KIỀU BÍCH HẬU
Khởi
điểm của ham muốn này là chúng ta dám nghĩ đến giải Nobel văn học cái
đã. Ai cũng nghĩ đến tầm vóc, chất lượng của tác phẩm, tác giả nó phải
thế nào thì mới dám nghĩ đến giải Nobel văn học ghê gớm kia. Tôi từng
đọc những tác giả đoạt Nobel như Ernest Hemingway, Gabriel García
Márquez, Elfriede Jelinek, Jean-Marie Gustave Le Clézio…, và
mới đây là Mạc Ngôn, cũng có tác giả ghê gớm thật, tầm vóc thật, hay
thật, cũng có tác giả chả có gì là ghê gớm, nghĩa là tôi cũng viết được
thế, các nhà văn Việt Nam thực thụ có tài cũng viết được thế. Chỉ có
điều, làm sao thế giới biết đến ta!
Nhà văn ta dốt ngoại ngữ, điều đó đúng
một phần. Ta lấy đó làm cớ để đổ tại cho việc tác phẩm văn học của ta
thế giới ít biết đến. Ngoại ngữ, đó là một kỹ năng, và việc học ngoại
ngữ (điển hình là tiếng Anh) đối với một nhà văn tôi cho rằng không quá
khó. Vấn đề là ai cần một nhà văn tự chuyển ngữ tác phẩm của anh ta?
Chẳng cần lắm đâu, chỉ tổ mất thì giờ quý báu của nhà văn. Thì giờ ấy
anh dành cho việc sáng tác những tác phẩm thật hay, thật tâm đắc, thật
tầm vóc đi. Việc chuyển ngữ tác phẩm của anh đã có những chuyên gia của
lĩnh vực này làm rồi. Anh chỉ cần biết ngoại ngữ đủ dùng, để trong những
diễn đàn văn học thế giới hay đại hội của các nhà văn quốc tế, anh tham
gia và có khả năng giao tiếp, trò chuyện sâu với các đồng nghiệp ngoại
quốc mà thôi. Điều này vô cùng có lợi, ít nhất là với việc xuất khẩu văn
của chính anh.
Dịch tác phẩm văn học Việt ra tiếng nước
ngoài có khó không? Câu trả lời là không, người Việt ta có những cỡ
chuyên gia như Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên… (chỉ có điều các ông chỉ
dịch xuôi mà không nghĩ đến dịch ngược). Hoặc cũng có những người nước
ngoài đủ sức đủ tài dịch văn chương Việt ra tiếng nước họ như Choi Hana
(Hàn Quốc), Ivo Vasjliev (Cộng hòa Czech)… Khi Ivo Vasjliev đến Việt
Nam, tôi từng thử biếu ông tập truyện ngắn “Theo dấu loa kèn” của tôi,
chưa cần ngỏ ý gì, ông đã đọc và sau đó chọn dịch truyện ngắn “Bóc lịch”
của tôi ra tiếng Czech, vì ông rất thích nó. Ông chính là người từng
dịch tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh sang tiếng Czech và
thành công vì việc này. Tôi nghĩ mình chỉ cần dấn thêm một bước nữa, là
tập truyện ngắn của tôi có thể được dịch sang tiếng Czech và phát hành ở
Praha (Cộng hòa Czech). Hoặc Choi Hana, lần sang Việt Nam tháng
11/2012, đã khoe toáng lên rằng em thấy cuốn “Theo dấu loa kèn” của chị ở
thư viện Seoul, hiện nay cô dâu Việt ở Hàn Quốc nhiều lắm, ngoài những
thực phẩm Việt xuất khẩu sang Seoul, người ta còn mang sách văn học sang
bán. Món ăn tinh thần cũng đâu thể thiếu đói mãi được. Nếu không có văn
chương, con người lại sẽ trở về với thời kỳ man rợ mất thôi. Nhân tiện
kể thêm, Choi Hana từng dịch tác phẩm của Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê
sang tiếng Hàn, cô muốn làm cầu nối văn hóa Việt – Hàn. Các nước bạn có
những con người thực tâm như vậy, làm sao chúng ta phải sợ rằng ta không
có lực lượng dịch tác phẩm văn học của mình?
Chúng ta còn nghèo! Đây cũng là một cái
cớ dễ mến để đổ tại. Nhưng có thực thế không? Tôi biết có nhà văn đi xe
hơi, ở nhà biệt thự. Tác phẩm của anh cũng rất giá trị, nhưng người
trong nước biết mà người nước ngoài lại chẳng biết. Vậy thì chẳng có cớ
gì anh bỏ ra dăm bảy tỷ đồng sắm nhà lầu, xe hơi, mà lại không dám bỏ ra
vài chục triệu đồng, trăm triệu đồng… đầu tư vào việc dịch tác phẩm của
anh ra tiếng nước ngoài và phát hành ở nước ngoài. Cá nhân tôi nghĩ,
việc mua cái nhà, tậu cái xe nó tầm thường lắm, bất cứ ai có tiền là làm
được dễ dàng, nhưng để tạo nên một tác phẩm văn chương thì không phải
ai cũng làm được. Chỉ có nhà văn thôi. Vậy thì việc gì nhà văn phải đi
đú với những nhà lầu xe hơi, sao không mạnh dạn đánh đu với văn chương
cho trót đời! Trước đây khi cơ chế bao cấp ở ta không còn đủ sức để ôm
đồm lo cho toàn dân, đã nghĩ ra một câu rất hay chữa thẹn “Hãy tự cứu
mình trước khi trời cứu”. Vậy thì với các nhà văn, ta muốn tác phẩm của
ta được thế giới biết đến, ta cũng có thể tự cứu, mà chưa cần đến các
cấp Hội, cấp Chính phủ nào.
Nói
đến cấp Hội, hay Sở, Ban ngành, vĩ mô là cấp Chính phủ, thì họ lại quá
có điều kiện tổ chức những sự kiện văn chương của ta ở nước ngoài, trước
tiên là quảng bá, sau đó là phát hành. Nhu cầu đọc văn học Việt là rất
thật. Ta không để ý, chứ thế giới họ nghiên cứu Việt Nam rất ghê, và rất
sớm. Môn Việt Namhọc chẳng hạn, mỗi năm ở các trường ĐH Hàn Quốc có hơn
trăm người theo học. Họ không chỉ nghiên cứu với sách lịch sử, họ còn
tìm đọc sách văn học, bởi nhiều khi văn học còn chỉ ra sự thật hơn cả sự
thật, cần lắm việc đọc văn học Việt Nam, có như vậy mới thấu hiểu Việt
Nam sâu sắc. Những người cần văn chương Việt Nam cho công việc của họ đã
như vậy, còn những người thích đọc văn chương thì sao, nhiều vô kể! Nhu
cầu là có, chỉ cần các cấp ra tay mà thôi. Phương pháp thì khá nhiều.
Đơn cử việc Bộ Văn hóa –Thể thao – Du lịch, năm nào cũng tổ chức cùng
với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, những sự kiện hay ho như
“Những ngày văn hóa Việt Nam ở nước sở tại”. Họ giới thiệu văn hóa cổ
Việt Nam chung chung như ca, múa, nhạc, ẩm thực, thậm chí là quần áo
truyền thống như áo dài, áo tứ thân, nhưng họ chưa thèm giới thiệu văn
chương Việt. Mà mang mấy hòm sách đi thì đâu có quá nặng nề? Mang bao
nhiêu nồi niêu xoong chảo còn được nữa là, hoặc cho một nhà văn tham gia
cùng đoàn đi để giới thiệu, quảng bá văn chương Việt thì đâu có tốn
thêm mấy tiền vé máy bay! Mấy cô chân dài miên man thế họ còn đưa đi
theo chuyến cả dăm bảy cô cơ mà! Nói như vậy, để thấy rằng chúng ta đủ
lực, đủ tiền, đủ tài để làm, quan trọng là ta có muốn làm hay không, và ở
khâu tổ chức!
Văn chương Việt Nam là một sản phẩm văn
hóa tinh thần độc đáo của ViệtNam để giúp PR cho hình ảnh Việt Nam. Đó
là một phương tiện sang trọng để quảng bá cho quốc gia. Vậy thì không có
cớ gì mà ta không chịu đầu tư đưa văn chương Việt ra nước ngoài, vừa bỏ
phí một nguồn tài nguyên, lại vừa khiến giải Nobel văn học cứ mãi ở tít
trên cao đối với các nhà văn Việt. Nghĩ mà xem, lúa gạo ta đã xuất khẩu
thành công rồi, thì văn chương, tại sao không???
Văn nghệ Trẻ
nguồn:http://nguyentrongtao.info/2012/12/20/xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-van-ch%C6%B0%C6%A1ng-vi%E1%BB%87t/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001