẫm được khoác
vội bộ đồ lính trận với mũ kết pi và khẩn cấp nhảy lên xe đã được sắp
đặt... Cả 3 xe phóng vèo ra cổng, chở thêm vài SV làm hư binh ma trận
đánh lận con đen và để lại phía sau một đám khói, bụi mịt mù…
Chạy đầu đoàn xe là chiếc LaDalat của vị DB, xe chở Mẫm chạy giữa, xe
còn lại bọc hậu phía sau với nhiệm vụ cản đường, tiếp theo là một chuỗi
dài xe cảnh sát với còi hụ đinh tai như một đoàn binh ma tướng quỉ đang
lộng hành ở cõi trần gian. Lúc này cả khu vực đường Công Lý dân chúng
ngác ngơ, không hiểu có chuyện gì mà một cuộc rượt đuổi truy bắt ngoạn
mục còn hơn trong phim điệp viên 007.
Một vị DB với vóc hình là bạch diện thư sinh, tay cầm bút ở nghị trường
thế mà hôm nay mặc dù chưa một lần tập dợt, chiếc LaDalat dưới bàn tay
tài hoa ôm vô lăng phóng như xé gió giữa phố đông người... uốn lượn, lấn
đường bất cần luật lệ, hiểm nguy và trực chỉ hướng cổng Phi Long Tân
Sơn Nhất. Xe của Mẫm ở giữa thì chỉ biết cắm đầu chạy theo. Đẹp mắt hơn
là con cọp sắt tập hậu cản đường đoàn xe Jeep trắng xanh của cảnh sát
đang bám đuôi và hụ hết cỡ các thứ còi náo loạn cả một góc trời. Con cọp
sắt tập hậu này tung hết các ngón nghề với 18 thành công lực múa lượn,
đánh võng rồng rắn lên mây cốt sao cản tất cả không cho một chiếc xe
cảnh sát nào qua mặt được... khi nhanh như xé gió rồi phanh gấp chóe lửa
trên mặt đường và có khi phanh gấp xe quay ngang như một chiếc barie
cản cả con đường. Thế là đoàn xe cảnh sát bị bỏ lại phía sau một khoảng
khá xa đối với xe chở Mẫm. Tay sĩ quan biệt kích lái xe chở Mẫm lanh lẹ
chớp thời cơ khi đến ngã tư Trương Tấn Bửu và đột ngột rẽ ngang về phía
Trương Minh Giảng rồi quay về hướng trung tâm thành phố, chợ Bến Thành.
Chiếc Jeep tập hậu cản đường đã cắt được đuôi đoàn xe cảnh sát với xe
chở Mẫm nhờ khói bụi mịt mờ và dòng xe cộ dập dìu xuôi ngược nên vội bấm
ga vờ đuổi theo xe DB Hồ Ngọc Nhuận hướng về Tân Sơn Nhất. Thế là đoàn
xe cảnh sát cứ hú hét mà bám theo và trên 2 xe phía trước nhân vật trọng
tâm đã biến mất trong rừng xe cộ ngàn trùng.
Nói về xe chở Mẫm đang hướng về chợ Bến Thành, như đã tính trước khi xe
vừa đến đường Lê Thánh Tôn, ngay cửa bắc chợ, xe đột ngột dừng và một
bóng quân nhân phóng ra từ chiếc Jeep nhà binh rồi nhanh chóng biến mình
vào rừng hoa trái của chợ và cả những bóng hồng... vì cửa bắc chợ Bến
Thành là các gian hàng trái cây và hoa lá lẩn muôn vàn người đẹp đi dạo
mua hoa.
Nơi đây một thoáng sau ta thấy có một quân nhân sụp mũ kết pi sà vào
hàng trái cây của má "Tám Ảnh". Như đã được báo trước má "Tám Ảnh" phái
một tiểu kiều tức tốc phi báo cho má "Văn Hoa" chủ tiệm may Văn Hoa số
100 đường Lê Thánh Tôn và sau đó bố trí cho Huỳnh Tấn Mẫm tạm an toàn và
trú thân qua đêm nơi đây.
Nói về nữ tướng Nguyễn Thị Yến sau khi biết Mẫm đã tọa vị an toàn ở cơ
sở rồi, thị ta liên lạc với DB Hồ Ngọc Nhuận hồi tưởng lại chiến công và
cùng nhau lắc đầu không hiểu do đâu mà một DB trong phút chốc xuất thần
đã trở thành một Cascadeur thật chuyên nghiệp trong bộ phim "Giải cứu"
đầy ngẫu hứng!.
Sau một lúc hồi tưởng tự khen thưởng cho nhau, Nguyễn Thị Yến bàn bạc
với Hồ Ngọc Nhuận tìm nơi an toàn cho Mẫm để tiếp tục con đường đấu
tranh và hoàn thành 2 nhiệm vụ một của đảng và một của tướng Kỳ nhưng
cũng là mục tiêu của đảng.
Với tài dàn xếp không thể đẹp hơn được nữa của DB Hồ Ngọc Nhuận, bây giờ
ông lại liên lạc với đại tướng Dương Văn Minh. Sau thời gian thảo luận
và đã đi đến kết quả là ngày mai đại tướng Dương Văn Minh phái thiếu tá
Trịnh Bá Lộc cải trang civil và "bốc" Mẫm ở ngã tư Lê Thánh Tôn-Nguyễn
Trung Trực về thẳng biệt thự "Hoa Lan" số 3 Trần Quí Cáp Sài Gòn. Nơi
đây Huỳnh Tấn Mẫm an nghỉ tịnh dưỡng trong thời gian 6 tháng và tiếp
theo là "Mặt trận miền tây không yên tĩnh" như thế nào tôi xin hẹn độc
giả vào bài viết sau.
Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi - tháng 9, 1975 |
Qua bài viết này tôi kính xin quí vị là những người trong cuộc còn hiện
hữu nhận xét, nếu có điều gì chưa đúng hay sai lệch tôi xin một lời chỉ
giáo. Vì lịch sử không thể sai cho dù là một chi tiết nhỏ.
Kính,
Ngày 29/11/2012
___________________________________
Bài đọc thêm - trên trang nhà điện tử của Đảng bộ tỉnh Cà Mau. Tác giả Lê Thị Hiếu Dân
Phong trào sinh viên - học sinh chống bầu cử Tổng thống Sài Gòn
Một ngày đầu tháng 9/1971, theo yêu cầu của Tổng Hội sinh viên và Tổng Đoàn học sinh Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ
đã tiếp một phái đoàn đại diện sinh viên, học sinh tại nhà riêng của y
tại trại Phi Long - trong khuôn viên Sân bay Tân Sơn Nhất. Phái đoàn gồm
các anh: Huỳnh Tấn Mẫn, Hà Đình Nguyên, Võ Như Lanh, Nguyễn Thị Yến, Lê Văn Nuôi,... khoảng 10 người.
Toán vệ sĩ đưa các anh chị vào phòng khách. Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện, vóc
dáng cao to, khuôn mặt hồng hào, phương phi với hàng ria mép dày, ăn
nói đốp chát, có vẻ ngang tàng. Y tươi cười, đon đả bắt tay mọi người.
Đoàn đại diện sinh viên, học sinh đưa ra yêu cầu đầu tiên với y là: Hủy
bỏ quân sự hóa học đường hoặc cho hoãn học trong thời gian ôn thi. Thấy
vẻ hòa hoãn của y, các anh chị tấn công tiếp:
- Đề nghị Phó Tổng thống cấp cho Tổng hội sinh viên một trụ sở vì lực
lượng cảnh sát của ông Thiệu đã chiếm trụ sở 207, Hồng Bàng của chúng
tôi rồi.
Thâm tâm của Kỳ là muốn lợi dụng lực lượng sinh viên, học sinh để chống Thiệu,
vì giữa năm 1971, khi cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 1971-1976 sắp
diễn ra, nhưng Thiệu không chọn Kỳ làm Phó Tổng thống nữa, mà chọn Trần
Văn Hương. Hơn thế nữa, thông qua hội đồng bầu cử, Thiệu cấm Kỳ ra ứng
cử Tổng thống. Mâu thuẫn giữa Thiệu và Kỳ trở nên gay gắt một cách công
khai. Các lực lượng đấu tranh công khai đều được lệnh khai thác mâu thuẫn ấy để làm rối loạn nội bộ cơ quan đầu não của địch. Khi nghe nguyện vọng của đại diện sinh viên, Kỳ trả lời:
- Tôi nói hoài mà ông Thiệu không chịu nghe. Cứ xen vào nội bộ các anh
làm gì? Gặp tôi, các anh có yêu cầu gì tôi giải quyết hết. Đòi trụ sở,
có trụ sở, đòi xe hơi có xe hơi! Như vậy là các anh hết tranh đấu. Nhưng
tôi đâu có quyền, nên chỉ có cách là lấy 1 ngôi nhà trong dinh Quốc
Khách của Phó tổng thống ở số 4, Tú Xương giao cho các anh làm trụ sở,
các anh có đồng ý không?
Hai ngày sau, để phô trương lực lượng với Kỳ, Tổng hội và Tổng đoàn tổ chức một cuộc xuống đường đánh nhau với cảnh sát dã chiến ngay trên đường Cường Để. Nguyễn Cao Kỳ và nhóm tham mưu của y trên một chiếc trực thăng lượn nhiều vòng để chứng kiến.
Ngày hôm sau, Kỳ đồng ý giao cho Tổng Hội sinh viên ngôi nhà số 4, Tú Xương với đầy đủ phương tiện văn phòng, xe cộ.
Nhóm tham mưu của Kỳ mặc toàn áo “chim cò”, tướng bệ vệ giao hết tòa nhà
cho sinh viên rồi rút đi, chỉ để lại một lực lượng bảo vệ vòng ngoài,
mặc thường phục. Nhóm tham mưu của Kỳ đề nghị anh em tính hết những gì
cần thiết, họ sẽ đưa tiền mua. Nhưng anh em từ chối, chỉ yêu cầu cung cấp máy chữ, giấy in, truyền đơn và vũ khí.
Anh Lê Văn Nuôi hỏi: Các ông có loại vũ khí nào có tác dụng đánh sập các phòng phiếu và gây tiếng nổ lớn nhưng không gây sát thương cho người?
Họ đáp: Có! Chúng tôi có loại lựu đạn MK3, có tính năng như anh yêu
cầu, anh cần bao nhiêu? - Ít nhất là 2.000 trái để chúng tôi đánh trong 2
tuần lễ, trước ngày bầu cử tổng thống.
Trận đánh đầu tiên diễn ra bằng thủ pháo MK3 ở trước cổng Đại học Vạn Hạnh.
Từ một cuộc biểu tình trong sân trường, sinh viên, học sinh tràn xuống
đường Trương Minh Giảng. Tất cả các thùng phiếu làm bằng gỗ, thép đặt
trên lề đường để tiện bỏ phiếu đều bị các toán xung kích sinh viên, học
sinh ném thủ pháo ngã đổ tan tành, khói bụi mịt mù. Cùng lúc các bích
chương vận động tranh cử của Thiệu được anh em kéo xuống dùng bút lông
sửa chữ “Liên danh I” thành “Liên danh lì”, “Dân chủ” thành “Dân chửi”, “Thiệu” thành “Thẹo” rồi treo lại đàng hoàng.
Chiến dịch MK3 làm rung chuyển dư luận. Dân chúng hoảng sợ không dám đi bầu.
Phóng viên nước ngoài suốt ngày đi canh chụp ảnh sinh viên, học sinh
phá thùng phiếu. Nghe tin này, Thiệu điên lên, ra lệnh cho Tổng nha cảnh
sát lùng bắt hết số sinh viên, học sinh tham gia chiến dịch này. Danh
sách truy nã lên đến 127 sinh viên, học sinh.
Để bảo đảm bí mật, anh em chỉ huy chiến dịch khoảng 10 người đóng ở trụ
sở dinh “Quốc Khách”, còn anh em các đội xung kích mang tên “Sao chổi”,
“Sao xẹt” đánh xong là biến ngay, không được chạy về đây. Thế nhưng dần
dà theo dõi, bọn mật vụ cũng phát hiện ra ban chỉ huy, có điều chúng
không dám đến gần vì sợ các vệ sĩ đứng 2 bên cổng. Hơn nữa đây là dinh
Phó tổng thống, nơi bất khả xâm phạm.
Trước ngày bầu cử, anh Nuôi có việc rời trụ sở, 4 tên mật vụ và công an
đuổi theo sát gót và bắt được anh đưa về ty cảnh sát, sau đó có lệnh
giải anh về Nha Cảnh sát Đô Thành. Sau 3 tuần khai thác, chúng tống anh
vào khám Chí Hòa.
Cuộc bầu cử Tổng thống độc diễn kết thúc, Liên danh Thiệu - Hương đắc cử
với số phiếu 71%. Trước lễ nhậm chức, cảnh sát chưng hửng khi tiến vào
tòa nhà số 4, Tú Xương - Dinh Quốc Khách của Phó tổng thống trống không,
Tổng hội sinh viên đã dọn đi từ lúc nào.
Ngày 18/3/1972, 10 sinh viên chỉ huy chiến dịch phá bầu cử tổng thống bị
đưa ra tòa án quân sự mặt trận ở bến Bạch Đằng để xử về tội “phá rối
trật tự trị an”. Trước khi đi các anh đã chuẩn bị phương án phá tòa án,
dao lam được bẻ đôi giấu vào tóc, vẽ chữ lên áo thun ráp lại thành biểu
ngữ.
Biện hộ cho các anh hôm đó là luật sư Nguyễn Long và Vũ Văn Mẫu. Trong
cáo trạng của tòa bất ngờ có câu “Bị cáo Lê Văn Nuôi khai lựu đạn MK3
dùng đánh phá bầu cử là do cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cung cấp”.
Tòa cho gọi nhân chứng Nguyễn Cao Kỳ.
Ông Nguyễn Cao Kỳ không có mặt. Tòa đình chỉ nghị án, sau đó tuyên bố hoãn vô thời hạn.
Lập tức các anh túa ra hô to “Đả đảo tòa án quân sự mặt trận”, “Đả đảo
Nguyễn Văn Thiệu”. Các anh lấy dao lam cắt tay lấy máu vẽ lên tường tòa
án chữ “Tự do hay là chết”. Áo thun vẽ chữ được tháo ra ráp thành biểu
ngữ. Cảnh sát và quân cảnh xông vào trấn áp, tống tất cả lên xe trong
tiếng kêu khóc vang trời của các bà má phong trào và thân nhân. Chúng
đưa các anh trở lại khám Chí Hòa.
Phong trào bị đàn áp khốc liệt, nhưng bọn nhà cầm quyền Nguyễn Văn Thiệu
vẫn không bóp được trái tim yêu nước. Những cuộc biểu tình, xuống
đường, đốt xe Mỹ vẫn diễn ra sôi nổi để đấu tranh đòi trả tự do cho các
anh chị, những người lãnh đạo kiên cường của sinh viên, học sinh thành
phố./.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/11/pho-tong-thong-vnch-nguyen-cao-ky-giai.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận
xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001