Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

1331. CUỘC KHỦNG HOẢNG TÊN LỬA CUBA VÀ BÀI HỌC CHO CÁC CUỘC XUNG ĐỘT HIỆN NAY
Posted by basamnews on 30/10/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 27/10/2012

CUỘC KHỦNG HOẢNG TÊN LỬA CUBA VÀ BÀI HỌC CHO CÁC CUỘC XUNG ĐỘT HIỆN NAY

TTXVN (Cairô 22/10)
Từ 16-28/10/1962, ý định của Liên Xô triển khai các tên lửa hạt nhân ở Cuba đã đẩy thế giới đến bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân. Dựa trên nhiều tư liệu bị mất đã được giải mã, tạp chí “Slate” số ra ngày 15/10 cho rằng thời khắc quan trọng của Chiến tranh Lạnh này hiện vẫn còn những điều chưa sáng tỏ.
Trong tháng 10 này, thế giới kỷ niệm 50 năm nổ ra cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Nhân sự kiện này, nhiều chính trị gia, nhà bình luận và sử gia đã đúc kết hàng loạt bài học kinh nghiệm về sự yếu đuối, về sức mạnh và về sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, vấn đề là các bài học kinh nghiệm này lại tạo ra những huyền thoại được xây dựng dựa trên những lời nói dối trá về cách thức khởi đầu và kết thúc của cuộc khủng hoảng trên. Điều này không phải là không để lại những hậu quả đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Một trong những huyền thoại đó đã được cẩn thận loại bỏ, theo đó Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã buộc nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev phải lùi bước và rút các tên lửa hạt nhân ra khỏi Cuba bằng cách đe dọa can thiệp bằng vũ lực. Trên thực tế, theo tiết lộ từ các đoạn băng ghi âm bí mật về các cuộc thảo luận giữa Tổng thống F. Kennedy với các cố vấn cấp cao của mình (từ 25 năm nay, mọi người có thể tiếp cận các bằng chứng này tại Thư viện Kennedy), hai nhà lãnh đạo đã ký kết một thỏa thuận theo đó Khrushchev rút tên lửa của Nga ra khỏi Cuba trong khi Kennedy rút các tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, một huyền thoại sai lầm khác vẫn tiếp tục được lưu truyền. Theo đó, tại một cuộc gặp với Khrushchev được tổ chức vào mùa Xuân năm 1961 tại Viên (Áo), Tổng thống Kennedy đã phải lùi bước trước Khrushchev. Nhà lãnh đạo Liên Xô đầy mưu mẹo đã quyết định triển khai tên lửa ở Cuba và tin rằng vị Tổng thống trẻ tuổi người Mỹ yếu đuối tới mức không thể đáp trả hành động này. Tuy nhiên, các bằng chứng, trong đó phần lớn đã được giải mật từ mười năm trước trong kho lưu trữ của điện Cremli và đã được đề cập trong cuốn “Cuộc chiến tranh lạnh của Khrushchev” của các tác giả Aleksandr Fursenko và Timothy Naftali, tiết lộ rằng chính Khrushchev đã quyết định chuyển tên lửa sang Cuba do cảm thấy bất lực và lo sợ có bất ổn.
Khrushchev đã làm được điều mà ông ta muốn do sự yếu đuối của Kennedy, nhưng vào một thời điểm và một địa điểm khác. Đó là tại Béclin vào mùa Hè năm 1961. Sự thất bại của cuộc đối đầu này và sự kháng cự mạnh mẽ của Tổng thống Kennedy đã khiến Khrushchev lo lắng đến mức quyết định chuyển tên lửa sang Cuba một năm sau đó trong một nỗ lực nhằm chống lại những gì mà ông ta cho là sự vượt trội của Mỹ.
Hãy quay lại lịch sử để hiểu rõ hơn bối cảnh này. Vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, quân đội Liên Xô chiếm nửa phía Đông của Đức trong khi quân đội Mỹ, Anh và Pháp chiếm Tây Đức. Với sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Lạnh, ranh giới cứng giữa hai nửa của nước Đức dần định hình và cuối cùng tạo ra hai quốc gia riêng biệt. Thủ đô Béclin lại nằm sâu bên trong lãnh thổ của Đông Đức, cách đường biên giới khoảng 130 km, được chia thành Đông Béclin và Tây Béclin. Tây Béclin phát triển thịnh vượng, trái ngược hoàn toàn với cảnh đói nghèo của các khu vực xung quanh. Năm 1948, Stalin ra lệnh phong tỏa và cô lập với hy vọng sẽ khiên Tây Béclin sụp đổ. Tuy nhiên, không quân Mỹ đã tiếp tục chuyển các mặt hàng cung cấp cho thành phố này. Do không thể ngăn chặn cầu đường không này, Stalin đã chấm dứt lệnh phong tỏa. Năm 1959, tới lượt mình, Khrushchev cố gắng làm cho Tây Béclin sụp đổ song Tổng thống Mỹ lúc đó là Dwight Eisenhower đã đối đầu với Khrushchev. Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo đã ký kết một thỏa thuận ngừng bắn tại Trại David.
Năm 1961, sau cuộc gặp với Kennedy ở Viên (Áo), Khrushchev lại xoay sang tấn công và tuyên bố rằng sẽ nổ ra chiến tranh nếu phương Tây từ chối ký một hiệp ước cho phép Tây Béclin tách khỏi Đông Đức. Kennedy phản đối và trên thực tế, cuộc khủng hoảng Béclin vào mùa Hè năm 1961 cũng diễn ra căng thẳng như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962. Vào thời điểm đó, xe tăng Liên Xô và Mỹ thậm chí đã giáp mặt nhau trong suốt gần 25 tiếng đồng hồ tại một trạm kiểm soát. Cuối cùng, Khrushchev đã chịu lùi bước.
Chính vào giai đoạn đó, nhờ các vệ tinh gián điệp mới đưa vào sử dụng, CIA và Lầu Năm Góc cuối cùng nhận ra rằng trái với những lo lắng của Mỹ một vài năm trước đó (và được Kennedy khai thác trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960), không có sự khác, biệt về tầm bắn của các loại tên lửa của Liên Xô và Mỹ. Hay nói đúng, hơn, có một khoảng cách nhưng hoàn toàn có lợi cho Mỹ vốn đang tiến xa hơn Liên Xô trong lĩnh vực này.
Kennedy muốn giấu kín điều này. Đó là lý do tại sao ngày 2/10/1961, trong một bài phát biểu tại Hot Springs, bang Virginia, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Gilpatric Rosswell tuyên bố rằng mình tin vào “khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn tất cả các hành động của Liên Xô và chống lại hành động tống tiền của họ”, dựa trên sự “phân tích khách quan sức mạnh quân sự của cả hai bên”. Theo ông Gilpatric, kho vũ khí của Mỹ rất mạnh với “hàng chục nghìn” vũ khí hạt nhân và “bất kỳ động thái nào của kẻ thù có khả năng dẫn tới việc sử dụng kho vũ khí này sẽ là hành động tự hủy hoại mình”.
Trong suốt nhiều năm, Khrushchev tuyên bố rằng các nhà máy vũ khí của Liên Xô sản xuất tên lửa đạn đạo hạt nhân như chế biến “xúc xích”. Trên thực tế, Liên Xô gần như không có gì trong kho dự trữ. Chương trình sản xuất tên lửa của nước này đang hết sức ngổn ngang (hiện Mỹ đã cho công bố trò bịp bợm này). Lúc đó, Đảng Cộng sản Liên Xô sắp tổ chức hội nghị thường niên. Khrushchev bị những người ủng hộ quan điểm cứng rắn tại điện Cremli lẫn Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích vì đã lùi bước ở Béclin. Trong cuộc chiến đấu với các đối thủ của mình, Khrushchev đang đánh mất thói quen. Khrushchev lo ngại rằng Mỹ sẽ tấn công phủ đầu hạt nhân chống lại Liên Xô. Sự lo lắng này không phải là quá vô lý. Trong cuộc khủng hoảng Béclin, Kennedy đã từng ra lệnh cho Lầu Năm Góc nghiên cứu về tính khả thi của một cuộc tấn công kiểu này , Bản nghiên cứu tuyệt mật dày 36 trang kết luận rằng cuộc tấn công này hoàn toàn khả thi. Không biết liệu Khrushchev có biết kế hoạch này không song theo các thông tin giải mật đăng trên tạp chí “The Atlantic” vào tháng 10/2011, Tổng thống Mỹ Kennedy đã từng thảo luận về vấn đề này ít nhất tại một cuộc họp trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã không từ bỏ ý định chiếm Tây Béclin nhưng ông ta biết rằng mình không còn đòn bẩy nào nữa. Lúc đó, Khrushchev thậm chí còn không chắc chắn liệu các tên lửa cũng như máy bay ném bom của Nga có đủ khả năng đáp trả nếu Mỹ tấn công hạt nhân nước này. Nhưng vào thời điểm đó, Khrushchev có một lượng lớn tên lửa tầm trung và đó là lý do tại sao ông ta quyết định chuyển chúng sang Cuba để đặt Mỹ vào trong tầm ngắm của các tên lửa này. Nếu việc lắp đặt tên lửa này diễn ra trót lọt, Khrushchev sẽ có một cái gì đó để đổi chác.
Nhưng máy bay do thám U2 của Mỹ đã phát hiện ra tên lửa của Nga. Và ngay khi Kennedy thông báo về việc này, Khrushchev biết rằng mình không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải rút tên lửa ra khỏi Cuba. Vậy câu hỏi quan trọng ở đây là làm thế nào để lùi bước mà không bị sỉ nhục thêm? Đây cũng chính là điều mà Kennedy phải suy nghĩ. Các đoạn băng ghi âm bí mật tiết lộ rằng vào ngày 18/10, ngày thứ ba của cuộc khủng hoảng, Kennedy tự hỏi rằng tại sao Khrushchev lại chuyển tên lửa sang Cuba. Kennedy nghĩ rằng người Nga chắc chắn có ý định sử dụng chúng như một con bài mặc cả và để Mátxcơva rút tên lửa, ông ta phải tìm một “lối thoát” cho cuộc khủng hoảng, một cách để Khrushchev giữ thể diện.
Kennedy nói với giọng đùa cợt: “Một trong các khả năng đó là nói với Khrushchev: ông hãy rút tên lửa của mình ra khỏi Cuba, chúng tôi sẽ rút tên lửa của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Không ai trong số các cố vấn có mặt tại cuộc thảo luận hôm đó nhìn nhận nghiêm túc lời nói này. Vào ngày 25/10, ngày cuối cùng của cuộc khủng hoảng, khi Khrushchev đưa ra lời đề nghị chính thức này, Kennedy đã rất ủng hộ. Kennedy nói trong một đoạn băng ghi âm: “Đừng nói cho tôi nghe chuyện tầm phào. Phân lớn mọi người đều nghĩ rằng khi họ đề nghị một cuộc trao đổi trung thực, cần phải nắm lấy chúng. Nếu chúng ta phát động chiến tranh, tiến hành không kích và xâm lược Cuba, và nếu Liên Xô đáp trả bằng cách đánh chiếm Béclin, tất cả mọi người sẽ nói: Dầu sao đề nghị của Khrushchev cũng không tồi”.
Tất cả những người có mặt tại cuộc họp kiên quyết phản đối một thỏa thuận như vậy, cho rằng nó sẽ gây tổn hại cho NATO, làm suy yếu nước Mỹ trên thế giới và gây ra một loạt thảm họa. Vào cuối cuộc họp, chỉ có duy nhất một người ủng hộ ý kiến của Tổng thống Kennedy, đó là Thứ trưởng Ngoại giao George Ball và sau này cũng là người duy nhất trong Chính quyền Johnson phản đối leo thang quân sự tại Việt Nam. Kennedy đã bỏ qua ý kiến của đại đa số các cố vấn của ông và ra lệnh cho em trai của mình là Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy (người cũng phản đối quyết định của Tổng thống) nói với đại sứ của Liên Xô rằng Mỹ chấp nhận trao đổi với điều kiện việc này phải được giữ bí mật. Và bí mật này đã được giữ kín trong suốt 25 năm cho đến khi nội dung các đoạn băng ghi âm được công bố và khi một số cố vấn của cố Tổng thống Kennedy quyết định tiết lộ sự thật mặc dù họ không dám nói rằng chính họ đã phản đối cuộc trao đổi trên.
Việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho chúng ta một số bài học có thể có ích cho các cuộc khủng hoảng hiện nay.
1. Những người nắm vai trò chủ chốt nên giữ liên lạc với nhau. Vào tháng 10/1962, đã không có cuộc điện thoại nào giữa Khrushchev và Kennedy. Tuy nhiên, họ đã trao đổi rất nhiều bức điện và Kennedy duy trì hen lạc thông qua Đại sứ quán Liên Xô ngay cả khi tàu chiến và tàu ngầm hai bên đối mặt với nhau và các lực lượng quân đội đã được huy động và thậm chí vào thời điểm căng thẳng tột đỉnh khi một chiếc máy bay do thám U2 của Mỹ bị bắn rơi. Nếu không có các cuộc liên lạc này, cuộc khủng hoảng có thể đã biến thành một cuộc chiến tranh.
2. Tại một điểm, phe chiếm ưu thế sẽ phải tạo lối thoát cho phe kia. Điều này không nhất thiết là phe chiếm ưu thế phải hy sinh lợi ích của mình trước tiên. Tên lửa Jupiter mà Tổng thống Kennedy rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ đã cũ. Lúc đó Mỹ đang chuẩn bị cử các tàu ngầm hạt nhân mới lớp Polaris tới Địa Trung Hải trong đó mỗi chiếc được trang bị 16 tên lửa hạt nhân. Các tàu ngầm hạt nhân này khó bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công. Nói cách khác, trong cuộc mặc cả trên, khả năng quân sự của Mỹ không mất mát, ảnh hưởng gì.
3. Không có gì mâu thuẫn giữa việc ký thỏa thuận và duy trì cảnh giác. Một thỏa hiệp không giống với việc xoa dịu. Theo một cuốn sách xuất bản gần đây của David Coleman có tiêu đề “Ngày thứ 14: John F. Kennedy và hậu quả của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”, các cuộc tranh cãi tiếp tục nổ ra trong những tháng sau khi Mỹ và Nga ký thỏa thuận về Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều căng thẳng đã xuất hiện liên quan đến các điều khoản và thời gian biểu của việc rút các tên lửa của Nga ra khỏi Cuba. Kennedy đã đứng vững. Tuy nhiên, cả hai phía đã không rời khỏi bàn đàm phản cũng như làm sống lại cuộc khủng hoảng.
4. Hoàn toàn ảo tưởng khi cho rằng việc giải quyết một cuộc khủng hoảng sẽ mang lại một kỷ nguyên hòa bình. Cuối cùng, thỏa thuận về Thổ Nhĩ Kỳ đã không giúp Khrushchev giữ thể diện. Hai năm sau, ông ta đã bị lật đổ bởi phe diều hâu tại điện Cremli. Phe này bắt đầu tài trợ cho một chương trình sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực này. Cuộc Chiến tranh Lạnh vẫn tiếp tục với cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong ba mươi năm sau đó. Tuy nhiên, không còn đối đầu giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Cuba hay Béclin.
Cuộc xung đột hiện nay liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran không thể căng thẳng bằng cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Tuy nhiên, giữa chúng có nhiều điểm tương đồng. Đối mặt với áp lực lớn về mặt tài chính, các nhà lãnh đạo Iran đang đề xuất thỏa hiệp để kết thúc cuộc khủng hoảng. Các đề xuât hiện tại của Iran không thể chấp nhận được khi nước này yêu cầu phương Tây hủy bỏ các lệnh trừng phạt trước khi chấp nhận ngừng làm giàu urani. Song điều nấy không có nghĩa là cánh cửa đàm phán đã đóng lại. Chúng ta không biết những động cơ chính xác của Iran cũng như cách họ đánh giá về tương quan sức mạnh. Têhêran có thể đang cố gắng đánh lừa nhưng rất có thể họ cũng đang tìm kiếm một “lối thoát” nói như cố Tổng thống Mỹ Kennedy. Trừ phi muốn có chiến tranh (tuy nhiên một số người Mỹ lại muốn điều này), hãy thử thăm dò quan điểm của nhau và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã cho chúng ta một số manh mối về cách thức phải tiến hành như thế nào./.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/10/30/1331-cuoc-khung-hoang-ten-lua-cuba-va-bai-hoc-cho-cac-cuoc-xung-dot-hien-nay/#more-79846
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001