Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Vài suy nghĩ nhân đọc bài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tonneson

Vài suy nghĩ nhân đọc bài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tonneson 



|
80899 vo nguyen giap

Qua danh sách thư điện tử của nhóm nghiên cứu quốc tế về Việt Nam học, tôi nhận được báo cáo dài 18 trang (tiếng Anh) của Stein Tonneson, một học giả Na Uy có nhiều nghiên cứu về VN và khá quen thuộc với giới hàn lâm ở nước ta. Các bạn có thể google theo tên riêng của tác giả (Stein Tonneson) để biết thêm về ông, còn theo thông tin tự giới thiệu thì ông hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu  hòa bình Oslo và Chương trình nghiên cứu hòa bình Đông Á của ĐH Uppsalla. Cũng theo thông tin do chính tác giả cung cấp (ghi trên bài viết), báo cáo này được gửi đến Học viện ngoại giao cho một hoạt động nào đó vào ngày 18/10 vừa qua, có lẽ là một tọa đàm hoặc hội thảo gì đó về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đã đọc về Đại tướng VNG khá nhiều trong mấy tuần qua từ khi ông qua đời, tôi không thực sự quan tâm lắm đến báo cáo này, và cũng không nghĩ là mình sẽ tìm được thêm thông tin gì mới từ bài viết. Không những thế, cái tựa của báo cáo còn gây cho tôi ít nhiều phản cảm, vì nó có nhắc đến từ “hòa bình”, trong khi chủ đề của bài viết là một vị tướng gắn liền với những chiến tích lừng lẫy với sự thiệt hại không hề nhỏ về nhân mạng. Nguyên văn cái tựa như sau: Vo Nguyen Giap in memoriam: People’s war and peace – Tưởng niệm Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh và hòa bình (của) nhân dân.
Trước khi đọc bài báo, tôi đã nghĩ rằng có lẽ bài báo muốn bênh vực tướng Giáp về những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, theo cái kiểu mà ở VN ta hay nghe, đó là: “muốn có hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh”, như thể chiến tranh lúc nào cũng là giải pháp duy nhất đúng để giải quyết những xung đột và khác biệt. Theo tôi, VN rất cần thay đổi quan điểm này để chuyển sang một quan điểm trọng hòa bình và trọng xương máu của nhân dân hơn, giống nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Bởi rõ ràng là đạt được điều mình muốn bằng một cái giá thấp nhất thì bao giờ cũng tốt hơn là “đạt được bằng mọi giá”, vì nó cho thấy sự thông minh và mức độ trưởng thành của cả một dân tộc. Tất nhiên, để có được điều này thì không một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân nào có thể tự giải quyết (dù những này có trí tuệ siêu việt cỡ nào đi chăng nữa) mà cần sự tham gia của tất cả mọi thành phần xã hội. Còn làm thế nào để có thể huy động trí tuệ của mọi người thì đấy lại là một vấn đề khác mà tôi không/chưa (thể) đề cập đến trong bài này.
Trở lại báo cáo của Tonneson, tuy không có ấn tượng gì đặc biệt khi đọc tựa bài viết, nhưng theo thói quen tôi vẫn đọc sơ qua một lần trước khi xóa thư, để chắc chắn rằng mình đã không bỏ sót thông tin gì quan trọng (một thói quen của người suốt đời sống trong trường đại học và ngập mặt trong đống sách). Liếc qua qua đến phân nửa bài viết tôi vẫn không tìm được thông tin gì mới, vì chỉ là những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của tướng Giáp và ai cũng biết rồi, trong đó tất nhiên quan trọng nhất vẫn là chiến dịch Điện Biên Phủ, vốn là chiến tích lớn nhất của ông. Tuy nhiên, đến gần đoạn cuối trang 10 thì tôi bắt đầu chú ý và dừng lại đọc, vì nó nhắc đến tên một nhân vật ngoại quốc nhưng rất quan trọng trong lịch sử VN, ông McNamara, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Johnson. Cái tên này khiến tôi bắt đầu đọc kỹ vào bài viết, và càng đọc thì càng có một cảm giác băn khoăn, bứt rứt. Bởi, tôi không rõ tôi có hiểu đúng tác giả hay không, nhưng dường như tất cả thông điệp của bài viết chỉ là như thế này thôi: Việt Nam, mà đại diện là tướng Giáp, dường như vẫn chẳng rút ra được điều gì từ cuộc chiến đau thương ấy.
Vâng, trong bài viết của mình để tưởng niệm tướng Giáp, ngoài phân nửa bài đầu tiên nhắc đến thân thế và sự nghiệp của vị đại tướng lừng danh này, thì tác giả đã dành hết phần còn lại của bài viết để viết về một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai con người từng là thù địch của nhau trên chiến trường VN trước đó ba mươi năm. Trước khi cho hai nhân vật này gặp nhau trong cuộc gặp “không tiền khoáng hậu” này, Tonneson có bỏ một ít thời gian để giới thiệu vắn tắt về thân thế sự nghiệp của McNamara, đặc biệt là sau khi ông này rời bỏ chức vụ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Đây là những sử liệu quan trọng mà phía VN hầu như không bao giờ nhắc đến, nên tôi xin trích lại ở đây một đoạn (khá dài), đồng thời đánh dấu những chỗ cần chú ý bằng cách in đậm.

During an essential part of of the period when the heroic Giap was Minister of  Defence in Hanoi, his counterpart in Washington was Robert S. McNamara, one of the twentieth century’s most tragic personalities. McNamara was not, of course, a military man. American secretaries of defence are always civilians. Yet McNamarawas someone used to command. The best period of his professional life was when he directed and reformed the Ford Motor Company using modern, scientific management techniques. His tragedy began when he was persuaded by John F. Kennedy to become one of his “best and brightest” and revolutionize the Pentagon with scientific management techniques. McNamara’s war was not a People’s War but a Computer’s War, built on rational choice theory. Victory in war should be won the same way you make a winning product for the market. make a winning product for the market. The basic idea was that any adversary will have a breaking point as far as number of casualties is concerned, no matter what kind of cause the enemy is fighting for. If a sufficient number of Vietnamese soldiers were killed, then North Vietnam and the National Liberation Front of South Vietnam would come to a breaking point where they would be willing to negotiate on American or South Vietnamese terms. This never happened, of course. When it did not, when the casualty figures just continued to increase beyond any reasonable breaking point and the enemy still continued to fight and even escalated the fighting, McNamara started to have doubts. He was a deeply moral Presbyterian, someone with a deep longing to do good, and he suffered terribly from his Vietnam failure. In the end he resigned as Secretary of Defence but dit not tell the American public why. He was too loyal to President Lyndon B. Johnson to go public with his doubts. Instead he tried to compensate for his personal failure by taking up an obvious do-good job as President of the World Bank. As such he insisted on a huge increase in loans to developing countries. He wanted to get massive amounts of people out of poverty by kickstarting economic growth. Thus he inadvertently contributed to the long debt crisis in Africa and Latin America, which stifled development for a couple of decades and was only really overcome in the 2000s, when Chinese demand led to higher prices for African raw materials.
In his old age, McNamara became an anti-war activist, and spent much of his collossal energy on digging into his own past mistakes. In his quest for redemption he made two pilgrimages to Vietnam and published two books about how badly he and America had been mistaken. During his first trip to Vietnam in 1995 he had a brief meeting with Giap, who confirmed that there had been only one attempt to shoot at US ships with torpedoes in the “Tonkin Gulf incident” in early August 1964. The alleged second attack, which prompted President Lyndon B. Johnson to seek the Tonkin Gulf Resolution (the closest that the USA came to a declaration of war), never actually took place. When McNamara learned this news from Giap, he faxed his publisher back in the United States with instructions to make a last-minute change to his first self-flagellating book In Retrospect. When Giap came back to Vietnam in 1997 with a whole team of political scientists and historians to work on his second book, he was extremely eager to once more meet his old nemesis Vo Nguyen Giap. He wanted it at first to be a private meeting but this did not work out. Perhaps Giap preferred it otherwise. Perhaps the Vietnamese Communist Party did not want Giap and McNamara to meet under four eyes. For myself and quite a few others, it was wonderful that the two former enemies were unable to meet privately since this allowed us to be present.
Nói vắn tắt, dưới mắt của tác giả thì tướng Giáp và McNamara là 2 con người hoàn toàn trái ngược nhau về niềm tin, về tính cách, và về phương pháp tiến hành cuộc chiến. Cuộc chiến của VN là một cuộc “chiến tranh nhân dân” – theo nghĩa là toàn bộ dân chúng đều được lôi vào cuộc chiến, không chỉ bộ đội chính quy, mà còn dân quân du kích, rồi người già, phụ nữ, trẻ em, và cả các tu sĩ của các tôn giáo nữa, những người mà niềm tin của họ không cho phép tham gia chính trường chứ đừng nói dến chiến tranh. Một cuộc chiến như vậy thì rõ ràng McNamara không thể nào tưởng tượng ra nổi. Với McNamara, một người đã có thành tựu lớn trong quản lý theo phương pháp khoa học, thì chiến tranh cũng là một cái gì đó hoàn toàn lý trí và cũng cần phải được quản lý theo phương pháp khoa học. Thay vì tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, thì McNamara đã tiến hành một cuộc chiến trên máy tính, theo đó khi những tổn thất của phía VN (cộng sản) đã đạt đến một mức nào đó (breaking point, điểm gẫy) thì chắc chắn họ sẽ phải ngồi xuống bàn đàm phán và chấp nhận những điều kiện của phía Mỹ/VNCH đề ra.
Tất nhiên, như mọi người đã biết, điều đó đã không xảy ra, khi ý chí của phía VN (cộng sản) là “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng, và một số thành phố có thể bị phá hủy, nhưng ta nhất định không sợ. Đến ngày chiến thắng, chúng ta sẽ …”. Breaking point vẫn đến, nhưng hóa ra nó không đến với “kẻ thù” của McNamara, mà đến với chính ông! Khi tổn thất về nhân mạng đã lên đến điểm gẫy trong tính toán của McNamara mà kẻ thù của ông vẫn nhất định không sợ, thì vị Bộ trưởng quốc phòng của đất nước to lớn này bỗng … sợ, và ông … từ chức. Rồi sau đó, ông hối hận, và đã cố làm rất nhiều điều để bù đắp lại những sai lầm của mình thời làm Bộ trưởng quốc phòng, và cuối cùng, khi hai nước Việt – Mỹ đã bình thường hóa quan hệ, thì ông nhất định phải gặp tướng Giáp để trao đổi trực tiếp, như hai kẻ cựu thù nhưng nay đã hòa giải, và trở thành những người bạn thân thiết, hiểu nhau.
Vâng, đó là bối cảnh của cuộc gặp gỡ lịch sử giữa McNamara và tướng Giáp vào năm 1997 mà Tonneson đã kể lại như điểm nhấn quan trọng nhằm chuyển tải thông điệp của mình liên quan đến sự ra đi của tướng Giáp.
Xin mở ngoặc một chút ở đây: Khi đang viết những dòng này thì tôi tò mò tự hỏi, không biết phía VN có viết gì về cuộc gặp gỡ lịch sử này không nhỉ. Lên google để tìm, tôi thấy ngay bài viết này, rất đáng đọc, với những chi tiết hoàn toàn trùng khớp với những gì được nêu trong bài viết của Tonneson. Điều thú vị ở đây là tuy cùng những sự kiện khách quan, nhưng sự diễn giải của hai bên là hoàn toàn khác nhau, và khi đọc bài báo tiếng Việt viết về cuộc gặp ấy, một lần nữa tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn thông điệp mà Tonneson đã đưa ra trong bài viết của mình: Hinh như VN không học được bài học nào cả từ cuộc chiến đau thương, mất mát ấy!
Các bạn có thể đọc bài viết tiếng Anh ở đây :  https://drive.google.com/?tab=mo&authuser=0#folders/0B23GcuCxvQVBNWxYaDZTNzFxa28
và so sánh nó với bài tiếng Việt ở đây: http://news.zing.vn/Cuoc-gap-an-tuong-cua-tuong-Giap-va-McNamara-post346517.html.
Quay trở lại cuộc gặp gỡ lịch sử, “không tiền khoáng hậu” giữa tướng Giáp và McNamara mà Tonneson đã nhắc đến để từ đó chuyên chở thông điệp của mình qua bài viết tưởng niệm tướng Giáp. Như tôi đã nêu trong phần 1, cuộc gặp này cũng đã từng được đưa trên truyền thông trong nước, được thuật lại qua lời của nhà sử học Dương Trung Quốc trong bài viết có tựa là “Cuộc gặp ấn tượng của tướng Giáp và McNamara”. Đọc được bài viết của ông DTQ sau khi đọc đọc bài tưởng niệm tướng Giáp của Tonneson thì cảm giác bứt rứt, băn khoăn của tôi về thông điệp của Tonneson dành cho VN lại càng được củng cố, và tôi nghĩ chúng ta nên bỏ một ít thời gian để so sánh lời tường thuật của hai phía về cuộc gặp gỡ này. Và cũng thật thú vị khi so sánh tác giả của hai bản tường thuật kia: cả hai đều là những nhà sử học, chỉ khác nhau về chỗ đứng: một bên đại diện cho phía VN, “người trong cuộc”, và bên kia là một nhà quan sát khách quan, một nhà sử học thuộc một quốc gia trong khối Bắc Âu vốn yêu hòa bình và luôn chọn thái độ trung lập về chính trị.
Cuộc gặp gỡ ấy xảy ra vào năm 1997, và là cuộc gặp lần thứ hai giữa McNamara và tướng Giáp sau lần gặp đầu tiên vào năm 1995. Thật ra, cả hai cuộc gặp đều được cả hai nhà sử học tường thuật lại, nhưng bài viết của Tonneson chỉ đề cập lướt qua cuộc gặp này như bối cảnh để nói về cuộc gặp sau, trong khi ông DTQ chú trọng cuộc gặp thứ nhất nhiều hơn; có vẻ như DTQ cho rằng đó là cuộc gặp chính, còn cuộc gặp sau thì không còn gì mới để trao đổi. Trong khi đó, bài viết của Tonneson thuật lại cuộc gặp thứ hai – cũng là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người – rất tỉ mỉ, chi tiết, vì dường như tác giả có hàm ý rằng cuộc gặp thứ hai này mới bộc lộ đầy đủ tất cả những cái hay, cái dở của tướng Giáp như một người đại diện cho quan điểm của VN – ít ra là vào thời điểm ấy, và về cuộc chiến đã qua.
Theo lời kể của ông DTQ, diện kiến đầu tiên năm 1995 diễn ra một cách thuận lợi và có vẻ đã tạo cho tướng Giáp một cảm giác rất thoải mái, tự tin. Điều này có thể hiểu được, vì trong lần gặp này McNamara đã bày tỏ sự hối tiếc về cuộc chiến đã xảy ra, đồng thời cho biết ông đã cố gắng giúp đỡ VN bằng cách cho giúp VN vay tiền của Ngân hàng thế giới cho các dự án thủy lợi khi ông còn là giám đốc của tổ chức này (McNamara giữ cương vị này 13 năm, ngay sau khi rời vị trí bộ trưởng quốc phòng Mỹ năm 1968 và kết thúc năm 1981 khi ông về hưu). Cũng trong cuộc gặp này McNamara đã nhận được từ tướng Giáp câu trả lời cho câu hỏi mà có lẽ ông đã ôm trong lòng từ thời ông còn là bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đó là, điều gì đã xảy ra vào ngày 4/8/1964 khiến cuộc chiến tranh giữa Mỹ và miền Bắc VN bùng nổ, tức cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ấy, thật ra là gì?Vâng, câu hỏi của một người cựu bộ trưởng quốc phòng của “bên thua cuộc”, muốn mổ xẻ lại quá khứ để rút ra cho mình và cho các thế hệ tương lai những bài học kinh nghiệm từ thất bại đã qua.
Câu trả lời của tướng Giáp tất nhiên là giống như những gì mọi học sinh VN đã được dạy trong môn Sử, đó là: không hề có việc gì xảy ra vào ngày ấy, mà chỉ có một sự kiện nho nhỏ xảy ra vào ngày 2/8/64 khi hải quân Mỹ xâm phạm vùng biển VN và bị đuổi. Nói vắn tắt, tướng Giáp cho rằng sự kiện 4/8/1964 là do phía Mỹ dựng lên để có cớ xâm phạm (xâm lược?) VN theo những kế hoạch mà họ đã định từ trước. Nguyên văn trong bài viết của DTQ như sau:
30 năm sau sự kiện đó, McNamara mới trực tiếp nhận được một câu trả lời chính xác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Ngày 2/8/1964, tàu Mỹ xâm phạm hải phận Việt Nam ở khu vự đảo Hòn Mê. Một đơn vị hải quân địa phương của chúng tôi đã đánh đuổi. Còn ngày 4/8/1964, không có một hoạt động quân sự nào từ phía Việt Nam được tiến hành trên khu vực này”. Các vị khách Mỹ nghe rất chăm chú.
Đại tướng nói tiếp: “Nói điều này có thể là công việc nội bộ của Mỹ, nhưng theo tôi biết thì trước những ngày này, ở Mỹ người ta đã soạn thảo những văn bản để chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh ở Việt Nam rồi”.
Như vậy, qua lời kể của DTQ, có thể thấy cuộc gặp ấy đã kết thúc rất tốt đẹp, và đặc biệt “thắng lợi” cho phía VN: tướng Giáp đã có cơ hội phân tích (thậm chí có thể nói là giảng giải)  cho kẻ cựu thù những sai lầm của nước Mỹ trong cuộc chiến ấy, và khẳng định được bằng lời với kẻ thù về  tinh thần kiên quyết bảo vệ độc lập của VN, mặc dù tất nhiên VN vẫn mong muốn có quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Và có vẻ như McNamara cũng hoàn toàn bị thuyết phục bởi những gì tướng Giáp đã nói, với một thái độ của một người cựu thù nhưng nay chỉ muốn là bạn, và sẵn sàng làm mọi thứ để sửa sai những gì còn có thể sửa được.
Một chi tiết không có trong bài của DTQ nhưng đã được Tonneson nêu vắn tắt trong bài viết của mình, đó là sau khi nghe câu trả lời của tướng Giáp về cái gọi là sự kiện vịnh Bắc bộ, McNamara đã fax ngay về Mỹ cho nhà xuất bản nơi đang in cuốn hồi ký của ông để sửa lại chi tiết này trong cuốn sách cho chính xác. Điều này cung cấp cho ta thêm chi tiết để khẳng định sự chân thành và lòng mong muốn muốn hòa giải của McNamara khi quay lại “chiến trường xưa”.
Đoạn dưới đây trong bài viết của DTQ khẳng định cuộc gặp nói trên đã kết thúc rất tốt đẹp:
Ngày hôm sau 10/11 cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đã phát biểu trước các nhà báo: “Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nan đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh những quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi”. Nói về cuộc gặp với tướng Giáp, ông McNamara cho rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng.
Với ấn tượng tốt đẹp như vậy về tướng Giáp sau lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 1995, hai năm sau trong một dịp đến Việt Nam dự Hội thảo Việt-Mỹ lần đầu tiên, McNamara lại bằng mọi giá cố gắng đến thăm tướng Giáp khi ông chỉ còn có vài tiếng đồng hồ là phải ra sân bay để trở về nước Mỹ. Tiếc thay, cuộc gặp này lại hoàn toàn không hề như mong muốn của McNamara, và có lẽ cũng làm cho tướng Giáp không vui. Sự căng thẳng, không vui này có thể đọc được dễ dàng trong bài viết của DTQ, mặc dù có lẽ chính DTQ cũng không hiểu tại sao cuộc gặp lần này lại không thảnh công như thế. Đọc lời tường thuật của DTQ, ta có cảm giác hình như có 2 ông McNamara khác nhau, một ông dễ thương, mềm mỏng, chân thành của năm 1995, và một ông nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn và thậm chí có gì đó hơi mỉa mai, trịch thượng của năm 1997. Vậy thì, chuyện gì đã xảy ra trong cuộc gặp lần thứ hai, và McNamara thực ra muốn gì khi cố gắng gặp lại tướng Giáp bằng mọi giá dù chỉ trước giờ bay có mấy tiếng đồng hồ? Hẳn là chính ông DTQ, người thuật lại 2 cuộc gặp nói trên cũng không hài lòng với lời tường thuật của mình và muốn hiểu rõ hơn.
Rất may cho chúng ta là cuộc gặp gỡ ấy vẫn còn một người khác chứng kiến và thuật lại. Tonneson đã viết về cuộc gặp này vô cùng chi tiết, dường như tác giả có ấn tượng rất sâu đậm về nó. Xin trích dịch một vài đoạn (hơi dài) đáng lưu ý ở đây:
Hôm ấy là ngày 23 tháng sáu năm 1997 và Hà Nội đang rất nóng và ẩm. Robert McNamara vừa điều hành xong một cuộc hội thảo 4 ngày trong một khách sạn sang trọng là KS Metropole để trao đổi về những sự hiểu lầm và các cơ hội bị bỏ lỡ giữa Washington và Hà Nội trong giai đoạn 1961-1969. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là là chuyến bay của McNamara phải rời sân bay Nội bài. Nhưng ông vẫn muốn phải được gặp tướng Giáp. [...]
Hai năm đã trôi qua kể từ khi McNamara xuất bản cuốn hồi ký đầu tiên của mình, và sau những tranh luận gay gắt tại Mỹ về sự chân thành cũng như những hạn chế trong những lời tự phê bình của vị cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, McNamara đã chuẩn bị cho một cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với vị đại tướng châu Á nhỏ nhắn nhưng rất thông minh này. Tiếc thay, cuộc gặp gỡ của họ hóa ra chỉ như một màn kịch, khiến cho cả hai bên đều cảm thấy càng khó gần nhau hơn nữa. Hai người đàn ông đã trải qua hầu hết một trận chiến với số người chết là hơn 3 triệu người từ  hai phía. Hai đầu óc tính toán lỗi lạc với nhiều hối tiếc cũng như những nỗi tự hào. Họ có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng đầu óc của họ không hề có được cơ hội gặp nhau.
[...] Mong ước của McNamara là sẽ có được một cuộc trao đổi thoải mái, không chuẩn bị trước và không bị quấy rầy bởi những tay nhà báo đầy ác cảm. Hy vọng lớn nhất của McNamara là tướng Giáp sẽ đáp lại sự chân thành của mình bằng cách kể lại một vài hối tiếc của ông, ví dụ như về những sai lầm mà ông đã mắc phải, hoặc đã không thương lượng chấm dứt chiến tranh sớm hơn để giảm bớt tổn thất về sinh mạng. Nếu tướng Giáp cũng có những hối tiếc về cuộc chiến, thì điều đó có nghĩa là cả hai người sẽ có thể cùng nhau đi tìm sự cứu rỗi. Thượng đế sẽ tha thứ cho tướng Giáp cũng như Ngài đã tha thứ cho McNamara. Tất nhiên cách suy nghĩ này không ổn, vì cuộc chiến mà tướng Giáp tiến hành là một cuộc chiến chống ngoại xâm ngay trên quê hương mình, trong khi McNamara đã điều quân đến để hy sinh tại một quốc gia xa lạ ở bên kia bờ Thái Bình Dương rộng lớn. Tất nhiên tướng Giáp chẳng có gì để hối tiếc về một cuộc chiến mà ông đã chiến thắng.
[...]
Lúc đầu khi nghe tướng Giáp phát  biểu, McNamara cắm cúi ghi chép, nhưng khi thấy phát biểu của tướng Giáp không hề ngắn gọn như ông đã tuyên bố, McNamara bèn thôi không ghi chép nữa mà đan hai bàn tay lại ngồi chờ để sẵn sàng ngắt lời khi tướng Giáp buộc phải dừng lại để lại lấy hơi. Nhưng vô ích. Dường như tướng Giáp lấy hơi ngay trong khi nói và thậm chí không hề nhìn đến vị khách người Mỹ đang hết sức nóng ruột kia. Ông nhìn thẳng qua phòng họp đến tất cả chúng tôi và nói nhỏ nhẹ nhưng nhấn mạnh về việc Mỹ leo thang chiến tranh từ Kennedy đến Johnson và về quyết tâm kháng chiến của Việt Nam. McNamara kiên nhẫn chờ đợi một hồi lâu nhưng cuối cùng không thể che dấu sự sốt ruột của mình được nữa. Đầu tiên ông cởi chiếc đồng hồ đeo tay một cách đầy ngụ ý và đặt nó xuống bàn. Không tạo được tác động gì nơi tướng Giáp nên ông quyết định dùng tay và dùng lời. Tướng Giáp vừa nói “Tôi là lính, xin cho tôi nói thẳng” là McNamara xen vào ngay và nói: “Vâng, xin ông cứ thẳng thắn. Rồi sau đó tôi xin phép được ngắt lời ông và chuyển sang chủ đề khác.”

Tướng Giáp không hề xúc động. Ông tiếp tục bài phát biểu của mình bằng một giọng đều đều, giống như một ông giáo đang giảng bài và phớt lờ cậu học sinh to xác có thói quen quậy phá trong lớp học. Ông không hề nhìn McNamara dù chỉ một lần, mà cứ nói vào không gian, chờ phiên dịch, rồi lại tiếp tục nói, chờ phiên dịch, nói  tiếp … bằng  một giọng điệu đều đều dường như kéo dài vô tận … [...]
Có một lúc McNamara đã xen vào thêm được một câu hỏi khác. McNamara muốn biết xem trong số những quyết định của Mỹ thì quyết định nào đã làm người Việt lơ lắng nhất. Tướng Giáp trả lời rằng trong vốn từ của VN không có từ “lo lắng”. Và cứ mỗi lần bị ngắt lời như vậy, ông Giáp lại nhanh chóng quay trở về bài độc thoại của mình: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam không chỉ là một chiến thắng vật chất, mà đây còn là lần đầu tiên một nước nhỏ đã đạp đổ cái ảo tưởng về sự thống trị của một siêu cường. Tuy nhiên, ngày nay, trong những điều kiện văn hóa và địa chính trị đã thay đổi, sẽ không có gì cản trở việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ nữa. Bình thường hóa quan hệ là điều mà cả hai nước đều quan tâm, đặc biệt là xét đến tầm quan trọng của vị trí địa lý và văn hóa của Việt Nam.”
Và cứ thế, cuộc đối thoại – hay đúng hơn là cuộc độc thoại cứ tiếp diễn. Quả thật, khi đọc những ký ức này của Tonneson, tôi không biết phải nghĩ như thế nào. Thái độ của tướng Giáp chỉ có thể nói là rất bất lịch sự và trịch thượng một cách buồn cười – dù có lẽ sự trịch thượng đó của ông là không có ý thức, chỉ là thói quen mà thôi. Trong khi đó, tại cuộc gặp gỡ hôm đó không chỉ có tướng Giáp và Tonneson, mà còn có vài chục người khác, tất cả đều là những nhân vật tai to mặt lớn. Cho đến tận cuối của cuộc gặp gỡ, tướng Giáp mới ngưng lại để cho phép những người có mặt trong buổi hôm ấy đặt vài câu hỏi, mỗi câu lại kích thích cho tướng Giáp tuôn ra một tràng dài trả lời.
Phần kết thúc của “cuộc gặp gỡ lịch sử” được Tonneson mô tả như sau:
Đến lúc này, các thành viên của đoàn Mỹ đã hoàn toàn chịu thua. Dường như họ có chút gì kính sợ đối với vị đại tướng nhỏ bé này, người mà ngày hôm nay lại vừa chiến thắng một trận nữa: “Thưa ông đại tướng, hôm nay quả là ông đã dành phần thắng trong cuộc chiến ngôn từ”, McNamara kêu lên như vậy. “Bây giờ thì tôi hiểu tại sao ngài lại có thể trở thành một huyền thoại sống như vậy. Huyền thoại của ngài sẽ mãi bền vững,” Đại tướng Dale Vesser, một người trong đoàn của McNamara, nhận xét.
“Không, tôi không phải là huyền thoại”, vị tướng huyền thoại ấy nói. “Tôi chỉ là một đại tướng của nhân dân thôi. Khi tôi đứng bên cạnh một người lính, tôi cảm thấy mình cũng là một người lính. Làm tổng tư lệnh tất nhiên là một công việc khó khăn, nhưng chính những người lính mới là những người trực tiếp tham gia. Vì vậy, bao giờ tôi cũng kính trọng những người lính.”
Trước khi cuộc gặp gỡ kết thúc, tướng Giáp nói ông còn có một điều quan trọng cần nói, và McNamara đồng ý ngay: “Vâng, ông nói đi”. Và khi tướng Giáp nói, McNamara ngồi thõng vai xuống và với nụ cười dễ mến. Thái độ hăng hái muốn trao đổi lúc đầu giờ đây đổi thành một vẻ chịu đựng hơi hài hước. Chính lúc này, có lẽ thế, là lúc hai người đàn ông có thể bắt đầu nhìn nhận nhau một cách đầy đủ, thậm chí có thể thực sự đối thoại, về chiến tranh nhân dân và về những tổn thất về sinh mạng, về những thành công và thất bại trong cuộc chiến, về bi kịch của những con người đã hy sinh trong cuộc chiến ấy. Nhưng không, chuyện ấy đã chẳng bao giờ xảy ra. Cuộc gặp gỡ kết thúc. Họ bắt tay nhau. Cánh cửa đã mở để tiễn khách. [...] Trong vòng hơn một tiếng đồng hồ họ đã ngồi với nhau trong cùng một phòng, nhưng thực sự họ vẫn chưa hề gặp gỡ nhau.
Đấy, cuộc gặp gỡ lịch sử, trong cảm nhận của phía bên kia, và qua sự chứng kiến và tường thuật của một quan sát viên hoàn toàn khách quan, là như thế. Theo phong cách chuyên nghiệp của một học giả phương Tây, tác giả Tenneson không diễn giải nhiều theo ý riêng của mình, mà chỉ đưa những chi tiết có tính mô tả về những gì đã diễn ra, và để cho người đọc tự rút ra kết luận. Nhưng những gì tôi đọc được qua phần mô tả ở trên, được soi sáng thêm rất nhiều qua lời tường thuật của tác giả DTQ (xem lại bài 1) đã làm tôi vô cùng bứt rứt. Phải chăng thông qua lời tường thuật của mình, Tenneson muốn nói rằng, nỗ lực tìm hiểu và xích lại gần kẻ cựu thù do McNamara chủ động thông qua cuộc gặp lịch sử này đã không đạt được gì hết? Rằng mọi nỗ lực để thay đổi cách nhìn của tướng Giáp về cuộc chiến ấy – cũng là đại diện cho một quan điểm phổ biến tại VN -  sẽ là vô ích?  Vâng, tôi đọc được những thông điệp ấy từ bài viết của Tenneson khi ông mô tả về sự thất vọng não nề của McNamara trong sự tương phản với thái độ vô cùng an nhiên tự tại của tướng Giáp.
Chẳng phải thái độ đó cũng đồng nghĩa với việc những người như tướng Giáp và thế hệ của ông vẫn tin rằng chân lý ở về phía mình và dường như chẳng bao giờ có ý định nhìn lại quá khứ, nhìn lại cuộc chiến với những mất mát hy sinh lớn lao đó dưới một cái nhìn nhân bản hơn, hay sao? Dường như họ không có chỗ nào trong trái tim để dành cho sự tiếc xót đối với những thiệt hại khủng khiếp của hàng triệu người đã mất và nhiều triệu người khác còn sống với những nỗi đau âm thầm hàng ngày, mà chỉ có chỗ dành cho niềm tự hào của chiến thắng, với một niềm tin sắt đá vào chính nghĩa của mình trong cuộc chiến. Sự tự hào và niềm tin có lẽ vẫn được giữ nguyên vẹn, một tình cảm “trung trinh”, kể từ thuở vị đại tướng huyền thoại ấy – mà ông muốn được gọi là đại tướng của nhân dân – mới bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình.
Khi Tenneson và những tác giả phương Tây gọi ông là một huyền thoại sống, họ nói điều ấy theo nghĩa: nhân vật huyền thoại ấy sẽ không bao giờ đổi khác – vì không thể đổi khác? Đúng, tướng Giáp là một nhân vật huyền thoại với một tấm lòng sắt son không bao giờ lay chuyển về chính nghĩa của mình – của những người VN  cộng sản – trong cuộc chiến ấy, một sự kiên định đáng kính nể và làm cho mọi “kẻ thù” của ông phải chào thua! Ông (và niềm tin mà ông đại diện) vẫn hoàn toàn thắng trong cuộc chiến ấy, và cả trong cuộc chiến ngôn từ khi nói về cuộc chiến ấy nữa, ngay cả trong cuộc gặp gỡ lịch sử này. Dường như không có một cơ hội nào từ VN cho sự nhìn nhận lại quá khứ cả!
Bây giờ thì cả hai nhân vật lịch sử vĩ đại ấy đều đã đi vào quá khứ. Cuộc gặp lịch sử năm 1997 giữa hai người là lần gặp gỡ cuối cùng của họ. Hơn một thập niên sau đó, McNamara đã mất vào năm 2009, cũng là khoảng thời gian đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu thời kỳ trên dưới 1500 ngày nằm viện. Trong thời gian ấy rất nhiều thứ đã thay đổi. Trong những đoạn cuối cùng của bài tưởng niệm tướng Giáp, Tenneson nhắc đến những dấu hiệu của sự thay đổi trong suy nghĩ và của chính tướng Giáp trong những năm cuối đời của ông như thế này:
Ông [tức đại tướng VNG] đã tìm được thời gian trong những thập niên cuối đời để phát triển một quan điểm có tính phản biện đối với những thay đổi trong đảng của mình [tức ĐCSVN], và đôi khi ông cũng biểu lộ sự phê phán của mình trong những bức thư gửi lãnh đạo của đảng. Sự độc lập về tư tưởng này hẳn đã làm cho công chúng càng yêu quý ông hơn. Ông trở thành một biểu tượng quốc gia, và đám tang của ông biến một cuộc để tang của toàn dân. Và, cũng hơi giống với McNamara, trong tuổi già của mình tướng Giáp cũng nhắc nhiều hơn đến hòa bình nữa.
Những dòng cuối cùng trong bài viết tưởng niệm tướng Giáp của Tennyson không còn chỉ viết cho tướng Giáp, mà là cho cả Việt Nam:
Cầu mong Đại tướng VNG an nghỉ giấc ngàn thu. Cầu cho ước mong của đại tướng trở thành sự thật, rằng toàn thế giới sẽ được sống trong hòa bình. Thế kỷ 21 này không thể có chỗ cho chiến tranh nhân dân [của tướng Giáp] hay chiến tranh máy tính [của McNamara] nữa; cuộc chiến từ trên trời rơi xuống, từ pháo đài bay B52, từ hàng không mẫu hạm hoặc các chiến đấu cơ khác.
Điều chúng ta cần ngày nay là Hòa bình (của) Nhân dân!
Vâng, dân tộc VN của chúng ta, một dân tộc thiện chiến thuộc hàng nhất thế giới, đồng thời cũng là một dân tộc với một lịch sử chia rẽ nội bộ, chém giết lẫn nhau,”nồi da xáo thịt” cũng thuộc loại có hạng, liệu chúng ta có thể mơ ước điều này hay không?
—————————
(Xin đọc bài viết của DTQ về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhân vật lừng danh này ở đây: http://news.zing.vn/Cuoc-gap-an-tuong-cua-tuong-Giap-va-McNamara-post346517.html)

Nguồn: BlogAnhVu
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/80899/vai-suy-nghi-nhan-doc-bai-tuong-niem-dai-tuong-vo-nguyen-giap-cua-tonneson/2013/10
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001