Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

[Dự Thảo] Hiến Pháp Việt Nam Tự Do - Phần I

[Dự Thảo] Hiến Pháp Việt Nam Tự Do - Phần I 



LỜI NÓI ĐẦU
Không có gì phổ biến hơn trong lịch sử loài người là những người dân bị áp bức, hy sinh tiền bạc và xương máu, đứng lên lật đổ những kẻ cai trị bạo quyền, để rồi sau đó nhận ra rằng họ đã thay thế nó bằng một chính phủ mới độc tài và tàn ác không kém.
Bời vì vậy Hiến Pháp này được lập ra để bảo vệ quyền lợi của nhân dân và hạn chế quyền lực của chính phủ. Chính phủ chỉ đóng vai trò Người Bảo Vệ cho các quyền Tự do Cá nhân: bao gồm quyền Sống, quyền được Tự do và Tư hữu Tài sản.
Vững tin vào sự phù hộ thiêng liêng của Dân tộc và Tổ quốc, chúng ta nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự của mình để bảo đảm cho bản Hiến pháp này.

CHƯƠNG I. TUYÊN BỐ CÁC QUYỀN CON NGƯỜI CỦA CÔNG DÂN VÀ CÁC NỀN TẢNG GIÁ TRỊ CỦA XÃ HỘI
Điều 1 - Chúng ta khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mỗi cá nhân sinh ra với các Quyền Tự Do Cá Nhân do Tạo hóa trao tặng, không phải do bất cứ chính phủ nào ban phát. Con người tồn tại trong ba thời gian là quá khứ, hiện tại và tương lai. Tương lai là quyền con người được Sống, hiện tại là quyền con người được Tự do, và vì tài sản là kết tinh của những thành quả của việc con người đã sống và đã lao động trong tự do, nên quá khứ là quyền con người được Sở Hữu Tài Sản Cá Nhân. Chúng ta tin tưởng và thừa nhận rằng việc đảm bảo tuyệt đối quyền tư hữu tài sản của cá nhân là cốt lõi của sự giàu có và thịnh vượng của quốc gia.
Điều 2 - Để đảm bảo các quyền đó, Quốc hội không được phép ban hành bất cứ đạo luật nào nhằm:
1. Ngăn cấm hay hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí;
2. Thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng và tôn giáo;
3. Ngăm cấm hoặc hạn chế dân chúng được tự do hội họp, lập đảng phái chính trị, biểu tình ôn hòa hay kiến nghị Chính phủ sửa chữa các điều gây bất bình;
4. Ngăm cấm hay hạn chế quyền tự bảo vệ của cá nhân. Dân chúng có quyền được sở hữu súng và quyền được sử dụng súng để tự bảo vệ mình, gia đình và đất nước. Ngoài ra, dân chúng có vũ trang còn là lực lượng dự bị rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do.
Lịch sử nhân loại cho thấy đạo luật đầu tiên của các chính thể độc tài là cấm người dân sở hữu súng. Để ngăn chặn điều này xảy ra trong tương lai, chúng ta xác quyết rằng, khi chính phủ trở nên lạm quyền, độc tài và không tôn trọng các quyền con người, thì các cá nhân có quyền vũ trang lật đổ chính phủ đó và thay thế nó bằng một chính phủ khác để khôi phục trở lại nguyên trạng bản Hiến pháp này.
5. Xâm phạm quyền của dân chúng được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.
6. Xâm phạm quyền tư hữu đất đai, tiền gửi ngân hàng và các tài sản khác.
7. Tước bỏ hoặc hạn chế quyền bầu cử của công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ với lý do tuổi tác hay không có khả năng nộp thuế.
Điều 3 - Để bảo đảm các quyền đó, Tòa án tối cao có trách nhiệm bảo vệ, để:
1. Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của tỉnh hay thành phố hay khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
2. Không một ai, trong các vụ án hình sự, bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lực lượng quân sự khi đang thi hành công vụ trong thời chiến;
3. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể;
4. Không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự;
5. Không một ai bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật;
6. Không một tòa án nào được phép đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.
7. Không một ai phải chịu đựng chế độ nô lệ hoặc lao dịch cưỡng bức trong lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp trừng phạt thích đáng đối với tội phạm hình sự mà đương sự phạm phải.
Điều 4 - Để bảo đảm các quyền đó, Chúng ta khẳng định một nguyên tắc cơ bản và trọng yếu nhất rằng vai trò đúng đắn của Chính phủ là Người Bảo Vệ, chứ không phải là Kẻ Ban Phát. Tất cà quyền hạn của chính phủ phải giới hạn trong, và chỉ trong, những quyền hạn được ủy nhiệm trong Hiến Pháp này. Bất cứ hành động nào của Chính Phủ, nếu vượt ra ngoài phạm vi này, đều là là vi hiến và sẽ bị truy tố hình sự trách nhiệm cá nhân. Ngược lại, những quyền không được ủy nhiệm tường minh cho chính phủ trong bản Hiến Pháp này sẽ thuộc về nhân dân.
Điều 5 - Chúng ta không thừa nhận khái niệm quyền và lợi ich của tập thể, ngược lại chúng ta xác tín rằng chỉ cá nhân có quyền lợi. Bởi vì suy cho cùng tập thể chỉ là một khái niệm trừu tượng, trong khi quyền và lợi ích luôn luôn gắn liền với, và chỉ với, những con người cụ thể, hay là các cá nhân.
Do đó, Quốc hội không được phép ban hành bất cứ đạo luật nào đòi hỏi cá nhân phải hy sinh quyền và lợi ích của minh cho lợi ích, cho dù được cho là lớn hơn hay không, của tập thể, hay các cá nhân khác. Lịch sử nhân loại cho thấy tham nhũng và băng hoại đạo đức xã hội luôn nhân danh từ những cái gọi là lợi ích lớn hơn của tập thể, và dẫn đến sự hủy hoại Tự do.
Điều 6 - Chúng ta không thừa nhận khái niệm trách nhiệm của tập thể, ngược lại chúng ta xác tín rằng chỉ có trách nhiệm của cá nhân. Bởi vì rằng quyền lợi và trách nhiệm luôn là hai mặt của cùng một đồng xu, khi thừa nhận rằng chỉ có quyền lợi cá nhân thì cũng sẽ chỉ có trách nhiệm cá nhân. Mọi công dân đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và mức sống thích đáng, nhưng không có quyền yêu cầu chính phủ, mà suy cho cùng sẽ là các cá nhân khác, có trách nhiệm đảm bảo hạnh phúc và mức sống thích đáng cho mình.
Do đó, Chính phủ không được phép tự nhận vào mình những trách nhiệm mà thuộc về cá nhân, ngoại trừ những trách nhiệm đã được ủy nhiệm trong bản Hiến pháp này. Lịch sử nhân loại cho thấy rằng lạm quyền của chính phủ luôn nhân danh từ những cái gọi là trách nhiệm tập thể, và dẫn đến sự hủy hoại Tự do.
Điều 7 - Chúng ta không xác tín rằng xã hội công bằng có nghĩa là đối xử với tất cả mọi người bình đẳng trước pháp luật, tất cả có cùng cơ hội như nhau. Do đó Quốc hội không được phép ban hành bất cứ đạo luật nào cho phép ưu ái lớp người này hơn một lớp khác, bất kể sự khác nhau về giới tính, tuổi tác, chủng tộc, thu nhập. Bời vì rằng công bằng không thể xây dựng trên nền tảng của bất công. Lịch sử nhân loại cho thấy việc ưu ái một nhóm này hơn nhóm khác là bất công, và dẫn đến sự hủy hoại Tự do.
Điều 8 - Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.
CHƯƠNG II. LẬP PHÁP
Toàn bộ quyền lực lập pháp được thừa nhận tại đây sẽ được trao cho Quốc hội. Quốc hội gồm có Thượng viện và Hạ viện.
Điều 9 - Hạ viện
1. Hạ viện sẽ gồm có các thành viên gọi là Hạ nghị sĩ cứ 2 năm một lần được dân chúng ở các đơn vị bầu cử tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.
2. Đơn vị bầu cử bao gồm một hoặc nhiều đơn vị hành chính cơ sở (cấp phường, xã) nằm lân cận trong một vùng có dân số xấp xỉ nhưng không vượt quá 30.000 người. Nhưng mỗi tỉnh, thành phố sẽ có ít nhất một hạ nghị sĩ. Mỗi hạ nghị sĩ sẽ có một phiếu biểu quyết.
3. Bất cứ công dân có quốc tịch Việt Nam ít nhất 7 năm, từ 25 tuổi trở lên, và vào thời điểm được bầu phải là cư dân ở đơn vị bầu cứ đó đều có quyền tự do ứng cử.
4. Các Hạ nghị sĩ phải khai báo tài sản của mình trước khi tuyên thệ nhậm chức và có thể được bầu lại.
5. Khi khuyết ghế dân biểu ở một đơn vị bầu cử nào thì chính quyền tỉnh, thành phố ở đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào những chỗ trống đó.
6. Hạ viện sẽ bầu ra một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch. Nếu vì bất cứ lý do gì mà Chủ tịch Hạ viện bị khuyết, thì Phó Chủ tịch tạm thời làm quyền Chủ tịch cho đến khi Hạ viện bầu ra Chủ tịch mới trong phiên họp Hạ viện gần nhất.
7. Hạ viện quyết định về tổ chức nội bộ của mình, có thể thể lập ra Văn phòng Hạ viện, các ủy ban thường trực hay lâm thời.
8. Mọi quyết định của Hạ viện được coi là được thông qua nếu được đa số phiếu, trừ các quyết định đặc biệt nêu trong Hiến pháp này đòi hỏi đa số 2/3 số phiếu.
9. Hạ viện là những người duy nhất có quyền kết tội các quan chức. Không một ai bị kết tội nếu không được sự nhất trí của quá bán số các thượng nghị sĩ có mặt. Quan chức bị kết tội sẽ được xét xử tại Thượng viện.
Điều 10 - Thượng Viện
1. Thượng viện sẽ gồm có hai Thượng nghị sĩ của mỗi tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, với nhiệm kỳ 6 năm, do dân chúng ở đó trực tiếp bầu ra. Mỗi Thượng nghị sĩ sẽ có một phiếu biểu quyết.
2. Bất cứ công dân có quốc tịch Việt Nam ít nhất 9 năm, từ 30 tuổi trở lên, và vào thời điểm được bầu phải là cư dân ở tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương đó đều có quyền tự do ứng cử làm Thượng nghị sĩ.
3. Ngay sau khi Thượng viện được bầu ra và nhóm họp lần đầu, các thượng nghị sĩ sẽ được phân chia, bằng bốc thăm, sao cho đồng đều thành ba nhóm. Thượng nghị sĩ nhóm 1 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ, thượng nghị sĩ nhóm 2 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, thượng nghị sĩ nhóm 3 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 6, sao cho sau mỗi hai năm sẽ bầu lại một phần ba số Thượng nghị sĩ.
4. Các Thượng nghị sĩ phải khai báo tài sản của mình trước khi tuyên thệ nhậm chức và có thể được bầu lại.
5. Khi khuyết ghế dân biểu ở một đơn vị bầu cử nào thì chính quyền tỉnh, thành phố ở đó sẽ ban hành lệnh bầu cử, với điều kiện là cơ quan lập pháp của bang đó trao quyền tạm thời cho cơ quan hành pháp cho đến khi nhân dân bầu chọn được người bổ sung vào những chỗ trống theo luật lệ sẵn có, để bổ sung vào những chỗ trống đó.
6. Thượng viện sẽ bầu ra một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch. Nếu vì bất cứ lý do gì mà Chủ tịch Thượng viện bị khuyết, thì Phó Chủ tịch tạm thời làm quyền Chủ tịch cho đến khi Thượng viện bầu ra Chủ tịch mới trong phiên họp Thượng viện gần nhất.
7. Thượng viện quyết định về tổ chức nội bộ của mình, có thể thể lập ra Văn phòng Thượng viện, các ủy ban thường trực hay lâm thời.
8. Mọi quyết định của Thượng viện sẽ coi là được thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, trừ các quyết định đặc biệt nêu trong Hiến pháp này đòi hỏi đa số 2/3 số phiếu.
9. Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả các vụ quan chức bị Hạ viện kết tội. Khi nhóm họp để xét xử, thượng nghị sĩ sẽ phải tuyên thệ hoặc thề. Trong trường hợp xét xử Tổng thống, Chánh án Tòa án Tối cao sẽ chủ tọa phiên tòa. Không một ai bị kết án nếu không được sự nhất trí của hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt. Mức án áp dụng trong những vụ buộc tội này không vượt quá sự cách chức và tước quyền của bị cáo đang đảm nhận một chức tước danh dự, có lợi tức hoặc có lợi lộc trong chính quyền, tuy vậy họ vẫn có thể bị truy tố, xét xử, kết án và trừng phạt theo luật định.
Điều 11 - Bầu cử Thượng viện và Hạ viện
1. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ do Quốc hội qui định.
2. Mỗi Viện sẽ có thẩm quyền về cuộc bầu cử của mình, về kết quả của cuộc bầu cử đó và về việc đánh giá tiêu chuẩn của các nghị sĩ. Đa số trong mỗi Viện sẽ tổ chức một nhóm đại biểu theo qui định để triển khai công việc, còn thiểu số có quyền trì hoãn phiên họp và có thể được trao quyền buộc những thành viên vắng mặt phải tham gia công việc theo đúng thể thức và phải nhận một hình thức kỷ luật theo qui chế của mỗi Viện.
3. Việc bầu cử toàn bộ các Hạ nghị sĩ và các Thượng nghị sĩ lần đầu tiên theo Hiến Pháp này được tiến hành trong vòng 100 ngày kể từ ngày bản Hiến pháp có hiệu lực.
4. Mỗi Viện có thể quy định những qui chế của mình, thi hành kỷ luật những thành viên có hành vi sai phạm và khai trừ một thành viên với sự nhất trí của hai phần ba số thành viên.
5. Mỗi Viện ấn hành một tờ nội san công khai trên mạng internet công việc của mình cho nhân dân, và thông báo theo định kỳ các công việc đó trên tờ nội san, trừ những việc mà Viện cho là cần phải giữ bí mật. Những phiếu thuận và phiếu chống của các thành viên thuộc hai Viện về mọi vấn đề phải được công bố trên nội san.
6. Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 12, trừ trường hợp Quốc hội có thể qui định một ngày khác dựa theo luật.
7. Trong thời gian khóa họp của Quốc hội, nếu không được sự đồng ý của Viện kia, thì không một Viện nào có thể nghỉ họp quá ba ngày hoặc chuyển sang địa điểm khác với địa điểm mà hai Viện đã quyết định.
Điều 12 - Sự chuyên trách, tuyên thệ và quyền miễn trừ của Nghị sĩ
1. Trong thời gian đương nhiệm thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ, không một ai sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong Chính quyền. Và không một ai đang đảm nhiệm một chức vụ dân sự nào trong Chính quyền được bầu vào Quốc hội. Nếu người đã giữ giữ các chức vụ như vậy muốn làm Nghị sĩ thì trước khi ứng cử sẽ phải chính thức từ nhiệm các chức vụ đó.
2. Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ được nhận một khoản trợ cấp cho công việc của mình do luật định và được được trả từ Ngân khố quốc gia.
3. Trong mọi trường hợp, trừ khi có tội phản quốc, các nghị sĩ được hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong thời gian tham dự khóa họp của Viện, trong khi tới cuộc họp và trở về nhà từ cuộc họp. đối với những lời phát biểu và tranh luận của họ trong cả hai Viện này, họ có quyền không bị chất vấn ở những nơi khác.
4. Các Nghị sĩ, trước khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, sẽ phải tuyên thệ trước mỗi Viện: “Tôi xác tín sự thật hiển nhiên: rằng tất cả mọi người được sinh ra với các quyền tự do cá nhân được ban tặng bởi Tạo hóa, bao gồm quyền sống, quyền tự do, và quyền tư hữu tài sản; rằng vai trò của chính phủ là bảo vệ, chứ không phải ban phát, các quyền đó. Tôi tin rằng chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất. Tôi long trọng tuyên thệ sẽ thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách mẫn cán và trung thực, để tôn vinh và bảo vệ sự thật đó. Tôi xin thề sẽ bảo vệ chủ quyền của đất nước, để mãi mãi các thế hệ con cháu mai sau của chúng ta, sẽ tiếp tục được hưởng tự do trên đất nước này”. Việc từ chối tuyên thệ sẽ được coi là từ bỏ nhiệm vụ Nghị sĩ.
Điều 13 - Quyền Hạn Của Quốc Hội
1. Tuyên chiến với quốc gia thù địch, tuyên bố tình trạng chiến tranh và ký kết hiệp ước hòa bình.
2. Thiết lập và duy trì quân đội. Soạn thảo các luật lệ và các qui chế về lực lượng lục quân, hải quân và không quân.
3. Trù liệu việc xây dựng lực lượng dự bị nhằm thực thi luật pháp, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng.
4. Thông qua ngân sách quốc phòng hằng năm để nuôi dưỡng và cung cấp cho quân đội, nhưng việc chi tiêu khoản tiền này chỉ trong thời hạn không quá hai năm.
5. Thông qua ngân sách nhà nước hằng năm để trả lương, duy tri các chương trình và hoạt động Chính phủ. Tổng thống có nghĩa vụ điều hành chính phủ trong phạm vi ngân sách đã được quốc hội thông qua, ngoại trừ có sự đồng thuận khác từ quốc hội. Trong trường hợp chi tiêu hết ngân sách và không có sự phê chuẩn điều chỉnh tăng ngân sách của Quốc hội, chính phủ sẽ phải đóng cửa và Tổng thống sẽ phải từ nhiệm và giải tán nội các, sau khi Quốc hội tổ chức bầu cử Tổng thống mới.
6. Chịu trách nhiệm và ban bố văn bản trao quyền cho các tầu tư nhân được phép tấn công các tầu nước ngoài và soạn thảo những luật liên quan tới sự chiếm dụng đất và nguồn nước.
7. Đặt ra và thu các khoản thuế, thuế quan, thuế môn bài để trả các khoản nợ và chi phí cho quốc phòng và phúc lợi công cộng. Các khoản thuế quan và thuế môn bài đều phải thống nhất trên toàn lãnh thổ.
8. Đúc và in tiền, qui định giá trị của đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài, xác định tiêu chuẩn cân đo.
9. Vay tiền theo tín dụng cho quốc gia.
10. Qui định về thương mại với ngoại quốc.
11. Xây dựng đạo luật thống nhất về việc nhập quốc tịch và luật thống nhất trong toàn lãnh thổ về các vấn đề phá sản.
12. Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghệ thuật hữu ích bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định.
13. Thiết lập các tòa án dưới quyền của Tòa án Tối cao.
14. Soạn thảo mọi điều luật cần thiết và đúng đắn để thực thi những quyền lực nói trên, cũng như tất cả những quyền lực khác đã được Hiến pháp này trao cho Chính phủ, hoặc cho bất cứ một cơ quan và quan chức nào khác.
Điều 14 - Giới hạn Quyền hạn của Quốc hội:
1. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào hạn chế bất cứ quyền tự do nào của cá nhân, chừng nào các quyền đó không xâm hại đến quyền tự do của cá nhân khác.
2. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào tước đi quyền cá nhân được một tòa án thẩm định lý do bắt giam, trừ trường hợp có phiến loạn và xâm lược và do yêu cầu nhằm đảm bảo nền an ninh quốc gia.
3. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào tước đi quyền công dân mà không thông qua xét xử.
4. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào trừng phạt con người mà không qua xét xử và luật trừng phạt con người về một hành vi không vi phạm pháp luật.
5. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào cho phép hình phạt tử hình, ngoại trừ đối với các tội danh giết người, vì rằng quyền được sống là quyền thiêng liêng của Tạo hóa ban tặng cho con người.
6. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào cho phép cưỡng chế thu hồi đất đai của tư nhân. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất, trong tường hợp khu đất có vị trí chiến lược về quốc phòng, thì quân đội có thể thu hồi để xây dựng cơ sở quân sự sau khi đã bồi hoàn thích đáng cho chủ đất.
7. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào hạn chế quyền của người dân sở hữu vàng và ngoại tệ các loại, mua bán, trao đổi bằng vàng và ngoại tệ các loại.
8. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào hạn chế cạnh tranh và quyền kinh doanh tiền tệ, bao gồm cả quyền phát hành tiền của các ngân hàng tư nhân, nếu các đồng tiền này được đảm bảo bằng số lượng vàng hoặc bạc tương ứng được gửi cất giữ trong kho tàng quốc gia.
9. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào hạn chế quyền của người dân tự do chọn lựa loại bất cứ loại tiền tệ họ nào muốn sở hữu, tich trữ, mua bán hay trao đổi.
10. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào phương hại đến nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
11. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào cho phép thu thuế dân chúng một cách tùy tiện, ngoại trừ những khoản thuế phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do cạnh tranh và quyền được tuân thủ hợp đồng kinh tế đã ký kết, bao gồm nhưng không giới hạn như, cho phép thu thuế thuế xăng dầu, thuế giao thông đường bộ, thuế tiêu thụ đặc biệt, nhân danh bất kỳ các các ý định tốt đẹp nào.
12. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào hạn chế tự do cạnh tranh, bao gồm nhưng không giới hạn như, hạn chế tư nhân kinh doanh xăng dầu, mua bán ngoại tệ, hoặc đạo luật cho phép ưu ái hơn cho bất cứ một doanh nghiệp, tập đoàn, ngân hàng, tổ chức tài chính nào khác, bất kể tổ chức đó là nhà nước hay tư nhân, vì rằng lịch sử cho thấy đây đã luôn luôn là cánh cổng rộng mở cho lạm quyền, tham nhũng, lợi ích nhóm nhân danh những ý định tốt đẹp.
13. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào cho phép sử dụng tiền nộp thuế của dân chúng để trợ cứu cho bất cứ ngân hàng, tập đoàn hay công ty nào nhân danh bất kỳ ý định tốt đẹp nào, bao gồm nhưng không giới hạn, như mua lại nợ xấu của hệ thống ngân hàng, duy trì công ăn việc làm cho người lao động... vì rằng lịch sử cho thấy đây đã luôn luôn là cánh cổng rộng mở cho tham nhũng, nhân danh những ý định tốt đẹp.
14. Quốc hội không được phép ban hành bất cứ một đạo luật nào cho phép rút bất cứ khoản tiền nào từ Ngân khố, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Bản báo cáo tài chính thu chi thường kỳ của những khoản tiền công cộng phải được công bố thường xuyên.
Điều 15 - Dự luật và luật
1. Các Nghị sĩ có thể đệ trình dự án luật.
2. Dự án luật phải được nộp cho Văn phòng Hạ viện.
3. Nghị sĩ bảo trợ dự án luật, khi đệ trình dự án luật cho Hạ viện, có trách nhiệm giải trình rõ các hệ quả về tài chính của việc thực thi dự án luật.
4. Nghị sĩ trình dự án luật có thể rút lại dự án luật trong quá trình thẩm định và xem xét thông qua.
5. Các cơ quan hành pháp không có quyền đệ trình dự án luật.
Điều 16 - Thông qua dự luật
1. Dự luật đã được trình lên Hạ viện sẽ được thảo luận, xem xét và biểu quyết thông qua với đa số phiếu hiện diện hay bác bỏ.
2. Nếu được Hạ viện đã thông qua thì dự luật được phải chuyển sang cho Thượng viện để xem xét. Thượng viện thông qua nếu đạt đa số phiếu hiện diện chấp thuận. Trong trường hợp đó dự luật đã được Quốc hội (cả 2 viện) thông qua.
3. Nếu Thượng viện bác bỏ thì dự luật phải được chuyển lại cho Hạ viện cùng với nghị quyết nêu rõ lý do bác bỏ. Hạ viện sẽ xem xét lại và nếu dự luật được Hạ viện thông qua lần nữa với đa số 2/3 của các Hạ nghị sĩ thì dự luật được coi là đã được Quốc hội thông qua, nếu không đạt đa số 2/3 thì dự luật coi như bị bác bỏ.
Điều 17 - Dự luật trở thành luật
1. Mỗi dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi trở thành luật đều phải đệ trình lên Tổng thống. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ ký nhận, nếu không Tổng thống sẽ trả lại Viện đưa ra dự luật đó cùng với ý kiến không tán thành.
2. Trong trường hợp Tổng Thống không tán thành, Viện đưa ra dự luật sẽ thông báo rộng rãi ý kiến không tán thành trong nội san và tiến hành xem xét lại dự luật. Nếu sau khi xem xét lại và hai phần ba thành viên của Viện đó đồng ý thông qua dự luật, thì nó sẽ được gửi cho Viện kia, kèm theo ý kiến không tán thành. Và Viện đó cũng sẽ xem xét. Nếu được hai phần ba thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì nó sẽ trở thành một đạo luật. Nhưng trong các trường hợp này, phiếu bầu của cả hai Viện đều phải ghi rõ tán thành hay không tán thành. Tên của những người tán thành và không tán thành dự luật sẽ được đưa vào nội san của mỗi Viện.
3. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng 14 ngày sau khi đệ trình lên sẽ trở thành đạo luật, coi như Tổng thống đã ký phê chuẩn.
4. Những mệnh lệnh, nghị quyết hoặc biểu quyết cần sự nhất trí của Thượng viện và Hạ viện (trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp), sẽ được đệ trình lên Tổng thống, và trước khi có hiệu lực, chúng phải qua sự phê chuẩn của Tổng thống, hoặc nếu Tổng thống không chấp thuận, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của hai Viện với hai phần ba thành viên của mỗi Viện, theo đúng các qui chế và giới hạn được qui định cho các trường hợp về dự luật.
Điều 18 - Vô hiệu hóa đạo luật
1. Để hạn chế sự lạm quyền của Chính phủ và khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động chính trị của đất nước, bất cứ công dân hay tổ chức, thuộc bất kỳ đơn vị hành chính địa lý cấp tỉnh hoặc thành phố, nếu thu thập được sự ủng hộ của tối thiểu 30,000 chữ ký, có quyền đệ trình dự luật bổ sung, trong đó yêu cầu vô hiệu hóa một điều luật, mà cá nhân hay tổ chức đó cho là đã tạo ra sự lạm quyền của chính phủ.
2. Dự luật bổ sung phải được nộp cho văn phòng Thống đốc.
3. Chính quyền địa phương khi đó sẽ tiến hành kiểm tra các chữ ký ủng hộ theo qui trình đã qui định trong luật, và nếu đạt đủ số ủng hộ hợp pháp, phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trong địa phương, vào ngày thứ hai của tuần đầu tiên của tháng ba gần nhất. Vô hiệu hóa được thông qua trong phạm hành chính địa lý đó với số phiếu thuận quá bán.
4. Yêu cầu vô hiệu hóa, sau khi đã được thông qua, sẽ được chuyển lên Thống đốc, là tỉnh trưởng hay thị trưởng, ký để thành điều luật bổ sung. Nếu Thống đốc phản đối điều luật bổ sung đó, thì một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 sẽ được tiến hành theo yêu cầu của cá nhân hay tổ chức đó. Nếu số phiếu thuận đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu, việc vô hiệu hóa sẽ được thông qua bất chất sự phủ quyết trước đó của Thống đốc và trở thành điều luật bổ sung cho điều luật bị vô hiệu.
Phần 2: Hành Pháp và Tư Pháp
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 27/10/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131027/du-thao-hien-phap-viet-nam-tu-do-phan-i
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001