Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Nguyễn Ngọc Già - Tản mạn về Khánh Ly 

Nguyễn Ngọc Già
Khánh Ly - một trong những tên tuổi có thể xếp vào hàng Danh Ca Việt Nam hiện đại, dù chị đã không được truyền thông chính thống nhắc nhiều đến, trong suốt 37 năm qua tại Việt Nam. Họa hoằm lắm, một vài bài viết mang chủ đề tản mạn và gợi nhớ, cũng như vài bài sặc mùi phủ chụp chính trị cho chị từ các trang báo "ăn lương nhà nước" trong những năm qua.




Có những giai thoại về chị rất buồn cười, ví như: trước khi vào phòng thâu âm (Đài Truyền Hình Việt Nam - số 9 Hồng Thập Tự) (*) chị phải "phi" một điếu bồ đà nhằm đạt cảm giác "phiêu linh" cho bài hát v.v... vẫn không thể đánh đổ được Khánh Ly - "Giọng hát liêu trai" mà giới mộ điệu đã dành tặng chị lúc bấy giờ.
Khi Khánh Ly đã là một giọng ca đủ sức cuốn khán giả mê mải dõi theo những ca từ, những giai điệu của dòng nhạc Trịnh, thì nhiều người trong thế hệ tôi chỉ biết... ngỡ ngàng hay lặng câm lóng tai nghe chị hát.
Tôi muốn nói về sự thảng thốt cho những ai khi lần đầu nghe chị cất tiếng vào lúc bấy giờ, thời điểm không phải đầy băng đĩa, kể cả sự vượt bậc của công nghệ âm thanh như hiện nay. Có thể nói, giọng hát của chị tạo một sự lạ lẫm, tinh khiết, "đau" nhiều hơn "buồn", "khổ" nhưng lại không "khốn". Trong giọng hát của chị có cái gì đó vừa làm tê người lại như vỗ về thân phận. Chất da diết lẫn một chút gì đó nỉ non trong giọng ca của chị như xoa dịu "cơn đau tim" của người Việt Nam trong thời ly loạn, ngày xưa...
Khánh Ly hát "sống" mà không cần phải "động" (tay chân) như những gì thuộc về "công nghệ lăng xê" mà hiện nay, giới ca sĩ xem như là sự cứu rỗi cho những làn hơi mỏng tanh, âm vực hẹp, phát âm không chuẩn hoặc méo mó, đặc biệt cách hát mà tôi gọi "cách-hát-sỉ-vả" của nhiều giọng ca thời thượng hiện nay, được cóp-py và nhặt nhạnh theo cách của người Mỹ mà không màng đến họ đang hát tiếng Việt, hát nhạc Việt và hát cho người Việt... nghe, chứ không phải cho người Mỹ nghe.
Thuở ấy, bước vào "Quán Văn" dễ như người...nghèo! Có lẽ Khánh Ly và Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đặt nặng nhu cầu kiếm tiền như thế hệ ca sĩ hiện nay? Chị nổi tiếng như vốn dĩ chị "buộc phải" nổi tiếng tựa định mệnh an bài cho chị gặp Trịnh, cũng như số phận ông Trời đặt để cho xứ sở Việt Nam điêu linh này vậy?! Có lẽ đơn giản thế thôi?!
Giọng hát Khánh Ly, một giọng hát không thể lẫn lộn vào đâu được, với âm vực rộng, làn hơi dày và đầy đặn, cách "vocal" của chị tròn, rõ, chắc mà giản dị, mộc mạc như cái cách người ta gọi chị là "Nữ Hoàng Chân Đất". Chị hát thanh thoát lại vang vọng, không cần lạm dụng về kỹ thuật như: A.Đ, T.L.P, T.K, T.P, M.T.H v.v... của những năm đầu sau 1975, mà người Sài Gòn một thuở đã "tái" (mặt) mà không "tê" bởi những giọng ca cần (đề) "phòng" nhưng không "thính" nổi! Ca Sĩ có quyền truyền tải tất cả cảm xúc cho khán giả, nhưng tuyệt đối không được mang lại cảm giác... "SỢ HÃI"! Đó là điều mà nhiều ca sĩ nổi danh đã từng khuyên lớp đàn em hiện nay hiểu là "nguy hiểm", bởi nhiều ca sĩ hiện nay thay vì hát, họ lại "rống", "hét" hay "rên"(!) Tất nhiên thẩm mỹ âm nhạc cũng cần có chuẩn như thẩm mỹ tình dục.
Với tư cách là người có biết qua một chút về bộ môn "Thanh nhạc", với tư cách khán giả và cũng với tư cách người Việt, tôi nghĩ mình có quyền lên án những nhạc phẩm, cách hát, lối trình diễn "kinh hoàng" hiện nay của những nhạc sĩ, ca sĩ hiện tại, dù đó là Mít-tờ hay Mít-xì gì đấy...
Ở đây, tôi không nói về thể loại nhạc ví như: Pop, Rock, Jazz, R&B v.v... vì đó thuộc về đề tài khác và cũng bởi Khánh Ly không có khả năng hát tốt những thể loại đó.
Vậy là, chúng ta nói đến tính "chuyên môn hóa". Khánh Ly được biết như gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn nhiều nhất, tuy chị cũng hát một số tác phẩm khác của Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Anh Bằng, Lam Phương v.v... Chị có thể sử dụng tiếng Anh khá trôi chảy nhưng nhạc ngoại không phải là điều chị "dám" gồng mình thể hiện như các ca sĩ hiện nay "liều mình" như "chốn vườn hoang".
Có thể nói Khánh Ly giản dị như vốn dĩ, dù khi chị đã nổi danh - điều mà cá nhân tôi thấy, nhiều ca sĩ hiện nay không giữ được. Khi có chút tiếng tăm họ thật mau quên "thời khốn khó". Họ đã không nhận ra, chính quá khứ khốn khó đã là chất liệu vô cùng quan trọng cho họ được khán giả biết đến giọng ca riêng biệt (thuật ngữ chuyên môn gọi là "màu âm" hay "âm sắc"). Họ thật mau quên, chính nhờ nó mà giọng ca họ trở nên có "thần thái".
Điều này dễ nhận ra từ các ca sĩ: P.T, Đ.V.H, M.T, Q.D, M.L, T.L, H.N v.v... Kể từ khi họ có tiếng, họ trở nên nhàn nhạt và cố níu lấy thời hoàng kim bằng những chiêu, trò hay cái gọi là "làm mới" nhiều hơn là từ tâm hồn chất chứa "men đời" thông qua giọng ca; cũng bởi một số trong họ trở nên ôm đồm, tham lam, sợ khán giả quên mình, họ quay ra... khẳng định giọng hát của họ thích hợp vói mọi thể loại từ Vọng Cổ cho đến Thính Phòng từ "nhạc nhẹ" cho đến "nhạc nặng" (mùi)?! Họ không hiểu được "chuyên môn" là gì. Họ cứ ngỡ họ là ca sĩ thuộc hàng sao, thì "hàng nào" vào tay họ cũng biết thành "tôm tươi" (!) Bó tay! (**)
Thời gian đối với ca sĩ vừa nghiệt ngã vừa công bằng. Không có ca sĩ nào có thể trốn ông "Thần thời gian" là vậy. Cũng từ đó, người ta phân biệt được đâu là "Ca Sĩ", đâu là "Thợ Hát".
Nói đến Khánh Ly, hình như giới mộ điệu không chỉ nhớ về Diễm Xưa, Hạ Trắng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng v.v... mà người ta nhớ, nhớ một cách dai dẳng, nhớ âm ỉ và nhớ da diết: "Đại Bác Ru Đêm", "Người Già và Em Bé", "Cho Một Người Vừa Nằm Xuống", "Ca Dao Mẹ", "Gia Tài Của Mẹ" v.v.... Riêng tôi, tôi yêu quý nhất nhạc phẩm "Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay", một nhạc phẩm gây nhiều tranh cãi (vì vẻ như cổ võ cho người CS vời thời bấy giờ). Có phải đó là những gì "góp thêm" cho Trịnh Công Sơn và Khánh Ly phải hứng chịu giữa hai "làn đạn" trong cuộc chiến??? Tôi chỉ thấy, bên những nhạc phẩm sẻ chia, cảm thông, khóc than cho người Việt thì tác phẩm này giúp tôi cảm nhiều cái tươi sáng, hóa giải hận thù cho cuộc chiến. Đó cũng có thể là ước mơ của Trịnh và Khánh Ly khi phổ biến bài hát này? Chỉ tiếc, những hình ảnh đầy bình an và êm đềm đã không xảy ra sau 1975.
Đó không phải là lỗi của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Cũng không thể phủ chụp cho ngườ Nhạc Sĩ tài hoa kia và người Ca Sĩ đầy thao thức trong giọng hát rằng: "nối giáo cho giặc" (!!!)

Khánh Ly thật khó có được chỗ đứng vững chãi, dài lâu trong lòng khán giả nếu không có những "Ca Khúc Da Vàng", kể về một thời chiến tranh Nam - Bắc? Tôi hoàn toàn tin như thế. Vì lẽ đó, âm nhạc nói riêng và văn hóa - nghệ thuật nói chung, không bao giờ tách rời khỏi chính trị, càng không thể tách rời thời cuộc, để chỉ đơn thuần là giải trí, mua vui chốc lát. Người Ca Sĩ cũng từ đó mà làm khán giả nhớ hơn, yêu mến hơn, trân trọng hơn, khi họ biết đi cùng với Quê Hương - điều mà Ca Sĩ hiện nay thể hiện quá mờ nhạt và như tách khỏi "dòng đời" trong cơn nguy khốn của đất nước. Tất nhiên, điều đáng trách đầu tiên là từ chính thể này với lý do quan trọng nhất, các nghệ sĩ nói chung bị "nhốt tù" trong sáng tác và biểu diễn.
Việc Ca Sĩ Khánh Ly có về Việt Nam hát trong thời gian tới hay không [1] hình như trở thành thông tin nóng trong mấy ngày qua? Liệu việc chị về hát có là một đổi thay thức thời của chính thể này? Có, không một tranh cãi sự trở về của chị lồng trong "mưu toan chính trị" nào đó?
Thật tội nghiệp cho Khánh Ly - Nữ Ca Sĩ tài năng, vận số bọt bèo, gây nhiều tranh luận bất tận, dường như vẫn "không buông tha" chị [2]?
Trong khi chờ "hậu quả" :), mời những ai mến mộ giọng ca Khánh Ly và mong muốn hòa bình, hòa giải cho Quê Hương này, hãy thưởng thức nhạc phẩm "Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay":

...ta đã thấy gì trong đêm nay
bàn tay muôn vạn bàn tay
những ngón tay thơm nối tật nguyền
nối cuộc tình nối lòng đổ nát
bàn tay đi nối anh em
về suối quê hương tắm gội nhục nhằn
mười năm đêm trong tiếng súng
ruộng lúa bãi dâu qua cơn kinh hoàng


Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn
ruộng đồng việt nam lên những búp non đầu tiên
một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng
một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh...



http://www.youtube.com/watch?v=6j0SIUR-rhs
Nguyễn Ngọc Già
_______________

(*) Đài Truyền Hình Tp. HCM - số 9 Nguyễn Thị Minh Khai Q.1 hiện nay
(**) Nếu bạn không tin, có thể nghe "Chat với Mozart" của cô ca sĩ Mỹ Linh, để biết tại sao TS. Cù Huy Hà Vũ đã kiện đĩa này. http://www.tienphong.vn/van-nghe/74135/My-Linh-bi-kien-dai-dang.html
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120926_khanhly_return.shtml [1]
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120926_khanhly_interview.shtml [2]
Khách gửi hôm Thứ Năm, 27/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120927/tan-man-ve-khanh-ly
========================================================================

Vietsoul21 - Ởm à, Tản mạn [về Khánh Ly]

Vietsoul21
Việc Khánh Ly về Việt Nam hát hay không hát hiện nay vẫn là một câu hỏi, chưa là sự thực. Tuy nhiên với những động thái mở đường, những lời đánh tiếng, và sau đó Khánh Ly trực tiếp trả lời phỏng vấn trên BBC thì có thể nói trước đó là chuyện sẽ đến.
Về Khánh Ly thì cá nhân chúng tôi chuộng giọng hát của chị, một thời. Từ trước tới giờ, chúng tôi chẳng có gì để phê phán hoặc thành kiến với những lời đàm tiếu, dị nghị về lối sống hoặc cuộc đời riêng tư của Khánh Ly. Tuy nhiên việc về Việt Nam để hát dưới sự kiểm duyệt và xin phép được biểu diễn dù gián tiếp (hay trực tiếp) là một điều đáng xem xét ở đây.
Con người là động vật duy nhất có khả năng biện minh (justify) cho các hành xử của họ, và họ rất là thông minh, khéo léo trong việc hợp lý hóa (rationalize) cho các hành xử của họ khi nó xung đột (conflict) với quan điểm và lương tri (riêng tư hoặc thuộc về nhân loại). Họ có thể dùng mọi thứ—từ ngôn từ đến khả năng thu hút—để ảnh hưởng, thuyết phục, biện hộ hay lừa dối mình. Đằng sau tận đáy sâu thẳm của tâm lý là những khát vọng—cái lực hấp dẫn thúc đẩy có khi còn trói buộc con người vận dụng mọi lý lẽ—trong chiều đáp ứng thỏa mãn ước vọng của mình. Và một phương tiện khác họ thường dùng đến đó là tự quên, tự chối chối bỏ những gì đã nói, làm, hứa, thề và cả thân thế mình nữa. Nhất là những ai khoác lên chiếc áo hoa xiêm lộng lẫy biến mình thành trọng tâm chiêm ngưỡng dưới ánh đèn sân khấu—nghệ thuật hay chính trị—thực và ảo. Viễn cảnh về khối đông người hâm mộ thần tượng chiêm ngưỡng chắc đủ để biện minh và hợp lý hóa cho danh ca Khánh Ly trở về.
Khánh Ly và bao nhiêu người miền Nam, danh ca hay đánh cá, đã liều mình trốn chạy cái độc tài cộng sản ác độc vô nhân, thế thì (chị) em còn nhớ hay (chị) em đã quên.
Con người trong vị trí hay tư cách là một cá nhân so với con người của công chúng (public figure) thì hoàn toàn là hai thực thể khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực xã hội và chính trị. Khánh Ly, cá nhân, đi về Việt Nam thì chả ai phải nói gì. Phần lớn tập thể tỵ nạn cs đã làm thế—đã đi về nơi chôn nhau cắt rốn với tư cách cá nhân vì lý do cá nhân, gia đình, bạn bè, chòm xóm v.v... Nhưng Khánh Ly, danh ca, con người công chúng, người tỵ nạn cs đi về Việt Nam thì là một vấn đề chính trị. Nhất là tại thời điểm hiện nay.
Việt Nam trong môi trường tự do bị bóp nghẹt, các người đấu tranh dân chủ bị trù dập, lãnh án nặng nề, các thanh niên công giáo bị bắt giữ và tuyên án, bao nhiêu người dân oan mất đất sống lê lết ở các công viên Hà-nội, Sài-gòn. Vì thế, việc Khánh Ly về Việt Nam hát là một cái tát vào dân quyền, nhân quyền và là cú đấm mõm những cái đầu biết cúi. Chính quyền CSVN sử dụng nó với mục đích tuyên truyền trong nước và hải ngoại (nghị quyết 36) cho cái gọi là tự do, hòa giải, đoàn kết dân tộc v.v… và v.v… Và không ít người đu dây tự mình ỡm à tiếp thị cho cái vàng mã “hòa giải” này.
Thật nực cười cho lời biện hộ hợp lý hóa của Khánh Ly đồng ý chịu kiểm duyệt bởi chính quyền VN trong trong khi trả lời phỏng vấn: “Phải có kiểm duyệt. Lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm. Nhưng mà nhiều khi tôi nghĩ nó cũng đúng. Mình vào nhà người ta. Tức là vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép.” Hóa ra từ xứ tự do lại phải đi vuốt ve cái “con cặc” [1] của xã hội chủ nghĩa (gấp ngàn lần ở các xứ Tây phương). Đó phải là cách tự quên, quên đi quá khứ khi nhà mình đang ở yên ấm bị cướp trắng tay, bị đuổi đi kinh tế mới, bị bắt đi cải tạo, phải liều mình trốn thoát ra được xứ sở tự do để an cư lạc nghiệp nay trở lại mái nhà xưa để thì-mà-là xin-cho phép.
Chúng tôi còn nhớ trong một video phỏng vấn với đài VNCR vài năm trước Khánh Ly nói nếu về thì sẽ về cùng với mọi người vì "khi đi thì đã cùng đi thì về sẽ cùng về". Câu nói này trong ngữ cảnh và nội dung của cuộc phỏng vấn thì được hiểu với ý (nghĩa bóng) là “khi nào Việt Nam được tự do dân chủ thì mọi người Việt Nam hải ngoai và Khánh Ly trong tập thể tỵ nạn cs cùng về nước”; bây giờ thì chắc Khánh Ly sẽ dùng theo nghĩa đen (thui) của nó, ai cũng về (hát) thì tôi cũng về (hát) thôi.
Trong bài “Tản mạn về Khánh Ly” [2], tác giả quả thật khéo mở bài dẫn dắt từ các lời đàm tiếu, thị phi con người cá nhân Khánh Ly đồng điệu với “Những vấn đề thuộc về đố kỵ, chia rẽ, bôi xấu …” [3] và kết đến thương thay “tội nghiệp cho Khánh Ly - Nữ Ca Sĩ tài năng, vận số bọt bèo, gây nhiều tranh luận bất tận, dường như vẫn ‘không buông tha’ chị?” vì những lời xôn xao về con người công chúng của Khánh Ly. Riêng câu hỏi “Liệu việc chị về hát có là một đổi thay thức thời của chính thể này?” quả thật là một câu hỏi đùa bắt bóng vì “Còn ai mơ hồ gì về nhà nước cộng sản Việt Nam nữa hay không?” [4]
Ấy thế nhưng cũng rất dễ để quay lưng, nhắm mắt, cúi đầu nhằm biện minh và hợp lý hóa cái mơ hồ (hòa hợp hòa giải, tự do độc lập, nhà nước pháp quyền) của chế độ CSVN.
© Vietsoul:21
_____________________
[1] Tự do là cái con cặc!
[2] Nguyễn Ngọc Già - Tản mạn về Khánh Ly
[3] Khánh Ly: ‘Chống đối cũng là tự nhiên’
[4] Song Chi - Còn ai mơ hồ gì về nhà nước cộng sản Việt Nam nữa hay không?
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 29/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120929/vietsoul21-om-a-tan-man-ve-khanh-ly
=======================================================================

Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001