Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Cảm tưởng sau khi đọc cuốn “Biến động miền Trung” của Liên Thành

Cảm tưởng sau khi đọc cuốn “Biến động miền Trung” của Liên Thành 



|
mientrung

Vào ngày 18/07/2009, tại nhà hàng Hoà Bình thành phố Fairfield Sydney, có tổ chức một buổi phát hành cuốn Biến Động Miền Trung của ông Liên Thành. Đây là một cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi vì tác giả ngày xưa là cựu Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên – Huế, nên đã nắm trong tay rất nhiều bằng chứng trong vụ Việt Cộng tấn công vào ngày Tết Mậu Thân năm 1968.
Trong cuốn sách nầy từ bên Mỹ, cho tới bên Úc Châu người ta đã nói quá nhiều rồi. Nhưng với tôi dường như nó còn đang lấn cấn một điều gì, thiếu sự trung thực, thiếu sự tra cứu, thiếu sự tham khảo tài liệu bên Phật Giáo. Mặc dầu trong đầu tôi lúc nào cũng nhớ tới ông Liên Thành, là một ông Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia. Cho nên khi viết về biến động miền Trung, thì ông ta đã có trong tay rất nhiều chứng cứ.
Nhưng trong cuốn Biến Động Miền Trung, trang 209, Thẩm vấn Trung tá Hoàng Kim Loan, đọc xong tôi lại ngẩn người. Tôi cũng không biết rằng đây là một cuốn sách đã chứa đựng những điều bí mật của miền Trung hay không, hay là chỉ chứa đựng những điều bịa đặt. Càng đọc đi đọc lại nhiều chừng nào, thì trong tâm trí tôi lại càng thất vọng não nề.
Bởi vì theo như trong cuốn sách, mô tả Hoàng Kim Loan là một người chỉ huy Tổng Cục 2 Quân Báo & Cục Tình Báo Chiến Lược rất tài tình. Ngoài tài phản gián đó ra, Hoàng Kim Loan còn chỉ huy luôn cả thượng toạ Thích Trí Quang, sinh viên, học sinh, trí thức, giáo sư, Thượng toạ Thích Đôn Hậu và một số tướng lãnh, cũng như sĩ quan cấp úy, cấp tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà thời đó.
Như vậy Hoàng Kim Loan là một người có tài xuất qủy nhập thần, thì việc vây bắt ông ta, cũng phải cần đến một tay tình báo, một cấp chỉ huy có bản lãnh như ông Liên Thành trong thời kỳ đó.
Trong trang 184 tác giả viết: Hoàng Kim Loan, hắn là ai:
“Hoàng Kim Loan sinh và chánh quán tại xã Phong An, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Tính đến tháng 5/1972 hắn vừa đúng 56 tuổi. Có vợ trú ngụ tại xã Phong An. Có hai con, một gái và một trai. Con trai của hắn phục vụ trong binh chủng Thiết Giáp Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cấp bực đại úy, con gái buôn bán và sống với mẹ. Ngoài ra, em của hắn là Hoàng Mạnh Hùng, làm Chủ tịch Hội đồng xã Phong An, chính quyền Việt Nam Cộng Goà”. (hết trích)
Như vậy thì nhân thân ông Hoàng Kim Loan nầy cũng thuộc bề gia thế, có người con đeo tới lon đại úy thì cũng thuộc loại có sừng, chớ đâu phải là loại dân khố rách áo ôm. Nhưng không biết sao ông Liên Thành đã biết rõ Hoàng Kim Loan có tới 18 tuổi đảng (cộng sản), và là một người cán bộ chủ chốt ở tỉnh Thừa Thiên. Như vậy thì trong một quá trình dài tới trên 20 năm hoạt động nội thành của trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, nó gây ra biết bao nhiêu tai hại, như vậy mà sao ông Liên Thành không chịu bắt, phải đợi tới năm 1972 thì ông ta mới chịu ra tay.
Theo như trong cuốn Biến Động Miền Trung, từ trang 184 – 185 với đề mục Hoàng Kim Loan, hắn là ai được tác giả Liên Thành viết như sau:
“Mậu Thân năm 1968, Hoàng Kim Loan phụ trách tổng khởi nghĩa, thành lập ủy ban nhân dân cách mạng tại Thưà Thiên – Huế. Cùng với Nguyễn Trung Chính cán bộ nằm vùng, Phan Nam tức Lương, cán bộ thành ủy, đã được Nguyễn Hữu Vấn, giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc làm chủ tịch ủy ban nhân dân quận 1. Nguyễn Thiết, bí danh Hoàng Dung làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2. Năm 1955 (?) Thiết vượt vĩ tuyến 17 vào Nam với ngụy thức tìm tự do, sau đó học luật và len lỏi vào được ban chấp hành Tổng Hội Sinh Viên đại học Huế, tại đây Thiết phụ trách sinh viên vận” (hết trích)
Chúng ta chỉ cần đọc qua một đoạn ngắn nêu trên, thì sẽ thấy ông Liên Thành đã nắm rất rõ những tên tuổi Việt Cộng nằm vùng. Nhưng tại sao ông ta không vây bắt, để cho tới Tết Mậu Thân năm 1968. Việt cộng đã sát hại tại Huế hơn 5,000 người, như vậy có phải là một việc sai lầm, dưỡng hổ di hoạ về sau hay không?
Vì bài viết trong cột báo có giới hạn, nên tôi không thể trích nhiều. Nhưng tôi rất nghi ngờ trong cuốn Biến Động Miền Trung, có phải ông Liên Thành là một nhà tình báo chiến lược, đã biết rõ mấy tay Việt Cộng gộc nằm vùng như giáo sư Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân và còn rất nhiều tên Việt Cộng nằm vùng khác nữa. Hay là ông ta chỉ mới biết sau ngày miền Nam bị thất thủ, hay ông ta chỉ nghe người nầy, người kia ngồi nhậu rồi nói lại để ông ta nghe. Ở nơi trang 187, ông Liên Thành đã viết như sau:
“Khi bị tôi còng tay vào tháng 5/1972, hắn 56 tuổi, cao khoảng 1m60, nặng khoảng 58kg, da trắng, mái tóc bềnh bồng, bạc hoa râm, mang kính trắng. Hắn có dáng dấp của một học giả, một nhà thơ, hay giáo sư văn chương. Bất kỳ ai, ngay cả nhân viên công lực, tình báo, không ngờ hắn là một cán bộ cộng sản cao cấp, một điệp viên cộng sản” (hết trích dẫn).
Phải nói đọc tới chỗ nầy, tôi cứ tưởng tác giả đang tả chân một anh kép hát. Không ngờ đó là Trung tá điệp báo Hoàng Kim Loan, vậy là ông Liên Thành đã biết rõ như biết món đồ đang bỏ trong túi áo của mình. Đó là tôi chưa nói tới trường hợp ông Thượng toạ Thích Trí Quang và Hòa thượng Thích Đôn Hậu. Cả hai ông nầy đã bị ông Liên Thành phát hiện là chân tướng cộng sản từ khuya, ông biết luôn cả Hoà thượng Thích Đôn Hậu, và Thích Trí Quang do ai kết nạp vào đảng cộng sản, năm nào, ở đâu. Nhưng ông Liên Thành không bắt, mà phải đợi tới năm 1972, ông ta mới bắt một mình Trung tá tình báo Hoàng Kim Loan mà thôi. Như vậy thì hai ông họ Thích kia chắc là gốc bự, rớ tới thì bị phỏng tay liền…
Nhưng lý thú nhứt là trong lúc bố trí lực lượng vây bắt, đây là một cú bắt Việt Cộng lý thú có một không hai. Phải nói cách sắp đặt như vậy, thì con muỗi bay qua cũng không lọt chớ đừng nói chi tới con người. Như vậy thì Hoàng Kim Loan chết chắc rồi phải không…
Cũng nơi trang 195, Chiến Dịch Bình Minh, tại phòng hội Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên – Huế do đại úy Liên Thành chỉ huy chiến dịch, gồm có không biết bao nhiêu sĩ quan, cảnh sát, quân đội đi vây bắt Hoàng Kim Loan. (phải nói một chiến dịch vây bắt Hoàng Kim Loan chưa từng có trong lịch sử, xin độc giả người nào có sách hãy lật ngay trang 195 – 203 trong cuốn Biến Động Miền Trung)
Nhưng đến khi đại úy Liên Thành chỉ huy vây bắt, vòng vây từ từ siết lại. Đến 4giờ 30 sáng ngày 6/5/1972 thì ông Liên Thành và toán cảnh sát chỉ còn cách mục tiêu khoảng 300 mét. Đó là một ngôi nhà nằm sâu trong thôn Vỹ Dạ, được ông Liên Thành điều động toán lính xông thẳng vào căn nhà bằng cửa chính. Đoạn đường từ cửa chín vào tới nhà khoảng chừng 150 mét, mười nòng súng M16 dưới quyền chỉ huy của ông Liên Thành chỉa thẳng vào 3 người đang ngồi nơi chiếc bàn nhỏ uống trà. Ba người đó là:
- Trung tá Việt Cộng Hoàng Kim Loan.
- Lê Phước Á, giáo sư trường trung học Nguyễn Du.
- Lê Quang Nguyện, nghị viên Hội Đồng tỉnh Thừa Thiên của chánh quyền Việt Nam Cộng Hoà. (trang 203. Hết trích)

Như vậy thì bị hốt trọn ổ, từ nay khỏe re. Huế không còn gì lộn xộn nữa. Nhưng không, khi chỉa họng súng vừa xong. Chính trong cuốn Biến Động Miền Trung, ông Liên Thành làm cho tôi quá đỗi bất ngờ và thất vọng, khi đọc tới những dòng như sau:
“Chào trung tá Hoàng Kim Loan, thành ủy viên thành ủy Huế. Tôi, đại úy Liên Thành, trưởng ty công an Thừa Thiên – Huế. Cuộc chơi của mình chấm dứt ở đây. Ông thua rồi!” (trang 204. Hết trích).

Húy trời, đọc xong tôi lại tối tăm mặt mũi. Tôi có cảm tưởng đây là một hài kịch trên sân khấu cải lương, chớ ở ngoài đời làm gì có một ông trưởng ty cảnh sát quốc gia, lại có những lời lẽ “hài” với một tên Việt Cộng gộc nằm vùng như vậy chớ. Phải nói trong nghề nghiệp, móc còng số 8 ra bập trước, tống hết lên xe bít bùng để tránh nguy hiểm có thể xảy ra. Vì ba ông “kẹ” đó, thì bắt buộc toán công an cảnh sát khi vây bắt thì phải đề phòng, là còn lực lượng vũ trang bảo vệ của Việt Cộng bắn trả để còn giải thoát. Chớ từ cổ chí kim, từ đông sang tây, đâu có ông trưởng ty cảnh sát quốc gia nào mà đi bắt tội phạm nguy hiểm bằng cách đó bao giờ. Nếu qúy vị không tin tôi, mở đài truyền hình số 9 lên thì sẽ thấy tụi Úc, tụi Mỹ gì thì nó cũng móc còng số 8 ra bập trước, lục soát coi trong túi của tụi nó có súng lục hay không. Chẳng lẽ ông Liên Thành nầy lại mình đồng da sắt, nên ông ta không sợ chết, mà ở đó đứng nói chuyện cù nhây, chẳng khác nào mâý anh kép hát cải lương, trước khi chết phải ca 6 câu vọng cổ rồi thì mới chịu nằm lăn ra chết hả…
Nhưng chưa hết màn hề, mà tôi còn đọc tiếp:
Trong phút chốc, hắn lấy lại bình tỉnh trả lời tôi:
- Ông lầm rồi đại úy Liên Thành, kẻ thua cuộc chính là ông, là đám Ngụy quân, Ngụy quyền của các ông. Chỉ trong vài giờ đồng hồ nữa đây, trong ngày hôm nay, quân giải phóng và quân đội nhân dân sẽ tiến vào thánh phố. Nhân dân anh hùng Thừa Thiên – Huế sẽ tổng nổi dậy lật đổ chánh quyền bù nhìn các anh, chánh quyền cách mạng sẽ thành lập. Hắn còn buông câu thơ con cóc của ông Hồ:
Mỹ thua, Mỹ chạy về Mỹ.
Ngụy thua Ngụy chạy về đâu?
- Đại úy Liên Thành, ông buông súng đầu hàng đi, chính quyền cách mạng sẽ khoan hồng cho ông…”( trang 204. Hết trích).
Trời đất cái gì mà kỳ vậy ông Liên Thành, bộ ông định giỡn chơi hay sao chớ. Hỏng lẽ lúc đó ông lại vểnh lỗ tai để nghe những lời xúc phạm như vậy hay sao. Hay là lịch sử chưa bao giờ diễn ra như vậy, mà ông có tánh “hề” nên viết bậy rồi pha trò cho vui. Chớ tôi không tin, đó là câu chuyện thật…
Còn rất nhiều chỗ rất đáng mắc cười, nhưng hãy để cho độc giả, tự đọc rồi cười một mình ên cũng được. Ở đây tôi xin trích thêm một đoạn phỏng vấn tên Việt Cộng Hoàng Kim Loan nầy, mà chính đích thân ông Liên Thành là Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên – Huế phỏng vấn mới chết chứ. Cái nghề tình báo cao tay ấn như vậy, thảo nào mà Tết Mậu Thân cố đô Huế không bị tan tành. Phải nói trong suốt mấy trăm trang sách, ông Liên Thành đã khoe khoang rất nhiều thành tích về việc khai thác trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan, nhưng có một đoạn khi đọc xong tôi cười lộn ruột, đoạn phỏng vấn điều tra đó như sau:
“Xe gần đến nhà an toàn, tôi bỗng nói với người tài xế:
Thêm, quay xe trở về Bộ Chỉ Huy.
Nhiều khi chỉ là một câu chuyện vu vơ, như chuyện tên đệ tử đi chơi bời bị bịnh lậu mà lại gặp được việc lớn.
Một ý tưởng đến thật nhanh trong đầu tôi, thật tồi bại, hạ cấp, nhưng biết làm sao hơn, khi tôi đã đối xử với Hoàng Kim Loan bằng luật giang hồ của chánh phái, nhưng không kết quả. Bây giờ tôi phải dùng luật giang hồ của tả phái…
Tôi quay lại gọi trung úy Tuất, biệt đội trưởng Biệt Đội Hình Cảnh, bảo qua Bộ Chỉ Huy gặp tôi…
Hắn gặp tôi tại văn phòng, tôi hỏi hắn:
- Trong đám các chị em bị ta bắt, có người nào dáng dấp coi được, tuổi chừng 25 – 26 không? Hắn trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên:
- Có 5 người, trong đám có một em trông ngộ lắm, khoảng 25 tuổi người Nam, mới từ Sàigòn ra Huế mấy tuần thì bị bắt, đang làm phiếu trình chờ anh ký lệnh tống xuất khỏi Huế, nhưng em nầy bị bịnh, nhẹ thôi.
- Sao anh biết?
- Mấy thằng đệ tử của tôi dính rồi.
- Tôi muốn em nầy, anh đem sang đây gặp tôi được không?
Hắn nói lớn trong phòng:
- Thiên hạ ơi! Thầy tu phá giới.
- Nói nhỏ thôi, đám tà lọt ngoài cửa nghe hết bây giờ, anh suy nghĩ bậy bạ rồi phải không? Vụ nầy là “Điệp vụ” thứ thiệt đấy!” (trang 224-225. Hết trích).

Phải nói rằng trong một buổi trưa buồn hiu hắt, tôi đang ngồi viết bài nầy mà bỗng cười khan. Bởi tôi không ngờ một ông trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Thừa Thiên, lại dùng một điệp vụ điều tra gì mà rất ư là quái đản. Hành quân bắt đĩ lậu, có bịnh lậu mủ, đem về gài độ cho Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan chơi cho bể ống khói đèn, đái không ra, tới chừng đó thì ông ta chịu không nổi thì khai ra hết đồng bọn chớ gì…
Điều tra kiểu nầy, mấy thằng Việt Cộng nằm vùng thằng nào cũng trông cho được ông Liên Thành bắt hết. Vì khi bị bắt, ngoài việc được chơi đĩ chẳng tốn tiền, còn được ông Liên Thành đãi ngộ có con ở nấu cơm. Tối đến thì cơm no bò cỡi. Lâu lâu lại đấu hót võ miệng với ông Liên Thành cho nó đã cái nư, sau đó còn được một màn chơi đĩ chùa, vì đã có công an cảnh sát dưới trướng ông Liên Thành đi bố bắt về, rồi lựa sẵn một em mới vừa hăm mấy tuổi…
Cũng trong trang 225 – 226 nêu trên, lại còn thêm một đoạn rất là hài hước, mà tôi cũng phải ráng ngồi trân mình đọc:
- Không có chi phải sợ, cô ngồi xuống đi. Cô tên gì, mấy tuổi?
- Dạ thưa quan Đại tá, em 25 tuổi, tên Thu Cúc. Em ở Cần Thơ mới ra Huế có mấy tuần thì bị bắt.
- Tôi không phải là Đại tá, mà Đại úy, Trưởng Ty Cảnh Sát. Tôi có tí việc nhờ cô giúp. Nếu cô hoàn tất được công việc nầy, tôi sẽ tha cô, cho cô vé máy bay và một ít tiền về lại Cần Thơ, chịu không?
- Dạ được … dạ chịu.
Cô nấu ăn được không?
- Dạ được, đàn bà con gái mà ai chẳng biết nấu ăn, em nấu ăn theo kiểu người Nam.
- Nam, Bắc, Trung gì cũng được, không phải là chuyện chính. Chúng tôi có một người bạn trên 50 tuổi, nhiều năm rồi ăn chay chớ không ăn mặn. Anh em chúng tôi cá với nhau ai làm cho hắn chịu ăn mặn thì người đó thắng cuộc. Cô giúp chúng tôi được không?
- Dạ dễ, em làm được. Như vậy ông nầy tu tại gia, ông ăn chay sao bắt ăn mặn làm gì, tội ông ta.
- Sao cô biết tu tại gia?
- Dạ em có người anh cả, tu tại gia, đạo Cao Đài, ông ăn trường chay.
Nguyễn văn Quan, thằng cha đại ba trợn, hắn chen ngay vào:
- Không phải đâu em gái ơi! Không phải ăn chay, ăn mặn thứ thiệt như em nghĩ đâu, mà ăn mặn là thứ em thường nằm sấp, nằm ngửa với khách hàng đó, hiểu chưa em…
- Dạ, tưởng gì chớ chuyện đó em làm được, nghề của em mà” (Hết trích)

Mặc dầu tôi là một người ít học, nhưng đọc tới đoạn văn nầy, sao tôi cảm thấy thương cho thân phận của người con gái Việt Nam. Từ trào quốc gia, cho tới trào cộng sản. Số phận của đàn bà con gái Việt nam cũng chẳng ra gì, ngay như một ông Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên, cũng bắt cô gái nầy tên là Thu Cúc, quê ở Cần Thơ, có người anh cả theo đạo Cao Đài. Làm đĩ ở ngay trong ty cảnh sát, vừa nấu cơm, vừa giặt đồ để khêu gợi cho tên trung tá Việt Cộng nằm vùng nổi máu dê, để nó chơi cho sướng, cho ông trưởng ty dễ bề khai thác. (tại sao ông Liên Thành phải gài cho cô gái nầy khai có người anh là đạo Cao Đài, mà không phải là đạo khác. Chẳng hạn như Công Giáo hay Phật Giáo). Điều nầy có ngụ ý gì không, bởi mấy câu đối thoại đó không cần thiết, nó chỉ dài dòng, gây mất ý nghĩa của câu “thọai” mà thôi. Nhứt là câu “nghề của em mà”…
Chưa hết ở trang 229 thì ông Liên Thành viết: Trong khi đó bác sĩ Hồ, đại đội phó CSDC/102 gâp tôi:
- Bác sĩ, tôi cần anh chữa bịnh cho một người. Hắn bị bịnh nhưng chưa cần chữa cho dứt hẳn, chỉ cầm chừng.
- Ông Ty lại chơi rò gì nữa đây, sao lại không chữa cho lành luôn?
- Thằng nầy Việt cộng thứ hạng nặng đã bị mình bắt. Hắn bị em gái hậu phương Thu Cúc “cấy sinh tử phù” vào người hắn, hắn bị rồi. Anh chữa cầm chừng, mình cần làm áp lực với hắn.

- Tôi hiều rồi, chuyện dễ, tôi chỉ chích và cho uống thuốc nhẹ thôi thì bịnh hắn sẽ kéo dài, không nặng, không nhẹ. Đến khi nào có lệnh của ông, tôi chữa lành ngay. Bệng nầy thường lắm nếu chỉ nóng sốt, đau nhức ở chỗ đó, khó tiểu và có mủ. (Hết trích). Sao kỳ vậy ta. Hỏng lẽ cái bịnh lậu mủ nó ghê gớm hơn những đòn tra tấn dã man, mà ông Hoàng Kim Loan nầy phải khai. Trong khi đó thì có biết bao nhiêu tù nhân chánh trị khác, kể cả đàn bà. Họ đã bị cỡi truồng, thả rắn bò vô cửa mình, nhưng họ cũng chẳng thèm khai. Vì trong đầu của họ lúc nào cũng trung thành với đảng, chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phải cách khai cung đặc biệt nầy mà trước năm 1975 ông Liên Thành in thành tài liệu, gởi tới các cơ quan An Ninh, Cảnh Sát Quốc Gia thì cơ sở hoạt động nội thành của cộng sản bị hốt hết…
Một con đĩ lậu bị cảnh sát hành quân bắt đem về Ty Cảnh Sát Quốc Gia, có dám cả gan nói với một ông trưởng ty cảnh sát câu đó không? Điều nầy làm cho tôi ngờ vực, bởi thời nào cũng vậy. Một ông trưởng ty cảnh sát quyền hành ghê gớm lắm, không có một người tội phạm nào dám đứng trước mặt mà trả lời như “giỡn” như vậy được đâu. Ngay như ông bác sĩ Hồ mà còn khúm núm, biết ông Liên Thanh đang biểu mình làm một chuyện ruồi bu. Vậy mà cũng không dám cãi!
Nếu chuyện nầy có thật, như ông Liên Thành đã tường thuật lại trong cuốn Biến Động Miền Trung, liệu còn gì nhân phẩm và đạo đức của một con người nắm giữ an ninh chánh quyền trong thời đó. Nhưng thôi dầu gì thì đây cũng là một câu chuyện quá đau lòng, tôi cũng không thể nào suy nghĩ khác hơn, thôi hãy để cho độc giả cứ đọc, rồi nghiền ngẫm sự đời thì ắt hiểu.
Tuy nhiên chính ở những trang sách nầy làm cho tôi mất ngủ, vì từ trước tới nay tôi rất tôn trọng chữ nghĩa của mọi người. Như vậy thì Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan có đúng là một nhà tình báo chiến lược hay không, có phải là một người chỉ huy tài ba, đã đánh sập một góc quốc gia ở miền Trung trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, hay cũng chỉ là một tên cán bộ thành ủy tầm thường, cũng như bao nhiêu cán bộ cộng sản khác đã bị bắt nhốt đầy trong khám, hoặc ngoài Côn Đảo…
Nếu là cán bộ tình báo chiến lược, lẽ nào lại phạm vào một điều tình báo sơ đẳng, là đi chơi con đĩ lậu khi ông Liên Thành mang đến. Hay là ông Liên Thành cảm thấy lớp bụi thời gian nó đã phủ mờ, bây giờ Hoàng Kim Loan đã chết từ lâu, hôm nay nổi hứng lấy cái thây ma của Hoàng Kim Loan ra để làm bàn đạp tâng công cho mình luôn thể…
Tôi không tin là câu chuyện điều tra nầy có thật, cho dẩu một người dân lao động, một người đạp xích lô, hay người nông dân thì họ cũng có tự trong của một con người. Họ không thể đè cái cô Thu Cúc nào đó ra chơi như ông Liên Thành dàn dựng ra trong trang sách Biến Động Miền Trung, nếu chuyện đó có xảy ra, thì chỉ xảy ra trong tiểu thuyết.
Nhưng nêú là tiểu thuyết, thì cũng không có nhà văn nào lại đi hư cấu vụng về như vậy. Bởi một điệp báo chiến lược từ miền Bắc do Hồ Chí Minh cài vào, mới vừa bị bắt trong thời kỳ lấy cung, thì đâu có vui sướng gì mà rửng mỡ. Cái đó thì phải đợi tới màn sau, chớ mới vô màn đầu mà chơi liền thì kể như vãng hát. Hơn nữa cái lớp mỵ nhân kế nầy nó rất vụng về, nó tệ hại còn hơn mấy con mẹ tàu kê đang toa rập với mấy con đĩ đứng đường, để giựt xe gắn máy hiện nay, khi dụ được mấy ông già rững mỡ dắt vô Nhà Trọ…
Chưa hết, mà ở ngay trang 209 – 218. Độc giả sẽ thấy một sự hỏi cung rất lạ đời, tôi xin trích một đoạn trong trang 217-218 như sau:
Tôi cười nhẹ, nhìn hắn:
- Chiều nay tôi đến gặp ông là muốn đem đến tặng ông món quà. Tôi xoay qua Ân:
- Cho đem quà vô đi.
Cánh cửa bật mở. Một người đàn bà bước vào và theo sau một người đàn ông mặc quân phục Việt Nam Cộng Hoà, cấp bậc Đại uý, bên vai mang phù hiệu binh chủng thiết giáp.
Vừa thấy hai người đó, Hoàng Kim Loan sửng sờ bất động, mặt tái xanh.
- Trung tá Loan, người nầy ở ngoại thành Hà Nội vào thăm ông và người nầy đang tu nghiệp ở Liên Xô về thăm ông.” (còn một đoạn đối thoại nữa quá dài dòng, nên không thể trích ra mong độc giả tìm đọc trong sách, nếu có mua. Thôi thì cũng phải mua, để biết mặt cuốn sách Biến Động Miền Trung)

***
Một giờ sau, tôi và Ân trở vào. Hai nhân viên thẩm vấn cho biết họ chẳng nói gì ngoài chuyện gia đình. Tuy nhiên Hoàng Kim Loan đã đưa chiếc đồng hồ Oméga của hắn cho vợ, nói là đem bán đi để có tiền chi tiêu trong gia đình.
Cả ba người người bây giờ có vẻ bình tĩnh hơn. Tôi nói với vợ Hoàng Kim Loan:
- Bây giờ chị có thể về. Sau nầy bất cứ lúc nào chị muốn thăm ông thì gặp tôi hay đại úy Ân.
Tôi lần trong túi áo có được 1.500 đồng. Hiểu ý tôi, Ân cũng đưa ra được 1.200. Tôi hỏi nhỏ Ân:
- Tiền nhậu phải không? “Ôi Thiên Tường, ôi ba xị đế” phải không? Ân cười.
Tôi cuộn tròn số bạc dúi vào tay chị ta:
- Chị cầm lấy. Lần sau chúng tôi giúp chị nhiều hơn. Chị giao chiếc đồng hồ cho ông, không cần thiết phải bán.
Chị ta lúng túng nói nhỏ lời cám ơn và giao lại chiếc đồng hồ cho Hoàng Kim Loan. Tôi và Ân giúp chị ta một ít tiền là xuất phát từ tấm lòng trắc ẩn tự nhiên của tình người đối với một người đàn bà nghèo đang gặp khổ nạn, hoàn toàn không có ý lợi dụng hành động đó để mua chuộc Hoàng Kim Loan”. (trang 218. Hết trích) .

Ở trong nước Úc tại đây chắc cũng có nhiều sĩ quan cảnh sát, vậy có ông Cò nào có thể cho tôi biết. Tất cả can phạm, hình sự, chánh trị, tù binh, hàng binh. Có được quyền giữ tiền bạc, tư trang hay được quyền đeo đồng hồ trong lúc ở tù đang lấy cung hay không. Hay tất cả đều được người cảnh sát có trách nhiệm cất giữ, rồi giao cho một tấm biên lai. Nếu sau nầy được thả, thì họ sẽ trả lại, còn nếu quên thì chắc cũng chẳng có ai dám đòi…
Nhưng ở đây thì vợ Hoàng Kim Loan là ai mà chẳng thấy để tên. Còn ông đại úy kia là ai mà cũng chẳng dám để tên, mà chỉ cho biết ông nầy ở binh chủng thiết giáp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, là con của điệp báo Trung tá Hoàng Kim Loan. Như vậy đó là những điều bí mật lịch sử chưa tiết lộ, hay là những mẩu chuyện hoang đường. Hay là ông Liên Thành sợ phải đối diện với sự thật, khi người con của Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan còn sống. Họ xin đối chất, để nói lên sự thật. Hoặc không có người con nào của Hoàng Kim Loan đi lính thiết giáp, mang tới cấp bực đại úy như ông Liên Thành đã đề cập ở trên. Tại sao một cuốn sách có gía trị về mặt lịch sử của biến động miền Trung, mà ông Liên Thành viết y như là đùa giỡn…
Rồi tới bà vợ Hoàng Kim Loan là ai, cho dầu bà là một người nghèo khổ, mua thúng bán bưng để nuôi sống gia đình. Đâu độc giả thử tìm câu trả lời giùm tôi, “bà ta” có đủ can đảm để cầm 2.700 đồng của ông Liên Thành hay không? Đó là tôi chưa nói tới đạo đức, phẩm hạnh, tư cách một con người không cho phép bất cứ người nào ở trong hoàn cảnh đó, mà cầm tới xấp tiền của một ông Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia trong lúc đó.
Vậy thì việc ông ông trung tá điệp báo, đã từng chỉ huy nhân dân tỉnh Thừa Thiên nổi dậy cướp chánh quyền thành phố Huế trong Tết Mậu Thân, rồi lập ra chánh quyền, tổ chức tới cấp quận trưởng, toà án nhân dân. Khi bị ông Liên Thành bắt mới có mấy ngày, rồi bị ông Liên Thành gài cô Thu Cúc “đĩ lậu” vô làm con ở nấu cơm. Tối đến đè con nhỏ ra chơi liền không, nếu nói người đó là mấy ông ngư phủ đi biển đánh cá lâu ngày, về gặp bà xả thèm nhịn không nổi chơi liền một phát thì tôi tin. Chớ còn một ông cán bộ điệp báo “ngoại hạng” như vậy, mà chơi sảng thì tôi không tin.
Hay là bây giờ ông đại úy thiết giáp đó, cũng như hai vợ chồng điệp báo Trung tá Hoàng Kim Loan đã nằm yên dưới tận đáy mồ. Bây giờ ông Liên Thành mới nổi hứng, dựng đứng họ dậy để đánh bóng tên tuổi của mình một cái coi chơi. Bởi vì theo như trong cuốn Biến Động Miền Trung, thì Hoàng Kim Loan sau ngày 30/4/1975 thì từ Côn Đảo rước về, được chuyển ra miền Bắc an dưỡng. Sau đó cũng được phục chức ngon lành, khi đi ăn đám giỗ về tới nhà bị bạo bịnh rồi chết…
Nhưng có một điều làm cho tôi bức xúc, là trong lúc phát hành cuốn Biến Động Miền Trung tại Nhà Hàng Hoà Bình Fairfield Sydney. Ông Liên Thành lại hài danh tánh các tướng tá của mình, có liên can đến Việt Cộng ở đây. Đây là một điều rất lạ, những ông tướng đó là tướng Nguyễn Chánh Thi, Lê Văn Nghiêm, Trần Văn Trung, Đàm Quang Yêu, Phan Xuân Nhuận.
Mặc dầu 5 ông tướng nầy có người con sống, có người đã chết. Nhưng trong số độc giả chúng ta thì cũng đã biết, là cuộc biến động miền Trung, là do một số tướng lãnh không phục tùng tướng Nguyễn Khánh, kế đến là Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, đó là tướng Nguyễn Văn Thiệu và tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo. Nhưng không vì thế, mà nói 5 tướng nầy đi theo cộng sản.
Cũng trong ngày phát hành sách, có người đặt câu hỏi, thì ông Liên Thành trả lời hết sức lập lờ. Cho rằng trung tướng Trần Văn Trung, có liên hệ với bà Tuần Chi là người tình của hoà thượng Thích Đôn Hậu, và do điệp viên Hoàng Kim Loan khai báo. Mà ông chỉ có bổn phận trình lên Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, còn ở trên quyết định như thế nào thì ông không được biết. Như vậy có tin được không?

Tôi nhớ trong ngày phát hành sách ở đây, có ông Nguyễn Vi Túy chủ bút tờ Văn Nghệ Tuần Báo đặt ra câu hỏi hết sức là chánh đáng. Đó là câu hỏi có phải chăng những lời khai của Hoàng Kim Loan, nhầm ly gián phe tướng lãnh miền Trung của chúng ta. Nhưng câu hỏi nầy ông Liên Thành trả lời không thoả đáng, mà ông ta cứ lôi nghề nghiệp nghành tình báo ra làm tấm bình phông, bởi đó là cách trả lời hay nhứt khi người ta đuối lý.
Trong phần thảo luận, tôi có thấy và nghe một người phát biểu. Đặt câu hỏi rất thẳng thừng, nhưng ông Liên Thành đã trả lời một cách rất gắt gao. Ông ta đã lập lại hai lần, “tôi không hèn như anh tưởng, tôi là người lính QLVNCH, tôi là nhân viên công lực”…
Phải nói ở đây khi thảo luận, muốn lấn át đối phương thì mấy ông kẹ cứ lấy chức vụ ra hù. Hoặc lấy danh nghĩa quốc gia, thì bố thằng nào dám cãi. Bởi nếu cãi lại thì bị dán cho cái mũ cộng sản thì nguy. Chi bằng làm thinh cho qua chuyện.

Đó là tất cả những gì đã chưá đựng trong cuốn Biến Động Miền Trung, mà tôi đã náo nức mong chờ, trông cho gặp mặt để mua đọc coi cho biết. Vì tôi cứ nghĩ rằng, cuốn sách nầy phải chứa đựng nhiều điều bí mật của lịch sử quốc gia, nên thiên hạ mới rầm rộ tổ chức phát hành khắp trên nước Úc, và trên khắp thế giới nếu chỗ đó có người Việt cư ngụ. Như vậy thì cuốn Biến Động Miền Trung, chỉ là một cuốn sách hầm bà lằng, đụng đâu viết đó. chớ không phải là một cuốn sách mang dấu ấn lịch sử như tôi đã mong chờ./-
© Phùng Nhân

© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/78982/cam-tuong-sau-khi-doc-cuon-bien-dong-mien-trung/2013/08
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001