Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Hưng lớn – Hưng nhỏ

Hưng lớn – Hưng nhỏ 



Trần Kỳ Trung
clip_image002
Ông Lê Hiếu Đằng
clip_image004
     Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9

Mấy hôm nay dư luận xôn xao về chuyện nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 có những lời nhận xét về chuyện biểu diễn của một số ca sỹ trẻ. Nếu bình tĩnh xem xét một cách trọn vẹn thì công nhận đây là lời góp ý thực, khách quan của một người tâm huyết với nghệ thuật nước nhà. Những người được nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nhận xét, phần đông chọn vị thế im lặng hoặc trả lời khiêm tốn. Tôi hiểu, những nghệ sỹ này hiểu lời nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 mà xem những điều chưa được của mình để sửa chữa, tu chí, tìm hướng phấn đấu, mong tương lai có “chỗ đứng” trong lòng người xem. Nhưng riêng ông “Hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng  lại không nghĩ thế, vì ông cậy có số lượng khán giả hâm mộ, nhất là lực lượng trẻ, rất đông, rồi là người đạt nhiều giải thưởng nhất nước, vang danh cả trong và ngoài nước v.v…và v.v… để phản bác lại những lời nhận xét, góp ý chân thành của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Tôi không ghi lại những lời phản bác này của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, vì nhiều người đã đọc. Nhưng có một hiện tượng mà trước khi viết lời phản bác, tôi tin Đàm Vĩnh Hưng không nghĩ ra. Sau bài viết của Đàm Vĩnh Hưng, số lượng người phê phán ngày càng đông, lời càng gay gắt. Và, qua những lời phê phán đó, rõ khổ, hình tượng của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, từ trước đến này được phủ bằng một lớp sơn hào nhoáng từ cách ăn mặc, phong cách biểu biễn, đến cả những phát ngôn, nhiều giải thưởng lớn… bây giờ bị lột sạch, lộ ra sự thật là tầm văn hóa rất thấp kém, nhất là về mặt đạo đức. Còn giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng, chẳng qua gặp thời, khéo cách quảng cáo, biết cách gây sự kiện… chứ thật ra, giọng hát đó, như lời nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, chỉ là loại C…
Thế mới biết rằng, để có chỗ đứng thực sự trong lòng người xem, không dễ. Anh phải phấn đấu cả đời, luôn khiêm tốn, học hỏi, biết chỗ dở của mình để sửa chữa, lắng nghe những lời góp ý chân thành mà phục thiện… Còn không phải như thế, thì không trước thì sau, người xem sẽ quay lưng với anh. Lượng người hâm mộ sẽ vơi dần, đến một lúc nào đó, tên tuổi của anh, không ai nhớ.
Không biết bây giờ ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã tỉnh ngộ ra chưa?
Qua chuyện này của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, cũng cho chúng ta một bài học.
Cũng mấy hôm nay, dư luận xôn xao với một bài báo của ông Lê Hiếu Đằng: “ Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…”. Đây là suy nghĩ thực của một người yêu nước trước một hiện trạng đất nước, mà bất cứ người Việt Nam nào còn lo lắng với sự tồn vong của dân tộc đều phải lên tiếng. Lẽ ra, nên đối thoại công khai, bình đẳng, thành tâm ví như đăng toàn văn trên các báo giấy bài “ Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng rồi cùng trao đổi,  tranh luận trên tình thần cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, tìm ra chuyện “đúng”, “sai” thì các “dư luận viên” của báo giấy Việt Nam bao gồm các tiến sỹ, giáo sư… cả người nhân danh là bạn của ông Lê Hiếu Đằng cậy có quyền, thế, lên tiếng truy chụp, cắt xén bài viết của ông Lê Hiếu Đằng và gán cho ông đủ các từ ngữ tiêu cực nhất, gần giống với Đàm Vĩnh Hưng gọi nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử”. Trước khi viết những bài báo đó, những “dư luận viên” này tin rằng, y như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã tin, họ được nhân dân ủng hộ, người đọc, người nghe vẫn là của họ, thể chế này họ nắm… nên thế, sự phê phán của họ đối với bài viết của ông Lê Hiếu Đằng sẽ được dư luận đồng tình. Sẽ không có ai nghe, không ai đọc, không ai ủng hộ bài viết  của ông Lê Hiếu Đằng!!! Nhưng thực tế ngược lại,  họ càng bắt bẻ,  truy chụp, lên án bài viết của ông Lê Hiếu Đằng thì họ càng thể hiện trình độ ấu trĩ của mình về thời cuộc, về nhận thức quy luật lịch sử… trước bàn dân thiên hạ. Những bài viết như vậy, thường có một tác dụng ngược lại, người đọc tìm đến bài viết của ông Lê Hiếu Đằng nhiều hơn, khâm phục ông Lê Hiếu Đằng nhiều hơn. Chuyện này tương tự như chuyện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng khi anh ta phản bác lại lời nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 bằng những lời lẽ vô văn hóa, thì người đọc càng thấy nhân cách của Đàm Vĩnh Hưng quá tầm thường khi đứng cạnh nhân cách của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9.
Cũng giống như lời nhận xét nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9  cho một số ca sỹ với ý định tốt, các ca sỹ nên xem lại những khiếm khuyết của mình để sửa chữa, biểu diễn về sau càng hay hơn. Ông Lê Hiếu Đằng viết bài báo “Suy nghĩ trong những ngày năm bịnh” cũng có ý định tương tự như thế nhưng lớn hơn, đó là vận mệnh dân tộc. Đây là lời nói của một ông già “gần đất, xa trời” không hề có ham hố chức quyền, tạo cho mình nổi tiếng hay giành giật quyền lợi… mà chỉ có mong muốn đất nước, xã hội kinh tế tốt lên, thực sự dân chủ, văn minh, hòa nhịp vào các nền văn minh thế giới, được các nước trên thế giới tôn trọng.
Đảng và các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam nên lắng nghe, cùng trao đổi trên tinh thần cầu thị, để tìm một hướng đi mới cho dân tộc Việt Nam đến bến bờ dân chủ, văn minh, tự do thực sự.
Còn không phải như thế, lại giống bài viết của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng phản bác một cách vô văn hóa với lời nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, lượng người hâm mộ Đàm Vĩnh Hưng sẽ vơi dần.
Hình tượng Hưng “ nhỏ” sẽ mất trong tương lai không xa.
Và cũng trong tương lai không xa, hình tượng Hưng “ lớn” sẽ mất, nếu như đi lại vết xe đổ của Hưng “nhỏ”.
T.K.T.
Nguồn: trankytrung.com

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:45
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/hung-lon-hung-nho.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001