Mấy ý kiến về tham vọng bành trướng Trung Hoa (tiếp theo)
Nguyễn Thái Nguyên
II- Những quốc sách lớn để thực hiện mục tiêu bành trướng
Bây
giờ ta thử xem chiến lược cũng như sách lược mà TQ đang làm đối với các
khu vực khác nhau, các trình độ phát triển khác nhau, cũng như mức độ
“hữu nghị” khác nhau đối với các nước để thấy rõ hơn độ nguy hiểm trong
“chính sách giúp đỡ” của TQ ra sao. Chúng ta có nên có những cách thức
điều tra, tổng kết để sớm ngăn chặn những di họa mà các dự án của TQ đã
và đang triển khai trên đất nước ta như cách mà nhiều nước đang làm?
1/ Vơ vét triệt để tài nguyên của các nước nghèo.
Mặc
dù TQ đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ về kinh tế từ vài thập niên
cuối thế kỷ trước, nhưng về cơ bản, ở thời kỳ đó, hướng đầu tư phát
triển kinh tế TQ chủ yếu là “hướng nội”. Bắt đầu từ sau năm 2000, TQ có
sự chuyển biến rất mạnh trong việc đầu tư ra nước ngoài mà dù hình thức
nào thì các nhà đầu tư TQ cũng trở thành nhà thầu chính để sử dụng vốn,
lao động, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu của nước mình là chủ yếu.
Hiện nay, TQ đã trở thành nhà đầu tư ra nước ngoài số một thế giới với
tổng số vốn lên trên 500 tỷ đôla trải rộng ra nhiều châu lục, trên 70%
trong số này là ở các nước đang phát triển, các nước nghèo.
Chính
sách đầu tư của TQ không những không gắn với nhân quyền, dân chủ,
“không can thiệp vào nội bộ” các nước mà thậm chí các quan chức nước sở
tại có độc tài, tham nhũng cũng không sao. Không có tiền, tất nhiên như
thế, thì trả bằng tài nguyên thiên nhiên vốn có của các nước mà TQ đầu
tư. Nếu các nước này không khai thác được thì TQ sẵn sàng “khai thác
giúp”. Dễ dãi và hào hiệp đến thế là cùng!
Đối
với các nước nghèo, Chính phủ TQ còn có chính sách “tặng quà” như xây
cho không sân vận động, bệnh viện hoặc các tòa nhà làm việc hiện đại cho
Chính phủ hoặc lãnh đạo các nước đó nên càng tăng thêm “tình hữu nghị”.
Ví như xây tặng trụ sở làm việc cho bộ Ngoại giao Đông Timor hoặc tòa
nhà Quốc hội của Guinea-Bissau v.v.. Và sau đó là khai thác tài nguyên
bằng mọi cách, bất chấp môi trường sinh thái và cuộc sống người bản địa
ra sao.
Có lẽ ở phương Tây, ngoại trừ một số
người như ông F.Hollande, Tổng thống pháp vừa mới thăm TQ hồi tháng 5,
không biết ông ta được chiều chuộng như thế nào hay kinh tế trong nước
quá bết bát, hoặc như uy tín của ông sau 1 năm cầm quyền đã giảm từ 55%
xuống còn 24% v.v.. mà tuyên bố rất hào hứng rằng Pháp sẵn sàng trải
thảm đỏ đón các nhà đầu tư TQ vào Pháp, còn nhiều nước phương Tây đã
không tin dùng hàng TQ cũng như các cách thức làm ăn ở nước ngoài của
người TQ nữa. Ngược lại họ rất để ý đi điều tra xem hư thực về “lòng hào
hiệp TQ” ra sao. Đi tiên phong là các phóng viên. Năm 2010-2011 là nhóm
các phóng viên Thời báo Tài chính Anh, năm 2012 là các nhà báo
Tây Ban Nha và nhóm các nghị sỹ Quốc hội Mỹ rồi thậm chí, đầu năm 2013,
cả FBI cũng phải vào cuộc… Nhóm phóng viên Tây Ban Nha đã bí mật đi rất
nhiều nước thuộc châu Phi, Nam Mỹ và châu Á mà các doanh nghiệp TQ đầu
tư rồi đưa ra kết luận buồn về những vùng đất “hữu nghị” này: “Nghèo đói
tăng thêm, tham nhũng tràn lan và người lao động bị bóc lột nặng nề”.
Sau đó, thay vì các bài phóng sự điều tra, họ đã viết hẳn một cuốn sách
“Đội quân thầm lặng” của TQ. Theo sự mô tả vắn tắt của một Việt kiều ở
Pháp thì đọc xong cuốn sách này, chắc chắn đa phần các nhà lãnh đạo các
nước nghèo hết muốn kêu gọi người TQ đến đầu tư.
Trong
cuốn sách nói trên, hai nhà báo TBN Juan Pablo Cardenal và Heriberto
Araujo đã viết về thảm họa cả về nguồn lợi kinh tế, môi trường tự nhiên
và xã hội mà người Myanmar ở vùng biên giới sát chân dãy Himalaya đang
phải gánh chịu sau khi thỏa thuận với các nhà đầu tư TQ trong dự án khai
thác ngọc bích và đá quý. Dự án này thu hút hàng ngàn lao động địa
phương và chỉ sau một thời gian, rừng núi thì tan hoang như có chiến
tranh phá hoại, số đông lao động làm thuê trở thành các con nghiện do
được các ông chủ TQ không chỉ mang các loại thực phẩm và hàng hóa TQ lập
thành các chợ để bán cho công nhân mà còn cung cấp vô tư cả heroin cũng
“giá rẻ” như các loại hàng hóa của TQ vậy. Điều tương tự cũng đã xẩy ra
tại một số địa phương thuộc vùng núi Myanmar, nơi người TQ đã thực thi
những dự án “trồng, khai thác và chế biến gỗ” mà thực chất là khai thác
rừng có nhiều gỗ quý, rừng giàu của Myanmar. Không chỉ có thế, ở những
nơi này, người TQ đã bí mật “giúp đỡ” các tộc người thiểu số hình thành
tổ chức, xây dựng lực lượng võ trang của riêng mình mà thực chất là
khuyến khích các hoạt động đòi tự trị, chống lại các tộc người khác và
chống lại cả chính quyền TƯ Myanmar (Myanmar có biên giới chung với TQ
dài 2.200km và tính đến hết năm 2012, ở Myanmar đã có hơn 2 triệu người
TQ sinh sống). Chưa biết mấy thập niên nữa, người Myanmar mới dọn dẹp
xong những hậu quả tai hại này. Tuy muộn, tuy nội bộ còn quá nhiều vấn
đề chưa thể khắc phục được, nhưng Myanmar đã nhận ra sự thật nên kiên
quyết từ chối các khoản “viện trợ” và đầu tư mới của TQ để chuyển hướng
sang các nước khác. Cần lưu ý rằng tính đến hết 2011, tại thời điểm
Myanmar có những chuyển hướng quan trọng về thể chế chính trị, TQ đã
chiếm 50% vốn FDI (chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực khai khoáng và
thủy điện là hai lĩnh vực rất cần cho nền kinh tế TQ) và 26% kim ngạch
thương mại của Myanma. Có những công trình mang ý nghĩa hết sức quan
trọng như đường ống dẫn dầu dài 800 km chuyển thẳng dầu từ eo biển
Malacca vào TQ (2,5 tỷ đôla). Công trình này dự kiến khánh thành vào
cuối tháng 5/2013. Nếu TQ để quan hệ với Myanmar xấu đi thì số phận các
dự án này chưa biết sẽ ra sao. Hiện có hai dự án lớn là đập thủy điện
Myitsone và mỏ đồng Letpadaung đã buộc phải đình chỉ do “tình cảm” chống
TQ đang ngày càng dâng cao, nhất là ở các lực lượng đối lập. Cũng bởi
vì thế mà năm 2012, vốn FDI của TQ vào Myanmar đã giảm đến 90% so với
năm 2011. Trước tình hình này, TQ đang ra sức điều chỉnh chiến lược,
sách lược đối với Myanmar để cố níu giữ sự ổn định cho chí ít là các
công trình trọng điểm như thế. Tình hình bê bối trong các thương vụ đầu
tư làm ăn của các tập đoàn TQ cũng đã diễn ra tương tự ở một số nước
châu Phi.
Với cách làm ăn chụp giật, coi thường
lợi ích nước sở tại nên thường thì giữa nhà đầu tư TQ với nước sở tại
chỉ “vui vẻ” được khoảng 5-7 năm đầu, sau đó là tan vỡ, thậm chí xẩy ra
bạo loạn chống các nhà đầu tư, các doanh nhân TQ như tình hình đã xẩy ra
ở Solomon Island, Zambia, Tonga, Lesotho… trong các năm 2010-2012. Hiện
nay, một số dự án làm đường của TQ ở Ấn Độ cũng đang ở trong tình trạng
căng thẳng tương tự.
Không biết các nhà chức
trách, các cơ quan tuyên truyền của chúng ta phải im lặng “vì đại cục”
hay vì ở VN, các nhà đầu tư TQ tốt hơn ở các nước nói trên mà tình hình
đang “tiến triển tốt đẹp”? Liệu ở nước ta, đã có các phóng viên dũng cảm
như các nhà báo Anh hay Tây Ban Nha bí mật điều tra xem thực sự các dự
án của TQ đã và đang được thực hiện ra sao, nhất là các dự án ở vùng
sâu, vùng xa, vùng biên giới phía Bắc hoặc Tây Nam như Bauxite ở Tây
Nguyên, các dự án trồng rừng trên địa bàn 350.000 ha thuộc một số tỉnh
miền núi v.v..
2/ Ăn cắp tất cả các thứ mà TQ cần từ các nước giàu, các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Ở
Trung quốc không có câu ngạn ngữ: “Con ơi nhớ lấy lời cha/ Một đêm ăn
trộm bằng ba năm làm”, thế mà người TQ quả thật rất sở trường trong ngón
nghề lấy cắp thông tin của các nước với vô số các hình thức không dễ gì
kiểm soát được. Mà quả thật, tự mình tìm tòi, nghiên cứu phát minh thì
lâu còn ăn cắp thì nhanh hơn nhiều mà không tốn kém bao nhiêu. Trong
thời đại kể từ khi có “2 phe 4 mâu thuẫn” thì chuyện dùng tình báo để
lấy cắp các bí mật quân sự, bí mật quốc gia là chuyện phổ biến hơn thời
chỉ có một phe lấy cắp của nhau. Thế nhưng có một điều đặc biệt làm cho
TQ không giống ai, đó là tính đa dạng của thông tin bị đánh cắp và cũng
cực kỳ đông đảo về chủ thể đi lấy cắp. Nga và Mỹ vốn là hai cường quốc
quốc phòng thì cũng là hai cường quốc về hoạt động tình báo. Nhưng xét
về mặt lấy cắp thông tin thì ngày nay, TQ mới là cường quốc hàng đầu thế
giới vì họ không chỉ dùng lực lượng tình báo, cũng không chỉ có vai trò
nhà nước mà tất cả các lực lượng quân dân chính đảng, sinh viên, các
nhân viên công ty, Hoa kiều… đều sẵn sàng lấy cắp những thông tin mà họ
cho là TQ cần, từ cái nhỏ nhất là mẫu mã hàng hóa tiêu dùng cho đến cái
lớn là khoa học không gian vũ trụ, thậm chí cả những phát minh, những dự
án, những chương trình mới chỉ hình thành ý tưởng hay phác họa sơ bộ
chứ chưa được triển khai nghiên cứu. Ngày nay, đội quân tin tặc của TQ
cũng được coi như một đội quân xâm lược đông đảo nhất trên không gian
ảo, vừa làm nhiệm vụ tình báo, ăn cắp thông tin, vừa gây ra các vụ phá
hoại, quấy nhiễu các website cũng như các máy chủ của chính phủ, các cơ
quan quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Mặc dù Chính phủ TQ luôn bác bỏ
các cáo buộc liên quan đến hoạt động tình báo, lấy cắp thông tin của các
nước, nhưng các cơ quan tình báo của các nước châu Âu và Mỹ luôn có
thái độ cảnh giác ngày càng cao đối với “người TQ” bất kể họ là ai và
bất cứ họ ở nước ngoài hay ở chính nước họ. Đến mức những năm gần đây,
nhiều chuyên gia của các công ty EU sang công cán hay hội thảo ở TQ đã
bị công ty cấm không được mang theo Laptop (đã bị mất cắp hoặc đánh tráo
quá nhiều) hoặc nếu buộc phải dùng thì khi về phải nộp máy tính đó cho
nhân viên an ninh mạng của công ty để kiểm tra và “làm sạch”, đề phòng
bị đối phương cài cắm các chip điện tử để theo dỗi và ăn cắp thông tin.
Có thể điểm qua vài nét về các vụ trộm nổi tiếng đã được công khai:
+ Tháng 12/2007, Chính phủ Anh, thông qua báo The Time
cáo buộc TQ đã thực hiện các vụ tấn công gián điệp vào các lĩnh vực
quan trọng của nền kinh tế Anh, nhất là hệ thống ngân hàng và các công
ty tài chính. Sự việc nghiêm trọng đến mức Giám đốc cơ quan phản gián
Anh (MI5) lúc đó là Jonathan Evans đã phải gửi thư cho 300 giám đốc điều
hành và giám đốc an ninh thuộc các ngân hàng, công ty tài chính, công
ty luật cảnh báo về tình trạng mất cắp thông tin “xuất phát từ các tổ
chức nhà nước TQ”.
+ Năm 2009, một chuyên gia
thuộc cơ quan phản gián Đức, Walter Ofermann đã công khai cảnh báo Đức
đang bị tấn công ngày một nhiều từ các chiến dịch gián điệp “được TQ hỗ
trợ”, gây thiệt hại hàng chục tỷ Euro mỗi năm. Theo mô tả của Ofermann
thì TQ đã dùng rất nhiều cách thức để thực hiện các vụ tấn công gián
điệp, từ những cách truyền thống như thuê điệp viên nằm vùng, nghe lén
điện thoại, ăn cắp laptop cho đến phương thức cao hơn là dùng các phần
mềm Trojan và email. Thứ mà đám gián điệp TQ nhắm đến không chỉ là khoa
học công nghệ, bí mật quân sự, ngoại giao mà còn cả những thông tin về
chiến lược thị trường, các kỹ thuật quản lý doanh nghiệp hay kỹ thuật
bán hàng…
Tháng 1/2010, người khổng lồ
Internet, một bậc thầy về an ninh mạng, Google cũng đành phải “bỏ chạy”
khỏi TQ vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng được thông báo là
vì “có quá nhiều vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu của Google xuất phát
từ TQ với mục tiêu ăn cắp các tài sản trí tuệ và các tài khoản email”.
Sự việc này làm cho người Mỹ chú ý. Đến tháng 2/2010, các chuyên gia của
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (NSA) đưa ra kết luận các vụ tấn công nhằm
vào Google xuất phát từ 2 trường Đại học ở Thượng Hải (Shanghai Jiaotong
University và Lanxiang Vocational School).
Tháng
2/2013, các cơ quan an ninh mạng của Mỹ, kịch liệt nhất là Mandiant đã
công bố hàng loạt chứng cứ không thể chối cãi: rất nhiều các hoạt động
tin tặc nguy hiểm nhằm lấy cắp thông tin, quấy phá mạng đều xuất phát từ
hàng ngàn Hacker đeo quân hàm của quân đội nhân dân TQ tại một trụ sở ở
tòa nhà 12 tầng thuộc thành phố Thượng Hải, được thành lập từ năm 2006,
mang phiên hiệu là đơn vị 61398! (Chú ý: Ngân hàng phát triển Trung
quốc CDB mà tôi đã nói trong phần trước cũng có trụ sở ở Thượng Hải.
Không biết họ có quan hệ với nhau ra sao, nhưng kẻ chỉ đạo các tổ chức
này thì chắc chắn chỉ là một).
Khi nói đến Tin
tặc, ta thường nghĩ đó là chỉ những người, hoặc một nhóm vài bốn các bạn
trẻ giỏi tin học, tính nết hiếu kỳ, hay đi lang thang trên mạng, lục
soát chỗ này, nhòm ngó chỗ kia, nhiều khi gây ra những hậu quả khôn
lường cho các trang mạng hay các cá nhân, tổ chức. Không phải Hacker nào
cũng xấu, chỉ một ít trong số họ thường thích xâm phạm vào bí mật đời
tư của các “sao” hoặc lấy cắp tiền trong tài khoản cá nhân. Còn như tổ
chức thành hàng tiểu đoàn, trung đoàn tin tặc thì có lẽ chỉ có ở TQ là
một. Nếu có ai đó kết luận rằng TQ là nước khơi mào cuộc chiến tranh
mạng thì cũng không oan. Phải chăng vì những chuyện này mà ông Leon
Paneta lúc còn làm Bộ trưởng QP Mỹ đã phải đưa ra một nhận xét tuy không
chỉ thẳng vào ai nhưng rất nghiêm trọng rằng: Cuộc chiến tranh thế giới
thứ II bắt đầu bằng trận tập kích ở Trân Châu cảng thì chiến tranh thế
giới thứ III có thể sẽ được bắt đầu bằng trận Trân Châu cảng trên mạng
Internet!
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng
trình ra QH Mỹ đầu năm 2013 đã nói một cách không cần úp mở rằng TQ
đang “xâm nhập trắng trợn” vào hệ thống (máy tính) các nhà thầu quốc
phòng cũng như một loạt các tổ chức của Chính phủ (Mỹ)”; “Trong năm
2012, vô số hệ thống máy tính trên khắp thế giới, trong đó có những hệ
thống thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ tiếp tục trở thành mục tiêu xâm nhập
mà một số trường hợp có thể quy trực tiếp cho Chính phủ và quân đội
TQ”. Chuyện không phải đến nay mới xẩy ra mà đã xảy ra hàng chục năm
qua, cả Mỹ và châu Âu đều biết và cũng chỉ phản ứng sơ sơ như trên, còn
chủ yếu là im lặng. “Im lặng” như thế chắc không phải vàng bạc gì mà
chẳng qua vì so sánh lợi ích nên không công khai gây căng thẳng mà thôi.
Nay chắc không còn chịu đựng được, nên nhiều dân biểu của cả hai đảng
Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đòi phải công khai như thế. Bắc Kinh dù đã ra
tuyên bố cáo buộc này là “vô căn cứ, thiếu tính chuyên nghiệp, sai lầm”
thì cũng khó lòng thuyết phục được ai. (Ai muốn biết ngân sách quốc
phòng TQ là bao nhiêu rồi đầu tư vào những khoản nào cũng có thể tham
khảo ở báo cáo này. TQ công bố công khai ngân sách quốc phòng là 10,7%,
114 tỷ đôla năm 2012 nhưng báo cáo này đưa ra con số ít nhất là 150 tỷ
và có thể lên đến 215 tỷ đôla, phần lớn tập trung vào tên lửa và các vũ
khí tấn công triển khai ở Tây TBD, nơi TQ tuyên bố chủ quyền đối với
nhiều đảo của các nước và cũng là nơi Mỹ chuyển hướng chiến lược đến
đó). Dĩ nhiên, Mỹ cũng đã phải dùng đến một phương thức ăn cắp nào đó
mới có được các thông tin cụ thể như trên, nhưng đường đường chính chính
là một nhà nước thời văn minh mà coi ăn cắp như là một quốc sách, không
cần đến chút lòng tự trọng nào nữa thì quả là khó mà bàn đến cái gì
khác.
Trong chuyện ăn cắp thông tin như trên
thì Nhật là nước hầu như Trung quốc không lấy cắp được gì nhiều và Mỹ là
nước TQ “kiêng dè” hơn cả, không chỉ vì vị thế của Mỹ mà còn khó qua
mắt người Mỹ trên các “công việc” kiểu này. Còn nhớ, năm 2000, TQ bị Mỹ
cáo buộc là nước dung dưỡng và tiếp tay cho việc in lậu tràn lan băng
đĩa các loại của Mỹ. TQ chối biến và thách thức “mời các ông cho đoàn
chuyên viên sang tận nơi kiểm tra!” Chuyện tưởng thế là qua, không ngờ
người Mỹ làm thật. Sau khi đàm phán không có kết quả, rút kinh nghiệm vụ
xe ô tô của GM, phía Mỹ đưa ra đề xuất: nếu các ông thành tâm thì các
ông tổ chức một lực lượng phối hợp cùng lực lượng của chúng tôi kiểm tra
và xử lý. Chuyện như thế thật nhỏ đối với người TQ nên họ đồng ý. Nào
hay các “chuyên gia” của Mỹ đề nghị để họ “dẫn đường” đến hàng chục nhà
xưởng đang sao in đĩa giả với số lượng phải tính theo đơn vị hàng chục
hàng trăm tấn ngay ở Bắc Kinh chứ không đâu xa cả, buộc phía TQ phải huy
động cả xe bánh xích đến để phá hủy. Nhân đây, nhắc lại chuyện của tập
đoàn ô tô lớn của Mỹ General Motor (GM). Chuyện xẩy ra trước năm 2.000
khi tập đoàn Daewoo Hàn Quốc gặp khó khăn, thấy cơ hội mở rộng thị
trường ô tô vào TQ khả thi hơn bao giờ hết, GM liên doanh với Daewoo để
sản xuất một loại ô tô du lịch nhỏ giá rẻ mang tên Spark (loại này hiện
đang có bán ở ta) phù hợp với sức mua của những người có thu nhập trung
bình ở TQ. Chi nhánh này có sự góp vốn của hãng Cherry TQ. Điều bất ngờ
là khi mẫu xe Spark chưa ra đời thì bên TQ, hãng Cherry đã cho xuất
xưởng mẫu xe QQ giống như đúc mẫu xe Spark đang chuẩn bị ra lò (tất
nhiên chất lượng khác, không hiểu sao Cherry không lấy tên là AQ!). Điên
tiết, GM đâm đơn kiện Cherry và thấy tình hình không thể “chạy trốn”
vào đâu được nên phía Cherry đã phải đề nghị với GM “thương lượng ngoài
tòa”. Vì thế không biết Cherry đền cho GM bao nhiêu nhưng trong hai thập
niên đã qua, hình như chỉ có GM là “thắng cuộc” ngay trên đất TQ. Tất
cả các hãng xe như Fiat, Audi, Mercedes, Toyota, Honda và Volkswagen đều
bị ăn cắp, cũng đâm đơn kiện nhưng đều đã thua trên đất Trung Hoa!
Đối
với nước ta thời nay, không thấy công bố có bị lấy cắp gì không, nhưng
chuyện mất trộm thì đã có từ thời An Dương Vương rồi. “Nỏ Thần” là huyền
thoại, nhưng có lẽ đã có một bí mật quân sự nào đó của An Dương Vương
bị chàng rể phương Bắc lấy trộm, nên cha con ông mới chết tức tưởi và
đất nước mới rơi vào tay giặc. Cũng có thể ở VN bây giờ không có gì đáng
lấy trộm nữa vì hầu hết đều được nghiên cứu hay sản xuất từ bên ấy rồi
đem sang VN mà bán mà biếu quá dễ dàng. Đến cả phim ảnh, chương trình
đài truyền hình TƯ Trung quốc cũng được đài truyền hình như Hà Nội I
“tiếp sóng” liên tục mãi thành quen, lúc đầu thấy chữ CCTV chốt trên góc
màn hình thì khó chịu nhưng bây giờ hình như không ai nhắc đến mấy chữ
đó nữa, coi như của nhà vậy? Cũng có thể nước ta giỏi về công nghệ thông
tin và an ninh mạng nên TQ không lấy cắp được gì. Nếu có khả năng này
thì thật đáng mừng!
3/ Bán
tất cả rác thải, hàng hóa ế ẩm; mua tất cả thương hiệu có thể mua của
các nước theo kế “nhân lúc cháy mà cướp” của Khổng Minh.
Trong
phần trước, tôi đã nói qua về việc người TQ bỏ quỹ đen ra mua dự án
khắp nơi để lập “làng công trình” hay như mua nhà hàng nhà hiệu để lập
các “phố Tàu”, những thương vụ đó nhiều nhưng chưa lớn. Bây giờ mời các
anh chị xem tiếp việc “siêu mua” của người TQ ở thời khủng hoảng.
Cuộc
khủng hoảng toàn cầu lần này làm cho hàng loạt nước phương Tây, kể cả
Mỹ lao đao. Trong bối cảnh đó, rất nhiều đại gia của các nước châu Âu,
vốn có truyền thống làm ăn lâu đời, có thương hiệu mạnh cũng đã phải cắn
răng bán bớt một phần “của hương hỏa” để tồn tại. Đây là cơ hội vàng
đối với nhà nước và các doanh nhân TQ vì trong điều kiện bình thường,
không ai bán những thứ như thế mà lại với giá rất rẻ. Đã mua rồi thì có
quyền đến đó mà ở, rồi kéo bồ đoàn thê tử đến đầu tư buôn bán, rồi biết
đâu trong mấy chục năm sau, ở những địa danh như thế, cũng có thể trở
thành “điểm tranh chấp” nên càng “hợp ý” của Trung Nam Hải!
Chuyện
bán thì sách báo phương Tây đã viết nhiều, thậm chí như tác giả Peter
Navarro đã viết một cuốn sách có tự đề: “Chết dưới tay Trung Quốc”, mô
tả rất nhiều hàng hóa độc hại chết người do TQ sản xuất đã xuất khẩu
sang Mỹ và châu Âu trong nhiều năm qua. Những hàng hóa ấy không trừ một
hóa chất độc hại nguy hiểm nào là không dùng nếu mang lại nhiều lợi
nhuận cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Trên thực tế thì càng ngày người
tiêu dùng các nước Âu Mỹ càng thận trọng hơn trong việc sử dụng hàng hóa
xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí đã có những cuộc tẩy chay trên quy mô
lớn ở Mỹ và một số nước châu Âu. Gần nhất là ngày 28/5/2013, cảnh sát và
cơ quan thuế vụ Ý đã bắt giữ khoảng 15 triệu sản phẩm giả rất nguy hiểm
có xuất xứ từ Trung Quốc. Khối lượng hàng hóa khổng lồ này thuộc một
trung tâm thương mại ở ngoại ô Milan được chứa trong hơn 100 kho hàng mà
phải cần đến 48 giờ, với hơn 100 cảnh sát và nhân viên thuế vụ mới kiểm
tra hết các kho chứa. Một phóng viên mô tả với khối lượng hàng hóa này,
nếu để kiểm kê, phải xếp trên một khu đất rộng tương đương khoảng 20
sân bóng đá của Câu lạc bộ Milan!
Trong 5 năm
2007-2012, người TQ đã mua được 20 lâu đài ở vùng rượu vang Bordeaux của
Pháp. Mua các lâu đài ở đây chắc chắn không phải để nghỉ dưỡng hay để
thưởng thức rượu ngon của Pháp, mà các lâu đài này thường gắn liền với
các vườn nho và các nhà máy chế biến rượu vang. Quý hơn cả là các bí
quyết làm rượu vang của Pháp mà người TQ đang cần. Khỏi cần ông F.
Hollande “trải thảm đỏ” thì nhiều ông chủ người Tàu ở đại lục đã đến đây
và mua sắm cả đất đai, nhà xưởng và các thứ liên quan đến rượu vang của
người Pháp. Biết đâu, chỉ một thời gian nữa, rượu vang TQ mới là loại
rượu vang nổi tiếng nhất thế giới chứ không phải Pháp!
Các
công ty may TQ cũng đã đặt được cơ sở may khá lớn ở Tuscany và được
quyền khai thác thương hiệu uy tín cao “Made in Italy” để rồi từ đó vừa
xuất khẩu nhanh mà hiệu quả, lại tránh được làn sóng tẩy chay hàng may
mặc của TQ ở EU. Lúc sang Hungary, một người bạn đưa tôi đến một khu phố
hay như ta thường gọi là “chợ đầu mối” do rất đông người Nghệ Tĩnh làm
chủ chuyên buôn bán quần áo, va ly, túi xách “made in Italy” với giá cả
cực rẻ. Các cháu nói từ đó sang khu xưởng của người Tàu ở Ý chỉ 1.000
km, sáng đi sớm thì tối lấy được hàng về đây, không có quần áo hàng hóa
nào mang nhãn China mà lại là hàng hợp pháp!
Một
công ty nhà nước khác của TQ đã mua được quyền điều hành cảng Piraeus
của Hy Lạp theo một hợp đồng có thời gian 35 năm. Ở Đức cho đến hết năm
2012, TQ đã soán ngôi vị nhà đầu tư số 1 của Mỹ. Ở Anh, một tập đoàn TQ
đang thương lượng để có chân trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Anh
cho dù TQ chẳng phải là nước giỏi giang gì về lĩnh vực này.
Nói
tóm lại, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, EU là điểm đến ưa thích
nhất của TQ thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Năm 2012,
các hoạt động M&A của TQ ở châu Âu đã tăng 21%, đạt 12,5 tỷ đôla.
Chuyện
mua bán này được đẩy lên đỉnh điểm khi “nhà đầu tư TQ” Hoàng Nộ Ba lập
dự án đầu tư một “khu du lịch” tại nơi khỉ ho cò gáy vùng Bắc cực là
Grimsstaoir của Iceland. Năm 2011, lần thứ 2 Hoàng Nộ Ba mang theo một
bản cam kết có thể giải ngân 800 triệu đôla của CDB, đến Iceland không
phải đi tham quan hay sáng tác thi ca như năm 2010 mà là để đầu tư,
trong đó có chuyện thương lượng để “mua” khu đất rộng 25.899 ha của ông
lão Bragi Benediktsson với giá 7 triệu đôla! Theo dự án mà Hoàng Nộ Ba
vẽ ra thì ông ta không chỉ “xây dựng sân golf” mà còn làm cả “đường
băng” không phải cho máy bay thể thao mà cho máy bay phản lực có thể hạ
cất cánh! Như vậy có nghĩa là “một căn cứ quân sự mini”, một đài quan
sát, nghe trộm và theo dõi các hoạt động vùng bắc cực của Nga và NATO có
thể ra đời như thế trong lòng thành viên khối NATO mà không phải tấn
công đánh chiếm ai cả. Dĩ nhiên là Hoàng Nộ Ba hoạt động quá lộ liễu nên
Chính phủ Iceland đã bác bỏ dự án của Hoàng Nộ Ba, nhưng hồi kết thì
chưa biết Hoàng Nộ Ba và TQ sẽ làm gì để có căn cứ quân sự ở đây. TQ
cũng thừa biết vùng Bắc cực quanh năm băng giá này không phải là nơi để
du lịch mà nơi đây còn có 1/3 trữ lượng khí đốt thiên nhiên, 13% trữ
lượng dầu hỏa và rất nhiều khoáng sản quý hiếm chưa được khai thác. (Đã
nhiều năm qua, TQ kiên trì mua chuộc, vận động bằng mọi cách để có được
cái chân “quan sát viên thường trực” trong Hội đồng Bắc cực (AC). Ngày
15/5/2013, TQ đã được thỏa mãn mưu đồ đó.
Năm
1989, sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, bức tường Berlin sụp
đổ, chế độ cộng sản ở các nước Đông Âu cũng sụp đổ theo, Tổng thống
George H.W. Bush tuyên bố ngay tại Hội nghị thượng đỉnh Malta rằng
“chiến tranh lạnh đã kết thúc” (Theo một số tài liệu thì từ “The Cold
War” chính thức ra đời vào năm 1947 theo tên cuốn sách của Walter
Lippmann. Nhưng cũng có tài liệu nói ra đời từ năm 1945). Từ khi ông
Bush tuyên bố kết thúc chiến tranh lạnh đến nay, hình như chiến tranh
lạnh chưa kết thúc gì cả. Thế giới vẫn còn chiến tranh liên miên cả nóng
và lạnh, rồi những trò trộm cắp và phá phách trên mạng Internet như
kiểu của TQ thì sẽ xếp vào chiến tranh gì đây? Kể cả những chiêu hù dọa
của Kim cháu cũng là một thứ chiến tranh tâm lý không hơn không kém, thứ
không thể có trong môi trường hòa bình. Rồi thế giới này liệu có cuộc
Trân Châu cảng trên mạng Internet như Paneta nói hay không nhưng nhìn
chung, không cần “hai phe”, không cần “ý thức hệ”, chỉ một mình TQ đã và
đang làm náo loạn cả thế giới bởi thứ triết lý: cái gì chiếm được cứ
chiếm, cái gì trộm cướp được cứ trộm cướp, chẳng ai làm gì được nước đại
Trung Hoa cả!
N.T.N.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:47
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/may-y-kien-ve-tham-vong-banh-truong_30.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001