Vừa qua trung ương đảng kết
thúc hội nghị toàn thể lần thứ 6 mà không đi đến quyết định kỷ luật “một ủy viên
Bộ chính trị” mặc dù có những sai phạm nghiêm trọng mà sai phạm đó chủ yếu là
vấn đề Tham nhũng. Sự việc lớn đến nỗi Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng suýt
bật khóc tại hội nghị khi đọc diễn văn bế mạc.
Chuyện một vị lãnh đạo lớn
nhất trong đảng khóc trước hội nghị mới xảy ra có 1 lần duy nhất cách đây gần 60
năm. Hồi đó đảng, chính phủ đã phạm sai lầm lớn trong cải cách ruộng đất gây ra
mấy chục nghìn cái chết oan uổng cho nhân dân ta.
Nay có vụ thứ hai, ông tổng bí
thư suýt bật khóc tuy chưa đến mức rơi lệ nhưng đó cũng là bằng chứng thừa
nhận trong đảng có sai phạm rất lớn mà tầm mức có thể không thua kém gì vụ cải
cải cách ruộng đất trước đây.
Chuyện tham nhũng trong đảng
không còn là chuyện đồn thổi trong dân hoặc do các “thế lực thù địch” nó phịa
ra, tuyên truyền chống phá đảng nhà nước mà là sự thật rành rành bởi vì chính
chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang đã phát biểu với công chúng tại Thành phố Hồ
Chí Minh rằng hầu hết các ủy viên Trung ương Đảng đều đồng ý vị “ủy viên Bộ
chính trị” mà ông gọi là “đồng chí X” đã có những sai phạm nghiêm
trọng.
Ông Sang giải thích rằng việc
trung ương đảng không xử lý kỷ luật “một ủy viên Bộ chính trị” không có nghĩa là
vị này không có lỗi mà là do hoàn cảnh. Hoàn cảnh như thế nào thì chủ tịch không
giải thích nên dân lại phải đoán già đoán non hoặc tìm kiếm thông tin trên các
trang mạng để giải quyết các thắc mắc “tư tưởng”.
Tuy ông chủ tịch không nêu
đích danh kẻ sai phạm (vì nể, vì sợ, vì muốn đoàn kết với “đồng chí X” hay có lý
do nào đó không rõ) nhưng trong dân người ta hiểu chủ tịch muốn ám chỉ vị ủy
viên bộ chính trị X ấy là ai.
Khi người dân biết tỏng đâu là
“rau” đâu là “sâu” rồi thì hôm Chủ nhật ngày 21/10, tại buổi nói chuyện tại Đại
học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trước vấn đề chống tham nhũng do một thành
viên cử tọa nêu lên, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn phát biểu rằng
“phòng chống tham nhũng không chỉ bằng pháp luật mà còn ‘ở vấn đề con người”.
“Công tác giáo dục đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, công chức có lòng tự trọng,
có trách nhiệm cao với đất nước cũng có vai trò rất quan trọng.”
Chung quy lại, thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công chức nhà nước phải có lòng tự trọng để khỏi rơi vào
tình trạng tham nhũng.
Vậy là với một lối nói gián
tiếp, thủ tướng cho rằng “đồng chí X” trong bộ chính trị kia là không có lòng tự
trọng và công tác giáo dục từ nay có trách nhiệm phải đưa được lòng tự trọng của
cán bộ công chức nhà nước nói chung và cái tự trọng của “đồng chí X” kia lên thì
mới dẹp được tham nhũng.
Có cái hay là không thấy cử
tọa nào nhắc nhở về cái chuyện thủ tướng hứa sẽ từ chức nếu không chống được
tham nhũng vì hứa để đó, hứa mà làm ngược lại cũng là vấn đề lớn trong khái niệm
“lòng tự trọng” của con người.
Như chúng ta ai cũng biết rằng
đảng, chính phủ vẫn nhận là “công bộc” của dân mà “dân là chủ” cho nên cái lỗi
để xảy ra tham nhũng tràn lan của cán bộ đảng viên từ nhỏ đến trung ương, bộ
chính trị như hiện nay là do nhân dân ta không nghiêm, không hoàn thành nhiệm vụ
của “ông chủ” cho nên thiết nghĩ nhân dân cần làm gương về “lòng tự trọng” và
hãy từ chức đi.
Mai Xuân Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001