Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Lê Mạnh Hùng - ‘Ai canh giữ những người canh giữ?’

Lê Mạnh Hùng - ‘Ai canh giữ những người canh giữ?’ 

   at 8/29/2013 10:35:00 AM
Lê Mạnh Hùng

“Quis custodiet ipsos custodes?” Ðó là một câu thơ của nhà thơ La Mã Juvenal mà ta có thể dịch nghĩa ra là “Ai canh giữ những người canh giữ?”

Câu hỏi này đã được đặt ra tại Anh lúc gần đây khi các cảnh sát Anh dùng đạo luật chống khủng bố bắt giữ trong trạm quá cảnh của phi trường Heathrow anh David Miranda, người bạn tình của nhà báo Glenn Greenwald vốn là người đã tiết lộ trên nhật báo Guardian những hành động nghe lén bí mật của cơ quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (National Security Agency - NSA) bị nhân viên hợp đồng Edward J. Snowden lấy cắp đưa ra. Ông Miranda bị cảnh sát bắt giữ theo đạo luật “Chống Khủng Bố năm 2000” cho phép cảnh sát Anh được quyền bắt giữ đến tối đa 9 tiếng dồng hồ trước khi truy tố hoặc thả, đồng thời tịch thu những gì họ coi là tang vật khả dĩ. Người ta tự hỏi nếu các cơ quan an ninh của Anh được tổ chức để bảo vệ đất nước chống lại những nguy cơ khủng bố, thì ai sẽ là người bảo đảm rằng những luật lệ giúp cho họ bảo vệ xã hội chống lại khủng bố không bị lạm dụng?

Photo: Internet

Những quan ngại này đã được gia tăng thêm nữa khi Alan Rusbridger, chủ bút tờ Guardian cho biết cơ quan của Anh tương đương với NSA, cơ quan Bộ Chỉ Huy Viễn Thông Chính Phủ (Government Communications Headquarters) hay GCHQ đã gởi hai nhân viên đến tận tòa báo để kiểm tra việc phá hủy những đĩa cứng chứa những tài liệu mật mà tờ báo được Snowden gởi cho.

Khi tự do báo chí bị vi phạm, các nhà báo đương nhiên là những người đầu tiên lên tiếng. Nhưng những sự kiện vây quanh việc bắt giữ ông Miranda đặt ra cho người ta nhiều vấn đề rộng lớn hơn là chỉ quyền tự do báo chí. Nó không những đòi hỏi người ta phải xét đến bản chất hành động của những người lo về an ninh quốc gia mà còn đến cả vấn đề nhu cầu cần thiết phải bảo mật cho một số tài liệu.

Việc kiểm soát những gì báo chí có thể đăng, hoặc công khai hoặc bí mật không phải xa lạ gì với báo chí Anh. Một hệ thống những chỉ thị không được công bố - được biết dưới tên là D-Notices - đã trói buộc các phóng viên báo chí Anh từ nhiều thập niên. Và như cuộc điều tra của Ủy Ban Leveson về những xâm phạm đời tư của báo chí Anh cho thấy, giữa các cơ quan cảnh sát, báo chí và các nhà chính trị có những quan hệ ngấm ngầm nhưng mật thiết ảnh hưởng đến việc thông tin.

Nhưng những tiết lộ mới nhất này lại trùng với một tình trạng ngờ vực chính quyền gia tăng, đặc biệt là ngờ vực cảnh sát, về phía dân chúng. Cảnh sát Anh hiện đã và đang phải trả lời những câu hỏi về các hành động bí mật trong các cuộc điều tra hình sự và chính trị. Như nhà bình luận Natthew d'Ancona của nhật báo Evening Standard viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhà nước bị khinh rẻ và sự minh bạch được sùng bái.”

Những tiết lộ của ông Snowden về sự hợp tác giữa GCHQ và NSA đã làm sâu đậm thêm những mối nghi ngờ rằng cái “quan hệ đặc biệt” mà các chính phủ Anh vẫn tự hào là có với Hoa Kỳ, thật sự chỉ là một sự khấu đầu hèn hạ trước Mỹ, từ bỏ tất cả những giá trị tự do dân chủ truyền thống của mình.

Shami Chakrabati, người cầm đầu tổ chức nhân quyền Liberty tuyên bố, “Tại Anh, chúng ta sống trong một nước dân chủ lâu đời nhất thế giới chứ không phải là một nước công an trị. Thế nhưng những quyền lực gia tăng trao cho cảnh sát theo luật Chống Khủng Bố đã không được người ta để ý đến.”

Trong tiến trình này, vị thế đạo đức cao của Anh trên chính trường thế giới qua đó phê phán các quốc gia khác đã bị ảnh hưởng. Nhật báo Daily Mirror viết, “Nếu Miranda bị công an bắt giữ tại Moscow hay Tehran thì các bộ trưởng của chúng ta chắc hẳn đã lên tiếng chỉ trích các nước này là vi phạm tự do. Nhưng chuyện này xảy ra tại Luân Ðôn, thành ra chính chính phủ của chúng ta phải trả lời những câu hỏi.”

Nhưng như nhà bình luận Simon Jenkins của tờ Guardian viết, “Hai động lực lớn đang tranh đấu quyết liệt nhưng không ngã ngũ được là ai thắng.”

Theo ông Jenkins, một mặt nhà nước hiện đại đã có khả năng - và đang thực hiện việc thu thập, lưu trữ và xử lý những khối lượng khổng lồ các thông tin điện tử trên toàn thế giới, và quyền lực này đã làm hủ hóa họ đến nỗi họ gần như không còn chịu sự kiểm soát của dân chúng nữa.

Nhưng mặt khác “cái sức mạnh đáng sợ của các chính quyền của thế kỷ thứ 21 này cũng là nhược điểm trí mạng của họ. Kỹ thuật số đã khiến cho dễ dàng một cách đáng sợ việc xâm nhập, lấy trộm và tiết lộ tùy theo ý thích những thông tin tế nhị về hoạt động của những người phụ trách các chính quyền.”

Và điều đó đã được thấy không chỉ trong trường hợp các ông Snowden và Greenwald mà cả trong trường hợp các ông Bradley Manning và Julian Assange.

Cảnh sát Anh có thể bị coi như là đã hành động một cách thô bạo, đe dọa và cuối cùng không hữu hiệu, nhưng hành động của họ là biểu hiện rõ ràng nhất thách thức càng ngày càng gia tăng mà các chính quyền dân chủ phải đối phó, làm sao dung hòa được những nhu cầu về bảo mật, quyền tự do công dân và an ninh quốc gia.

Trong quá khứ chính quyền đã biện minh sự vi phạm những thủ tục bảo vệ quyền của người công dân bằng cách dẫn chứng những thành công trong việc phá vỡ những âm mưu tấn công khủng bố. “Một loạt các vụ âm mưu đã bị phá vỡ và những kẻ âm mưu đã bị truy tố ra tòa. Chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ đất nước chống lại khủng bố.” Ðó là lời tuyên bố của bà Bộ Trưởng Nội Vụ Teresa May khi được hỏi về vụ Miranda này.

Nhưng các giới chức Anh còn chưa xác định được một liên hệ nào giữa việc bắt giữ ông Miranda và tịch thu các thiết bị điện tử của ông với một nguy cơ khủng bố nào cụ thể. Thành ra việc bắt giữ ông Miranda làm người ta có cảm tưởng rằng ai cũng có thể là mục tiêu của các cơ quan an ninh.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/08/le-manh-hung-ai-canh-giu-nhung-nguoi.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001