Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Trần Đăng Khoa - Dân trí hay Quan trí?


Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
- Này, tôi hỏi thật nhé, công việc bề bộn thế, chú có còn thời gian đọc sách báo không?
- Cụ hỏi vậy có nghĩa là thế nào?
- Chả là gần đây, tôi thấy báo chí, truyền hình người ta hay bàn đến việc “nâng cao dân trí”. Nhưng vấn đề quan trọng, tôi nghĩ chính là chuyện “quan trí”, chứ không phải “dân trí” đâu, chú ạ.
- Cụ nói thế nghĩa là...
- Là cán bộ có vấn đề chứ sao. Tôi thấy trình độ dân trí của ta bây giờ rất khá. Họ không ấu trĩ, u mê như các chú lầm tưởng đâu. Bây giờ, chỉ ngồi nhà, kéo cái cần ăng - ten lên là họ đã nắm được toàn thế giới. Trong khi đó nhiều cán bộ của ta lại ấu trĩ, non kém, không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của dân. Mà cán bộ mới là quan trọng. Vì họ mới thực sự ở vị thế tác động tới đời sống xã hội. Một người dân dốt nát, có quyết định sai lầm thì chỉ một mình anh ta, hay cùng lắm là vợ con anh ta phải gánh chịu hậu quả. Nhưng một cán bộ mà có những quyết sách sai lầm thì nguy lắm. Cán bộ càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn. Có khi một làng, một xã, một huyện, một tỉnh, hoặc thậm chí là cả một dân tộc phải trả giá cho sự sai lầm của một người, hoặc một nhóm người. Tôi nói vậy sao chú lại cười? Có lẽ chú nghĩ tôi là “gái goá lo việc triều đình" ư?
- Ô, không không... Con đang nghe mà. Nghe chuyện cụ vui lắm...
- Thế mà chú còn vui được à? Cái chú này lạ thật. Chính chú mới là cái thằng vô trách nhiệm nhất. May mà chú không làm to. Chú mà làm to không khéo chết dân đấy. Tôi nói, chú bỏ ngoài tai, đừng trách ông lão nhà quê lẩn thẩn nhé. Tôi thấy cán bộ các chú bây giờ nhiều anh buồn cười lắm. Có anh nói rất hùng hồn mà người nghe vẫn chẳng hiểu anh ta nói gì cả. Bởi tư duy người nói đâu có được mạch lạc. Có anh lên truyền hình vẫn còn nói ngọng, cứ lẫn lộn giữa n với l. Nghe mà nản quá, chú ạ. Còn nhớ một lần, tôi dự buổi mít-tinh truy điệu đồng bào bị thiệt hại trong mấy trận lũ lụt. Có ông đọc điếu văn xong lại vỗ tay hoan hô. Ông ta vỗ trước, rồi mọi người ngơ ngác vỗ theo...
- Cái đó xin cụ thông cảm, có thể do thói quen mà hoá sơ suất...
- Làm cán bộ thì phải cẩn trọng ngay từ những cái nhỏ nhất chứ. Bởi anh ta đang đứng trước dân. Ở đâu cũng có “ống kính”. Người dân sẽ trông vào anh ta mà tìm cách ứng xử cho mình. Với những anh cán bộ như thế thì đừng trách vì sao dân lại thiếu lòng tin vào những người lãnh đạo. Cũng đừng nghĩ là họ nhẹ dạ bị địch xúi giục, mua chuộc. Chẳng có địch nào chui được vào đội ngũ nhân dân, những người suốt đời gắn bó sinh tử với cách mạng, với đất nước. Hàng triệu con, em của họ còn đang nằm ở dưới đất trong suốt mấy cuộc chiến tranh kia...
- Vâng, cụ nói vậy thì con cũng biết vậy. Nhưng dân mình cũng cần độ lượng, thông cảm. Làm cán bộ cũng khó lắm...
- Thì có ai bảo làm lãnh đạo dễ đâu. Tôi có ông bạn chăn trâu cắt cỏ xưa, giờ làm phó chủ tịch tỉnh. Ông ấy bảo: “ Cậu nói gì? Cần phải học à? Rõ vẽ chuyện! Tớ chỉ học hết có lớp Bốn, sau này được người ta đưa đi học hết bổ túc lớp Bảy. Thế mà suốt mấy chục năm làm cán bộ, tớ có sử dụng đến kiến thức đã học đâu”. Tôi không biết những ông cán bộ như thế sẽ múa may ra sao trong thời Kinh tế tri thức và thông tin toàn cầu này. Chẳng biết chú thế nào, chứ tôi thì tôi lo lắm. Bởi thế cùng với việc nâng cao dân trí, chúng ta cần khẩn cấp nâng cao quan trí, chứ không thì nguy đấy.
- Vâng, cụ góp ý vậy thì con cũng chỉ biết vậy…
- Biết vậy, rồi vẫn cứ để vậy chứ gì? Các chú cứ hay hỏi ý kiến, rồi lại còn đề nghị góp ý. Đến khi người ta góp ý thật thì lại chẳng nghe. Hoặc nếu có nghe, thì nghe xong rồi bỏ đấy. Hay chú nghĩ cái ông lão cựu chiến binh nhà quê, lẩm cẩm đã hết thời, ngồi ở xó nhà lại cứ đòi bàn chuyện thế giới…
- Ấy chết, con đâu dám nghĩ thế…
- Nhân có chén trà vặt, lại có chú sang chơi, thì tôi nói thế thôi. Thực tình, người dân chúng tôi lo lắm. Chú hỏi bây giờ dân quan tâm đến điều gì ư? Miếng cơm, manh áo. Đã đành là thế rồi. Đối với người dân, miếng cơm to lắm. Manh áo cũng lớn lắm. Tuy thế, số phận của dân đâu chỉ lệ thuộc vào chuyện cơm áo. Cái mà chúng ta quan tâm nhất bây giờ vẫn là chuyện chống tham nhũng và ổn định chủ quyền ở Biển Đông. Chính vì thế, cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới được nhân dân chú ý đến như vậy. Dân rất hứng khởi khi nghe ông Sang bảo, phải kiên quyết chống tham nhũng. Dù đau đớn cũng phải làm. Không thể khác…
- Vâng, con cũng rất tâm đắc khi xem truyền hình tường thuật…
- Bấy lâu nay, thời tôi còn công tác, ta vẫn cứ nói Tập thể lãnh đạo, Cá nhân phụ trách. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là anh đứng đầu chú ạ. Tập thể, dù có là Thường vụ, hay Cấp ủy thì cũng chỉ là người giúp việc mà thôi. Nếu nói tập thể lãnh đạo, thì khi có sự cố, người đứng đầu rất dễ lẩn tránh trách nhiệm. Ví như vụ đề bạt ông Dương Chí Dũng vừa rồi ấy. Người đứng đầu vẫn ung dung: Chúng tôi làm đúng quy trình. Tôi không ký cái gì sai cả. Khi đề bạt ông Chí Dũng, thanh tra Chính phủ chưa có kết luận. Trời đất ơi! Khi thanh tra đã kết luận rồi thì còn gì để bàn nữa. Người đứng đầu phải nắm được cán bộ của mình khi tiến cử chứ. Việc chọn người đã sai thì mọi thủ tục tuần tự, dù có đúng cũng vô nghĩa. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc chọn người. Cần tránh chủ nghĩa hình thức chú ạ. Ví như việc kê khai tài sản. Tôi cho đó cũng chỉ là hình thức. Vì không thể kiểm soát được. Có ông rất giàu, nhưng nhà cửa, tiền bạc lại “lặn” hết vào con cháu họ hàng. Nếu thực sự muốn kiểm kê tài sản, thì phải xóa bỏ mọi giao dịch bằng tiền mặt. Tất cả đều thanh toán theo thẻ qua hệ thống ngân hàng. Như thế, nhà nước mới kiểm soát được. Một vấn đề tôi nghĩ cũng cần minh bạch chú ạ. Đó là sự công khai năng lực cán bộ. Điều này cũng rất dễ làm, dù chúng ta không có chế độ tranh cử. Ví dụ, ông nào được đề bạt thì có cuộc ra mắt trước dân, tường thuật trực tiếp trên các kênh truyền thông. Ông ta có thể trình bày thực trạng của ngành mà mình phụ trách. Ngành đó ở các nước phát triển như thế nào? Trên thế giới ra sao? Rồi sự phát triển của nó trong các nước khu vực? Thực trạng mình đang ở đâu? Người tiền nhiệm đã làm được những gì? Đến lượt mình, mình sẽ làm gì. Khâu nào sẽ là đột phá khẩu? Tiến trình của năm thứ nhất? Rồi năm thứ hai? Rồi toàn khóa mà mình đảm nhiệm? Như thế tất cả đều minh bạch, rõ ràng. Dân sẽ biết ngay năng lực, trình độ, khả năng của người gánh vác nhiệm vụ. Rồi từ đó mới có tiêu chí để giám sát kiểm tra, rồi bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu làm tốt thì tiếp tục khóa tới. Nếu không làm được thì rời ngay vị trí cho người khác lên thay. Người tài ở trong thiên hạ còn nhiều lắm. Còn nhớ Tổng thống B. Elsin. Tôi đọc báo, mới biết ông này hay uống rượu, khi đi thăm nước ngoài, chủ nhà đã đón tề chỉnh theo nghi thức cấp cao nhất, mà bố ấy còn say xỉn trên máy bay, không xuống được. Khi sắp xếp Nội các, ông ấy chọn cán bộ cũng cũng rất chếnh choáng. Thoạt đầu Thủ tướng là một vị cán bộ lão thành giàu kinh nghiệm lãnh đạo đã ở tuổi bảy mươi. Sau thấy không hiệu quả, ông thay bằng một anh chàng rất trẻ vừa mới chớm ba mươi, nguyên là Bộ trưởng ngành Luyện kim gì đó. Rồi ông lại tiếp tục thay. Ông thay cán bộ cứ như thay áo. Nhưng rồi cuối cùng, ông đã tìm ra được Thủ tướng V. Putin, người đã cứu nước Nga thoát khỏi hiểm họa. Bây giờ, sau hai nhiệm kỳ Tổng thống, một nhiệm kỳ Thủ tướng, V. Putin lại quay về chức vụ Tổng thống, theo sự tín nhiệm của nhân dân Nga. Ở thời đại nào, người đứng dầu cũng vô hạn quan trọng. Bởi nó quyết định sự hưng thịnh hoặc suy tàn của một chính thể hay một quốc gia. Cụ Hồ ngày xưa rất tài trong kỹ nghệ dùng người. Ở lĩnh vực này, Ông Cụ quả là một vị Thánh sống, chú ạ…
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 06/07/2012 
nguồn_danluan:http://danluan.org/node/13264
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001