Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Quả báo đắng của lão thầy số bỏ nghề 

02.09.2012 10:33

Lão sững sờ bởi không ngờ hai chữ 'ly tán' trong quẻ bói, khiến người bạn thân chết tức tưởi, không một lời trăng trối...
Cố giấu gương mặt sau cặp kính râm to gọng, nhưng mỗi khi cao hứng lão lại xoen xoét đưa ra một vài nhận xét về người đối diện để rồi lấp liếm khi ai đó tò mò hỏi vì đâu mà lại có được những đánh giá sắc sảo thế. Ngoài 60 tuổi nhưng trông lão thật khó đoán tuổi bởi đã gần chục năm nay kể từ khi quán trà nóng di động của lão xuất hiện, người dân ở cái ngõ nhỏ này đã ai được nhìn rõ mặt lão bao giờ đâu. Người ta chẳng biết lão tên gì, ở đâu đến và dù có gọi bác trà nóng ơi, hay ông nước ơi,…tiện miệng thế nào thì gọi thế mà lão vẫn cứ cười, đáp lời thành ra lâu dần chả ai quan tâm tới chuyện hỏi tên thật của lão. 

Khách vãng lai thi thoảng mới có còn chủ yếu là người sống trong con ngõ, mến ông bán trà nóng hay tếu táo mà ra góp vui chứ có phải trong nhà thiếu chè để uống đâu. Mọi người đến với lão vì muốn thưởng thức chén trà mạn thoang thoảng hương nhài thì ít mà chủ yếu muốn nghe lão phán chuyện trên giời dưới biển. Những ông già về hưu, giết thời gian thì hay ngồi với lão để cùng nhau chiêm nghiệm chuyện đời bằng việc kể lại những điều mắt thấy tai nghe hay những biến cố mà bản thân đã trải qua.

Đám thanh niên tưởng chỉ có mặt ở những nơi ồn ào, sôi động hóa ra cũng hay góp mặt tại quán của lão chỉ bởi tò mò. Điều lôi cuốn họ bởi ông già bán nước chẳng mấy khi góp ý chuyện thiên hạ nhưng khi đã nói thì lại có những nhận xét “cực chuẩn” thành ra các cậu chàng hay dắt người tới ngồi quán như ngầm ý “ra mắt” để mong được lão cho vài câu nhận xét.
Hình minh họa

Hỏi lão biết xem bói à, lão lắc đầu nguây nguẩy, tay xua rối rít như kẻ đi đêm phải tà để rồi khi nhóm khách đi rồi, lão lại ngồi thừ ra, khóe trễ xuống như thể đang ngẫm nghĩ điều gì. Cặp kính râm gọng to, choán gần hết khuôn mặt đã giúp lão giấu được nỗi niềm thầm kín trước con mắt tò mò của thiên hạ chứ không giấu nổi trước lòng mình.

Người ta không gọi chứ lão vẫn nhớ tên thật của mình là Nhật Minh, một cái tên mà khi đặt cho con, cha mẹ lão ngầm ước muốn con mình không những là một thanh niên khôi ngô mà còn thông minh sáng dạ, ấy vậy mà chẳng hiểu sao đôi mắt lão, từ lúc lọt lòng đã mỗi cái nhìn về một hướng. Chẳng biết có phải vì “khác giống” với anh em trong nhà vì đôi mắt lác nên lão cũng khác họ cả về tính cách. Nhà lão đông anh em nhưng khá giả nhất phố Khâm Thiên thời bấy giờ. Trong tiềm thức của lão, tuổi thơ chỉ còn những ký ức lờ mờ những buổi sáng bị vú em lôi dậy, khoác cho những bộ quần áo đồng phục cứng nhắc vì hồ là rồi cùng anh chị leo lên chiếc xích lô đến trường. 

Lão ham đọc sách đến nỗi quên ăn, quên ngủ khiến mẹ lão, người đàn bà chưa bao giờ mất một giọt sữa nuôi con, chỉ có một niềm đam mê là đánh bài vậy mà thấy lão như thế cũng không chịu được. Theo quan niệm của bà thì con nhà quý tộc phải văn võ song toàn, biết đàn hát, hội họa chứ đọc nhiều sách chỉ mụ đầu nên bao nhiêu sách mà lão có được từ việc bớt tiền quà sáng để mua, bị mẹ ném đi hết. 

Để không bị ngăn cản, lão nghĩ ra một cách là giấu cái ghế xuống bể nước rồi trèo vào trong ngồi vậy trong lúc lão thoải mái để đầu óc phiêu lưu cùng cuốn sách thì bên ngoài các anh chị và vú em cứ tha hồ gào gọi tên lão mà chẳng làm sao tìm ra chỗ lão nấp. Trong số những sách lão đọc, lão thích nhất là những cuốn sách nói về những điều huyền bí về con người, vạn vật xung quanh. Lão đâu nghĩ rằng những điều mà lão đọc được từ ngày còn nhỏ đã cho lão một sự tích cóp phong phú về kiến thức, hỗ trợ lão rất nhiều trong khoảng thời gian lão làm thầy bói.

Gọi lão là thầy bói cũng được mà không thì cũng chẳng sai vì lão chưa công khai mở “phủ” coi bói lấy tiền mà thường là xem cho người thân quen, người do bạn bè giới thiệu tới rồi tùy tâm ai muốn trả bao nhiêu thì trả, lão không đòi hỏi. Không lấy việc xem bói làm nghề để sống mặc dù từ ngày bố mẹ mất, cuộc sống của lão rơi vào túng thiếu nhưng lão cũng chẳng làm gì để kiếm sống ngoài những đồng tiền hảo tâm của bạn bè hay những người được mách mối. Điều đáng nói là lão nói việc gì cũng trúng nên ai cũng tin lắm. Được bạn bè khen, tin tưởng, lão mừng vì cái sự đọc sách mấy chục năm của mình rồi cũng có tác dụng nhưng niềm kiêu hãnh của lão chưa được bao lâu thì xảy ra chuyện khiến lão đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy đau lắm, dằn vặt lắm.

Lão có một người bạn thân từ thuở mặc quần xà lỏn, đến khi trưởng thành họ vẫn thân nhau. Bạn của lão tên là Phụ, nhà ở ngõ chợ, cũng con nhà khá giả. Tuổi mới lớn hay nghe lời kích động. Trong một lần cùng chúng bạn đi chơi, lão và Phụ đèo nhau trên một chiếc honda cup. Nhìn thấy dáng cô giáo đạp xe trước mặt, một người bạn đố lão giật túi của cô sẽ thưởng một chầu kem Tràng Tiền. Mấy cô bạn cùng lớp nhìn lão như dò hỏi khiến lão cảm thấy có rôm đốt sau lưng nên đã giục Phụ phóng xe lên phía trước. 

Kết cục của lần chơi ngông ấy là cả hai phải đi cơ sở giáo dục cải tạo. Với lão, một kẻ từng tuyên bố không lấy vợ để có nhiều thời gian đọc sách thì không sao, chứ với Phụ thì vết ố đó khiến anh bạn chẳng tán được một ai dù cho lúc nào cũng bảnh bao và lẻo mép. Thương bạn, lão bảo Phụ sẽ tìm một người để mai mối cho bạn nhưng lão chưa kịp thực hiện ý định tốt đẹp của mình thì Phụ dẫn tới một người con gái, nhờ lão “xem” hộ.

Sau khi hỏi tuổi bạn gái của Phụ, lão thoáng giật mình nhưng không nói gì. Mấy hôm sau, nhân lúc chỉ có 2 người, lão khuyên Phụ không nên lấy với lý lẽ: “Hai con hổ ở với nhau, nếu có con thì sẽ rất nghèo còn không con cái thì tiền nhiều vô kể còn nếu như vừa có con vừa giàu thì vợ chồng ly tán”. Dù rất tin vào tài phán của bạn song Phụ không nghe bởi lẽ chẳng còn ai hợp với một kẻ từng đi tù như mình ngoài cô gái này. Đám cưới của Phụ vẫn tiến hành. Lão đành khuyên bạn nếu có sinh con thì sinh vào năm Dần và chỉ nên đẻ một đứa là đủ.


Chẳng hiểu lời phán đoán của “thầy” hiệu nghiệm thế nào mà từ ngày lấy vợ, Phụ vừa mở quán bán nước vừa mua lại những căn nhà nhỏ, sửa sang lại rồi bán lại rất đắt hàng. Vợ chồng khỏe mạnh, tiền bạc dồi dào, hai đứa con trai lần lượt chào đời,…nên nhiều lúc Phụ chọc quê lão, cho rằng sách của lão nên đốt đi được rồi vì đã hết thiêng. Lão cũng cười nhăn nhở, tự dặn lòng rằng nếu sự việc không đúng như lời lão đã phán đoán thì lão sẽ khóa cửa, không xem hộ cho bất cứ ai. 

Hàng ngày lão vẫn ra vào nhà Phụ, ngồi với bạn “buôn” chuyện tào phào và cũng là để hỗ trợ bạn bán quán nước mỗi khi có khách tới giao dịch việc mua bán. Nhìn hai đứa con của Phụ mặt mũi sáng sủa, lão đồ rằng lớn lên chúng sẽ làm được việc lớn nên đã nhận hai đứa trẻ làm con nuôi. Mỗi khi thấy chúng gọi bố, lão lại mường tượng ra cảnh sau này, khi đã mắt mờ chân chậm, được người ta kính cẩn là bố của ông nọ, bà kia, chắc tự hào lắm. 

Một đêm hè nóng nực, lão đang mơ màng thì nghe có tiếng đập cửa, bên ngoài là một giọng nói thống thiết: “Anh Minh ơi, chết rồi”. Lão lập cập chạy ra, tỉnh hẳn ngủ khi thấy vợ Phụ đầu tóc rối bù, đang vật vã khóc. Đêm đó Phụ đi uống rượu với đối tác rồi chả hiểu trò chuyện thế nào mà người kia đẩy Phụ ngã ngửa ra sau, đập gáy xuống cống nước. Phụ chết không một lời trăng trối. Nhà cửa, tài sản cũng theo đó lần lượt ra đi vì cô vợ chán đời, lao vào cờ bạc rồi lên một ngôi chùa tít trên núi cao làm vãi. 

Hai đứa trẻ sau một thời gian làm con nuôi người nước ngoài, giờ sống lay lắt với nghề bưng bê ở các hàng quán. Lão sững sờ bởi không ngờ hai chữ “ly tán” trong quẻ xem cho người bạn cứ tưởng chỉ là mỗi người mỗi nơi hóa ra quá khốc liệt. Lão bắt đầu thấy sợ, thấy hãi mỗi khi phải “nhìn thấy” tương lai cho một ai đó, vậy là lão giải nghệ và lấy luôn cái nghề bán trà nóng của người bạn thân làm cần câu cơm.

Không còn xem bói cho ai nữa nhưng mỗi khi đông khách tới uống nước, lão lại quên mất mình. Lão lại hỏi người đối diện như một thói quen về tên tuổi của họ rồi cứ tông tốc phán cho tới khi có ai gặng hỏi mới giật mình sực tỉnh. Lão đang lấy chén nước trà để quên đi những điều đau buồn mà theo như lời lão là biết, ngăn cản nhưng không quyết liệt nên không cứu được người bạn thân. Lão tự trách mình giá như ngày ấy quyết liệt ngăn cản hoặc tìm hiểu cặn kẽ câu chữ trong sách để nói hết cho bạn mình, có lẽ Phụ đã không chết sớm. Vậy mà nhiều lúc lão lại quên, lại sống theo bản năng, sống với niềm đam mê để rồi sau đó lại chìm trong đau khổ, dằn vặt. 

Đã chục năm nay lão dằn lòng không đụng tới sách vở, cố quên đi niềm đam mê từ thuở thiếu thời nhưng đâu dễ và có ai biết rằng sau những câu nói tưởng chừng như boa hoa, chẳng ăn nhập vào đâu ấy lại có một tâm hồn thổn thức.
Bóng đá & Cuộc sống
nguồn:http://www.baomoi.com/Home/TinhYeu/xzone.vn/Qua-bao-%C4%91ang-cua-lao-thay-so-bo-nghe/9240717.epi
============================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001