Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Hội nghị 8 xơ cứng - trễ tàu - lạc hậu

Hội nghị 8 xơ cứng - trễ tàu - lạc hậu 


Phạm Trần (Danlambao) - Hội nghị Trung ương 8 Khóa đảng XI CSVN họp từ 30/9 đến 09/10/2013 tập trung thảo luận 5 vấn đề lớn: 1) Đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội. 2) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 3- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 4) Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 5) Công tác xây dựng Đảng (gồm cả 2 công tác: xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng).

Đây là Hội nghị “giữa nhiệm kỳ” của Khóa đảng XI, đánh dấu nửa đường đi qua của nhiệm kỳ 5 năm (2011-2015) nhằm kiểm điểm tình hình đất nước và trách nhiệm của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và 174 Ủy viên Trung ương, kể cả 25 người dự khuyết.

Bài viết này tập trung giải thích tại sao đứng trước nhu cầu “đổi mới hay là chết” mà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục mang nặng tư duy xơ cứng để bảo vệ quyền lực độc tài, bao che cho nhau, tiếp tục ngụp lặn trong “vũng lầy ham hố nắm tất”, ngân sách lâm nguy, kinh tế tụt đáy, tiếp tục chống dân chủ hóa chế độ khiến Việt Nam lại lỡ chuyến tầu ra khỏi quá khứ lạc hậu và chậm tiến.

Từ đột phá đến thụt lùi

Về tình hình kinh tế, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN tháng 01/2011 đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu:

Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau…

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD.”

Nhưng chỉ còn 7 năm nữa Việt Nam đến hẹn thành “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” mà cả nước vẫn chưa có cái gì gọi là “công nghiệp” cả thì Việt Nam sẽ đi về đâu hay vẫn tiếp tục “làm thuê” cho nước ngoài như hiện nay?

Đó là lý do tại sao chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt phê bình quan niệm này chỉ là “một thông điệp lạc quan”.

Ông giải thích: “Phải nói rằng chúng ta quan niệm chưa đúng về công nghiệp hóa, hiện nay không có các xí nghiệp đáng kể, không có mặt hàng công nghiệp đáng kể… Công nghiệp hóa là mỗi một hộ gia đình phải có lực lượng trí tuệ tiềm năng về mặt công nghiệp, phải có những người thạo tay nghề đủ để thực hiện các dự án công nghiệp. Chúng ta chưa có, tức ta chưa có nền sản xuất cứng. Xã hội chúng ta là xã hội chưa có kỷ luật công nghiệp. Xã hội công nghiệp hóa là một xã hội vừa có kỷ luật công nghiệp, vừa có nền công nghiệp thực và vừa có địa vị trong thị trường quốc tế về nền công nghiệp của mình. Về bản chất, công nghiệp hóa là xây dựng một nền công nghiệp và một nền văn hóa công nghiệp.” (Phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, 29/09/2013)

Lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam vẫn thường “nổi tiếng” có thói quen đổ lỗi cho kinh tế thế giới suy thoái để che đậy thất bại do lỗi tự đề cao khả năng, tự mình làm hỏng việc, buông lỏng tệ nạn tự chế báo cáo khống để tạo thành tích, chủ tâm để “đẹp lòng lãnh đạo” và ưa thói làm ăn theo phong trào ăn xỗi ở thì cho đến khi thất bại thì đổ lỗi cho nhau rồi huề cả làng, để lại hậu quả cho dân mang nợ!

Bằng chứng “cứ loay hoay mãi” là do nhà nước không thành tâm nhận lỗi và không quyết tâm dứt điểm với những khuyết tật “kinh niên gia truyền” của hệ thống lãnh đạo; không bỏ thói quen chi tiêu lãng phí hơn số tiền mình có; không chịu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vì sợ chạm đến quyến lợi của các phe nhóm trong đảng và não trạng “làm láo báo cáo hay” vẫn lan tràn là những vấn đề khẩn trương và nan giải đã được phơi bày tại cuộc hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương Đảng ngày 23/9, với chủ đề “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”.

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng được báo chí trích lời phê bình rằng “những hạn chế bất cập trong điều hành không được nhìn thẳng, khi Chính phủ luôn giải thích rằng nền kinh tế khó khăn, là bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, chứ ít khi đi vào nguyên nhân chủ quan là có sai lầm trong điều hành.” 

Ông nói: “Tôi không tin khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn, khi mà những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài... đều là những điểm sáng của nền kinh tế chúng ta. Sao lại cứ đổ tội cho tình hình khách quan?” (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 24/09/2013)

Như vậy thì suy thoái của nền kinh tế hiện nay, phần chính là do lỗi “chủ quan của hệ thống” cầm quyền của những viên chức lãnh đạo từ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống.

Ấy thế mà vẫn chưa thấy có người nào bị thay thế hay có ý thức văn hóa để từ chức thì không do tư duy “đá cối ngồi lì” và “che tội cho nhau” thì còn gì nữa?

Vẫn theo Thời báo Kinh tế Việt Nam (TBKTVN) thì : “Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tiến Sĩ Cao Sỹ Kiêm còn cho rằng, việc điều hành của Chính phủ, càng vào thời điểm khó khăn, càng không kiểm soát được tình hình, khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn sâu hơn. Cùng với đó, cách giải quyết vẫn theo tư duy cũ, thậm chí có lúc quay về thời kỳ bao cấp với các mệnh lệnh hành chính đưa ra.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, TS. Lưu Bích Hồ cũng phàn nàn, “Chính phủ nói nhiều nhưng không làm được”. 

Cho rằng tình hình “vì sao nên nỗi”, cũng bởi đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, đội ngũ tham mưu chỉ “dâng” lên Chính phủ những bức tranh “đẹp” cho vừa lòng lãnh đạo, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, GS. Nguyễn Quang Thái, nhấn mạnh “muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ này, cần phải có nhiều hơn nữa tinh thần dân chủ”.

Chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải nhìn nhận tại cuộc hội thảo rằng nền kinh tế vẫn chưa nhích lên được.

Ông nói: “Nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm có khả năng không thực hiện được. Ngay trong năm 2013, có tới 7 trên 15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng GDP, giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng, giải quyết việc làm. Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều”. (VNEXPRESS, 24/09/2013)

Nhưng tại sao kinh tế các nước quanh Việt Nam vẫn tăng trưởng mà Việt Nam thì không trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đổ lỗi cho “kinh tế thế giới suy thoái”?

Báo cáo tại cuộc hội thảo chỉ ra rằng: “Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011- 2012 tương đương với Philippines, thấp hơn Malaysia và Indonesia, nhưng cao hơn Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, ngoại trừ Singapore, trong giai đoạn này, tất cả các nước trên đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước (2008-2010) trong khi tăng trưởng của Việt Nam suy giảm qua hai giai đoạn trên. 

Tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam bắt đầu suy giảm nhanh và liên tục từ giai đoạn cuối 2007 đến nay, trong khi đó, tăng trưởng những nước trên đều khởi sắc hơn kể từ 2009.” (TBKTVN,24/09/2013)

Bức xúc chồng lên thắc mắc

Nhiều chuyên gia khác cũng sốt ruột bức xúc.

GS-TS Trần Thọ Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng thẳng thắn nói: “Khả năng thực hiện được các mục tiêu theo đúng kế hoạch là "rất mong manh". Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2011- 2015 được kỳ vọng 6,5-7%, lạm phát ở 5-7%. Tuy nhiên, tính toán hiện nay cho thấy GDP giai đoạn này chỉ ước tăng 5,8%, lạm phát lên tới 9,2%.”

Trưởng Ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ cũng cấp báo : “Việc nhiều chỉ tiêu kinh tế 5 năm dự kiến không đạt kế hoạch dẫn đến nguy cơ Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực”, theo tường thuật của VNExpress.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo: “9 tháng qua, tổng thu ngân sách đạt hơn 543.000 tỷ đồng, tổng chi hơn 684.000 tỷ đồng đưa mức bội chi lên tới hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm gần hết dư địa bội chi của cả năm. Chỉ 6/14 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ (từ 75% dự toán trở lên) song đều là các khoản thu nhỏ. Hầu hết các sắc thuế chủ yếu như VAT (Value-Added Tax, Trị Giá Gia Tăng), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân... đều đạt thấp.”

Lý do dễ hiểu vì doanh nghiệp tư nhân chết như rạ.

Báo chí trong nước đưa tin Chính phủ báo cáo: “Trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2013 là 11.299 doanh nghiệp. Theo ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KHĐT, tình hình chung 9 tháng dù có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng các con số cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn.”

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói tại cuộc tọa đàm “Doanh nhân trẻ Việt Nam 20 năm đi lên cùng đất nước”, tổ chức tại Hà Nội chiếu 1/9/2013: “Năm 2011 khoảng 50 nghìn doanh nghiệp chết cũng tiếc, nhưng tiếc vừa vừa thì đó là những anh quá yếu. Năm 2012 có 51 nghìn doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh tương tự, nhưng cũng chỉ khóc thương một lúc. Còn đến nửa năm nay 25 nghìn doanh nghiệp ra đi thật sự là tổn thất to lớn vì đó là số đã cầm cự được đến tận bây giờ. Và từ giờ đến cuối năm có thể chỉ 15 - 20 nghìn doanh nghiệp tiếp tục rời thị trường nhưng đó là những doanh nghiệp có chất lượng”.

Vì vậy, ông cảnh báo: “Theo tôi dự đoán thì kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa.” (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 01/09/2013)

Thời điểm 2 năm của Tiến sĩ Thiên lại rơi đúng vào lúc đảng CSVN chuẩn bị bầu Ban Chấp hành mới Khóa XII được coi là “rất nhạy cảm” đối với cá nhân Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Họ sẽ phải trả lời trước đảng và quốc dân tại sao nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để quảng cáo cho chủ trương được phô trương là “tái cấu trúc” nền kinh tế từ sau Đại hội đảng tháng 01/2011 mà đến nay kinh tế vẫn duy thoái?

Giản dị vì theo lời Tiến sỹ Trần Đình Thiên nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 khai mạc sáng ngày 26/09 (2013) tại Hà Nội: “Chính phủ đã thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2015. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai rất chậm chạp và chưa mang lại hiệu quả. "Tái cơ cấu đầu tư chưa đụng đến cốt lõi vấn đề vận hành ngân sách Nhà nước, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước mới thực hiện trên giấy.” (VNEXPRESS, 26/09/2013)

Ông Thiên, được báo chí trích dẫn đã bức xúc: “Từ khủng hoảng toàn cầu và suy thoái kinh tế năm 2008, đến nay thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”, với mối lo tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực.”

Một trong những nguyên nhân làm cho tình hình kinh tế sa sút dần vì các báo cáo của Chính phủ không trung thực, không phản ảnh đúng với tình thế vì phần lớn chỉ muốn “làm đẹp lòng cấp trên” để tạo thành tích!

Hãy nghe Tiến sĩ Thiên thắc mắc: “Số liệu tăng trưởng GDP (Gross Domestic Product, tăng trương nội địa) các tỉnh gấp đôi toàn quốc, và cả hai đều là số liệu chính thức thì sự thực ở đâu? Sai số hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu, thu chi ngân sách... trong các báo cáo chẳng lẽ lại trở thành chuyện bình thường.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng thắng thắn nói ông không thể tin vào các số thống kê của Chính phủ!

Đối diện với tình trạng suy thoái ngày một lên cao và cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, ông Trần Thọ Đạt (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã đề nghị hạ thấp mức tăng trưởng xuống 5,4% thay vì từ 6.5 đến 7% như đảng đề ra. Ông cũng muốn lùi thời gian Việt Nam “thành nước công nghiệp” từ 2020 xuống khoảng 2035-2040.

Một số chuyên gia coi đề nghị của ông Đạt “có lý” nhưng cái cấp thời bây giờ là phải “tìm biện pháp cứu nguy nền kinh tế”.

Ngoài những chỉ tiêu cần điều chỉnh, mức thu nhập bình quân đầu người của dân Việt Nam cũng phải tăng lên tối thiếu 10,000 Mỹ kim một năm, thay vì từ 2,500 đến 3,000 như hiện nay, thì may ra mới được xếp vào hạng “công nghiệp”.

Lỗi tại ai - ở đẩu?

Đó là lý do ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các Ủy viên Trung ương đảng họp kỳ 8 cần phải: “Xác định cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân thuộc về luật pháp, cơ chế, chính sách, nguyên nhân do tổ chức thực hiện; đâu là nguyên nhân chủ yếu, có tính quyết định?”

Cũng cần nhắc lại sau khi nhận chức Tổng Bí thư đảng tháng 1/2011, ông Trọng muốn làm nhiều việc cho “hợp lòng dân”, thay vì “đánh trống bỏ dùi” như trong suốt 10 năm đứng trụ của ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong 2 khóa đảng IX và X.

Trong số việc ông Trọng đã làm thì ông đã thất bại việc lớn nhất là Xây dựng chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (31/12/2011), trong đó quốc nạn tham nhũng tiếp tục ngày một nghiêm trọng và tình trạng suy thoái tư tưởng và đạo đức của đảng viên, nhất là những người có chức có quyền mỗi ngày một lan rộng. 

Ngoài ra, ông cũng không biết phải xoay xở ra sao để chu toàn, ít ra là một nửa kế họach sau gần 3 năm đối với chiến lược lược kinh tế theo Nghị quyết của Khóa đảng XI, được tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược về kinh tế gồm: (1) “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. (Tạp chí Cộng sản điện tử, 12/04/2012)

Về điểm 1, ông Nguyễn Phú Trọng và một bộ phận “bảo thủ” trong đảng vẫn muốn để cho khối Doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò “chủ đạo” (lãnh đạo) của nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đi ngược lại những định chế của nền kinh tế thị trường tự do và bình đẳng theo tiêu chuẩn chung của Quốc tế. Nhóm này còn đang vận động để ghi vai trò “chủ đạo ” này vào Hiến pháp 1992 sửa đổi sẽ đem ra thảo luận ở Quốc hội Kỳ họp 6, khai mạc ngày 21/10 (2013)!

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt trên báo Đại Đoàn Kết ngày 29/09/2013 thì: “Tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường chính là bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, tức là mọi đối tượng làm ăn đều bình đẳng trước pháp luật, và hệ thống pháp luật ấy phải tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế để có thể hội nhập được.”

Do đó, nếu ông Trọng cứ khăng khăng bám chặt lối tư duy xơ cứng “doanh nghiệp nhà nước” phải cầm đầu nền kinh tế với cách làm ăn được nhà nước ưu tiên đủ thứ, tạo ra mất bình đẳng và chèn ép các doanh nghiệp tư nhân và của nước ngoài như hiện nay thì làm sao mà Hoa Kỳ vá các nước khác có thể nhìn nhận Việt Nam có nền “kinh tế thị trường” để Việt Nam được hưởng lợi thuế khi xuất cảng hàng hóa vào Mỹ?

Trong khi đó khối doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã chứng minh phần lớn thất bại, làm ăn thua lỗ, tham nhũng, gây mất tiền cả ngàn-ngàn tỷ đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân như hai Tổng công ty Vinashin và Vinalines đã làm thì làm sao mà “chủ đạo” được?

Vẩn theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt thì: “Các công ty nhà nước sử dụng khoảng 70 - 80% lượng tài nguyên, 70 - 80% lượng tín dụng của đất nước, của xã hội, bây giờ nếu không tái cấu trúc được nó thì 70 - 80% tiềm lực của một nền kinh tế bị chôn vùi.”

Quả nhiên đảng và nhà nước CSVN đã và đang lãng phí tiền bạc của dân, trong khi nguồn nhân lực của Việt Nam ghi trong điểm (2) chưa được đào tạo bài bản có đủ tay nghề chuyên nghiệp cao trong nền giáo dục từ chương thầy đọc trò chép, khoa bảng, bằng cấp, mánh mung, mua bán bằng cấp, chạy chức chạy quyền thì làm sao Việt Nam có thế “đột phá” để trở thành nước Cộng nghiệp vào năm 2020?

Về hệ thống đường sá, bến cảng ghi trong điểm (3) thì thực tế lưu thông ùn tắc, tai nạn hàng ngày làm chết người mỗi ngày nhiều hơn trong thời kỳ còn chiến tranh, đường phố đô thị ngập úng như Sài Gòn và Hà Nội. Tệ nạn lãng phí, tham nhũng lan rộng trong cảnh sát lưu thông, tại các trạm kiểm soát “ông kẹ” địa phương và trong các dự án làm đường, sân bay, bến cảng chưa khai trương đã hỏng, chưa đến hạn đã hư, đào lên lấp xuống lan tràn vô tội vạ mặc cho dân kêu than như đang diễn ra ở mọi nơi thì làm sao phát triển kinh tế được?

Đó là thất bại của 3 khâu đột phá mà ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đảng phải trả lời với dân ở kỳ họp “giữa nhiệm kỳ” này.

Hiến pháp và bảo vệ Tổ quốc

Sau kinh tế là đến Hiến pháp và “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” được thảo luận tại Hội nghị 8 nhưng nhà nước không phổ biến báo cáo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nên không ai biết làm sao mà đảng CSVN có thể bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyên trước áp lực ngày một nặng nề ở Biển Đông của Trung Cộng?

Trong diễn văn khai mạc, ông Trọng đã nhắc nhở các Ủy viên Trung ương phải chú trọng đến: “Sự biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, nhất là tình hình trên Biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch; những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế; những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.”

Chủ trương “bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã đề ra từ Hội nghị Trung ương 8 khóa đảng IX năm 2003 dưới thời ông Nông Đức Mạnh tập trung vào 6 nhiệm vụ chính cô đọng trong chủ trương: “Dựng nước đi đôi với giữ nước” là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, quy luật đó được biểu hiện tập trung trong hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” (Thông báo Hội nghị Trung ương 8/IX, 12/07/2003).

Vào chi tiết, Nghị quyết để ra công tác:

Một là, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, duy trì nền hòa bình lâu dài; bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

Hai là, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ; giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, chú trọng nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Bốn là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng dân chủ xã hội đi đôi với tăng cường trật tự, kỷ cương, thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh, quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Củng cố, hoàn thiện thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng các cơ quan nội chính, bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế theo tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế của nước ta ở khu vực và trên thế giới.

Để làm được những việc này, hàng loạt các cuộc hội thảo kiểm điểm 10 năm thi hành Nghị quyết 8 (IX) đã được tổ chức trước Hội nghị Trung ương 8 Khóa đảng XI nhằm làm mới hơn những “đe dọa” đối với an ninh của Việt Nam trước những biến đổi mau chóng của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Vì vậy không có gì lạ khi hệ thống bào-đài của đảng CSVN đã đồng loạt phổ biến cùng ngày khai mạc Hội nghị 8 (30/09/2013) bài viết mới của Đại tướng Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới”.

Ông Quang đã tập trung bài viết vào kêu gọi phải đặt cuộc “đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Ông ta cũng lập đi lập lại những nguy cơ đe dọa tiềm ẩn của “diễn biến hòa bình”, thường ám chỉ đến áp lực đòi dân chủ, nhân quyền và các quyền tự do cho nhân dân Việt Nam của phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Tất nhiên tướng Quang cũng đã nhắc nhở lực lượng Công an phải đề phòng chống phá của các “thế lực thù địch bên ngoài và cả phản động ở trong nước” luôn lợi dụng mọi sơ hở và cơ hội để chống phá chế độ.

Tướng Quang viết: “Bảo vệ an ninh quốc gia là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là cuộc đấu tranh toàn diện nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên các lĩnh vực. Tính chất căn bản của cuộc đấu tranh này là phức tạp, gay go, quyết liệt và lâu dài. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.”

Ông Quang nhắc nhở các lực lượng an ninh phải thông suốt “Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, đó là: "Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống".

Tướng Quang còn kêu gọi: “Lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ nhân dân.”

Trong bối cảnh nội bộ gặp khó khăn này, cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Tuyến giáo Trung ương đã không ngừng cảnh giác toàn đảng phải cảnh giác chống suy thoái tư tưởng, chống “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng viên, nhất là phải chống “suy thoái đạo đức”, phải “giữ gìn kỷ luật đảng”.

Từ quan điểm này, Hội nghị Trung ương 8 sẽ thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi do Ủy ban soạn thảo của Quốc hội đệ trình trong đó có điểm then chốt và quan trọng nhất là tiếp tục duy trì và bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn nhà nước và toàn xã hội của đảng CSVN như ghi trong Điều 4.

Với nội dung nêu trên, Hội nghị Trung ương 8 sẽ đánh dấu một “tắc nghẽn” mới và xóa tan mọi hy vọng Việt Nam sẽ thoát khỏi căn bệnh “gia truyền” vẫn tiềm ẩn trong tư duy lãnh đạo xơ cứng của đội ngũ lãnh đạo.

Vì vậy từ đây con tầu Việt Nam sẽ tiếp tục lầm lũi trong đêm tối và chưa biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới nhìn thấy tia sáng ở cuối dường hầm..

10/013 

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.de/2013/10/hoi-nghi-8-xo-cung-tre-tau-lac-hau.html#.Uk7SYFPKEjI
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001