Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thanh Trúc - Vì sao hạn chế báo chí hoạt động tại Quốc hội?

Thanh Trúc - Vì sao hạn chế báo chí hoạt động tại Quốc hội? 



Thanh Trúc, phóng viên RFA


Các phóng viên phỏng vấn Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc Hội khoá XII. Ảnh minh họa.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc Hội khóa XIII hôm 30 tháng 10 vừa qua, phóng viên các báo đã bất ngờ trước qui định mới là không được phép phỏng vấn và chụp ảnh đại biểu quốc hội trong giờ giải lao như trước đây nữa.
Theo bản tin trên báo Người Lao Động Online, lực lượng bảo vệ kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa XIII đã ngăn không cho phóng viên đến gần để phỏng vấn và chụp ảnh các đại biểu quốc hội trong giờ giải lao với lý do đó là lệnh mới.
Khi các phóng viên tỏ ý thắc mắc thì lực lượng bảo vệ chìa ngay văn bản không có dấu đỏ cũng không có tên và chức vụ người ký, nói rằng họ đang thi hành nhiệm vụ được giao và yêu cầu báo chí nghiêm túc tuân thủ.
Vẫn tin của Người Lao Động Online, đó chính là thông cáo báo chí do Trung Tâm Báo Chí kỳ họp thứ 6, Quốc Hội Khóa XIII, gởi cho giới truyền thông và lực lượng bảo vệ cuộc họp. Theo thông cáo báo chí này, phóng viên không được phỏng vấn và chụp ảnh đại biểu quốc hội tại nơi giải lao là khu vực sảnh trước cửa hội trường Bộ Quốc Phòng, mà chỉ được tác nghiệp tại khu vực dành riêng cho báo chí ở hai bên hành lang tầng một và tại phòng phát thanh, truyền hình trên tầng hai của hội trường Bộ Quốc Phòng.
Trước qui định mới xem ra có tính cách hạn chế nghiệp vụ của báo chí tại quốc hội, một số phóng viên trong nước e ngại không nêu ý kiến, một số khác cho rằng tin đã lên báo rồi thì còn gì mà bàn cãi:
Nếu đã thông tin trên mặt báo rõ ràng và đã công khai rồi thì luật pháp nào cũng thế thôi, là cái quyền của một nơi nào đó một tổ chức nào đó chứ còn quan điểm riêng thì nói thật ra hơi khó…
Ký giả Huỳnh Ngọc Chênh, từng là phóng viên báo Thanh Niên trước đây, nhận định rằng qui định mới này có thể khiến người ta suy diễn một một cách sai lạc:
Hồi mà tôi làm phóng viên tác nghiệp ở đó thì chuyện tiếp xúc với đại biểu quốc hội rất dễ. Cũng nhờ là qua cái giờ giải lao ở quốc hội thì mới tiếp xúc và phỏng vấn trực tiếp được những ông như tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng…rất dễ dàng. Còn bây giờ tôi không hiểu là vì sao lại có cái thay đổi khó khăn như vậy.
Hồi mà tôi làm phóng viên tác nghiệp ở đó thì chuyện tiếp xúc với đại biểu quốc hội rất dễ. Còn bây giờ tôi không hiểu là vì sao lại có cái thay đổi khó khăn như vậy.
» Ký giả Huỳnh Ngọc Chênh
Ông nói đã có thời kỳ mà báo chí gặp một vài yêu cầu nghiêm túc như phải có thẻ hay phải duyệt danh sách mới được vào quốc hội:
Rồi tôi thấy càng ngày càng khó hơn và bây giờ mà nghe là không cho phỏng vấn những lúc giải lao nữa thì có lẽ là khó quá rồi. Theo tôi nghĩ thì cái này không phải o ép báo chí mà là cái kỹ luật gì đó đối với đại biểu quốc hội. Người ta không muốn để đại biểu quốc hội trả lời tự do, vì có khi những phát biểu của đại biểu quốc hội vào lúc giải lao như vậy thì nó mang tính cá nhân, nó không theo khuôn khổ không theo chỉ đạo của nhà nước của đảng, tức không đúng theo chủ trương đường lối. Bởi vì theo kinh nghiệm tôi biết những lúc đó họ tương đối nói thật nhất, và tôi nghĩ có lẽ rút kinh nghiệm thì bây giờ quá nhiều chuyện xảy ra người ta cũng ngại đại biểu quốc hội qua những giờ giải lao sẽ nói thật lòng của mình, mà khi nói thật lòng thì cũng không đúng theo đường lối chủ trương, không theo khuôn khổ mà đảng qui định. Đó là cái suy diễn chứ không biết sự thực có phải như vậy hay không, cái đó không phải làm khó cho báo chí mà làm khó cho đại biểu đó.
Nhà văn Võ Thị Hảo, trước là phóng viên phụ trách văn phòng đại diện tờ Phụ Nữ Sài Gòn ở Hà Nội, kế đó cộng tác với báo Gia Đình Xã Hội, nói rằng bà ngỡ ngàng khi nghe nói về qui định báo chí không được phỏng vấn đại biểu quốc hội ngay tại sảnh giải lao:
Tôi nghĩ quốc hội phải hoạt động theo nguyên tắc công khai và dân chủ. Lẽ ra tất cả những người trong Quốc Hội cũng như giới lãnh đạo trong Quốc Hội, cũng như những người đến quan sát, phải thấy rằng trách nhiệm tối thiểu và đầu tiên của mình là phải trả lời báo chí, phải thấy rằng nếu báo chí lao vào phỏng vấn mình thì đấy là một cơ may bởi vì đại biểu là những người mà dân bỏ phiếu cho họ.
Nếu có những người trả lời phỏng vấn và có những người ngăn cản việc phóng viên phỏng vấn những quan chức của quốc hội, nếu để quốc hội cũng như là chính phủ thì tôi thấy hành động đó vi phạm vào quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Đó là một vấn nạn kinh khủng của Việt Nam.

Gây khó cho cả hai phía

Rất khó để biết rằng ai là người trực tiếp ra lệnh đó, nhà văn Võ Thị Hảo trình bày tiếp. Nhưng dù bất kỳ là ai đi nữa, bà nói, thì người đó cũng không được phép hành động sai trái như thế:
Tôi đã từng trước đây tôi đã từng làm phóng viên, từng có lúc tham dự những kỳ họp Quốc Hội thì tôi thấy thời đại chúng tôi bao giờ phỏng vấn các đại biểu quốc hội trong giờ giải lao cũng dễ dàng hơn là sau này.
Về phần cựu đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông, cấm ký giả tiếp xúc phỏng vấn và chụp ảnh các đại biểu khi họ đang nghỉ giải lao ở ngoài sảnh quốc hội là một qui định cần xem xét lại vì nó quá cứng nhắc và gây phiền hà không ít cho cả hai phía:
Trừ trường hợp Quốc Hội đang họp thì không được làm phiền vì đại biểu phải tập trung cho kỳ họp, nhưng trong giờ giải lao hoặc ngoài giờ mà nếu phóng viên có nhu cầu phỏng vấn thì đại biểu quốc hội không được từ chối yêu cầu của phóng viên.
Trong những năm mà tôi làm đại biểu quốc hội thường khi giải lao, hoặc trước hay sau giờ họp quốc hội, các phóng viên phỏng vấn chưa bao giờ bị từ chối cả. Cho nên tôi nghĩ cái qui định phải bố trí và hẹn nơi gặp thì nó không tạo điều kiện cho phóng viên cũng như cho đại biểu tiếp cận và thể hiện quan điểm của mình. Quốc hội đã qui định thì mọi phóng viên phải chấp hành thôi nhưng mà quan điểm cá nhân mà nói thì như thế là gò bó. Qui định cứng nhắc như thế không những gây phiền hà cho phóng viên mà cả cho đại biểu quốc hội.
Qui định cứng nhắc như thế không những gây phiền hà cho phóng viên mà cả cho đại biểu quốc hội.
» ĐBQH Lê Văn Cuông
Cũng hôm qua, ngày qui định mới được thực hiện ở quốc hội, một số đại biểu quốc hội ít nhiều tỏ ra băn khoăn vì từ đầu cuộc họp tới giờ các vị vẫn thường trả lời báo chí trong những phút giải lao trước sảnh hội trường.
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Sĩ Cương, ủy viên thường trực trong Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội, phát biểu là là rất tốt nếu có một khu vực riêng cho báo chí nhưng chỉ có điều là không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận với đại biểu quốc hội, chưa kể chuyện họ có đồng ý hay không khi được mời ra hai bên hành lang của hội trường để trả lời phỏng vấn.
Ông nói ông chưa rõ qui định mới do ai ban hành nhưng cái khó gây ra cho báo chí là điều cần thiết phải xem lại.
Bản tin của Người Lao Động Online còn cho hay trước đây từng có một văn bản chỉ đạo mang tính hạn chế tác nghiệp đối với báo chí tại khu vực hành lang Quốc Hội. Sau đó, do phản ứng khá mạnh từ báo giới và các đại biểu quốc hội, qui định tương tự đã được hủy bỏ.
Thuốc Lá gửi hôm Thứ Năm, 31/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131031/thanh-truc-vi-sao-han-che-bao-chi-hoat-dong-tai-quoc-hoi
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001