Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

1124. Căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông
Posted by basamnews on 07/07/2012
The Economist

Biển Đông đang bị khuấy đục – Căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông

Người dịch: Dương Lệ Chi
07-07-2012

Ngay khi các nước Đông Nam Á bật lên một tiếng thở phào nhẹ nhõm về việc Trung Quốc và Philippines cho thấy họ đang rút lui khỏi cuộc đối đầu trên biển Đông, thì căng thẳng mới lại phát sinh giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng ở trên đại dương trải rộng này. Những ngày gần đây, hai nước đang gia tăng đấu khẩu về các quần đảo và quyền khai thác dầu ở gần đó, thậm chí đưa ra gợi ý giải quyết bằng biện pháp quân sự, để củng cố các tuyên bố với đối thủ của họ. Vài dự đoán xung đột sắp xảy ra, nhưng sự hồi sinh của những thù hận cũ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể mở ra những rạn nứt rất lớn trong khu vực.

Sự nới lỏng căng thẳng kéo dài hàng tuần giữa Trung Quốc và Philippines trong tháng qua cho thấy dấu hiệu hai nước đã nhìn thấy, có quá nhiều thứ để mất khi tiếp tục tranh cãi về quyền sở hữu bãi cạn Scarborough (xem bản đồ). Mặc dù có được sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng Philippines biết rằng, khả năng họ sẽ bị đánh bầm dập trong bất kỳ trận đấu quân sự nào. Trung Quốc, mặc dù làm ồn ào, nhưng cho thấy họ lo lắng rằng thể hiện hành động quân sự có nguy cơ hủy hoại hình ảnh của họ và làm cho các nước Đông Nam Á nghiêng về phía Mỹ hơn để có được an ninh. Philippines cho biết, họ đã rút hai tàu của chính phủ ra khỏi bãi cạn hôm 15 tháng 6, với lý do thời tiết xấu. Tin tức cho biết, các tàu Trung Quốc cũng đã rút lui, mặc dù không rõ họ có rút hết hay không.
Nhưng sự yên tĩnh này chẳng tồn tại được bao lâu. Hôm 21 tháng 6, Quốc hội Việt Nam thông qua luật biển, khẳng định lại các tuyên bố của nước này về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc gọi việc làm này là “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền của họ. Trung Quốc phản ứng bằng cách tuyên bố chính quyền cấp huyện được cho là quản lý hai quần đảo này và hầu hết các phần còn lại trên biển Đông từ quần đảo Hoàng Sa, được nâng cấp độ hành chính lên thành một quận. Truyền thông Trung Quốc mô tả phạm vi quyền hạn ảo tưởng này, Tam Sa, là một quận lớn nhất của đất nước (mặc dù dân số chỉ vài trăm người, có số mòng biển còn đông hơn rất nhiều so với dân số ở đó và lãnh thổ thì không rõ ràng vì chủ yếu là nước). Một số người dùng internet ở Trung Quốc hào hứng suy đoán về người có thể được bổ nhiệm làm thị trưởng, tin tức trên một số trang web cho biết, một nhà thủy văn 45 tuổi nhận công tác này, nhưng sau đó bị hủy bỏ vì tin giả.
Căng thẳng gia tăng thêm do một thông báo cuối tháng trước của CNOOC, công ty khai thác dầu của chính phủ Trung Quốc, rằng họ mở thầu cho chín lô ở nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, cho quốc tế dự đấu thầu thăm dò dầu khí. Những nơi [mà Trung Quốc đưa ra đấu thầu] này cách bờ biển Việt Nam trong vòng 37 hải lý (khoảng 68km), theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một công ty khai thác dầu thuộc chính phủ Việt Nam. Ông Carlyle Thayer, thuộc Đại học New South Wales, nói rằng hành động của CNOOC có thể là một “hành động chính trị” nhằm phản ứng lại luật mới của Việt Nam, về điều mà từ lâu Trung Quốc đã thể hiện mối quan tâm. Ông Thayer nói rằng, với các tranh chấp như thế, việc gọi thầu của Trung Quốc sẽ không nhận được sự mặn mà từ các công ty khai thác dầu.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là cả hai nước gửi các tín hiệu mạnh mẽ rằng họ có thể bảo vệ các tuyên bố của mình bằng vũ lực. Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 28 tháng 6 nói rằng, họ đã mở các cuộc tuần tra “sẵn sàng chiến đấu” ở biển Đông. Trước đó, Việt Nam tuyên bố đang tiến hành hoạt động tuần tra thường xuyên trên không ở khu vực quần đảo Trường Sa. Một số hoạt động này có thể là các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã đánh nhau với Việt Nam nhiều hơn với bất kỳ nước nào khác. Cuộc giao tranh lớn gần nhất của họ là một cuộc đụng độ hải quân ở quần đảo Trường Sa năm 1988, đã giết chết hơn 70 người Việt. Kể từ đó, quan hệ [giữa hai nước] đã được cải thiện rất nhiều, nhưng hai nước vẫn còn cảnh giác lẫn nhau. Việt Nam, lúc đó là đồng minh của Liên Xô, đã thất vọng với Trung Quốc, gần đây gia tăng các mối quan hệ quân sự với Mỹ.
Cả hai nước đều không muốn leo thang trong chuyện này. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã và đang cố gắng để đưa ra một hình ảnh dễ dãi hơn kể từ cuộc đọ sức thể hiện sự ngạo mạn về biển Đông năm 2009 và 2010, đã làm tăng cao mối lo ngại trong khu vực và hủy hoại các nỗ lực của Trung Quốc muốn thể hiện sự trỗi dậy trong hòa bình. Giữa tháng 7 [năm nay] các bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á, cũng như Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, sẽ thảo luận về an ninh khu vực ở Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Trung Quốc không không muốn có sự đối đầu lần này trong các buổi họp mà họ đã phải chịu đựng tại một cuộc họp tương tự cách đây hai năm, khi bà Clinton khẳng định rằng, biển là lợi ích quốc gia của Mỹ, củng cố các đối thủ của Trung Quốc khu vực về vấn đề này.
Chủ nghĩa dân tộc là một quân bài khó tiên đoán. Ngày 1 tháng 7, hàng trăm người tham gia các cuộc biểu tình hiếm hoi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chống lại sự khẳng định của Trung Quốc về các tuyên bố ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cũng như Trung Quốc, Việt Nam thường không chấp nhận các cuộc biểu tình công cộng, nhưng [trong các cuộc biểu tình vừa qua] cảnh sát đã ít can thiệp.
Ở Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo nổi tiếng về chủ nghĩa dân tộc, hôm 4 tháng 7, đã đưa ra một bài xã luận với mục đích đả kích, chống lại cả Việt Nam lẫn Philippines (một lần nữa đã đi quá giới hạn hôm 2 tháng 7, khi nói rằng Philippines có thể yêu cầu Mỹ triển khai máy bay do thám trong khu vực tranh chấp). Tờ báo này nói: Trung Quốc nên phản ứng thận trọng, nhưng cả hai nước [Việt Nam và Philippines] đáng bị trừng phạt. Tờ báo này cũng cảnh báo rằng, nếu hai nước đi “quá giới hạn qua các hành động khiêu khích”, điều này có thể dẫn tới các cuộc tấn công quân sự.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn có một sự bùng nổ về tình cảm dân tộc chủ nghĩa, có thể phản tác dụng nếu không đáp ứng các nhu cầu của dân chúng. Nhưng có nhiều điều không chắc chắn khi Trung Quốc chuẩn bị cho những thay đổi lớn trong lãnh đạo dân sự và quân sự của họ vào mùa thu này. Các ứng viên quyền lực không muốn thể hiện sự yếu đuối. Hoàn Cầu Thời báo thì gầm gừ:Nếu chuyện tranh chấp các hòn đảo xảy ra vào thời đế quốc, thì đã được xử lý dễ dàng hơn nhiều“.
Nguồn: The Economist
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/07/cang-thang-gia-tang-giua-vn-va-tq/#more-67460
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001