Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

VUA MINH MẠNG TRỊ CON HƯ ĐỂ LÀM GƯƠNG CHO THIÊN HẠ NHƯ THẾ NÀO

Bùi Xuân Đính
Vua Minh Mạng (1791 - 1841) nổi tiếng trong lịch sử nhà Nguyễn nói riêng, các vương triều phong kiến Đại Việt nói chung không chỉ là vị vua giỏi việc hành chính, giỏi thơ văn mà còn rất nghiêm khắc với trăm quan, người thân; không để các tình cảm thân quen làm ảnh hưởng công việc; không để vợ con, anh em ỷ thế mình mà làm những việc ngang trái. Ông còn nổi tiếng trong việc dạy con. Tuy có tới 142 người con (gồm 78 trai - thường có tên gắn với chữ “Miên”, 64 gái) và tuy rất bận với công việc trong triều, song ông luôn để ý đến họ, thấy họ sai là chấn chỉnh luôn. Câu chuyện dưới đây là ví dụ điển hình về việc răn dạy con rất nghiêm khắc của ông.
Trong số các con trai của Vua Minh Mạng có Hoàng tử Miên Phú. Cậy thế vua cha, Phú thường chơi bời lêu lổng. Vào một đêm tháng Một năm Ất Mùi (tháng 12 năm 1835), trời rét, Miên Phú cùng bọn phủ thuộc là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngựa ở ngoài hoàng thành. Đua được mấy vòng, Miên Phú về trước, mấy tên phủ thuộc tiếp tục cho ngựa chạy thi. Vó ngựa rầm rập gây náo loạn nhiều đường phố. Một bà già đi bên đường tránh không kịp, bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết !

Vua Minh Mạng được tin, sai các quan đại thần là Trương Văn Quế, Tôn Thất Bằng, Phan Bá Đạt đi điều tra. Ngày hôm sau, Vua nhận được lời Tâu của các qaun, liền dụ rằng : “Trẫm rất buồn giận, thường ngày Trẫm vẫn rất nghiêm khắc với các hoàng tử, hễ sai phạm là trừng phạt ngay, chưa từng dung tha một chút nào. Miên Phú từ nhỏ bẩm tính ngu đần, lời nói việc làm đều bỉ ổi, lớn lên chỉ rong chơi. Trẫm đã nhiều lần nghiêm khắc dạy bảo, nhưng không biết chừa và sửa lỗi. Nay (Phú) lại gần gũi với lũ tiểu nhân tổ chức phi ngựa ngoài đường lớn Kinh thành là nơi quan quân đi lại đông đúc để đến nỗi xéo chết mạng người. Sao còn xứng đáng là công tử nữa. Lại không vâng lời cha dạy bảo, thực là đứa con xấu xa, tội nào còn lớn hơn nữa. Nay để giữ công bằng, quyết không có lý nghị thân, nghị quý (1). Phàm các em và con cháu chớ nên coi khinh, lấy thân để thử pháp luật, gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính nể”.
Rồi Vua ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cách lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự mình sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú. Phú còn phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc.
Đối với bọn Hoàng Văn Vân, Vua Minh Mạng cũng chỉ rõ : “Vân là đứa con côn đồ, nương tựa nơi cửa quyền, ngày ngày cám dỗ người khác càn quấy, quen làm những điều bất thiện. Lại dám phóng ngựa ở nơi công đường, thực là không coi ai vào đâu. Nếu xét án thì khó mà khép tội giết người vì lầm lỡ được, phải xử tội thực phạt”.
Rồi Vua sai chém Vân ngay sau khi hết hạn tạm giam, để “răn những kẻ bám vào cửa quyền không coi pháp luật vào đâu”. Anh em tên Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng ở nơi xa, khi đến nơi còn bị đánh 100 gậy.
Lời bàn:
Câu chuyện có thật trên đây được ghi trong sách Đại Nam thực lục - bộ chính sử của nhà Nguyễn trên đây gợi lên những suy nghĩ về thái độ ứng xử trước pháp luật của ba thành phần xã hội.
Trước hết là Hoàng tử Miên Phú. Là con vua, nhưng Phú không những không biết giữ cho cha, theo gương cha để trở thành người tốt, để xứng đáng là “con ông cháu cha; con vua cháu chúa”, đặng kế tục được sự nghiệp của cha; mà còn ỷ thế cha mình để chơi bời lêu lổng, kết giao với cả bọn du thủ du thực, làm càn, vi phạm pháp luật, gây chết người, dẫn đến bị tước cả danh hiệu, bổng lộc, bị phạt giam ... Cho hay, một con người dù đã có nền, có móng, có bệ đỡ chắc chắn, nhưng không biết tu thân, tích đức, thì nền móng, bệ đỡ đó cũng sớm bị “tan tành”. Và giữa Hoàng tử quý phái và người tầm thường, giữa người lẽ ra đáng được trân trọng, nể phục với kẻ đáng bị lên án, khinh bỉ; giữa người thuộc tầng lớp “thượng thượng lưu” với kẻ tội đồ chỉ là khoảng cách rất mỏng manh.
Thứ hai, là bọn Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Quế, Bùi Văn Nghị. Là người trong phủ thuộc, lẽ ra phải có trách nhiệm giám sát, quản lý các hoạt động, hành vi của con vua, để góp phần cùng vua rèn, giáo dục hoàng tử; hơn thế nữa, còn có điều kiện để học tập những cái tốt, điểm hay của dòng phái nhà vua. Vậy mà, bọn Vân, Quế, Nghị không những không làm được điều đó mà còn ỷ thế là phủ thuộc của con vua để càn quấy, coi thường pháp luật. Chúng không những phạm tội mà còn gián tiếp đẩy con vua vào vòng tội lỗi. Và bị vua ra lệnh thẳng tay trị tội chẳng có gì oan ức với chúng.
Thứ ba là Vua Minh Mạng. Là người nổi tiếng thượng tôn pháp luật, đã không biết bao lần, ông sâu sát, nghiêm minh xét từng vụ án các quan phạm tội, kể cả các quan có nhiều công lao và từng là cận thần của mình. Điều này hẳn là bình thường và “dễ dàng” với một vị quân vương. Song với các em và các con mình, một vị quân vương dù “rắn” đến mấy, cũng phải có lúc “mềm lòng”, lưỡng lự trong việc xử lý, bởi liên quan đến tình cảm máu mủ ruột rà, nhất là khi phải áp dụng các biện pháp phạt bổng, đánh gậy với họ - những người từ bé sớm được yêu chiều, sống trong nhung lụa.
Tuy nhiên, Vua Minh Mạng lại không nghĩ như vậy. Ông hiểu rằng, nếu “nương tay” với Miên Phú, trăm quan và muôn dân sẽ chẳng “tâm phục khẩu phục” khi cho rằng, vua chỉ nghiêm với quan, dân mà lại dung túng cho cái sai của con em mình. Ông cũng hiểu rõ, nếu nương tay với Phú, Phú sẽ càng được thế ỷ vào vua cha, tiếp tục làm những điều càn bậy. Khi đó, ông không chỉ “mất con” mà còn mất đánh cả thành danh uy tín của mình. Vì thế, ông đã thẳng tay phạt con mình quen thói ỷ thế cha làm vua để chơi bời lêu lổng, kết thân với bọn xấu làm điều bất lương; trị tội nghiêm khắc cả các thuộc hạ của con, dùng con làm “bình phong, lá chắn” để càn quấy, gây rối trật tự xã hội. Minh Mạng là điển hình của việc dạy con biết sống theo pháp luật, làm gương cho cả thiên hạ.

Chẳng bù cho một số người trong xã hội ta ngày nay, cậy có tiền, cậy có quyền, nuông chiều con để con hư hỏng; không ít kẻ cậy thế của cha mẹ để làm càn, nhận hối lộ của các cơ quan dưới quyền cha mình, một số kẻ “choai choai” thì càn quấy, vi phạm pháp luật, sau đó lại được cha mẹ dùng tiền, dùng thế “bảo lãnh” xin về, mà những vụ các “công tử nhà quan, nhà giàu” tổ chức đua xe máy, thậm chí đua ô tô trong một vài năm gần đây là ví dụ điển hình.
Câu chuyện này cần nêu lên để những người đó suy ngẫm.



(1) Nghị thân: những người thân thích của vua. Nghị quý : những người có chức tước lớn, được vua quý trọng. Theo luật pháp phong kiến, những người này thuộc diện bát nghị, khi phạm tội sẽ được tha tội hoặc giảm tội.

* Bài đăng trong tập sách Những câu chuyện pháp luật thời phong kiến của tác giả, Nxb. Tư pháp, 2005. Tác giả có chỉnh sửa lại lời bình.

*Bài do PGS. TS Bùi Xuân Đính gửi trực tiếp cho NXD-Blog.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001