Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Xích Tử - Chuỗi giá trị kinh tế thịt chó

Xích Tử - Chuỗi giá trị kinh tế thịt chó 



Xích Tử
Trên đất nước, tuần nào cũng có tin về một vài vụ bắt chó trộm, thực chất là hoạt động của những tên đạo tặc, ban đêm dùng xe máy rảo khắp ngỏ phố đường làng, đánh bả hoặc dùng dây thòng lọng kim loại siết cổ, trộm chó.

Nhiều vụ trót lọt, một số vụ bị hụt, mốt số vụ khác gặp rủi, bị cư dân khu vực chủ chó chặn bắt, đốt xe, đánh chết người hoặc đánh chí mạng rồi giao cho công an.
Từ nguồn chó trộm và nguồn chó “hàng hóa” hợp pháp khác, đã cung cấp cho hàng ngàn quán thịt chó cả nước, một phần xuất khẩu biên mậu tiểu ngạch với các nước phương bắc và đông bắc, góp phần duy trì văn hóa ẩm thực truyền thống tương đồng và quan hệ “tứ tương” hiện đại.
Bỗng dưng trong cơ cấu kinh tế nước nhà, xuất hiện một ngành kinh tế đặc thù liên quan đến thịt chó. Những vụ trộm chó là nguồn tin góp phần nuôi sống báo chí; tạo công ăn việc làm cho công an và các dịch vụ làm bả chó, dây thòng lọng kim loại, dịch vụ y tế, xe máy... Công nghệ chế biến, mua bán thịt chó tại các quán trong nước kéo theo một loạt hoạt động mua bán hàng hóa là nguyên vật liệu phụ kiện gia vị bia rượu, các dịch vụ đi kèm kể cả mại dâm, các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự và thuế. Xuất khẩu thịt chó là một hoạt động ngoại thương thực thụ, với một chuỗi logistics từ kho bãi, vận tải, hải quan, viễn thông, xúc tiến thương mại, ngân hàng...
Có khi nay mai, thịt chó trở thành thế lực mềm trong ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vì hiện nay nó rất đắt do chó hiếm, người ăn đông dần ở một số nước phía bắc, mà phần lớn thực khách này lại thường là công chức trung cao cấp hoặc cư dân trung lưu trở lên. Thị trường có thể mở rộng sang khu vực Trung Đông, Bắc Phi vì nghe nói ở Syria trong những ngày này đã sử luật Hồi giáo cho phép dân chúng ăn thịt chó để cứu đói.
Ngay cả những nhà ngôn ngữ học ứng dụng cũng được dịp sáng tạo ra từ mới từ hoạt động trộm chó: cẩu tặc. Từ này được dân miền trung nói lái là “c. tẩu”; dân miền trung và miền nam có cách nói lái mạnh, phong phú nên tất cả những sáng tạo kiểu này cùng với “kim tặc” (đào vàng trái phép), “cát tặc” (khai thác cát trái phép), “(đồ) cổ tặc” (buôn bán đồ cổ trái phép), “cây tặc” (trộm rừng), đến “củ tặc” (mối lái ép giá củ sắn, củ khoai của dân)... đếu bị nói lái thành con c... Nghe đâu cách nói lái đó còn ảnh hưởng đến sinh hoạt nghị trường cấp quốc gia nhân có vị đại biểu Quốc hội ở miền nam đề nghị Đài VTV trong chương trình Chào buổi sáng không nên có lời chúc “tốt lành” vì chị em ở miền nam nghe rất sợ.
Nhân chuyện ngành kinh tế đặc thù về thịt chó chỉ có ở Việt Nam, liên tưởng rất gần đến một ngành cũng rất đặc thù khác là kinh doanh chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngành này được ghi hẳn hoi vào điển luật; cả nước có vô số tổ chức, cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, xuất bản in ấn, với gần 3000 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Mỗi năm trong mấy chục năm qua, hoạt động của chuỗi này tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc từ quốc khố. Nó không đẻ ra tiền theo kiểu T-H-T của thị trường, nhưng nó tạo công ăn việc làm và thu nhập, kể cả làm giàu cho một số người để cố gắng tạo ra hoặc cưỡng chế niềm tin về con đường đi lên thiên đàng để đến hôm nay, vị Tổng bí thư của một nước/đảng kiên trì số một với chủ nghĩa này tuyên bố rằng không biết đến cuối thế kỷ 21, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hoàn thiện chưa. Muôn năm những cái đặc thù.
Xích Tử
Khách gửi hôm Thứ Tư, 30/10/2013        
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131030/chuoi-gia-tri-kinh-te-thit-cho
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001