Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

CHỈ ĐẠO SÁT SAO? 


Ảnh internet 

Một loạt sự kiện vừa xảy ra khiến xã hội rúng động: đầu tiên vỡ lở chuyện làm ăn bê bối của Vinasshin, Vinalines, và gần đây là vụ bắt bầu Kiên, bắt Dương Chí Dũng, các vụ ồn ào về sát nhập ngân hàng, “nhóm lợi ích thâu tóm ngân hàng”…Dân tình bàn tán xôn xao, đưa ra nhiều giả thiết này nọ, ai là người quyết tâm chống lại nạn tham nhũng, dẹp nạn lợi ích nhóm với siêu quyền lực, làm trong sạch chính quyền…? Phe này, phe kia dân tình không hiểu lắm vì lâu nay tất cả chuyện chính trường đều nằm trong bí ẩn, bí mật và xa rời với sự hiểu biết của dân chúng. Người dân chỉ đo lường “công quả”, năng lực điều hành, cũng như thực tâm của các cấp quan chức lớn nhỏ thông qua những việc giản đơn giản như bữa cơm hàng ngày, túi lương xẹp lép nhanh hay lâu, cách hành xử với họ trong giao tiếp, xử lý hành chính. Và khi một việc đổ bể thì lúc này mới thấy “quyết tâm” của người đứng đầu chính phủ: chỉ đạo sát sao vụ này vụ kia, xử lý vụ kia vụ nọ mà không có “vùng cấm”, kiên quyết bắt ông này ông khác, cần xử lý nghiêm minh việc này việc khác…Mặc dù tất tật những việc đó đều có thể ngăn chặn, giảm thiểu trong quá trình điều hành, quản lý, thanh tra, điều tra, bởi tất cả đều trong một guồng máy do một người, một nội các lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực xã hội. Tại sao không sát sao, không kiên quyết, không được tạo ra vùng cấm…trong quá trình làm việc?
-Những việc khiếu kiện đất đai: Sao không sâu sát chuyện qui hoạch, đền bù, lắng nghe nguyện vọng của dân để khỏi xử lý kiện cáo và dẫn đến bạo lực, đàn áp gây bất ổn xã hội?
-Vinasshin: Quản lý Tập đoàn kinh tế lớn nhà nước chắc chắn không sát sao nên mới để món nợ hơn 4 tỷ đô la trong vòng có mấy năm, và giờ phải “kiên quyết” xử lý bắt giam cả bộ sậu ban giám đốc?
-Vinalines: Thua lỗ nặng mà lãnh đạo tập đoàn vẫn được đề bạt sang chức vụ cao tương đương để mấy tháng sau bị bắt? Rồi khi ông ta bỏ trốn mấy tháng, phải “kiên quyết” lắm mới bắt lại được?
-Ông bầu Kiên và những việc làm “vô tiền khoáng hậu”: Dân có thể không biết, nhưng những nhà quản lý (ăn lương từ tiền thuế của dân) thì có trách nhiệm phải biết và biết rành rẽ từ nhiều năm qua. Và thủ tướng lúc này mới “giơ cao” chiếc búa quyền lực để ra lệnh bắt ông ta với thái độ “kiên quyết” xử lý và “không có vùng cấm” khi dư luận xã hội đã “no đủ” thông tin?
-Sau 3 tháng trốn chui lủi, giờ Dương Chí Dũng mới tra tay vào còng. Việc trốn thoát trước giờ G chỉ vài tiếng đã là một dấu hỏi? Và việc bắt được ông ta cũng gây nhiều nghi ngờ, bàn tán: muốn bắt thì bắt được ngay, còn không thì…Và lần nữa dân chúng lại được nghe rằng, thủ tướng chỉ đạo “sát sao” để pháp luật được thực thi?
-Còn những việc nào nữa sắp tới đây dân chúng sẽ được ghi nhận những “sát sao”, “kiên quyết”, “xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, “không có vùng cấm” với những kẻ phạm tội…?
Đến khi tiền bạc đổ đi đâu không biết, kinh tế lụn bại, đời sống khó khăn, cực khổ, nợ nần chồng chất, lạm phát cao, nền kinh tế chắc còn lâu mới vực dậy được thì dân chúng không thể, không cần, không muốn nói cám ơn với những “kiên quyết”, “sát sao”, “xử lý nghiêm”, “không có vùng cấm” kia được. Chuyện đó đương nhiên phải làm, phải là thế, như mặt trời mọc ở đằng đông vậy.
Sự sát sao nhất là kiểm soát được tình hình để hiếm khi phải “chỉ đạo sát sao” việc ra lệnh bắt các quan chức tham nhũng, các đại gia, các nhóm lợi ích lũng đoạn và ra những lời tuyên bố “sát sao”, “kiên quyết” mà giờ đây dân chúng còn rất ít niềm tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001