Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Huế và chiến tranh 


(11/28/2012 08:08 AM) (Xem: 1004)
Những oan hồn xứ Huế năm Mậu Thân - 1968Cố đô Huế đối với tôi có khá nhiều gắn bó, có thể nói suốt trong thời chiến tranh. Có lẽ vì thế hình ảnh của Huế trong tôi cũng hơi khác những người bạn Huế của tôi và ngay cả với người bạn đời của tôi bây giờ, một người Huế chính hiệu. Tôi không phải là quân nhân của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, cũng chẳng phải là lính của Đại Đội Hắc Báo. Vào thời đi lại nhiều với Huế, tôi chưa bị gọi động viên vào quân đội, nhưng lại làm cái nghề có nhiều liên quan đến những mặt trận từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi. Là phóng viên mặt trận cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia liên tiếp 7 năm không kể thời gian bị gọi động viên thụ huấn tại trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi đã có dịp đi khá nhiều trong phạm vi Huế, vùng phụ cận và tỉnh Thừa Thiên. Dường như hai phần ba thời gian nói trên tôi dùng để tường thuật tất cả những gì xảy ra ở vùng Hỏa Tuyến nói chung và Huế-Thừa Thiên nói riêng.
Tôi không sống ở Huế như một người dân Huế, nhưng vui buồn theo cái vui buồn của họ. Tuy chiến tranh tàn phá hàng ngày ở vùng phụ cận, nhưng Huế không bao giờ mất đi cái vẻ mơ mộng của đất thần kinh, nhất là không bao giờ mất đi nét văn hóa đặc biệt của Huế. Tôi gọi một cách nôm na và bình dân đó là văn hóa Huế. Thế nhưng muốn hiểu thật cặn kẽ đất thần kinh, tôi nghĩ chúng ta cần có một cuộc nghiên cứu rất công phu và khoa học về nét văn hóa đặc biệt của vùng đất này thì mới nói hết được cái tinh chất cốt lõi của nó.
Hiện nay, theo những thông tin từ trong nước và từ tổ chức American Joiner thì công trình nghiên cứu của Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng có những điểm đáng chú ý, nhưng ông Phan lại là một nhân vật gây tranh cãi và những tin đồn ông dính dấp tới vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế khiến nhiều người Việt ở hải ngoại và ngay cả người Huế hiện nay nghi ngờ giá trị thực của công trình nghiên cứu này. Riêng bản thân, tôi không dám viết về văn hóa Huế vì sự hiểu biết rất giới hạn của mình mà chỉ viết ra ở đây vài kỷ niệm về Huế vào thời chiến tranh.
Huế là đất của văn học và đồng thời cũng là quê hương của các cuộc tranh đấu. Điều này có lẽ không ai phủ nhận được. Có lẽ vì thế mà một số đông người dân ở Huế thường hay bị ngộ nhận là Tả phái. Nhưng nếu nhìn sâu vào những sinh hoạt của giới trẻ ở Đại Học Huế, người ta thấy rõ phần đồng họ không cực đoan trong các khuynh hướng xã hội và chính trị như người ta tưởng. Phần cốt lõi trong tư tưởng của họ vẫn chỉ là làm sao giữ cho xã hội của Huế không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi do chiến tranh hay do nhà cầm quyền gây ra. Nhà văn Đỗ Tấn, một bạn vong niên của tôi vào thời ấy có lần nói với tôi tại văn phòng của ông ở Đài Phát Thanh Huế vào Mùa Hè 1967: “Cậu cứ kiếm khắp thành phố xem có một snack-bar nào cho lính Mỹ không. Dân chúng ở đây họ buộc hội đồng thành phố và áp lực với ông thị trưởng không cho phép bất cứ người nào kinh doanh loại hình giải trí này, bởi nó sẽ xé nát cái xã hội đang có trật tự ở đây. Sở dĩ người ta hoài nghi lớp thanh niên và sinh viên Huế có đầu óc quá cấp tiến là vì những luồng gió mới về tự do dân chủ khiến cho họ không chấp nhận ngồi yên để cho chính quyền địa phương muốn làm gì thì làm. Họ không thích chiến tranh, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chống chiến tranh, bởi vì một điều rất rõ: Họ không muốn chiến tranh làm thay đổi Huế của họ. Cho nên chính quyền địa phương ở đây nếu không hiểu rõ những suy nghĩ và mối quan tâm của người Huế mà chỉ giản dị chỉ ngón tay và bảo họ là Tả phái hay thiên Cộng.”
Đỗ Tấn nổi tiếng với những truyện ngắn rất sâu sắc của ông đăng trên các nhật báo ở Saigon. Đã có thời gian ông làm việc cho Đài Phát Thanh Huế, hoạt động đảng phái ở Huế và Đà Nẵng. Huế thực ra chỉ là nơi tôi thường tạm dừng chân khi phải làm nhiệm vụ tường thuật ở các mặt trận vùng Quảng Trị. Tôi ít khi lưu trú tại Quảng Trị lâu mà thường sau mỗi công tác tôi quay trở lại Huế. Thứ nhất nếu lưu trú ở Quảng Trị, tôi không có phương tiện gởi tin hay băng ghi âm. Thứ hai, về Huế tôi dễ tìm chỗ trọ hơn và phương tiện gởi tin qua điện thoại quân sự ở đồn Mang Cá, nơi là bản doanh của Sư Đoàn 1 Bộ Binh hoặc có thể vào Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương thường dễ dàng cho tôi hơn.
Thời gian vào giữa thập niên 60, bọn phóng viên mặt trận chúng tôi thường không được chính phủ chi trả đủ tiền ăn và ở khách sạn. Chúng tôi có được trả một số tiền công tác phí nhưng phải một tháng sau mới lãnh được. Cho nên khi nhận lệnh công tác, tôi phải bỏ tiền túi ra trước, rồi lãnh công tác phí sau. Mọi phương tiên di chuyển và lưu trú chúng tôi phải tự lo do quen biết bên Không Quân và những đầu mối liên lạc của chúng tôi ở mỗi địa phương. Ở Huế chỉ có một số ít khách sạn, nhưng giá tiền một đêm đều là giá trên trời, chúng tôi không thể nào chịu nổi. Nhưng nhà văn Đỗ Tấn đã chỉ cho tôi biết hai phương tiện rẻ nhất để trọ tại Huế, đó là thuê đò và thứ hai là ở trọ tại nhà một số quân nhân cơ hữu của Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
Nói đến Sông Hương và đò, tôi bỗng nhớ lại rằng đã có lúc tại hải ngoại có một nhà văn nữ viết bằng tiếng Anh, những điều hơi quá đáng về nước sông Hương và chuyện ngủ đò. Chính vì thế mà nhà văn nữ này đã bị nhiều người chỉ trích. Tôi không bênh vực tác giả cũng như không ngả theo những người chỉ trích. Tôi chỉ viết ra một kinh nghiệm vào thời gian tôi còn là phóng viên lao vào cuộc chiến ở miền hỏa tuyến đó. Thật ra mới đầu, nghe nhiều người đàm tiếu về chuyện ngủ đò, tôi cũng ngại và đem câu chuyễn này ra nói với Đỗ Tấn. Ông cười khà khà: “Thì mi cứ theo tao rồi biết thôi”. Người bạn vong niên của tôi dẫn tôi xuống bến đò Gia Hội. Không cần phải trả giá gì cả bởi vì ông biết rõ từng người chủ đò ở Huế. Chúng tôi hẹn xuống đò vào lúc 7 giờ tối và sẽ xuôi ngược lên cầu Bạch Hổ, và trở lại Gia Hội trước giờ giới nghiêm.
Khi xuống đò mới nhận thấy cái nếp Huế: gia đình chủ đò ở phía sau, một nửa khoang phía trước dành cho khách thuê. Mọi thứ đều tươm tất. Trời tháng 10, Huế đã lạnh lắm. Chủ đò trải chiếc nệm bông ngoài có bọc nhiễu hoa văn và hai tấm mền nhồi bông gòn giống như chăn bông miền Bắc. Nhà văn Đỗ Tấn đã đặt chủ đò cho ăn cơm hến. Lần đầu tiên tôi ăn cơm hến và nhận thấy được cái vị đặc biệt của nó. Ông Tấn nói: “Lợi tức của người dân Huế thua xa người dân ở các nơi khác trên đất nước. Tuy nghèo nhưng lúc nào cũng phải tươm tất. Cậu cứ nhìn gia đình người chủ đò, chỉ ở một nửa khoang thuyền thôi nhưng họ xếp đặt đâu ra đó. Vừa rồi bạn ăn cơm hến là chính hiệu Huế đó, vì ở thành phố này không thiếu gì cơm hến không phải là cơm hến”. Cơm nước xong chủ đò pha cho một bình trà Huế. Theo lời ông bạn vong niên của tôi, gói trà này là do ông đưa cho chủ đò, được hái từ môt vài đồn điền trà còn an ninh tại Bạch Mã. Tôi nghe thì cũng biết vậy thôi, nhưng khi uống loại trà Huế tôi thấy nó hơi khác. Vị chát trong nước trà có vẻ chát hơn so với trà Bảo Lộc, nhưng cái hậu có vẻ ngọt hơn nhiều.
Bến đò chỉ ồn ào vào lúc 7 hay 8 giờ, nhưng nó trở lại yên tĩnh khi các con đò có người thuê lần lượt rời bên. Tôi giục ông Tấn: “Mình đi chứ”. Ông nói chờ một chút để đón ban nhạc. Chỉ khoảng 15 phút sau, một ban nhạc cổ Huế gồm 2 nữ và 2 nam, tất cả đều đã lớn tuổi, lục tục kéo nhau xuống đò. Nhà văn Đỗ Tấn nói cho tôi biết những người này là thành viên của ban nhạc Đại Nội hoặc thuộc gia đình họ. Họ làm thêm để giúp thêm cặp vào ngân sách gia đình. Các nhạc công chơi hai loại đàn, tỳ bà và đàn tranh cho hai ca nữ hát. Họ ngồi chung quanh lò sưởi than hồng trên bong trước của con đò. Người đàn ông chơi đàn tì bà có lẽ là trưởng toán giải thích cho chúng tôi ý nghĩa của mỗi làn điệu ca cổ của Huế. Con đò cứ lững thững bồng bên trên dòng sông lên tới cầu Bạch Hổ rồi tiến lên thêm một quãng nữa. Có lẽ trong suốt thời gian chiến tranh, cái buổi tối ngồi trên đò, nghe những nghệ nhân xứ Huế nói và hát những Nam Ai, Nam Bình, tiếng đàn tranh và đàn tì bà réo rắt trong đêm khuya thanh vắng giữa Hương giang đã trở thành một hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong tim tôi. Đò Huế là như thế và dĩ nhiên nó vẫn có những trò làm vẩn đục nét thanh cao của đò Huế do khách trọ, nhưng đây là cá biệt, không thể vơ đũa cả nắm.
Những người Huế mà tôi quen biết phần lớn là quân nhân và công chức. Họ rất quan tâm đến tình hình đất nước và chính trị. Sự phức tạp của đảng phái ở Huế chỉ sau có Quảng Nam và Đà Nẵng, và chính vì thế mà khi chính quyền ở cố đô được trao vào những người thiếu kinh nghiệm và mang tinh thần quân phiệt nặng nề nên dân chúng xa lánh. Ai cũng biết cơ bản của văn hóa Huế là văn hóa Phật giáo. Ấy vậy mà đã có nhiều giai đoạn nhà cầm quyền ở Huế đã dễ dãi phủ nhận nó và cáo buộc các chùa Phật giáo ở Huế là “ổ Việt Cộng”.
Tôi không bao giờ phủ nhận là có thể có cán bộ Cộng sản trà trộn vào những ngôi chùa này, nhưng không phải là tất cả. Trong cuộc chiến tranh không có chiến tuyến rõ rệt và bí mật, cần phải tỉnh táo, không thể đập chuột trong lọ sành bằng búa tạ. Do xa rời văn hóa Phật giáo và tạo ra nhiều ngộ nhận đẩy lớp thanh niên trí thức Huế sang cánh tả, một môi trường dễ khuyến khích họ lọt vào tay Việt Cộng, chính quyền Huế thường không phải là chính quyền được lòng dân chúng. Người dân Huế hầu hết chịu đựng được cảnh nghèo, nhưng họ không thể chịu đựng được cảnh bất công. Đã tranh đấu là họ tranh đấu tới cùng. Cuộc khủng hoảng Phật giáo năm1963 vì thế đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Chế độ đó sụp đổ không có gì oan uổng cả, nhưng hậu quả nguy hiểm không lường.
Nếu những ai đã có dịp sống với người dân thường ở Huế thời gian sau cuộc đảo chính 1-11-1963 thì sẽ thấy niềm tin vào chính quyền của dân chúng Huế hoàn toàn tan vỡ. Một khi niềm tin không còn thì hệ thống tình báo nhân dân, một hệ thống rất quan trong trong cuộc chiến ở Miền Trung nói chung và Huế nói riêng cũng sẽ kém hữu hiệu. Đó là lý do tại sao khi Thân Trọng Một đưa cả một trung đoàn địa phương vào Huế đêm giao thừa mà chính quyền địa phương không hay biết gì cho đến khi tiếng súng bắt đầu nổ trong thành nội.
Tết Mậu Thân, tôi chỉ đến được Huế vào ngày Tết Đống Đa tức ngày Mồng 5 Tết. Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia ở Saigon bị đánh sập, chúng tôi phải di chuyển lên Đài Dự Phòng ở Quán Tre để làm việc. Những phương tiện hàng không quân sự đến phi trường Phú Bài chỉ dành cho việc chuyển quân. Nhưng do quen biết, tôi có được một chỗ ngồi trên chuyến C-47 chở đạn dược ra Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng tôi phải xin phương tiện di chuyển bằng PT-Boat của Lực Lượng Vùng I Duyên Hải vào đến Bao Vinh. Từ Bao Vinh đành phải đánh liều cuốc bộ vào thành phố Huế, nhưng may mắn đến nhờ được một ông chở xe ôm đưa đến Đài Phát Thanh Huế, và may mắn hơn nữa ông chở xe ôm này không phải là Việt Cộng.
Ngày tôi đến Huế, lực lượng Nhảy Dù đã giải tỏa được cửa Thượng Tứ, nhưng các trận đánh trong thành nội vẫn còn tiếp diễn khá nặng. Do cuộc chiến diễn ra ngay trong thành nội, tôi được chứng kiến những bức tường của Hoàng thành Huế nó vững vàng như thế nào và tôi cho rằng có lẽ Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé dễ bị xâm lăng cho nên những thành quách được dựng lên là kết quả của những sáng kiến quân sự đầy trí tuệ.
Đi ở phía ngoài Hoàng thành Huế, người ta chỉ nghĩ rằng đấy là một thành quách rêu phong, chỉ có giá trị một thời khi người ta chưa có bom đạn như ngày nay. Nhưng tôi đã chứng kiện tận mắt một phi tuần 3 khu trục cơ AD-6 đánh bom và hỏa tiễn vào một ổ kháng cự của Việt cộng cố thủ tại bức thành nằm về phía bên phải Phú Văn Lâu. Bom nặng nhất của không lực VNCH lúc đó là 750 pounds và hỏa tiễn Sidewinder sức công phá cũng tương đương với một trái bom 750 pounds. Những phi công đánh bom và hỏa tiễn rất chính xác nhưng hết một phi tuần, bức tường thành chỉ bị “mẻ” một miếng lớn chứ không sập được, nhưng nếu có lên đứng trên bức tường thành ấy mới thấy rằng hoàng thành chỉ là bức tường dầy vài thước bằng đất nện và trong và ngoài được che chắn bằng đá ong. Nhưng không triệt hạ được những ổ kháng cự gần Phú Văn Lâu thì không kéo lá cờ Mặt Trận Giải Phòng Miền Nam xuống và kéo cờ VNCH lên cột cờ lớn ở đây được. Vì thế cái giá xương máu mà đại đội Hắc Báo của Sư Đoàn 1 Bộ Binh đã phải trả để hoàn thành nhiệm vụ nói trên đắt lắm.
Nhưng điều làm tôi hoảng kinh nhất vẫn là những ngày tôi theo chân đoàn người cả quân lẫn dân đi khai quật những nấm mồ tập thể ở khu trường tiểu học Gia Hội, ở quận Phú Thứ và Giạ Lê Thượng. Những nấm mồ tập thể này gồm thi thể đã rữa thối thuộc đủ mọi thành phần trong khối dân chúng ở Huế bị Việt Cộng bắt khi chiếm Huế. Dân có, cảnh sát có, quân nhân có, tu sĩ có, sinh viên học sinh có.
Trước khi rút hỏi Huế vào ngày 20 tháng Giêng, Việt Cộng đã tập trung số người bị bắt tại những địa điểm nói trên và giết chết họ bằng cuốc, búa và cả rìu bổ củi. Hàng ngàn người bị Việt Cộng xử tử đã bị chôn như vậy, chân tay họ còn bị trói vào nhau bằng giây điện thoại. Thân Trọng Một (người Huế gọi ông ta là Một “chột”) khi chiếm được Huế liền tập trung dân chúng lại và phân loại. Nhà văn Đỗ Tấn cho biết những người bị đem đi thủ tiêu được Thân Trọng Một xếp vào loại nợ máu với nhân dân. Ông nói: “Cái cách giết người ghê tởm như thời trung cổ tôi tưởng chỉ có thể tái hiện dưới thời bọn Đức Quốc Xã, nhưng không ngờ ngày nay (1968) nó lại xuất hiện ở giữa cái đất Huế này”.
Theo ước lượng có khoảng độ 6,000 người bị giết vì họ bị đập vỡ sọ. Cảnh giết người này trên một cánh đồng rộng ở Phú Thứ là đáng sợ nhất. Nó ám ảnh tôi đến cả mấy năm sau đó. Do Việt Cộng giết vội vã và chỉ vùi xuống sơ sài, những cơn mưa xuân ở Huế khiến cho cả một cánh đồng rộng, những bàn tay của người chết bật lên thẳng đứng, mùi hôi thối của thịt người tan rữa, cho nên dù mang khẩu trang dày đến đâu cũng không chịu nổi. Ấy vậy mà thân nhân của các nạn nhân đã nhào những chiếc hố lớn như thế để tìm ra thân nhân họ. Chỉ nhìn vào cảnh ấy, nhiều người đã bật khóc như những đứa trẻ.
Tuy nhiên, theo tôi một cách nào đó, chính cách giết người man rợ đó của Việt Cộng tại Huế đã làm thức tỉnh tất cả những người dân Miền Nam chứ không phải chỉ có Huế. Cái nhìn của người Huế đã có thiện cảm hơn đối với lính, đối với chính quyền địa phương. Dù họ vẫn không ưa gì những việc làm tệ hại của một số quan chức chính quyền Huế, nhưng thảm kịch đã làm cho người dân Huế phải tạm chấp nhận chế độ và kể từ năm 1969, hệ thống tình báo nhân dân mới được lập lại tinh vi hơn và đã làm cho kế hoạch bình định tại Thừa Thiên và Huế hữu hiệu hơn. Chỉ có một điều đáng tiếc là chính quyền Trung Ương tại Saigon đã không có một kế hoạch qui mô hơn để cho toàn thế giới biết người Cộng sản xử sự với dân chúng Miền Nam Việt Nam như thế nào.
Truyền thông của chính phủ đã có đầy đủ những băng ghi hình, ghi âm phỏng vấn những nhân sĩ trí thức, đảng phái và gia đình nạn nhân, nhưng Bộ Thông Tin không hề có một chuẩn bị nào làm một phim tài liệu lớn hay cho in những tài liệu sách báo về Tết Mậu Thân ở Huế. Cuốn phim tài liệu duy nhất liên quan đến Tết Mậu Thân ở Huế là phim “Sóng Đỏ” của Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh, nhưng phim tài liệu này không phản ảnh được đầy đủ tính chất của thảm kịch Tết Mậu Thân ở Huế.
Cách đây khoảng một chục năm, một cộng đồng ở đây đã lập ra một ủy ban sưu tập lại những tài liệu liên quan đến cái chết của 6,000 người Huế trong Tết Mậu Thân để lập hồ sơ truy tố nhà cầm quyền Việt Nam ra trước tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh. Cho đến nay, ngoài một tác phẩm của cựu dân biểu Nguyễn Lý Tưởng không được mang tính chất của một hồ sơ có thể kiện ra tòa án quốc tế, dường như cái ủy ban soạn thảo tài liệu nói trên cũng không còn hiện hữu. Cá nhân, tôi cho rằng thời điểm của năm 1968, chúng ta còn cả một chính phủ, còn đất, còn quyền lực và lại ở ngay ở hoàn cảnh thuận lợi mà đã không làm được điều nói trên thì 44 năm sau, liệu chúng ta còn cơ hội nào có thể làm được những điều mà ai trong cộng đồng cũng mong muốn: để lại một hồ sơ chi tiết cho con cháu mai sau về một trong những thảm kịch lớn nhất, bi thảm nhất mà Huế phải chịu đựng không?
Thật ra khi viết về Huế và chiến tranh, tôi không muốn nhắc lại thảm kịch Tết Mậu Thân. Lý do rất dễ hiểu: Việt cộng phạm vào tôi giết người kinh tởm ở Huế, điều đó không ai có thể phủ nhận được, nhưng nó mới chỉ là vế đầu. Còn vế thứ hai là một câu hỏi: Một thành phố có cả một sư đoàn bộ binh đồn trú, một tiểu khu với những người lính địa phương thuần thục trong chiến tranh, một ty cảnh sát đông đảo với một ban tình báo tinh nhuệ mà để cho Thân Trọng Một kéo cả một trung đoàn vào và chiếm Huế chỉ trong đêm giao thừa? Sao vậy? Chưa có một lời giải thích, chưa có người nào nhận lỗi và từ chức vào thời điểm sau Tết Mậu Thân của chính quyền Huế thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Trong thâm tâm, khi viết về Huế, tôi muốn Huế trong trí nhớ của tôi không có thảm kịch. Huế phải là những buổi sáng, buổi chiều lặng lẽ như nước sông Hương lững lờ chảy. Huế trong tôi phải là mầu tím thẫm của sương chiều mùa Đông trên Ngự Bình. Huế phải là Huế trong quá khứ thấp thoáng những tà áo trắng trên những đường mòn trong thành nội hay trên cầu Tràng Tiền những buổi tan trường. Huế trong tôi phải là những mơ ước thanh bình nương theo giọng Nam Bình hay hò Mái Nhị trên những chuyến đò bập bềnh trôi về Kim Long. Và cuối cùng Huế trong tôi vẫn còn là những hình ảnh trong sáng của nghệ thuật ẩm thực từ nem, tré, bún bò cho tới những loại bánh, chè được chế biến tinh tươm.
Tôi không phải là người Huế, cũng không phải là người hiểu hết văn hóa Huế. Nhưng vì tôi đã có những năm tháng chia sẻ với Huế niềm vui nhẹ nhàng cũng như nỗi buồn day dứt của những biến cố tai ương cho nên thành phố này cũng dạy cho tôi nhiều hiểu biết về con người đất thần kinh. Không đến Huế, không sống ở Huế thì sẽ không hiểu tại sao lửa đạn chiến tranh không làm thay đổi được nếp sống và nét văn hóa Huế, không hiểu được ngay trong lòng của cuộc chiến ngày một lan rộng lúc bấy giờ, Huế vẫn là:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
(V.A)
nguồn:http://www.tuanbaosongonline.com/D_1-2_2-184_4-314/hue-va-chien-tranh.html
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001