Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Lãng phí sự kỳ vọng của dân 

Sáng qua, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói rất nhiều về sự lãng phí về thời gian “Không đong đếm được, nhưng tác hại rất lớn”. Ấy thế mà, không phải chỉ ở Vĩnh Long, công chức, viên chức vẫn coi 8h vàng ngọc là thứ tài sản công có thể xài miễn phí hoang nhất. Và an toàn nhất.

Tháng trước, suốt từ 9h sáng đến 14h chiều, Ngân hàng NN&PTNT huyện Châu Phú (An Giang) tổ chức tiệc liên hoan quy mô 150 khách để trao quyết định nghỉ hưu cho giám đốc. Tuần trước, toàn bộ cán bộ Sở Công thương Vĩnh Long, trong giờ làm việc, đã bỏ công sở trong tình trạng “cửa đóng then cài” để đi liên hoan “mừng xếp mới”. Hôm qua, UBND TP Hà Nội tiếp tục ra văn bản, không biết đã là lần thứ bao nhiêu, hô hào “kiên quyết xử lý dứt điểm các khu đất vàng bỏ hoang”.
Đây chỉ là những ví dụ nhỏ cho một tình trạng chung khi mà thời gian công, tiền bạc công, của cải công được dùng như “của chùa”.
3.529 tỷ đã được phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2012. 425 tập thể và 697 cá nhân bị kiến nghị xử lý về hành chính. 22 vụ, liên quan đến 35 người được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Đây là những con số chính trong một báo cáo tiết kiệm, chống lãng phí 25 trang/gần 17 ngàn chữ. Nhưng kiến nghị thu hồi 3.500 tỷ so với số thất thoát là bao nhiêu phần trăm? đã thu về bao nhiêu? các cơ quan bị thu hồi có chấp nhận không? 20 vụ chuyển sang cơ quan điều tra thì đã xử lý thế nào? xử lý được những ai? Đây là những câu hỏi mà ngay cả Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cũng thắc mắc.
Ấy thế mà trong suốt 5 năm, số tiền “tiết kiệm” được từ khối các cơ quan chỉ là 5 ngàn tỷ và 13.500 tỷ từ các tập đoàn. Con số này không hề tương xứng với sự lãng phí- dù đó mới chỉ là những con số trong báo cáo, lại càng không chút thấm tháp so với sự thất thoát của chỉ một tập đoàn, và thật “vô nghĩa” so với 365.000ha đất đang bị bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích và vô số dự án bị “treo” xuyên thế kỷ của 10.796 tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.
Chắc là để tiết kiệm thời gian, Ủy ban TVQH dành một nửa buổi sáng hôm qua để cho ý kiến về nội dung hết sức quan trọng: Kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012. Và ý kiến hay nhất, chính xác nhất về lãng phí, mà đại biểu QH Phan Xuân Dũng phát biểu, thật tình cờ, lại không có một chữ “lãng phí” nào: Báo cáo của Chính phủ chủ yếu nói về kết quả đạt được, hầu như chưa nói đến các yếu kém, chưa phân tích những yếu kém. (Trong khi) Báo cáo thẩm tra thì hoàn toàn ngược lại, chủ yếu phân tích những hạn chế. Sự “trái dấu” giữa hai báo cáo còn thể hiện trong những vấn đề mang tính chất “cách nhìn”, chẳng hạn trong khi Chính phủ đánh giá doanh nghiệp nhà nước “hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước” thì cơ quan thẩm tra cho rằng “hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước thấp chưa tương xứng với lợi thế của loại hình doanh nghiệp này, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế”. Sự lãng phí, có lẽ còn ở cách nhìn nhận thế nào là lãng phí.
Sáng qua, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói rất nhiều về sự lãng phí về thời gian “Không đong đếm được, nhưng tác hại rất lớn”.
Ấy thế mà, không phải chỉ ở Vĩnh Long, công chức, viên chức vẫn coi 8h vàng ngọc là thứ tài sản công có thể xài miễn phí hoang nhất. Và an toàn nhất.
Sự lãng phí lớn nhất, vì thế, có lẽ là lãng phí sự kỳ vọng mà người dân đặt vào cuộc chiến chống lãng phí.


nguồn:https://daotuanddk.wordpress.com/2012/09/20/lang-phi-su-ky-vong-cua-dan/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001