Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du châu Á


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay ngoại trưởng Hillary Clinton đang trên đường tới Paris, và sau đó sẽ đến Đông Á để tham dự hội nghị về Syria và Afghanistan trước khi thực hiện chuyến đi lịch sử đến thăm nước Lào.

Ngoại trưởng Clinton tới Paris hôm thứ Năm để dự hội nghị lần thứ ba của tổ chức “Những người bạn của Nhân dân Syria”, một nhóm liên lạc quy tụ các nước đang mưu tìm một giải pháp để giải quyết bạo động tại Syria.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết bà Clinton sẽ tham khảo ý kiến các đồng nghiệp về những bước nhằm tăng áp lực đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và hậu thuẫn các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt bạo động và tạo điều kiện cho một cuộc chuyển tiếp chính trị.

Dự kiến Ngoại trưởng Clinton cũng sẽ tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo Pháp về những quan tâm khác và hội ý với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas về các quan hệ với Israel.

Từ Pháp, ngoại trưởng Clinton sẽ đáp máy bay sang Tokyo để tham dự một hội nghị về Afghanistan. Tại đây bà sẽ tái khẳng định cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với nhân dân Afghanistan.

Những chặng dừng chân kế tiếp của ngoại trưởng Clinton gồm có Mông Cổ vào ngày 9 tháng 7, Việt Nam một ngày sau đó, và vào ngày thứ Tư tuần tới, bà Clinton sẽ đến Vientiane, thủ đô nước Lào, nơi bà sẽ trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm quốc gia vùng Đông Á này tính từ 57 năm nay.
nguồn_VOA:http://www.voatiengviet.com/content/ngoai-truong-my-cong-du-chau-a/1364054.html
---------------------------------------------------------------------------------
Bà Hillary Clinton sắp thăm Việt Nam


Cập nhật: 10:47 GMT - thứ năm, 5 tháng 7, 2012

Bà Clinton sẽ thăm Hà Nội ngày 10/7-11/7
Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ có chuyến thăm từ 10/7-11/7 tới Hà Nội, trước khi sang Phnom Penh họp diễn đàn an ninh khu vực.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ra hôm thứ Năm 5/7 chỉ nói ngắn gọn rằng bà Hillary Clinton "sẽ thăm chính thức Việt Nam", nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trong khi đó thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì nói bà ngoại trưởng sẽ có tiếp xúc với lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đồng thời chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận song phương trong lĩnh vực trao đổi giáo dục và kinh doanh. Bà cũng sẽ gặp gỡ một số đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
Từ Hà Nội, ngày 11/7 bà Hillary Clinton sẽ tới Vientiane, Lào, trong chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ tới quốc gia này trong 57 năm, và hội kiến với Thủ tướng Thongsing Thammavong.
Bà chỉ ở lại Lào vài tiếng đồng hồ rồi lên đường sang Campuchia.
Theo giới quan sát, việc Ngoại trưởng Clinton tới Hà Nội trước khi tới tham dự Diễn đàn An ninh Asean (ARF) lần thứ 19 mang ý nghĩa và nội dung quan trọng.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Canberra, Úc châu, nói đây có thể xem như một phần trong nỗ lực tái khởi động tiến trình đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia cựu thù.

Chuyển trọng tâm

Hoa Kỳ đang thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam được xem như quốc gia quan trọng đặc biệt trong quá trình tái cân bằng quyền lực này.
Vì nhiều lý do và khác biệt, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên vẫn là một đích tới trên con đường khá gập ghềnh.
Thế nhưng với các diễn biến gần đây, nhất là khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy với tư cách cường quốc, nhiều quốc gia nhỏ hơn ở châu Á và Asean đều muốn thấy Mỹ như một đối trọng trong khu vực.

Hoa Kỳ đang chuyển hướng sang châu Á
Theo ông Thayer, rất có khả năng trong chuyến đi ngắn ngủi của mình bà Clinton sẽ đề cập tới các vấn đề ở Biển Đông, là chủ đề 'nóng' trong tương quan địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương.
Các ngoại trưởng Asean họp tại Phnom Penh giữa tháng này được trông đợi sẽ đạt được đồng thuận về một dự thảo Quy tắc Ứng xử của Các nước trên Biển Đông (COC), để đưa ra thảo luận với Trung Quốc.
Bắc Kinh vẫn muốn tham gia từ đầu quá trình thiết lập COC.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng sẽ tới Phnom Penh trong chuyến đi từ 10/7-12/7 để tham dự các hội nghị ngoại trưởng khu vực.
ARF 19 sẽ diễn ra ngày 12/7/2012.

Quan hệ song phương

Tình hình Biển Đông hiện nay đang khá căng thẳng sau các biện pháp khẳ̀ng định chủ quyền của các quốc gia liên quan như Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, Giáo sư Thayer nói chuyến thăm tuần tới của Ngoại trưởng Hillary Clinton dù có đề cập tới chủ đề Biển Đông, vẫn chủ yếu tập trung vào các vấn đề quan hệ song phương Mỹ-Việt.
Người ta đang dò đoán về năm 2012 như một năm mà quan hệ Việt-Mỹ có thể được nâng lên một bước mới.
Đang có thông tin nói rằng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và Tổng thống Barack Obama có thể sẽ thăm Việt Nam nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 này.
Trong khi đó, giới vận động dân chủ đang tăng cường kêu gọi Washington phải tiếp tục nỗ lực khuyến khích nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Nhân quyền là một trong các khác biệt chính yếu giữa Việt Nam và Mỹ.
Các tổ chức nhân quyền đang yêu cầu Hoa Kỳ phải nỗ lực gây áp lực đòi Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và thực hiện cải cách chính trị trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Hà Nội luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm, viện lý do "không có ai bị bỏ tù vì lý do chính trị, chỉ có người vi phạm pháp luật bị trừng trị".
nguồn_BBC:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120705_clinton_vietnam.shtml
---------------------------------------------------------------------------------
Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam lần thứ 4


Cập nhật lúc 20h20" , ngày 06/07/2012 0

Nữ Ngoại trưởng Hillary
(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ dẫn đầu đoàn quan chức và doanh nghiệp Mỹ đến thăm Việt Nam từ ngày 10-11/7 tới. Đây là chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong chuyến ở thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary “dự kiến sẽ tiếp kiến lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và tham gia một số hoạt động cùng đoàn doanh nghiệp của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay (6/7) cho biết.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những hoạt động của bà Hillary trong chuyến thăm Việt Nam lần này là chứng kiến một loạt lễ ký kết các thỏa thuận từ trao đổi giáo dục cho đến các hợp đồng thương mại cũng như gặp gỡ các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
Đây là lần thứ 4 bà Hillary Clinton tới thăm Việt Nam. Lần đầu tiên là vào năm 2000, khi đó bà là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đi theo chồng là Tổng thống Bill Clinton. 10 năm sau, năm 2010, bà Hillary hai lần đến thăm Việt Nam trên cương vị là nữ Ngoại trưởng quyền lực của nước Mỹ.
Việt Nam là một trong nhiều chặng dừng chân của bà Hillary trong chuyến công du dài ngày lần này. Nữ Ngoại trưởng Mỹ còn đến một loạt nước gồm Pháp, Nhật, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Ai Cập và Israel.
Rời Việt Nam, bà Hillary sẽ lên đường tới Vientiane vào ngày 11/7. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Campuchia trong 57 năm qua. Dự kiến, bà Hillary sẽ gặp Thủ tướng Thongsing Thammavong và các quan chức cấp cao của chính phủ khác, thảo luận về hàng loạt vấn đề song phương cũng như khu vực, trong đó có Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong và về ASEAN.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến khu vực Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ với ASEAN được thể hiện qua việc Ngoại trưởng Hillary rất tích cực tham gia các hội nghị của ASEAN. Bà cũng thường xuyên thực hiện chuyến thăm đến các nước Châu Á.
Hải Yến


Mỹ 'trấn an' ASEAN về Trung Quốc


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Đông Nam Á tuần tới để tham dự diễn đàn khu vực ASEAN tại Campuchia và cuộc gặp các ngoại trưởng của hội nghị Cấp cao Đông Á.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ công du châu Á tuần tới. Ảnh: inquisitr
Sự kiện trên diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Khi vấn đề này dường như thu hút rất nhiều chú ý trong khuôn khổ chuyến công du của bà Clinton, thì Mỹ dường như cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh và thúc đẩy những thỏa thuận kinh tế trong khu vực.
Việt Nam gần đây đã phản đối mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm một quyết định mời thầu thăm dò và phát triển dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam không phải là nước duy nhất phản đối Trung Quốc về Biển Đông trong những tháng gần đây.
Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines về một bãi cạn ở Biển Đông vẫn đi vào bế tắc sau hơn hai tháng mà chưa có giải pháp. Sau thời gian ngắn tạm rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough, vào chiều thứ hai tuần này, máy bay Philippines đã phát hiện 6 tàu cá Trung Quốc và 17 xuồng nhỏ ở trong đầm phá của bãi cạn. Ngoài ra còn có 5 tàu chính phủ Trung Quốc bị phát hiện ở ngoài vùng đầm phá.
Thậm chí gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tàu hải giám thực hiện tuần tra ở các vùng biển tranh chấp.
Justin Logan (Viện Cato ở Washington) cho biết, trong bối cảnh căng thẳng và lo lắng ngày một gia tăng trong khu vực về sức mạnh hải quân trỗi dậy của Trung Quốc, rất nhiều người đang tìm kiếm sự tiến triển trong nỗ lực kéo dài của cả ASEAN và Trung Quốc để đưa ra được bộ quy tắc ứng xử nhằm tranh các tranh chấp trong tương lai.
Về phần mình, các quan chức Mỹ cho hay, trong các cuộc gặp, họ sẽ khẳng định rõ ràng việc Bắc Kinh và Washington đã cam kết làm việc cùng nhau. “Đây là thông điệp rất quan trọng để chuyển tải, vì mọi người thường nghĩ rằng, Đông Nam Á hay những phần khác của châu Á sẽ trở thành khu vực cạnh tranh chiến lược nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc", trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á Kurt Campbell nói.
Theo ông Campbell, các thỏa thuận kinh tế với những thành viên ASEAN cũng sẽ là phần quan trọng trong chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton.
Sau khi các cuộc họp kết thúc, Mỹ sẽ có một đoàn đại biểu doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay tới Siem Reap, Campuchia để thảo luận về việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Đông Nam Á. Quan chức Mỹ cho biết một số bộ trưởng và nhà lãnh đạo khu vực cũng sẽ tham dự.
Thái An (theo VOA, asiapacific)


Ngoại trưởng Mỹ đến Lào sau gần 60 năm


BBC-Cập nhật: 08:55 GMT - thứ sáu, 6 tháng 7, 2012
Bà Clinton dừng chân ở Paris để bàn về Syria - chặng đầu trong chuyến công du đến 8 nước
Bà Hillary Clinton sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đặt chân đến Lào trong vòng 57 năm qua trong khuôn khổ một chuyến công du dồn dập đến 8 nước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm ngày 5/7.
Như vậy với các chặng dừng chân ở Việt Nam và Campuchia, bà Clinton sẽ đến thăm toàn bộ ba nước trên bán đảo Đông Dương là trong khuôn khổ chuyến công cán lần này.
Công du 8 nước
Theo thông cáo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland thì bà Clinton sẽ khởi hành vào thứ Năm ngày 5/7 với chặng dừng chân đầu tiên ở Pháp để tham dự hội nghị ‘Những người bạn của Syria’.
Sau Pháp, bà sẽ lần lượt đến thăm Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Ai Cập và cuối cùng là Israel.
Bà Clinton đã được Ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời mời chính thức đến thăm đất nước của ông vào năm 2010.
Khi đó ông Sisoulith là quan chức cấp cao đầu tiên của Lào đến Washington kể từ khi lực lượng cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn lật đổ chế độ quân chủ để tiếm quyền vào năm 1975.
Quan hệ giữa Mỹ với Lào dù chưa bao giờ bị cắt đứt nhưng lâu nay vẫn trong tình trạng căng thẳng. Một phần là do chiến dịch đàn áp của chính phủ Lào đối với sắc dân Hmong vốn đứng về phía Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Tuy nhiên Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ bình thường với Lào vào năm 2004 và gần đây đang tìm cách giúp dọn sạch vũ khí còn sót lại từ cuộc chiến vốn vẫn tiếp tục làm nhiều dân thường thiệt mạng.
Hoa Kỳ đã thả hàng tấn bom xuống lãnh thổ Lào để cắt đứt đường chi viện từ Bắc Việt. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2010 thì bom Mỹ đã giết chết và làm thương khoảng 50.000 người dân Lào.
Các nhà quan sát cho rằng trọng tâm của các cuộc hội đàm của bà Clinton ở Lào có thể là Sáng kiến vùng hạ sông Mekong của chính quyền Mỹ cũng như các nỗ lực chống lại nạn buôn bán ma túy.
Bà Clinton cũng sẽ nỗ lực làm hồi sinh hy vọng tìm được thi hài của các lính Mỹ tử trận trong chiến tranh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra Sáng kiến vùng hạ sông Mekong để giúp đỡ trong các lĩnh vực môi trường, y tế và giáo dục ở khu vực đông dân cư này trong nỗ lực xây dựng lại quan hệ với các nước đông nam Á.
Hiện vẫn chưa rõ liệu bà Clinton có đề cập vấn đề người Hmong với giới lãnh đạo tại Vientiane hay không.
Khoảng 250.000 người Hmong đã định cư ở Mỹ. Họ thường lên án tình trạng phân biệt đối xử đối với họ ở Lào và kêu gọi các nhà làm luật Hoa Kỳ gây sức ép lên Vientiane.
‘Đình chỉ đập Xayaburi’

Lào rất cần xây nhà máy thủy điện để tìm nguồn thu cho đất nước
Trong lúc này, chính phủ Lào đã cam kết đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi cho đến khi tất cả quan ngại về môi trường của các nước láng giềng được giải đáp, hãng tin Pháp AFP dẫn lời truyền thông nhà nước của Lào cho biết.
Dự án trị giá gần 4 tỷ đô la này, vốn do tập đoàn CH Karnchang của Thái Lan đứng ra xây dựng, đã gây chia rẽ sâu sắc 4 nước thuộc hạ lưu sông Mekong là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Sông Mekong là nguồn sống của nhiều người dân bốn nước này vốn dựa vào nguồn thủy sản và nguồn nước sông để trồng trọt.
Lào nằm trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới với dân số chỉ có 6,5 triệu người. Nước này xem các dự án thủy điện là nguồn sống đối với tương lai của họ vì chúng sẽ giúp họ trở thành ‘nhà máy điện của vùng đông nam Á’ có khả năng bán điện cho các nước láng giềng có trình độ công nghiệp hóa cao.
Cũng theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì khi đến Hà Nội vào ngày 10/7, bà Clinton sẽ hội kiến các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam.
Bà cũng sẽ chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận về trao đổi giáo dục, các hợp đồng thương mại và gặp gỡ đại diện các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ngay sau Hà Nội bà Clinton sẽ bay đến Phnom Penh vào ngày 11/7 để tham dự vào một loạt các hội nghị khu vực cùng với khối Asean.
--------------------
Viettin: Bà Hillary Clinton sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đặt chân đến Lào trong vòng 57 năm, và cũng là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới Campuchia trong 57 năm qua. Vào tháng 12 năm ngoái, bà cũng là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Rangun (Miến Điện) sau 50 năm. Sau chuyến đi lịch sử này, cánh cửa dân chủ đã mở ra với dân tộc Miến Điện. Chính quyền độc tài chấp nhận đối lập, thả tù chính trị, người tị nạn khắp nơi trở về xây dựng lại quê hương... Phải chăng mô thức dân chủ này đang dần hình thành tại Việt Nam, Lào và Campuchia, khi mà tình hình chính trị tại 3 nơi này luôn có những điểm tương đồng, có cùng một nút thắt ?

nguồn_thegioinguoiviet:http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=15163&page=4
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001