Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Nghĩa vụ của mỗi con dân đối với đất nước

Nghĩa vụ của mỗi con dân đối với đất nước 



|
trach-nhiem

Đây là điều mà bất kỳ ai cũng có thể biết nhưng không phải bất kỳ ai cũng biết một cách cụ thể, rõ ràng hoặc chính xác. Chính trong ý nghĩa đó, bài viết này cũng không phải chỉ hoàn toàn thừa.
Bởi ai cũng hiểu được rằng thời chiến mỗi người phải cầm súng giết giặc hay đánh đuổi xâm lăng, còn thời bình thì làm mọi việc góp phần xây dựng đất nước. Nhưng hồi thời nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, nghe theo lời tuyên truyền dụ dỗ hay bị bắt buộc, không phải không có người đã ra đi tận bên trời tây để giúp cho “mẫu quốc” chống nhau với Đức trong Thế chiến thứ nhất. Còn biết bao nhiêu người tích cực làm việc cho Nam triều dưới thời thực dân Pháp cai trị, thật sự cuối cùng cũng chỉ công cốc.
Vậy thì nghĩa vụ của con dân đối với đất nước phải còn là nghĩa vụ do ý thức và do sự nhận thức. Điều này phụ thuộc vào nền giáo dục ở mỗi một đất nước, một quốc gia. Nếu nền giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên một tình yêu nước trong sáng, hồn nhiên, ngay thẳng, hoàn toàn bằng ý thức tự chủ, tự do, độc lập, thì cũng tạo nên được những con người như thế, và mọi việc làm của họ về sau cũng đều tự giác, tự chủ, tích cực, không mù quáng hay không giả tạo. Trái lại nếu chỉ là một nền giáo dục nhồi nhét, một chiều, giả tạo, chủ ý nào đó, cũng chỉ đào tạo ra những tầng lớp thụ động, tiêu cực, hạn hẹp, cũng chỉ là công cụ phụ thuộc mà không hề là những chủ thể độc lập, tự nguyện, tự chủ, năng động.
Thế thì ai là chủ thể chịu trách nhiệm đối vối một nền giáo dục và ai là người thụ hưởng hay là nạn nhân của một nền giáo dục tương ứng? Đó không ngoài những người cầm quyền chính và những tầng lớp thanh thiếu niên. Nếu những người cầm quyền chính là hoàn toàn độc lập, có hiểu biết, có tư duy tự chủ, sáng suốt, có tài năng giáo dục, tất nhiên sẽ đào tạo ra hay mang lại được những thế hệ thanh thiếu niên tích cực, hiệu quả. Trái lại, nếu họ chỉ là những người thụ động, kém cỏi, ngu tối, tiêu cực hay vô ý thức, vô trách nhiệm, những thế hệ con người mà họ đào tạo ra hoặc đem lại cũng chỉ tương tự như thế.
Nhưng qua thời gian, lớp kế thừa được đào tạo ra lại đi lên làm nhiệm vụ lãnh đạo hay quản lý, dĩ nhiên mọi hậu quả chỉ được kéo dài thêm, hằn nặng thêm, và nếu cứ liên tu bất tận như thế, vòng quay cứ càng chậm lại, càng đi xuống, càng rời rã, và tất yếu xã hội sẽ trở nên như thế nào thì mọi người đều biết. Ấy cái ý nghĩa của giáo dục đào tạo chính là như thế, ý nghĩa của học tập, của sự được rèn luyện cũng chính là như thế. Mà khi một sản phẩm tạo ra không tốt, kém chất lượng, khả năng hữu ích cho cái khác, cho cái chung, hay chỉ cho tự nó cũng là rất ít.
Có nghĩa mục đích giáo dục, nội dung hay chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục, và chính con người hay đội ngũ nắm vai trò giáo dục vẫn quan trọng nhất. Nếu mục đích giáo dục chỉ vì dân vì nước, vì chân lý đúng, vì xã hội, vì khoa học, khách quan, thì đó là nền giáo dục tốt, mang lại kết quả cao đẹp. Trái lại nếu nền giáo dục chỉ nhằm các khuynh hướng hay lợi ích riêng tư nào đó, vì áp lực, vì tính toán thiển cận nào đó, đó thực chất chỉ là nền giáo dục xấu, phản giáo dục, phi giáo dục, cuối cùng nó cũng chỉ tạo nên công cụ hàng loạt theo cách tương tự để kế thừa cho nó. Tất nhiên ý nghĩa cao đẹp của nó là không có, kết quả tốt đẹp của nó là không có.
Điều này tất cả mọi người đã từng trong ngành giáo dục đều tất phải biết. Bởi cái cốt lõi của ý nghĩa đào tạo, giáo dục, ngoài nội dung, mục đích ra, lại còn điều quan trọng nhất chính là phương pháp, cách thức, hay cả biện pháp và chiều hướng giáo dục. Nếu phương pháp là tự do, khai mở, không ràng buộc vô lý, nhằm kích hoạt óc sáng tạo, tự chủ, tư duy độc lập, nhận thức và hiểu biết độc lập, nhằm đối thoại, cọ xát để tìm ra cái hay cái đúng, thì đó chính là phương pháp giáo dục tiên tiến, khoa học, hiệu quả và hữu ích. Trái lại chỉ là phương pháp đào tạo theo kiểu nhồi nhét, một chiều, ép uổng, khống chế tư duy, khống chế hiểu biết và nhận thức, chỉ theo hướng hoàn toàn thụ động, tiêu cực, thì đó thật sự chỉ là phương pháp giáo dục phản động, tai hại và tệ lậu nhất.
Người nào được đào tạo, giáo dục tốt tất nhiên dễ trở thành người tốt, hữu ích cho mình, cho mọi người, cho xã hội, đó là ý nghĩa, kết quả cũng như giá trị của giáo dục. Trái lại nếu được đào tạo không tốt, tất yếu lại trở thành ngược lại, đó là điều không thể tránh được, và tất nhiên mọi mặt tiêu cực sẽ thay cho mọi mặt tích cực. Cũng từ đó mà câu hỏi mình phải làm gì tốt cho người khác, cho xã hội, cho đất nước, trái lại với câu hỏi người khác, xã hội, đất nước phải làm gì cho mình, được đặt ra một cách hoàn toàn khách quan, tự nhiên chỉ như một hệ luận. Ý nghĩa của phẩm chất giáo dục mang lại phẩm chất con người chỉ đơn giản như thế. Điều này thật sự chẳng có gì phức tạp hay khó khăn, mà nó vốn chỉ do chính phương pháp giáo dục cũng như mục tiêu giáo dục cùng mang lại.
Mặt khác, trong cuộc đời không phải ai ai cũng đều giống nhau, cũng có địa vị như nhau, cho dù từng nhóm người hay các giai cấp, giai tầng xã hội cũng vậy. Bởi đó tất yếu do điều kiện, hoàn cảnh riêng của từng trường hợp, do sự phân công tất yếu hay hoàn toàn chỉ ngẫu nhiên hoặc tùy lúc của thực tế hay yêu cầu xã hội. Thế nên mọi sự khác biệt trong xã hội là do nhiều nguyên nhân khác nhau, không thể chỉ đổ tội cho một nguyên nhân nào, phương diện chủ quan và phương diện khách quan cũng như thế, phương diện cá nhân, phương diện tập thể, cộng đồng, hay cả toàn xã hội cũng vẫn như thế. Cái gì nếu trách ở khách quan, thì phần nào đó cũng có thể trách được ở chủ quan hoặc hoàn toàn ngược lại. Mọi sự chấp nhận tạm thời và mọi sự nổ lực vươn lên, đó là bài toán trước mắt, chỉ khi nào đến sự bế tắc sau cùng mới có thể cho là số mệnh mặc dầu cũng chẳng thể nào có được sơ sở cụ thể, rõ ràng hay chính xác cho lắm.
Có nghĩa ở bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện nào, mỗi con dân cũng có thể giúp ích gì đó cho đất nước, miễn là mình tích cực, thiện chí, có ý thức và hoàn toàn tự giác. Nói khác đi, giúp ích cho người khác, cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước đầu tiên phải phát xuất từ sự nhận thức, sự tự giác, sự vô cầu, sự vô tư, sự trung thực, sự ngay thẳng, tức nói chung hoàn toàn là sự thiện chí cũng như sự hiểu biết. Bởi thiện chí thì trong bất kỳ trường hợp nhỏ lớn nào cũng đều thiện chí được. Bởi nhận thức thì bất kỳ trong trường hợp nào cũng cần thiết và cũng đều làm được, tùy theo năng lực hiểu biết và nắm bắt như thế nào đó của mình. Chính sự kết hợp nhiều cái sáng  suốt mới đẩy lùi được sự vô minh, kết hợp nhiều nhận thức đúng mới đẩy lùi được cái hiểu biết sai, kết hợp nhiều thiện chí nhỏ mới đẩy lùi được mọi sự tiêu cực, tà ý lớn, không có sự khởi đầu của những cái tốt, mọi cái xấu cũng không thể bị lay chuyển.
Nói như thế không phải chỉ ở địa vị nào đó mới có thể giúp ích cho đất nước hay cho toàn xã hội. Địa vị hoàn toàn không quyết định, bởi nếu địa vị lớn mà chỉ toàn làm nhiều điều xấu hay không dám làm điều gì đó thật sự tốt, thì đó chỉ tai hại mà không phải giúp ích gì cho ai hết. Trái lại tuy trong ý nghĩa riêng biệt, đặc thù, không ai cần thiết lưu tâm tới, nhưng nếu làm được những lợi ích hay thiện chí nhỏ, đó quả là những đóng góp vô hình mà vô cùng lớn lao, ích lợi, mặc dầu có thể chẳng ai hay biết cả. Cho nên chính nguyên tắc vô cầu, có nghĩa làm mà không kể công, không hàm vụ lợi, đó mới là những ý nghĩa, giá trị cao cả hay những căn cơ sâu xa nhất cho toàn xã hội. Đông tay vỗ nên kêu, cũng như tiếng sóng chính là tiếng những giọt nước li ti họp lại, đó lại chính là những thực tế hay nguyên lý khách quan nhất.
Nên nói tóm lại, sự ích lợi hay không ích lợi là nơi kết quả sau cùng của việc làm nào đó. Làm trái lại sự lợi ích chung thật sự, làm ngoài sự lợi ích chung thật sự, cho dù sự nỗ lực đó có đến bao nhiêu, có lâu dài bao nhiêu, vẫn cuối cùng chỉ là dã tràng xe cát. Thế nên nhận thức đúng mới có thể mang lại hành động đúng và hữu ích thật sự. Sự nhận thức đúng là đầu mối của muôn việc. Đó là ý nghĩa của hiểu biết, của trí tuệ, của tri thức hay của trí thức. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành trí thức nếu thật sự trong lòng họ đã quyết tâm như vậy. Có nghĩa ý nghĩa của trí thức vượt lên trên tất cả mọi giai cấp và trở thành tài sản quý báu nhất, tuy vô hình chung, của toàn đất nước toàn xã hội. Sự khinh miệt trí thức, coi thường trí thức, đố kỵ trí thức, đó chỉ là thói hoang dã, hợm hĩnh, dốt nát, thô bỉ, thấp kém, ngu tối mà không là gì khác. Mọi sự tự tin đúng đắn và giá trị, phải cần có nền tảng hiểu biết, nhận thức, còn không cũng chỉ là sự chủ quan, hạn hẹp. Trái lại niềm tin nơi người khác mà thiếu nhận thức, thiếu tinh thần phán xét, thiếu cơ sở thông tin chính xác, đó cũng chỉ là sự mù quáng, sự ngốc nghếch, sự tai hại mà chẳng có ích lợi nào thật sự.
Vậy để kết luận, nghĩa vụ của mỗi con dân đối với đất nước là nghĩa vụ hoàn toàn tự nhiên, bó buộc. Nghĩa vụ này là thực chất, thực tế mà không phải là hình thức hay sự phịa đặt hoặc sự thêu dệt. Bởi đơn giản đất nước chỉ là môi trường rộng lớn nhất, bao quát nhất mọi mặt mà mỗi cá nhân đều sống trong đó. Đó là ý nghĩa ràng buộc hay liên quan tất yếu giữa cái riêng và cái chung, nó là thực tế mà chẳng phải thần thánh hóa hay lý tưởng hóa kiểu cường điệu nào cả. Bởi nếu mọi người biết làm những việc nhỏ, tự nhiên là sự cải thiện tốt môi trường sống chung cho tất cả về mọi mặt. Nguyên tắc truyền lan, nguyên tắc nhân lên mọi kết quả cũng không đi ra ngoài điều đó. Nói khác đi từ việc tích cực nhỏ của mỗi người mới tạo ra sự chuyển động của việc tích cực lớn của số đông hay của toàn thể mọi người. Còn nếu mỗi người đều chỉ hoàn toàn thụ động, tiêu cực, mũ ni che tai, ích kỷ, không dám hi sinh, quyết đoán, quyết tâm về mọi mặt, mọi sự tiêu cực, thụ động càng nhân lên, bao trùm hết cả, thì mọi cái ác sẽ thắng cái thiện, mọi cái sai sẽ thắng cái đúng, mọi sự ù trệ, thoái hóa sẽ kiềm chế, lấn lướt, ngăn cản mọi sự đi lên, phát triển chung của mọi người, của xã hội và của đất nước cũng chỉ là như thế. Bất kỳ cái gì không xây dựng, không phát sinh ngay từ hiện tại thì tương lai chắc chắn cũng không có, đó chỉ là một điều hoàn toàn thực tế và cũng hoàn toàn hết sức đơn giản, tự nhiên và dễ hiểu.
© Võ Hưng Thanh
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/78790/nghia-vu-cua-moi-con-dan-doi-voi-dat-nuoc/2013/08
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001