Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Ðọc Bình Ngô đại cáo 

Ngô Nhân Dụng 

Gần đây tôi trở lại cái thói quen hay lẩm nhẩm bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Ðọc xong bỗng thấy cái xương sống lưng mình đứng thẳng hơn, y như có người kéo cho đầu mình bắt phải ngẩng lên vậy. Hồi còn trẻ tôi dạy học trò môn lịch sử, đã có lúc hành hạ các em nhỏ bằng bài văn này. Khi học đến đoạn Lê Lợi kháng Minh, tôi đố các học sinh, ai học thuộc lòng bài Ðọc Bình Ngô đại cáo sẽ được 20 điểm. Không hiểu sao hồi xưa các thầy cô ở nước ta hà tiện, với môn sử, địa điểm tối đa thường chỉ cho tới 15, 16. Cho nên nghe nói 20/20 nhiều em học trò cũng hăng hái chấp nhận lời thách đố của thầy giáo.
Tôi không ngờ, có rất nhiều học sinh hồi đó, những năm 1960 ở Sài Gòn, đã học thuộc lòng bài Ðọc Bình Ngô đại cáo, bản dịch rất văn chương chép trong Việt Nam sử lược. Tới ngày trả bài, nhiều em xin lên đọc, phải cho các em đọc theo lối tiếp sức. Một em đọc nửa chừng, ông thầy ra hiệu cho một em khác đọc tiếp, rồi trở lại người cũ hay đổi sang người mới, em nào cũng phải sẵn sàng đọc tiếp, tức là phải thuộc lòng cả bài Ðọc Bình Ngô đại cáo. Khi chấm dứt, “Bá cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết” thì cả lớp vỗ tay; thầy lẫn trò đều nghẹn ngào. Bởi vì khi cùng nhau đọc và nghe bài đại cáo này, lòng yêu nước thế nào cũng dâng lên, bồi hồi nhớ các tổ tông đời trước!
Một nửa thế kỷ đã qua, bây giờ tôi chắc nhiều học sinh cũ của tôi vẫn còn nhớ bài Ðọc Bình Ngô đại cáo, dưới ngòi bút dịch nhuần nhã cao sang của Bùi Kỷ. Nhiều người sau này đã dịch cách khác, có thể đúng, sát nghĩa hơn; nhưng không thể coi là những áng văn chương như bản dịch Bùi Kỷ. Tôi hy vọng các em vẫn còn có thời giờ lâu lâu đọc lại, thưởng thức những lời văn trác tuyệt đó. Chính tôi có những lúc thấy mình đang lẩm nhẩm, “Giang san từ đây mở mặt – Xã tắc từ đây vững nền.” Chợt thấy mình đang đọc, xong rồi lòng ngẩn ngơ.
Cho nên, tôi nảy ra một ý kiến muốn đề nghị với các thầy, các cô giáo, ở Việt Namcũng như ở các nước khác. Tại sao chúng ta không tổ chức một ngày giỗ Lê Lợi bằng một buổi đọc Bình Ngô đại cáo? Tháng Tám Âm lịch sắp tới có hai ngày giỗ ai cũng nhớ: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Hồi nhỏ, có lần tôi đã được dự lễ ở ngay tại Ðền Vua Lê bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bây giờ đúng là lúc nên cho các bạn trẻ ở nước ta đọc lại Nguyễn Trãi, nhớ lại công ơn Lê Thái Tổ. Nhân ngày giỗ vua Lê, học sinh tiểu học, trung học tất cả các làng, các tỉnh, khắp nước Việt Nam hẹn nhau một giờ cùng tụng đọc bài Bình Ngô đại cáo. Các em không cần học thuộc lòng, cứ cầm bản văn đọc dõng dạc trang nghiêm cũng quý lắm rồi. Chắc tổ chức ở trong trường thì không ai gọi là biểu tình. Không cần phải xin phép xin tắc gì cả. Ở nước ngoài thì càng dễ tổ chức hơn nữa. Ðọc trong chùa, trong nhà thờ càng thêm nghiêm trang.
Nhiều người sẽ phản đối, vì sợ các em học sinh không hiểu hết được cả bài Bình Ngô đại cáo. Chuyện đó tự nhiên; nhưng không hiểu thì phải học cho hiểu. Bố mẹ, thầy cô phải học trước cho rõ nghĩa từng câu, rồi giảng lại cho các em hiểu. Không nên lười, không nên ngại khó. Cái công mình học cho hiểu nghĩa bài Bình Ngô đại cáo không khó nhọc bằng công các cụ Lê Lợi, Nguyễn Trãi đời xưa đánh giặc Minh suốt 10 năm đâu!
Có người còn than phiền là bài văn này, ngay cả bản dịch ra tiếng Việt của Bùi Kỷ, cũng có nhiều chữ Hán quá. Như vậy có gì mâu thuẫn không? Một bản văn nêu cao ý chí cương cường của dân Ðại Việt chống lại cuộc xâm lăng và âm mưu Hán hóa của vua chúa bên Tàu, không lẽ mình lại cứ sử dụng đầy chữ Hán như thế? “Nhật nguyệt hối rồi lại minh – Càn khôn bĩ rồi lại thái!” Sao không nói ra tiếng Việt ròng cho chúng cháu nhờ!
Xin nhắc: Những chữ đó đều thuộc vào tiếng Việt từ lâu rồi. Ông anh tôi tên là Nhật, cô em tên là Nguyệt, bộ tưởng họ người Trung Quốc hay sao? Nói đến “Càn Khôn” mà e ngại là mình ăn phải đũa người Trung Hoa, thế thì không nghe bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương nói, “Miệng túi càn khôn thắt lại rồi”; nghe mà cười khúc khích với nhau hay sao? Nếu không chịu học thì làm sao biết mà cười? Những chữ đó, chúng không có quốc tịch. Ở bên Trung Quốc nó là chữ Tàu; qua biển sang Nhật nó thành tiếng Nhật; sang đến nước ta nó là tiếng Hán Việt. Ai nuôi nó thì nó thành đứa con ngoan ngoãn cho mình sai bảo. Còn ai từ chối nó thì nó đi mất luôn. Thế khi mình đi biểu tình, hô to, “Ðả đảo Trung Quốc xâm lược” thì mình đang nói tiếng gì đây? Cả sáu chữ được hô lên đều là gốc Hán, là con nuôi cả! Tổ tiên chúng ta đã gom chúng lại, nuôi nấng chắt chiu được mấy chục ngàn tiếng mới, gọi là tiếng Hán Việt, truyền lại cho con cháu xài trong cả ngàn năm. Bây giờ tính đem đổ xuống sông xuống biển hết hay sao?
Có người lớn cái đầu, 40, 50 tuổi mà vẫn cứ e ngại, bảo rằng mình rất khâm phục con người Nguyễn Công Trứ, nhưng không thể đọc thơ ông được. Vì trong đó toàn chữ Hán. Ðọc lên tưởng như mình hóa thành người Trung Hoa!
Người nói câu đó rõ ràng là thời còn ít tuổi đã mất cơ hội học đến nơi đến chốn. Cho nên khi lớn lên, không muốn học, sợ khó. Mà đó chỉ là học có mấy chục chữ Hán Việt trong một bài thơ, mà đã sợ khó rồi. Bèn tự trừng phạt, không cho mình đọc thơ Nguyễn Công Trứ nữa. Mà thực sự, có ai bắt chúng ta phải học chữ Hán đâu. Chỉ cần nghe đọc lên thì hiểu cái tiếng gốc chữ Hán ý nghĩa thế nào thôi. Người Trung Hoa viết thế nào, không cần biết. Hãy tưởng tượng một học sinh người Nhật phải học chữ Hán thế nào thì thấy việc học thơ cổ của mình dễ ợt. Nước Nhật chưa bị người Trung Hoa đô hộ ngày nào, nhưng trong ngôn ngữ họ bắt cóc đem chữ Hán về nuôi và dùng, đông đúc cũng bằng một nửa số chữ thông dụng.
Một người Nhật biết chữ có nghĩa là phải biết vài ngàn chữ Hán. Nhìn chữ người Hoa viết thế nào phải đọc lên được, hiểu được nghĩa. Mệt nhất là phải biết cách viết chữ đó, viết đúng thứ tự, có 10 nét thì nét nào viết trước, nét nào viết sau. Ở nước Nhật 99% dân biết chữ. Một học sinh qua bậc tiểu học phải biết mấy trăm chữ, học hết trung học phải biết mấy ngàn chữ, tất cả được quy định trong chương trình giáo dục. Nếu không học thì lớn lên cầm tờ báo không đọc được!
Nghĩ đến công khó nhọc của các học sinh Nhật thì phải thấy mình học thêm một chút để hiểu bài Bình Ngô đại cáo là việc dễ như không. Cả nước cùng học lại, cùng hiểu nghĩa bài Bình Ngô đại cáo thì 90 triệu trái tim cùng đập theo một nhịp. Ðến nước sông Hồng cũng phải sôi lên đỏ rực, nước Cửu Long cũng phải cuồn cuộn dâng trào.
Ước mong quý vị nhà giáo đồng nghiệp của tôi sẽ để ý tới đề nghị này. Ước mong ngày Giỗ Vua Lê năm nay cả nước sẽ cùng đập trống, gõ mõ, đọc Bình Ngô đại cáo theo nhịp của trái tim mình. Sẽ cùng nhau đọc: “Nền vạn thế xây nên chăn chắn – Thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu!” Rồi quyết tâm cùng nhau làm sao đừng để cho con cháu bị mắc một mối nhục ngàn thu!
N.N.D.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=154282&zoneid=7
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/40845

Bình Ngô Ðại Cáo

Nguyễn Trãi - (bản dịch của cụ Ưu Thiên Bùi Kỷ)

Bài bố cáo với quốc dân về việc vua Lê Thái Tổ Lê Lợi đã bình định xong giặc nhà Minh bên Tàu, viết bằng chữ Hán, do đại thần Nguyễn Trãi làm ra. Trong bài này Nguyễn Trãi đã dùng tài văn chương ca tụng công nghiệp khai sáng của vua Lê. Lời lẽ trong bài Bình Ngô Ðại Cáo rất hùng hồn, sắc bén, nêu cao hùng khí của người xưa và tinh thần bất khuất của dân ộc ta. Ðọc bài này, hậu thế lấy làm hãnh diện trước cảnh vinh quang của đất nước và lấy làm hứng khởi.

Tượng mảng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt chỉ vi`khử bạo .
Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác.
Từ Ðinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập,
Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.

Vậy nên:

Lưu Cung sợ uy mất vía,
Triệu Tiết nghe tiếng giật mình.
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Ðô,
Sông Bạch Ðằng bắt sống Ô Mã.
Xét xem cổ tích đã có minh trưng.

Vừa rồi:

Vì họ Hồ chính sự phiền hà để trong nước nhân dân oán hận.
Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược,
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Chước dối đủ muôn nghìn khóe,
Ác chứa ngót hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn,
Nặng khoa liễm vét không sơn trạch:
Nào lên rừng đào mỏ,
Nào xuống bể mò châu,
Nào hố bẫy hươu đen,
Nào lưới lò chim sả.

Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay? quan quã điên liên.
Kẽ há miệng đứa nhe răng máu mỡ bẩy no nê chưa chán.
Nay xây nhà mai đắp đất chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề sanh cửi.
Ðộc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất tra cho
Ai bảo thân nhân nhịn được.

Ta đây:

Núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình.
Ngắm non sông căm nỗi thế thù,
Thề sống chết cùng quân nghịch tặc.
Ðau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa,
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tính;
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phê đắn đo càng kỹ.
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đổ hồi.
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính là lúc quân thù đang mạnh.

Lại ngặt vì:

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu.
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đầu,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc.
Ðôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông mấy thủa đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả.
Thế mà trông người , người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương
Thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chứng nịch.
Phần thì giận hung đồ ngang dọc,
Phần thì lo quốc bộ khó khăn.
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Khi Khôi Huyện quân không một đội.
Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng bắt trải qua bách chiếc thiên ma,
Cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử.
Múa đầu gậy ngọn cờ phất phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ.
Mở tiệc quân, chén rượu ngọt ngào khắp tướng sĩ, một lòng phụ tử.
Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi,
Quân giặc nhiều ta ít mà ta được luôn.

Dọn hay:

Ðem đại nghĩa để thắng để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
Trận Bồ Ðằng sấm vang sét dậy,
Miền Trà Lân trúc phá tro baỵ
Sĩ khí đã hăng ,
Quân thanh càng mạnh.
Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan,
Phương Chính, Lý An tìm đường trốn tránh.

Ðánh Tây Kinh phá tan thế giặc,
Lấy Ðông Ðô thu lại cõi xưạ
Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông,
Bến Tuy Ðộng xác đầy ngoài nội.
Trần Hiệp đã thiệt mạng,
Lý Lương phải phơi thây.
Vương Thông hết cấp lo lường,
Mã Anh khôn đường cứu đỡ.

Nó đã trí cùng lực kiệt bó tay không biết tính sao,
Ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất.
Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu lẽ tới lui,
Ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương gây mầm tội nghiệp.

Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người,
Tham công một thời, chẳng bỏ bày trò dơ duốc.
Ðến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên đức, nhàm võ không thôi ;
Lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đêm dầu chữa cháy.

Năm Ðinh Mùi tháng chín,
Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang
Mộc Thạch tự Vân Nam kéo đến.

Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân,
Ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo.
Mười tám Liễu Thăng thua ở Chi Lăng,
Hai mươi Liễu Thăng chết ở Mã Yến.
Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong,
Hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn.
Lưỡi dao ta đang sắc,
Ngọn dáo giặc phải lùi.
Lại thêm quên bốn mặt vi thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc.
Sĩ tốt ra oai tì hổ
Thần thứ đủ mặt trảo nha.
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Ðánh một trận sạch thông kình ngạc,
Ðánh hai trận tan nát chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.
Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi,
Hoàng Phúc tự trói để ra hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường,
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
Gớm ghê thay ! Sắc phong vân cũng đổi,
Ảm đảm thay ! Sáng nhựt nguyệt phải mờ.
Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật;
Quân Mộc Thạnh tan chưng Cầu Trạm, chạy để thoát thân.
Suối máu Lãnh Câu nước sông rền rỉ,
Thành xương Ðan Xá, cỏ nội đầm đìa.
Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy;
Các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu.
Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội;
Thế lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.

Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực.
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi.
Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục,
Ta toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.

Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có.
Giang sơn từ đây mở mặt
Xã tắc từ nay vững nền.
Nhật nguyệt hối mà lại minh,
Càn khôn bỉ mà lại thái.
Nếu vạn thế xây nền chăn chắn,
Hẹn nghìn thu rửa sạch làu làu.
Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở giúp đỡ cho nước ta vậy.

Than ôi!

Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định,
Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh.
Bá cáo xa gần, ngõ cùng nghe biết.

http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/oc-binh-ngo-ai-cao.html
======================================================================
  • Bản dịch của bác NND có lẽ hơi xưa và có đôi chổ ý từ hơi khó hiểu, vả lại vần điệu chưa mạnh mẽ cho lắm.
    Tôi tâm đắc với bản dịch của Ngô Tất Tố hơn, hùng hồn, cuồn cuộn, đanh thép, uy nghiêm, và dễ thuộc.
    Bản dịch của Ngô Tất Tố
    Thay trời hành hoá, hoàng thượng truyền rằng.
    Từng nghe:
    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
    Như nước Đại Việt ta từ trước
    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
    Núi sông bờ cõi đã chia
    Phong tục Bắc Nam cũng khác
    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
    Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
    Song hào kiệt thời nào cũng có.

    Cho nên:
    Lưu Cung tham công nên thất bại;
    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
    Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
    Việc xưa xem xét,
    Chứng cứ còn ghi.

    Vừa rồi:
    Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
    Để trong nước lòng dân oán hận
    Quân cuồng Minh thưà cơ gây hoạ
    Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
    Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
    Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
    Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
    Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
    Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
    Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
    Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
    Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
    Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
    Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
    Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
    Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
    Nặng nề những nổi phu phen
    Tan tác cả nghề canh cửi.
    Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi !
    Lẽ nào trời đất dung tha?
    Ai bảo thần dân chịu được?

    Ta đây:
    Núi Lam sơn dấy nghĩa
    Chốn hoang dã nương mình
    Ngẫm thù lớn há đội trời chung
    Căm giặc nước thề không cùng sống
    Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
    Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
    Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
    Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
    Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
    Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
    Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
    Chính lúc quân thù đang mạnh.

    Lại ngặt vì:
    Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
    Nhân tài như lá mùa thu,
    Việc bôn tẩu thiếu kẻ đở đần,
    Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
    Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
    Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.

    Thế mà:
    Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.
    Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.
    Phần vì giận quân thù ngang dọc,
    Phần vì lo vận nước khó khăn,
    Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
    Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
    Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
    Ta gắng trí khắc phục gian nan.
    Nhân dân bốn cỏi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
    Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
    Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
    Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.

    Trọn hay:
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo.
    Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
    Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
    Sĩ khí đã hăng
    Quân thanh càng mạnh.
    Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
    Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.
    Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,
    Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
    Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
    Tuỵ Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
    Phúc tâm quân giặc Trần Hiệp đã phải bêu đầu
    Mọt gian kẻ thù Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
    Vương Thông gỡ thế nguy, mà đám lửa cháy lại càng cháy
    Mã Anh cứu trận đánh mà quân ta hăng lại càng hăng.
    Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt,
    Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công.
    Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan.
    Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
    Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.

    Bởi thế:
    Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
    Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
    Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
    Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
    Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
    Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
    Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
    Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
    Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
    Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
    Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
    Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
    Lại thêm quân bốn mặt vây thành
    Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
    Sĩ tốt kén người hùng hổ
    Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
    Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
    Voi uống nước, nước sông phải cạn.
    Đánh một trận, sạch không kình ngạc
    Đánh hai trận tan tác chim muông.
    Cơn gió to trút sạch lá khô,
    Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.
    Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
    Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
    Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
    Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
    Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
    Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ

    Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật!
    Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
    Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
    Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
    Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
    Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
    Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
    Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
    Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
    Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
    Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
    Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
    Chẳng những mưu kế kì diệu
    Cũng là chưa thấy xưa nay
    Xã tắc từ đây vững bền
    Giang sơn từ đây đổi mới
    Càn khôn bĩ rồi lại thái
    Nhật nguyệt hối rồi lại minh
    Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
    Muôn thuở nền thái bình vững chắc
    Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;

    Than ôi!
    Một cỗ nhung y chiến thắng,
    Nên công oanh liệt ngàn năm
    Bốn phương biển cả thanh bình,
    Ban chiếu duy tân khắp chốn.

    Xa gần bá cáo,
    Ai nấy đều hay.

=====================================================================
Ngô Nhân Dụng - Công ơn Lê Thái Tổ
Ngô Nhân Dụng

Một vị giáo sư dậy Việt ngữ báo tin sẽ cho các em học sinh lớp lớn học bài Bình Ngô Ðại Cáo; một phản ứng rất khích lệ. Ông cũng cho biết bài trước trong mục này đã viết nhầm câu “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn” thành ra “Ðem đạo nghĩa...”



Người Việt Online đã sửa lại, nay xin đính chính với quý vị độc giả báo in. Chữ “Ðại” mới đối với chữ “Chí” trong câu sau:Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Ai có học văn chương cổ điển đều biết chữ Ðạo không thể dùng đối với chữ Chí. Chép sai như vậy thật là có tội với tác giả và dịch giả.

Ðể các bạn trẻ thời nay thông cảm với bài văn Nguyễn Trãi viết năm 1427, cần giải thích cho các em biết bối cảnh lịch sử đưa tới bản tuyên ngôn độc lập thứ nhì của dân tộc Việt Nam - bản tuyên ngôn trước đó, còn giữ lại được, là bốn câu thơ của Lý Thường Kiệt, ông nói đã được Thần sông Như Nguyệt đọc cho nghe.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công năm 1428 là một bước quyết định trong lịch sử dân Việt Nam. Nếu dân Việt không đuổi được quân Minh thì không biết bây giờ còn nước Việt Nam hay không. Dân Việt vẫn tồn tại sau khi trải qua hơn một ngàn năm bị người Trung Hoa đô hộ, kể từ năm 179 khi Triệu Ðà chiếm nước Âu Lạc, cho tới năm 939, khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng. Trong thời gian hơn mười thế kỷ đó, các chính quyền bên Trung Quốc đã cố ý đồng hóa biến dân Việt thành người Trung Hoa, giữ nguyên miền đất họ đặt tên là Giao Chỉ, Giao Châu nằm trong đế quốc nhà Hán, nhà Ðường.
Lần sau cùng một triều đình Trung Quốc chiếm nước ta với ý định thi hành một chính sách đồng hóa khắc nghiệt, áp dụng từ trên xuống dưới, là Minh Thành Tổ (làm vua từ 1403 đến 1424). Ông ta sai hai tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh cầm quân đánh nước ta vào năm 1406. Tháng Sáu năm sau, họ đổi nước Ðại Việt thành quận Giao Chỉ thuộc đế quốc Ðại Minh.

Ðể cho dân Việt hết nhân tài, nhà Minh bắt đem về Trung Quốc những người nào thông minh, học giỏi, viết chữ đẹp, làm tính giỏi, nói năng hoạt bát, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển, làm gạch, làm hương, vân vân, đưa về Trung Quốc. Ðây là một hình thức cưỡng bách “xuất não” (brain drain) hiếm có trong lịch sử các đế quốc.

Muốn rửa sạch đầu óc dân tộc Việt để họ biến thành người Trung Hoa, vua nhà Minh bắt người Giao Chỉ phải thay đổi phong tục. Phụ nữ phải mặc áo ngắn quần dài như người Minh, không được mặc váy là y phục cổ truyền của người Việt và dân miền Ðông Nam Á. Người Minh còn cấm người Việt không được ăn trầu, một thói quen cũng của dân vùng Ðông Nam Á. Chúng ta biết đến thế kỷ 20 phụ nữ Việt Nam vẫn mặc váy, nhuộm răng đen, ăn trầu. Nhưng tàn bạo nhất là chủ trương hủy hoại tất cả các di sản văn hóa của dân Ðại Việt. Minh Thành Tổ viết thư ngày 21 Tháng Tám 1406 ra lệnh Trương Phụ: “Trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ... một mảnh chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia đá do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn.” Vua nhà Minh còn gửi một văn thư thứ nhì, khiển trách các tướng là không giữ đúng lệnh bắt quân sĩ phải “đốt ngay tại chỗ” vì vẫn thấy có đứa tịch thu sách đem về nộp! Ngày nay chúng ta gọi hành động này là “diệt chủng văn hóa”.

Sử gia Ngô Sĩ Liên, trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1479, viết về tai họa đốt sách: “...sách vở cả nước thành đống tro tàn.” Lê Quý Ðôn (1726-1784) kể lại rằng sau khi đuổi được quân Minh, “các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại; ... mười phần chỉ còn bốn năm phần.”

Minh Thành Tổ làm vua trong một giai đoạn thịnh trị nhất của Trung Quốc. Trước đây 600 năm, họ đã tổ chức những cuộc hành trình của Ðô Ðốc Trịnh Hòa (1371-1433) thường đi hơn 50, 60 chiếc tàu, chở theo hơn 27 ngàn người; họ đi vòng quanh Ðông Nam Châu Á, ghé Ấn Ðộ, bán đảo Á Rập, qua tận Phi Châu, tới đâu tặng quà và mua các sản phẩm mới lạ đem về. Ði như thế tất cả bảy chuyến trong 30 năm, cho thấy sức mạnh kinh tế và quân sự của họ như thế nào. Nếu dân Việt tiếp tục bị quân Minh họ đô hộ, cho tới lúc nhà Minh bị người Mãn Thanh lật đổ vào thế kỷ 17, thì không biết bây giờ còn nước Việt Nam, còn dân tộc Việt Nam hay không?

Kể từ lúc quân nhà Ðường, nhà Hậu Lương, Nam Hán phải rút khỏi bờ cõi nước ta, cho tới đời nhà Minh đã cách nhau năm thế kỷ. Vậy mà một ông hoàng đế Trung Hoa vẫn chưa bỏ qua tham vọng quay trở lại, chiếm đóng nước ta vĩnh viễn. Lại có kế hoạch đào hết gốc rễ, xóa bỏ hết văn hóa dân Việt, nhắm mục đích đồng hóa tất cả! Năm thế kỷ tưởng là dài, nhưng vẫn không làm cho các hoàng đế Trung Hoa quên giấc mộng làm chúa tể cả thiên hạ, tức là tất cả các thứ nằm dưới bầu trời! Cho nên không trách từ đó tới nay, người Việt biết mình cứ phải luôn luôn đề phòng một ông Minh Thành Tổ thứ hai hay thứ ba lại làm chúa tể ở Bắc Kinh! Sáu trăm năm vừa qua đã có bao nhiêu người cầm đầu Trung Quốc lại ôm giấc mộng Minh Thành Tổ? Thời 1940 nhà cách mạng Lý Ðông A đã đọc tài liệu nội bộ trong giới sĩ quan Quốc Dân Ðảng Trung Hoa đề cập đến mưu đồ biến Việt Nam thành một vùng của Trung Quốc. Thời nay vẫn có những người viết mạng bày kế hoạch chiếm Việt Nam lần nữa!

Mối lo ngại của người Việt có lý do thực tế. Vì các chính quyền Trung Quốc đã xâm chiếm và đồng hóa các sắc dân khác chung quanh nước họ từ lâu rồi. Trước khi xâm lăng các nước ở phía Nam, lãnh thổ của nhà Tần chỉ bằng một phần tư đến một phần ba diện tích Trung Quốc bây giờ; chính sử gia Triệu Ðinh Dương ở Bắc Kinh xác nhận như vậy. Sau đó, người Hoa đã xâm chiếm và đồng hóa tất cả các sắc tộc ở phía Nam, phía Tây. Các dân tộc Tây Tạng, Uighur, Mông Cổ đã bị cưỡng bách sát nhập nước Tàu. Ðến bây giờ Bắc Kinh còn vu cáo Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một người cầm đầu một “phong trào Tây Tạng ly khai” tách khỏi Trung Quốc. Tây Tạng vốn là một quốc gia cổ với một nền văn hóa lâu đời khác hẳn người Hán, đã xung đột và ký hiệp ước phân định biên giới với vua nhà Ðường vào thế kỷ thứ tám, vua hai nước nhận làm anh em. Họ chỉ bị nhà Mãn Thanh chiếm đóng từ thế kỷ 17; nhưng đến thế kỷ 20 lại tuyên bố độc lập! Nói người Tây Tạng đòi ly khai thì cũng giống như người Trung Hoa nói Việt Nam cũng là một phần của Trung Quốc; mới “ly khai” từ thế kỷ thứ 10! Nếu không sớm ly khai, thì bây giờ Việt Nam còn là một tỉnh; hoặc thấp hơn, chỉ là một huyện trong tỉnh Quảng Ðông hoặc Hải Nam, có thể nằm chung trong huyện Tam Sa vậy!

Tất nhiên, chúng ta tin rằng nếu cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi thất bại sau 10 năm đánh giặc thì sau đó chắc chắn còn những ông họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần... khác theo nhau lãnh đạo dân nổi dậy giành độc lập. Bởi vì dân Việt đã sống dưới các triều đại trước của Trung Quốc trong hơn mười thế kỷ mà vẫn không bị đồng hóa, thì không lý nào sau khi đã quen sống độc lập năm thế kỷ người mình lại yếu hèn hơn, nhu nhược hơn mà chịu ách đô hộ mãi mãi. Nhưng công đức Vua Lê vẫn lớn lao không thể nào quên được.

Nhờ cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi giành lại quyền tự chủ sau 10 năm chiến đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát nạn đồng hóa, không biến thành một tỉnh của Trung Quốc. Cho nên ngày kỷ niệm Lê Thái Tổ phải tổ chức như một ngày hội lớn, mở hội ăn mừng dân tộc tái sinh! Trong dịp này, mọi người cùng nhau đọc lại bài Bình Ngô Ðại Cáo, vừa để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, vừa ôn lại lịch sử dân tộc và nuôi lòng yêu nước trong giới thanh niên. Lòng yêu nước là một tình cảm tự nhiên, không ai cần phải đi xin cấp giấy phép yêu nước bao giờ! Bao giờ thanh niên nước ta biết như vậy, muốn được thể hiện lòng yêu nước một cách nhiệt thành, lúc đó tương lai mới sáng sủa!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/ngo-nhan-dung-cong-on-le-thai-to.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001