Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Phương Bích - Bài học đầu tiên là gì? 

Bài học đầu tiên với bất cứ một công dân nào, có lẽ đó là tình yêu đối với cha mẹ. với ông bà tổ tiên, với quê hương đất nước. Học cách yêu thương đồng loại, không chỉ nói không với tội ác mà còn phải chống lại nó, bởi vì im lặng trước cái xấu cũng là đồng lõa với nó.


Tôi hỏi bố, tại sao bố đi làm cách mạng?
Ngày xưa ông bà làm nghề nhuộm vải, mướn toàn con cháu đến làm thuê. Bố phụ giúp các chị buôn bán, có cửa hàng cửa hiệu đàng hoàng. Gia đình cũng thuộc diện có của ăn của để, không đến nỗi nghèo khó.


Thế rồi người Nhật đến. Mỗi khi bắt được ai, bất kể tội gì, họ đều chém tất. Khi chém, họ bắt thanh niên trai tráng trong thị trấn ra xem để khủng bố tinh thần. Bố bảo trông thấy người nước ngoài đến giết dân mình tàn bạo như thế, trong khi người bị bắt bị trói giật cánh khuỷu quỷ trên mặt đất, họ đứng xoạc chân chém theo kiểu võ sĩ đạo, đầu người cứ thế bay lông lốc, cái uất hận tự dưng nó cứ trào ngược lên trong lòng.
Thế là hai người con trai duy nhất trong gia đình, bố và bác đều đi làm cách mạng! Năm bốn sáu bốn bảy mà bác đã là bí thư tỉnh ủy cũng không phải xoàng. Bố thì kém hơn, chỉ là bí thư huyện ủy thời chống Pháp.
Nhưng ngày đó đi làm cách mạng chỉ có cái chết cận kề với bản thân và cả gia đình. Bố đã sống sót để đi đến cuối con đường. Còn bác thì hy sinh trước ngày “thống nhất” hai miền, khi đi thị sát chiến trường lần cuối trước khi ra bắc. Mộ chính của bác nằm ở nghĩa trang Mai Dịch, nhưng tại nghĩa trang Trường Sơn vẫn có ngôi mộ danh dự dành cho vị chính ủy của binh đoàn 559.
Thôi cũng may là bác đã hy sinh, chứ không chắc gì bác đã tồn tại được trong thời buổi này, vì bác “bôn sê vích “ lắm, bác mà ngay thẳng quá họ cũng sẽ “đốn” bác như cụ Trần Độ hay những người khác thôi.
Những gì tôi làm, tôi đều chia sẻ với bố và bố đều hiểu cả. Bố còn sống sót qua hai cuộc chiến tranh đã là điều kỳ diệu. Tôi không dám đòi hỏi gì hơn ở bố, biết bố rất buồn về thời cuộc, chỉ là bố già rồi nên lực bất tòng tâm.
Tôi cũng chẳng dám tự nhận mình là dũng cảm gì cho cam. Nhưng trước những việc ngang tai trái mắt thì không thể im lặng đồng lõa. Chỉ vì tôi lên tiếng đả đảo kẻ xâm lược đất nước mà chính quyền này đòi giáo dục tôi ư? Họ muốn tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, sẽ im lặng trước mối họa xâm lăng để có lợi cho ai?
Mỉa mai thay những người vốn được mệnh danh là công bộc, là đầy tớ của nhân dân, trong khi đến bổn phận của mình đối với nhân dân, với đất nước  họ còn chưa làm tròn trách nhiệm, thì họ lại nhăm nhe giở giọng dạy dỗ và giáo dục nhân dân.
Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong hàng ngũ những người xuống đường hô vang những câu đả đảo Trung Quốc xâm lược, hô Hoàng Sa- Trường Sa – Việt Nam....Trong những người hô đó có cả người già người trẻ, có đủ các thành phần từ dân thường đến các nhân sĩ trí thức đáng kính. Họ muốn giáo dục về việc tôi đi biểu tình là gián tiếp muốn giáo dục tất cả những con người đáng kính đó. Đấy chính là sự ngạo mạn và vô lễ của những người được mệnh danh là công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Thực sự bên trong họ tự cho mình là cha mẹ dân, chứ không như bề ngoài họ vẫn thơn thớt rao giảng mình là công bộc của nhân dân.
Quan nhất thời, Dân vạn đại – giá trị của câu châm ngôn này họ nên luôn ghi nhớ.

*    Đây là một comment của thạc sĩ văn chương Đào Tiến Thi trên blog của tôi:
Biển bị cướp không lo giữ, ngư dân bị đánh không lo bảo vệ. Giặc ngoại xâm không chống, chỉ lo đi chống người chống ngoại xâm, như thế có phải là tiếp tay cho giặc không? Thật đáng xấu hổ cho việc làm này của chính quyền. Xấu hổ trước 90 triệu dân Việt Nam và xấu hổ trước 6 tỷ người đang sinh sống trên trái đất này. Đây là những vết nhơ mà một số kẻ đã cố tình bôi lên lịch sử dân tộc này. Còn kẻ khinh bỉ các ông nhất chính là giới cầm quyền Trung Quốc, kẻ đang tìm mọi cách thôn tính Việt Nam.

Tôi đã in cho bố những bài viết này cho bố đọc. Bố gật gù bảo, con viết được, comment này cũng được lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001