Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

BIỂU TÌNH 1/7/2012: KỶ NIỆM VÀ SUY NGHĨ

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.

.Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
.
Kỷ niệm
Mưa rả rích suốt đêm. Lòng đầy lo lắng. Mình thức như để canh mưa dù canh làm sao được mưa cơ chứ. Bèn giở ra viết lách, canh luôn cả tin tức trên facebook. Trong khoảng 20 phút, viết xong bài Hãy để anh đi. Chưa có bài thơ nào viết nhanh đến thế. Nằm được một lúc, vừa chợp mắt mươi phút chưa kịp dỗ vào giấc ngủ thì báo thức 6 giờ. Lại vào mạng cập nhật tin tức, thấy ai cũng lo lắng, cầu trời.
Nhận được tin tối qua, 30/6/2012, Giáo xứ Thái Hà đã dâng Thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho vận mệnh Tổ Quốc Việt Nam.
Chợt có tin báo hoãn biểu tình do trời mưa trên một trang mạng, lại có yêu cầu nhờ một số blog thông báo hộ. Mình đưa nội dung thông báo ấy lên blog. Nhưng đọc lại, thấy nơi thông báo hoãn lại không phải là nơi ra kêu gọi biểu tình, vội gỡ thông báo xuống.
Không biết có ai vì cái thông báo xuất hiện trong vòng 5 phút ấy của mình mà bỏ dự định đi biểu tình không. Nếu có thì ân hận quá nhưng chưa thấy ai bắt đền.
7h 30 rồi, quyết đội trời mưa đi. Nhờ bà xã chở ra bến xe bus. Lập tức có 3 người canh sẵn phóng xe theo. Mặc dù đi xe bus nhưng mình vẫn mang theo luôn mũ bảo hiểm, phòng nhỡ dùi cui đập vào đầu.
7h55, đang ngồi trên xe, Đào Tiến Thi gọi ĐT cho biết đang ở vườn hoa Lý Thái Tổ nhưng không thấy ai cả. Dặn Thi cứ ở đấy chờ, nếu không có ai thì anh em mình đi chơi.
30 phút sau đến công viên Lý Thái Tổ, đã thấy chừng trên trăm người. Như vậy, tốc độ tập trung khá nhanh. Quan sát lực lượng công an, thấy người và phương tiện có vẻ mỏng. Nét mặt họ không có gì căng thẳng hay hung hãn. Nói chung ai cũng đoán được sẽ không xảy ra đàn áp. Một nhóm người đến, mang theo một lá cờ rất lớn, cán dài. Các biểu tình viên cũ chưa biết các bạn này. Mọi người vỗ tay rào rào hưởng ứng.
Nhìn bao quát, thấy có tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Hoàng Xuân Phú, nghệ sĩ Tạ Trí Hải, giáo sư Bùi Duy Hiển, cụ Lê Hiền Đức, đại tá Nguyễn Đăng Quang. Những gương mặt biểu tình quen thuộc có mặt khá đầy đủ. Các cây bút lề dân không thiếu ai. Bác Tô Oanh ở Bắc Giang cũng đạp xe xuống, ddieuf này với bác đã thành thói quen. Khá nhiều gương mặt mới. Mọi người tranh thủ chụp ảnh với nhau, chụp cùng các biểu ngữ.
Mọi người tiếp tục kéo đến. Mưa vẫn nặng hạt. Phong ghé tai mình bảo em về lấy một ít biểu ngữ. Gần 9 giờ thì nhận được tin nhắn của anh là anh bị cản trở giữa đường, về nhà bị canh không cho đi nữa.
Một chút kỷ niệm của riêng mình, thấy vui và cảm động. Trong các buổi đi biểu tình, nhiều bạn chưa quen biết đã nhận ra mình và đến chào hỏi rất ân cần. Lần này thì nhiều hơn. Có bạn thấy mình đứng giữa trời mưa đã mua áo chống mưa cho mình dùng. Vậy mà đến bây giờ, mình không biết tên bạn ấy là gì và ở đâu. Nếu bạn đọc được những dòng này thì coi như thay cho lời cảm ơn nhé. Cái áo đi mưa tuy ít tiền nhưng tấm lòng những người biểu tình với nhau thật quí hóa.
Mưa nhẹ đi một chút, mọi người sắp vào đội hình. Lúc này số tham gia chừng 200 người. (Sau này, Người buôn gió kể: “Đoàn được khoảng hơn 200 người, ông Tường Thuỵ đứng cạnh hỏi mình được bao nhiêu người, mình bảo 500 đấy. Ông ý cãi chỉ khoảng 200, mình mặc cả 300. Ông ý gật đầu, cái lão mắt lèm nhèm này thế mà cũng tinh phết”. Tức cái là nó bảo mình mắt kèm nhèm trong khi chưa bao giờ mình phải đeo kính để đọc những hàng chữ nhỏ nhất).
Tiếng violong của nghệ sĩ Tạ Trí Hải cất lên những bản nhạc “Tiến quân ca”, “Dậy mà đi”, “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Mọi người hát theo rồi bắt đầu cuộc tuàn hành. Những người đến sau vội vã nhập cuộc. Thời điểm đông nhất vào khoảng trên 400. Có người ước đoán 500 có lẽ là do không phân biệt số người biểu tình với những người dân hai bên đường hoặc đi đường đi theo đoàn một đoạn. Mặt khác, sự ước đoán của mỗi người tất nhiên có khác nhau.
Đoàn đi theo hướng Hàng Khay, Tràng Thi để đến Đại sứ quán Trung Quốc. Cảnh sát đi song song với đoàn biểu tình, dẹp đường cho đoàn đi.
Mình mất một nửa thời gian biểu tình để trả lời phỏng vấn mấy đài nước ngoài. Cũng nhờ đó, mình biết được tình hình biểu tình ở Huế và Sài Gòn do họ thông báo lại. Nhiều lúc không cần nói gì, chỉ để nguyên máy cho họ nghe người biểu tình hô khẩu hiệu.
Đến ngã tư Trần Phú – Điện Biên Phủ, lực lượng công an cùng phương tiện đã trực sẵn rất đông. Dây ngăn cũng đã chăng sẵn. Như vậy, khu vực đại sứ quán TQ vẫn là vùng cấm. Điều này không làm mọi người ngạc nhiên, tuy vẫn có chút le lói hy vọng. Khi trả lời phóng viên nước ngoài, mình có nói chúng tôi đang hướng về mục tiêu Đại sứ quán Trung Quốc nhưng không biết có vào được khu vực ấy không, bây giờ cứ biết đi cái đã.
Điều mọi người đều ghi nhận là lực lượng công an chỉ ngăn chứ không có động thái nào quá đáng. Hai chiếc loa đặt trên 2 xe thùng nhỏ phát đi lời vận động và giải thích. Ở vị trí mình, nhìn rõ một cháu nữ công an đang đọc trực tiếp, giọng đọc dễ nghe và lời văn khá ôn tồn.
Bị chặn, đấu tranh với công an không được, đoàn người đành quay lại Bờ Hồ nhưng đi theo hướng Hàng Bông, dồn về Đài Cảm Tử. Rất ai ngại cho Phương Bích trong lúc tranh cãi với mấy tay cứ dí máy ảnh vào mặt cô quay chụp thì bị mất điện thoại. Mất bao nhiêu hình ảnh đã đành nhưng nghe đâu đó là chiếc máy đắt tiền, chừng 15 triệu gì đó.
Cũng như thường lệ, mọi người tập trung lại hô khẩu hiệu, hát, chụp ảnh rồi giải tán, đi về theo từng nhóm …
Mấy suy nghĩ và nhận xét nho nhỏ:
- Tinh thần tham gia của bà con rất cao. Nếu tính về số lượng người tham gia thì cuộc biểu tình ngày 1/7 tại Hà Nội thấp hơn dự kiến vào tối 30/6 nhưng vượt quá dự kiến lúc sáng sớm 1/7. Mặc dù trời mưa nặng hạt và dai dẳng, lại có thông báo hoãn nhưng số người tham gia không kém các cuộc biểu tình thời tiết thuận lợi trong mùa hè năm ngoái. Sau biểu tình, căn cứ từ thông tin của các nhóm dự định đi nhưng lại không đi vì 2 lý do vừa nói, thì nếu thời tiết thuận lợi, số người tham gia sẽ lên gấp vài lần.
- Khi đã có lời kêu gọi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên thông báo hoãn. Nhất là nơi ra thông báo hoãn lại không phải là nơi kêu gọi biểu tình. Làm như thế là tréo ngoe nhau. Nếu tình trạng này còn xảy ra, mọi người cần cảnh giác, xem xét cho kỹ. Bản thân mình cũng có sai lầm khi đăng thông báo hoãn trong 5 phút như đã nói ở đầu.
- Qua thông tin về biểu tình ở Sài Gòn, thấy SG đông hơn. Nhân sĩ trí thức hôm nay tham gia cũng đông hơn Hà Nội. Mùa hè năm ngoái, với những cuộc biểu tình không bị dập tắt thì ở Sài Gòn vẫn đông hơn. Tinh thần đấu tranh của Sài Gòn rất tuyệt vời.
- Nhân sĩ trí thức ở Hà Nội, trong những cuộc biểu tình năm trước khá nhiều vị tham gia. Tuy nhiên vào những cuộc biểu tình cuối trong tháng 8/2011 và lần này thì ít đi nhiều.
- Có một biểu ngữ khá ấn tượng, đọc qua tưởng chẳng liên quan gì đến nội dung biểu tình nhưng lại rất sâu sắc, gợi mở “HÃY HÀNH ĐỘNG XỨNG ĐÁNG VỚI TIỀN THUẾ CỦA DÂN”. Đây cũng là biểu ngữ lớn nhất và được chú ý nhất
- Lần đầu, có một dịch vụ biểu tình. Ở góc vườn hoa, một nhóm sinh viên 3,4 em mang theo rất nhiều áo phông đỏ có in ngôi sao và dòng chữ “Ủng hộ Luật biển và hải đảo 2012” phục vụ đoàn biểu tình. Nhiều người mua và mặc vào ngay làm không khí biểu tình rực rỡ hơn hẳn.
- Cụ bà Lê Hiền Đức lần đầu tham gia biểu tình. Cụ được giúp đỡ ra tượng đài từ sớm, ngồi trên xe đẩy. Suốt cuộc tuần hành, lúc nào cũng có 3, 4 người hộ tống, người đẩy xe, người cầm ô che.. Có người nhìn cảnh ấy nói vui: “Trông cụ cứ như Khổng Minh Gia Cát Lượng”.
- Trong khi biểu tình tại Hà Nội diễn ra yên ổn thì tại Sài Gòn có chuyện bắt bớ và ở Huế thì bị dập tắt. Nhìn lại năm trước, người ta dễ thấy cùng biểu tình, diễn ra cùng một ngày ở hai thành phố lớn nhất nước nhưng bào giờ ở Sài Gòn cũng bị đối xử nặng tay hơn. Chợt nhớ lại câu: “Miền Nam đi trước về sau”, càng thấy thương Sài Gòn quá.
- Khi khu vực đại sứ quán TQ vẫn bị coi là khu vực cấm thì cuộc biểu tình coi như mới thành công một nửa. TQ đã phơi bày hết bộ mặt thật ra thì việc gì cứ phải tế nhị như thế? Ta làm gì, miễn là không ra tay trước, không khiêu khích, sự đáp trả không vượt quá hành động của họ là được chứ?
Vài hình ảnh minh họa:
.

“Trông cụ cứ như Khổng Minh Gia Cát Lượng”.
.

Dịch vụ biểu tình do các em Sinh viên ĐH ngoại thương đảm nhiệm
.

Biểu ngữ ý nghĩa nhất
.

Lá cờ lớn nhất trong các cuộc biểu tình
.

Một nửa thời gian biểu tình dành để rả lời phỏng vấn đài nước ngoài
.

Biểu tình viên, đảng viên bị xếp hạng 3
.

Bị chặn ở khu vưc “nhạy cảm”
.

Về đài Cảm Tử
.

Phút nghỉ ngơi sau biểu tình
.
3/7/2012
NTT
nguồn_blog_nguyentuongthuy:https://nguyentuongthuy.wordpress.com/2012/07/03/bieu-tinh-172012-ky-niem-va-suy-nghi/
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001