Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Tham vọng tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân

Tham vọng tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân 


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-10-26
000_Hkg3834100-305.jpg
Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây.
AFP 
Việt Nam lên kế hoạch tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng với mục tiêu nâng gấp đôi thu nhập cho nông dân trong vòng 5 năm tới.

Trả lại quyền tự chủ cho nông dân

Trong những năm vừa qua thu nhập của nông dân ngày một giảm đi vì giá nông sản không tăng, trong khi vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón thuốc trừ sâu và xăng dầu tăng liên tục. Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp được đặt ra sau khi Quốc hội lên tiếng về tình trạng khủng hoảng đầu ra của nông thủy sản.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2013 vừa qua. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ nét tái cấu trúc cho từng ngành trồng trọt, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm sẽ bắt đầu từ đâu và được thực hiện như thế nào. Những thông tin liên quan chỉ thể hiện ở các cuộc hội thảo mà hầu như chỉ là những nét phác họa cho bức tranh lớn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, một người rất quan tâm tới việc cải thiện đời sống nông dân bày tỏ sự tin tưởng có thể có sự đột phá trong lãnh vực nông nghiệp. Bà nói:
Phương châm chính là trả lại quyền tự chủ cho nông dân, tôn trọng quyền tự chủ của nông dân và sẽ cố gắng đưa những thiết chế cụ thể để làm sao tạo thuận lợi nhất.
-Bà Phạm Chi Lan
“Một vài tỉnh ở Việt Nam mà ở đó những người lãnh đạo cao nhất quyết tâm thực hiện một sự đột phá trong phát triển nông nghiệp với phương châm chính là trả lại quyền tự chủ cho nông dân, tôn trọng quyền tự chủ của nông dân và sẽ cố gắng đưa những thiết chế cụ thể để làm sao tạo thuận lợi nhất, cũng như tăng cường hỗ trợ cho nông dân để phát triển. Thí dụ như tỉnh Đồng Tháp và một vài tỉnh khác đang làm theo hướng đó. Tôi nghĩ là nếu với một quyết tâm thực sự với những cơ chế thực sự được mở ra thì có thể có một số địa phương họ sẽ làm thành công và trên cơ sở đó thì có thể mở rộng ra trên cả nước.
Ở Việt Nam thông thường những cải cách ở lĩnh vực nông nghiệp nếu mà muốn làm ngay một lúc ở tất cả các nơi thì nhiều khi không dễ thực hiện được. Bởi vì điều kiện canh tác, lối sống, tập quán canh tác ở các nơi cũng khác nhau rất nhiều, nó có tính cách vùng miền rất nhiều. Nhưng đối với một số nơi thực hiện thành công được, trước hết bằng cơ chế đối với nông dân, đối với nông nghiệp thì nó có thể tạo thành một ảnh hưởng rất lớn và nó có sức lan tỏa rất nhanh trong xã hội, để có thể tạo được sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp cũng như nông thôn và đảm bảo đời sống của nông dân.”

lua-tg-2-250-b.jpg
Nông dân chăm sóc lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013. RFA PHOTO.

Trả lời Nam Nguyên, phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt phụ trách khu vực phía Nam từ Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp xem vấn đề liên kết và sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là chìa khóa, khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. PGS-TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh mô hình sản xuất gọi là cánh đồng mẫu lớn được phát động vào tháng 6/2011 với vài trăm hécta trồng lúa đến nay đã lên tới 50.000 ha. Cánh đồng mẫu lớn được mô tả là sự liên kết các nông hộ nhỏ tập trung thành cánh đồng lớn, nơi nông dân hợp tác với doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng và được doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với giá có lợi cho nông dân. Mô hình cánh đồng lớn này trước hết đang thực hiện với lúa gạo thì sẽ được áp dụng cho các loại cây trồng khác. PGS-TS Phạm Văn Dư phát biểu:
“Nhiều tỉnh đã mời doanh nghiệp lại bàn bạc tìm hướng cùng liên kết giải quyết dần dần, để cho ngành xuất khẩu gạo phát triển theo đúng chuỗi giá trị mà mọi thành phần đều được hưởng lợi. Trong tương lai sẽ mất 3 tới 5 năm chứ không thể nhanh được. Trong quá trình phát triển cánh đồng mẫu lớn thì chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những cánh đồng lớn cho những loại cây trồng khác, đương nhiên chúng tôi khuyến khích những doanh nghiệp có đầu ra thu mua chế biến nông sản của bà con nông dân thì phải đóng góp vào, chứ không phải bà con tự làm rồi không biết bán cho ai.”

Chuyển đổi cây trồng

Theo những nông dân mà chúng tôi trao đổi, việc bớt lúa nếu thấy sản xuất tiêu thụ bấp bênh và chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn là nghe được từ  báo chí truyền thông. Thực tế chưa thấy cán bộ Hội Nông dân, Bộ NN-PTNT hoặc Chính quyền địa phương tuyên truyền khuyến cáo gì. Một nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tỏ ra khá ưu tư về việc chuyển đổi cây trồng:
Nếu mà chuyển đổi họ bao tiêu như thế nào, nếu có lợi nhuận hấp dẫn hơn làm lúa thì người ta sẽ chuyển sang nhiều… trồng bắp cũng có lúc thắng lúc thua.
-Nông dân ĐBSCL
“Không ai nói gì hết… bây giờ họ thận trọng lắm nếu tiếp cận nông dân nói chuyện, hứa hẹn mà không làm được thì bị nông dân chửi. Nếu mà chuyển đổi họ bao tiêu như thế nào, nếu có lợi nhuận hấp dẫn hơn làm lúa thì người ta sẽ chuyển sang nhiều… trồng bắp cũng có lúc thắng lúc thua, gần đây có người trồng cũng bị thất bại. Còn cây đậu nành mình trồng so với của nước ngoài cái giá nó chênh lệch khá cao, độ đạm đậu nành trong nước hình như không bằng của người ta, hay tại cái giống mình không biết. Nếu mình sản xuất bán thì họ mua cái giá đâu có cao.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc khi nào thực sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, Cục phó Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư phát biểu:
“Chúng tôi đã bắt đầu từ vài năm trước, hiện nay cây bắp ở đồng bằng sông Cửu Long đã được gần 30.000 ha. Ngoài cây bắp thì một số cây trồng khác như khoai lang, đậu phọng, mè …chúng tôi đã có các mô hình rồi thì dần dần chúng tôi khuyến khích họ mở rộng ra. Tuy nhiên khi mở rộng tới đâu thì doanh nghiệp phải đứng trên cái đó, chứ không phải mở rộng ra rồi không biết bán ở đâu. Đó là điều hiện nay chúng tôi tính toán rất chặt chẽ, do vậy chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang từng bước phát triển dần. Hiện nay khi bà con sản xuất ra thì vấn đề sau thu hoạch giải quyết làm sao, cây bắp đòi hỏi vấn đề thu hoạch rất lớn như sấy, hạt giống….làm thức ăn chăn nuôi thì doanh nghiệp nào mua. Tất cả những cái đó phải gắn kết lại trong một chuỗi, mặt hàng nào cũng phải có một chuỗi giá trị tương đối hoàn thiện từ người sản xuất cho tới đầu ra cuối cùng.”
Để tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng theo hướng có lợi nhất, tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất nông sản mà tất cả các thành phần đều hưởng lợi, quả là một tham vọng lớn lao. Nhiều ý kiến cho rằng mốc thời gian 5 năm mà PGS-TS Phạm Văn Dư đưa ra có thể là quá lạc quan. Bởi vì trong quá khứ, chỉ một câu chuyện liên kết 4 nhà giữa nhà nước-nhà nông- nhà khoa học và doanh nghiệp mất hơn 10 năm vẫn chỉ là chủ trương và khẩu hiệu.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/5-years-realize-structural-reform-agriculture-nn-10262013122344.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001