Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

GIẤY THÔNG HÀNH TƯ CÁCH


Lại nghe, từ 1/7/2012 trên chứng minh thư nhân dân phải ghi tên cha mẹ. Dân tình đang nhiều râm ran phản đối. Làm con dân nước Việt vốn đã quá nhiều giấy tờ tùy thân gắn bên mình: nào là chứng minh thư, hộ chiếu (nếu xuất cảnh); hộ khẩu, thẻ kia, thẻ nọ (nếu thuộc về đoàn thể nào đó)…Giờ thì ghi thêm tên cha mẹ. Ghi làm gì nhỉ?
Hồ sơ mỗi công dân đã có hẳn một bộ phận to đùng quản lý, chỉ cần gõ vào máy tính ra cả đống, thậm chí mấy lần đi biểu tình chống Trung Quốc cũng có trong đó chưa biết chừng? Ở đâu, làm gì, gặp gỡ ai…cũng biết. Quê quán ghi đến tận mấy đời. Nhân tiện nói việc ghi quê quán theo cha thậm vô lý. Ở quê nội chả ai người ta biết mình nhưng vì theo cha nên vẫn kê khai như vậy, mặc dù vài năm ghé thăm quê một lần, chủ yếu là viếng mộ các cụ. Ông cháu đích tôn phản ứng hỏi, tại sao cháu vẫn ghi quê theo ông nội? Chả biết, cứ ghi vào đó theo qui định. Nhà ở hay nhà trọ thuê ở đâu cần là tìm ra ngay…
Thế thì cha mẹ ghi vào CMT có tác dụng gì? Rất tiện lợi và cần cho ai có bố mẹ làm quan chức lớn, là người nổi tiếng. Ví thử đơn giản nhất là chả may vi phạm luật giao thông bị cảnh sát tuýt còi may ra xin xỏ được. Còn mấy ông bà nông dân, dân nghèo tên toàn những Tèo, Đĩ, Hĩm, Cu, Đẻn…thì ghi vào mảnh giấy chứng minh thư làm gì cho chật giấy? Với những người đã chết thì cái tên của họ có ghi lại trên đó chả thêm chút rạng danh gì “với núi sông”. Chưa hết, con “kế hoạch ba” của các quí ông mà chưa muốn công khai danh tính với thiên hạ thì việc bắt buộc ghi tên cha thì khác nào chơi xỏ? Mà chuyện này vốn thường trong đời sống, ai dám bảo nắm chặt tay từ sáng tới tối không có chuyện gì, kể cả quan chức lớn? Bỗng bí mật đời tư chềnh ềnh lên giấy tờ tuỳ thân, coi sao đặng? Còn mấy cô quá lứa xuân thì kiếm con nương tựa tuổi già, chả biết bố con mình là ai, tự nhiên cứ phải “lạy các bố, con là gái không chồng”, các bố tha cho con sao? Đời tư của mỗi người cần được tôn trọng từ những việc nhỏ nhất, đến giờ các cán bộ ta hình như vẫn chưa quen tư duy? Hay từ lâu mọi quy định, chính sách quản lý con người đều rất tùy hứng, tùy tiện, bất chấp sự tự nguyện cá nhân, chỉ miễn làm sao được việc của các cơ quan công quyền? Trong khi đó, nói dại, nếu ai đó bị tai nạn dọc đường khi đi một mình, đưa vào bệnh viện thì không một giấy tờ nào thể hiện một căn cứ giúp bác sỹ cứu chữa nhanh chóng, ví như nhóm máu gì…Một điều hiển nhiên 18 tuổi là đủ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bố mẹ cũng không cứu được họ nếu họ vi phạm pháp luật. Có chăng để biết thêm hoàn cảnh sống, điều kiện giáo dục, nền tảng gia đình khi muốn đi sâu vào phân tích, nghiên cứu tâm lí phạm tội. Việc đó chỉ cần gõ máy vi tính là ra hết, cần gì ghi trên chứng minh thư?


Cầm chứng minh thư nhân dân thì ai ai cũng có vẻ bình đẳng trước pháp luật vì mảnh giấy con con ấy bằng nhau, màu sắc như nhau, thông số cá nhân bắt buộc như nhau…Nhưng đằng sau mẩu giấy con con ấy là số phận từng con người với quá nhiều khác biệt mà chứng minh thư nhiều trường hợp không để làm gì, ngoài những việc mang tính hình thức. Nhiều việc sai quấy chưa và không bao giờ bị xử lý vì nhân thân họ lớn hơn tấm chứng minh thư công khai kia vô chừng, tức là lớn hơn pháp luật - họ có chứng minh thư “bất khả xâm phạm”. Còn nhiều số phận đang chịu bất công (như mất đất, xử án sai…) thì cha mẹ họ dù có là liệt sỹ, thương binh, người có công với đất nước thì vẫn phải học bài học về sự “bình đẳng trước pháp luật”. Chứng minh thư chỉ có tác dụng đọc trước tòa khi xử án…
Bao giờ thì có “giấy thông hành tư cách” có tính ràng buộc con người trong đạo lý nhỉ? Một tấm giấy thông hành khiến người ta phải đắn đo, dằn vặt, đau đớn…mỗi khi làm việc sai trái, tội lỗi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001