Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

KHI LƯƠNG THIỆN LÀ THỪA

GSND Hoàng Ngọc Hiến – Ảnh NĐT
MI LY
Hội thảo “Hoàng Ngọc Hiến – bậc trí giả lương thiện” gây chú ý ngay từ cái tên. Người thích đùa có thể hỏi xoáy: “Trí giả nước mình chỉ mỗi ông Hiến lương thiện chăng?”.
Lương thiện – phẩm chất…ít ai có?
Cái tên hội thảo Hoàng Ngọc Hiến – bậc trí giả lương thiện để lại cho người tham dự những suy tưởng thú vị. Một khán giả tự nhận “vô danh” nói: “Nếu lấy mấy chữ trí giả lương thiện gắn cho Hoàng Ngọc Hiến, có nghĩa đó là một nét độc đáo, chưa kể có khi ông là duy nhất, nghĩa là trí giả ở ta ngoài Hoàng Ngọc Hiến ra thì…
Theo tôi, nên thêm hai chữ vào thì sẽ còn chính xác hơn, đó là Hoàng Ngọc Hiến – bậc trí giả lương thiện cuối cùng”. Phát biểu này đáng suy ngẫm, nhưng cũng hơi… bi quan cho nền học thuật nước nhà.
Bởi Hoàng Ngọc Hiến qua lời kể của bạn bè, là một người lạc quan. Sự lương thiện, theo ông, không hề hiếm hoi đến thế. Trao đổi sau hội thảo, một khán giả khác chia sẻ, ông chưa đồng ý với hai chữ “lương thiện”, không phải vì ông Hiến không… lương thiện.
Lý do là trong cuốn Luận cương đạo đức học (tài liệu lưu hành nội bộ của trường Nghiệp vụ và lý luận từ năm 1976), Hoàng Ngọc Hiến từng trích dẫn lời nhà thơ- nhà soạn kịch Bertolt Brecht (Đức): “Chỉ tốt không thôi chưa đủ. Phải sáng tạo hoàn cảnh trong đó lòng tốt trở nên thừa”.
Qua đó, Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra rằng, “lương thiện” là một thứ bắt- buộc-phải- có của con người trong xã hội. Điều ông hướng đến là một xã hội trong đó tử tế là một lẽ đương nhiên, không cần bàn đến, cũng không cần phải kêu gọi. Lúc đó luật pháp sẽ là cơ sở để con người sống với nhau.
Ý tưởng vừa vĩ đại vừa có phần không tưởng đó, Brecht đã nghĩ đến từ đầu thế kỷ 20.
Sang đến thế kỷ 21 rồi, chúng ta vẫn còn luẩn quẩn kêu gọi lòng tốt ở nhau, chứ chưa ý thức được rằng, kêu gọi không thôi chưa đủ, chúng ta phải loại bỏ những thứ sinh ra cái xấu, chỉ khi đó lòng tốt mới trở nên thừa, không ai là không có. Nếu thế, ở Việt Nam, chắc cũng không chỉ mình Hoàng Ngọc Hiến được tôn vinh là “bậc trí giả lương thiện” nữa?
“Cái nước mình nó thế” – bó tay hay là không?
“Cái nước mình nó thế” là câu cửa miệng của không ít người Việt nhưng trong giới học thuật thì được gắn với tên Hoàng Ngọc Hiến. Tại hội thảo, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nêu ra một nghịch lý: đây là câu nói đầy minh triết, nhưng vấn đề nằm ở cách người ta vận dụng câu nói này vào đời sống. Giữa đường gặp chuyện bất bình, tặc lưỡi: Cái nước mình nó thế. Đứng trước một chuyện phi lý, thay vì tìm cách lý giải và thay đổi, lại chép miệng: Cái nước mình nó thế va… buông xuôi. Lương tâm lại ngủ yên. Những cái đó rất tai hại. Tâm thức dân gian, cái gì cũng trở thành huyền thoại, giai thoại, không có tính khoa học”.
Có lẽ lại phải trích Nguyễn Huy Thiệp để thanh minh cho Hoàng Ngọc Hiến một chút- trong bài phú nhớ tiếc Hoàng Ngọc Hiến mà ông đọc trong hội thảo: “Cái nước mình nó thế!/ Phảng phất nụ cười xòa…/ Cười xong thì rơi lệ /Lòng người đau xót xa!”.
Ông “hiện thực phải đạo” và điều đáng tiếc
Bà Tố Nga, vợ nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cùng nhà thơ Hữu Thỉnh tại hội thảo.  Ảnh: Mi Ly
Bà Tố Nga, vợ nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cùng nhà thơ Hữu Thỉnh tại hội thảo. Ảnh: Mi Ly.
Tên Hoàng Ngọc Hiến gắn liền với bốn chữ “hiện thực phải đạo”, vừa làm nên tên tuổi ông, vừa khiến cuộc đời ông lao đao. Đó là bốn chữ được ông gọi thẳng ra trong bài viết Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, thường được giới văn nghệ gọi tắt là bài “văn học phải đạo”, in trên báo Văn nghệ ra ngày 9-6-1979.
(Tiếc một điều, không rõ lý do gì, bài viết giá trị này lại không được đưa vào cuốn Hoàng Ngọc Hiến… Viết ra mắt cùng lúc với hội thảo về ông tối 4-7 tại Hà Nội).
Trong bài này, ông viết: “Nhìn chung, trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại… Tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật.
Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Bài viết đã khiến Hoàng Ngọc Hiến mất vị trí hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, lận đận gần 10 năm trời.
Nhắc đến điều này trong hội thảo, PGS Phạm Vĩnh Cư tiếc nuối: “Nếu anh Hiến không viết cái bài đó mà cứ lẳng lặng làm công việc được giao ở Trường Nguyễn Du, thì đường công danh của anh suôn sẻ hơn nhiều. Anh sẽ làm được nhiều việc lớn hơn, xứng đáng với tầm cỡ của anh hơn. Bởi anh Hiến là người biết tập hợp xung quanh mình những trí thức lớn trong văn học nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn”.
Bài viết bị công kích tơi bời, theo PGS Phạm Vĩnh Cư. Ông kể: “Anh Hiến biết sẽ không có báo nào đăng bài phản bác của anh, nhưng với mỗi bài phê phán mình, anh cặm cụi viết bài trả lời gửi riêng cho người đó. Tôi cảm phục và rất thương anh vì điều đó”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại cho rằng “hiện thực phải đạo” không hẳn khiến con đường công danh của ông Hiến đi xuống. Theo nhà thơ, đây là đóng góp quan trọng của người thầy Hoàng Ngọc Hiến, thay đổi tư duy sáng tác của giới văn nghệ thời đó, nhờ đó mà có những Tản mạn thời tôi sống, Tướng về hưu, Bước qua lời nguyền, rồi Nỗi buồn chiến tranh… trung thực hơn với cuộc đời.
*
Hoàng Ngọc Hiến có học vị Phó tiến sĩ (bảo vệ tại Liên Xô 1964), nhưng từ lâu, vừa do nhầm lẫn vừa do trân trọng, người ta quen gọi ông là “Giáo sư”. Nói đến ông, nên nhắc lại nhận định của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cách đây nhiều năm: “Những người ở đẳng cấp elite (ưu tú) như ông, ở ta không có nhiều, trong 80 triệu dân có chừng 30 người”.
Hoàng Ngọc Hiến (1930 – 2011) là một bậc trí giả quan trọng. Nói như nhà văn Văn Chinh: “Là thầy của nhiều nhà văn nhà thơ lớn, ông Hiến cũng là một học trò chuyên nghiệp, học suốt 80 năm không nghỉ”. Lý luận phê bình văn học là lĩnh vực khiến Hoàng Ngọc Hiến được biết đến, ông có công dìu dắt và giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Trọng Tạo… Ngoài ra, ông còn là nghiên cứu triết học, minh triết, dịch thuật… Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy gọi ông là “nhà bách khoa”.


NHỚ TIẾC HOÀNG NGỌC HIẾN
(Phú gửi bạn văn của NGUYỄN HUY THIỆP)

Nhớ thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Tiếc thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Bậc trí giả lương thiện,
Một người xưa nay hiếm!
Nhớ ông xưa:
Sinh ở chốn Lam Hồng,
-“Quê choa gì cũng biết,
Riêng hạnh phúc lại không!”
Thật đúng lời người biết!
*
Đi du học ở Nga,
Ngậm ngùi lòng xót xa:
-“Đàn bò qua biên giới,
Thành tiến sỹ được a?”
Đúng là lời người hiệt!
*
Thời “hiện thực phải đạo”,
Thời “bước qua lời nguyền”,
Thời “loanh quanh minh triết”,
Vẫn giữ vẹn phẩm tiết!
*
-“Cái nước mình nó thế!”
Phảng phất nụ cười xòa…
Cười xong thì rơi lệ,
Lòng người đau xót xa!
*
Nhớ thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Tiếc thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Bậc trí giả lương thiện,
Một người xưa nay hiếm!
Tiếc ông xưa:
Về dựng trường Nguyễn Du,
Hoang đường và ngây thơ!
Chuyện “Ngu công dời núi”,
Học Đạo mà như đùa!
*
Than ôi, công ông lớn,
Bao học trò thành danh!
Tên tuổi trùm thiên hạ,
Đều từ đây mà thành:
*
Bọn Đăng Khoa, Hữu Thỉnh,
Đám Trọng Tạo, Bảo Ninh…
Lũ Y Ban, Trung Đỉnh,
Đến Mỹ Dạ, Văn Chinh…
Công nông binh đủ cả,
Hốt nhiên tự dưng thành!
*
Than ôi đức ông lớn,
Sống chẳng màng hư danh!
Chết được phong Sư tử
Hỏi ông có giật mình?
*
Nhớ thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Tiếc thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Bậc trí giả lương thiện,
Một người xưa nay hiếm!
*
Nhớ ông xưa:
Hồi nào đến gặp ông,
Ông không chúc thuận buồm,
Cũng chẳng chúc xuôi gió,
Nước mắt hòa chén cơm,
Cứ giận ông chúc xỏ!
*
Hai nhăm năm rồi đó,
Câu chúc mãi theo tôi…
Chợt hiểu ở nước mình:
-“Nhà văn khổ như chó!”
*
Nhớ thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Tiếc thay, Hoàng Ngọc Hiến!
Bậc trí giả lương thiện,
Một người xưa nay hiếm!
Than ôi,
Thượng hưởng!
Hãy cứu lấy trẻ con!Hãy cứu lấy tiếng Việt!Hãy cứu lấy nước mình!
- Học ông Hoàng Ngọc Hiến!
*

Dưới đây là chùm ảnh buổi tọa đàm:

Các diễn giả từ trái qua: nhà văn Đà Linh, TS Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, TS Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong cuộc tọa đàm về Hoàng Ngọc Hiến – Ảnh: Hà Hương
Dù trời mưa, lại diễn ra vào buổi tối nhưng buổi tọa đàm vẫn thu hút sự có mặt của đông đảo những người quan tâm. Các đại biểu tranh thủ đọc bài báo về GS Hoàng Ngọc Hiến khi tọa đàm chuẩn bị bắt đầu.
Nhà văn Đà Linh dẫn dắt buổi tọa đàm. Anh cũng là người biên soạn cuốn sách mang tên “Hoàng Ngọc HIến… viết” của GS Hoàng Ngọc Hiến được Công ty Bách Việt ấn hành trong dịp này.
GS Phạm Vĩnh Cư ấn tượng với GS Hoàng Ngọc Hiến từ những quan sát tinh tế của ông từ những ngày còn học tập tại Liên Xô. Ông cũng là người kế tục sự nghiệp tại Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn – Viết báo – ĐH Văn hóa Hà Nội) mà GS Hoàng Ngọc Hiến dành nhiều tâm huyết xây dựng buổi ban đầu.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ, ông biết đến cái tên Hoàng Ngọc Hiến từ khi còn là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tại Thái Nguyên qua bài viết “Triết lý Truyện Kiều” in trên Tạp chí Văn học từ năm 1966.
Nhà văn Văn Chinh nhớ lại, thầy Hiến từng nói “Đại hoc là nơi người ta đến để gặp những người tài giỏi”, và ông còn có một định nghĩa nữa về Giáo sư: với thầy Hiến, Giáo sư là người học trò chuyên nghiệp, người học trò cả đời…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đọc một bài phú về GS Hoàng Ngọc Hiến. “Bậc trí giả lương thiện” cũng là cụm từ được tác giả “Tướng về hưu” sử dụng trong bài phú.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người học trò, người em của GS Hoàng Ngọc Hiến cho rằng Hoàng Ngọc Hiến là một người không bao giờ dừng trên con đường khoa học, ngay cả khi trái tim đã ngừng đập rồi ông cũng còn mang đi nhiều ý tưởng, nhiều suy nghĩ, nhiều cuốn sách chưa được viết ra. Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, những lý luận của GS Hoàng Ngọc Hiến đã làm thay đổi diện mạo văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20.
Trong phần phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh nói rằng, ba năm ông học tại Khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du, thầy Hiến chỉ giảng có một tiết học 45 phút thôi nhưng đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc. “Trong cuộc đời của thầy Hoàng Ngọc Hiến có lúc thầy đi trên đại lộ, có lúc ngồi trên xe hơi, có lúc leo dây một mình trên những chặng đường khoa học…”, nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động nói. Ông nói rằng, ông là người được biết những lúc thầy “leo dây” như thế và những kỷ niệm ấy ông muốn giữ lại cho riêng mình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng bày tỏ lời cám ơn với phu nhân GS Hoàng Ngọc Hiến, một người luôn đứng đằng sau giúp GS dành tâm sức cho sự nghiệp nghiên cứu. Ông cho rằng, cần tiếp tục “vẽ chân dung” GS Hoàng Ngọc Hiến, bởi ông là người tiêu biểu về nhiều phương diện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, người làm việc với GS Hoàng Ngọc Hiến những năm tháng cuối đời tại Trung tâm Minh triết Việt nói về cuốn sách cuối đời Hoàng Ngọc Hiến gửi cho ông có tên “Luận bàn về Minh triết Việt” trước khi GS đột ngột ra đi. Ông và anh em trong Trung tâm Minh triết Việt gọi đó là “lời lối linh của một nhà văn hóa”. Ông cũng gọi GS Hoàng Ngọc Hiến là con người của những câu hỏi, quan trọng hơn, đó là những câu hỏi đúng.
TS Trần Thu Dung về từ Pháp đã kể lại những kỷ niệm với GS Hoàng Ngọc Hiến trong những chuyến công tác tại Pháp của ông. Đọng lại trong chị đó là hình ảnh một con người giản dị, luôn trân trọng những đồng nghiệp lớp sau, những người bên dưới mình.
Phát biểu cuối cùng và được coi như ý kiến khép lại buổi tọa đàm, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng, Hoàng Ngọc Hiến là người chứa đựng nhiều nghịch lý, và đó là đặc điểm của những thiên tài. Đỗ Lai Thúy nêu lên 4 nghịch lý của Hoàng Ngọc Hiến mà theo ông đó cũng là 4 điều làm nên tầm cỡ của Giáo sư.
Tại buổi tọa đàm, bức họa được dùng làm hình nền sân khấu (công trình chung của họa sĩ Hữu Thanh và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán) cũng được Công ty Bách Việt và Trung tâm Văn hóa Pháp tặng cho gia đình GS Hoàng Ngọc Hiến.
Con rể GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyễn Bình Phương, cùng mẹ vợ tại buổi tọa đàm.
Ảnh: Xuân Thủy

nguồn_nguyentrongtao.com:http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/07/07/khi-luong-thien-la-thua/
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001