Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Chuyện trình độ văn hóa, chuyện học tập và làm theo … 

Tôi vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác khó tả ngày xưa, mỗi khi phải điền các mục từ của mẫu Sơ yếu lý lịch. Không phải vì lý lịch của tôi bị đen bởi có các cụ xỏ nhầm giày Tây, ngược lại tôi còn có lý lịch trong suốt như pha lê, với hơn ba đời ăn củ chuối. Tôi cảm thấy rất khó xử chỉ vì không biết điền vào cái mục từ “trình độ văn hóa” những cái gì cho nó đỡ áy náy.
Dù bây giờ hình như cái mục từ “trình độ văn hóa” đã được thay bằng “trình độ học vấn” và bản thân tôi đã hết tuổi đi xin việc hoặc phải bẩm báo (nên ít khi sờ đến bản mẫu SYLL) nhưng bản tính thù dai vẫn làm tôi ấm ức mỗi khi nghĩ tới cái câu hỏi ngô nghê “trình độ văn hóa” của một thời. Nó không đơn giản chỉ là gây khó cho người phải kê khai mà thực ra nó còn phản ánh một vấn đề lớn hơn nhiều, đó là cách hiểu về chữ Văn hóa của những nhà quản lý, các nhà giáo dục, các nhà vưn vưn … và kéo theo đó là đủ thứ hệ lụy cho mọi người, cho xã hội, cho hôm nay và chắc là còn cho cả ngày mai.
Ai cũng biết Văn hóa là một khái niệm rất rộng nhưng cũng rất thiết thực với xã hội nói chung và với mỗi người nói riêng. Tuy nhiên cho đến bây giờ, dù đã có sự thay đổi chút ít trong nhận thức thể hiện qua việc dùng chữ học vấn thay cho chữ văn hóa, thì ở quê ta vẫn chưa hề có một định nghĩa hay giải thích rõ ràng, thống nhất và đầy đủ cho khái nệm này, hay nếu có thì có lẽ nó còn đang nằm đâu đó trong các ngăn kéo hay hộc tủ của các nhà văn hóa (bao gồm các nhà văn hóa xây bằng gạch hoặc cây que, bên ngoài có biển hiệu, cờ phướn, bên trong có nhiều thứ như bàn ghế, sách báo v.v…, và gồm cả các nhà văn hóa biết đi lại, ăn uống, bên trong túi áo và trong bụng, trong đầu cũng có rất nhiều thứ), hay của các nhà quản lý văn hóa, v.v… chứ chưa được đưa ra quảng bá cho mọi người. Nhưng dù định nghĩa kiểu gì đi nữa, và bỏ qua tính chiến đấu, tính giai cấp, tính xyz v.v… của văn hóa mà tôi không đủ trình độ để bàn tới, thì cũng khó có cơ sở nào để cho một người đủ tự tin viết rằng mình có trình độ văn hóa là 7/10 hay 10/10 chẳng hạn. Có lẽ đối với những người đặt ra đề mục này, văn hóa chỉ là biết một vài con tính, thuộc dăm ba bài thơ có tính chiến đấu, nhớ một chút lịch sử (đã được biên tập) và là một thứ có thể đo đếm, phân chia cao thấp. Và với những người cầm cân nảy mực như thế thì việc xã hội quan niệm rằng ông tiến sĩ có văn hóa cao hơn ông kỹ sư, ông kỹ sư có văn hóa cao hơn ông già (nhưng chưa đỗ tú tài) và mặc dù ông TS vẫn có thể chửi bậy, ném chuột chết ra đường, hay ông kỹ sư có thể cầm gậy đuổi anh em chạy vòng vòng quanh khu tập thể thì văn hóa của các ông vẫn cao hơn người khác là những chuyện đương nhiên, không có gì phải nghĩ. Chưa nói tới những gì cao xa hơn của khái niệm Văn hóa, như cái chuyện “vật thể” và “phi vật thể”, chuyện kiến trúc thượng tầng …
Với sự tồn tại những cách nghĩ, cách hiểu thô sơ về văn hóa như vậy thì có lẽ xung quanh chuyện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức…” cũng không tránh khỏi có điều để nói. Một cuộc vận động mà theo thông lệ luôn luôn là thành công rực rỡ, ý nghĩa lớn lao, dù mục tiêu (và cả kết quả) đưa ra rất chung chung và mơ hồ. Học cái gì, tại sao học điều đó ở người này mà không học ở người khác (vẫn với những cái đó), rồi học để làm gì, phải chăng học lãnh tụ là để làm lãnh tụ, v.v… Trong khi dường như cái đáng học nhất ở lãnh tụ là tư tưởng dân tộc và tình yêu dân tộc thì lại bị bỏ qua (hay lờ đi) bởi chính những người đưa ra cuộc vận động “Học tập và làm theo…”, là những người bị dư luận xã hội cho rằng họ ít làm theo lời lãnh tụ hơn so với nhiều người dân bình thường khác.
Đó là chưa nói chuyện học tập và làm theo một tấm gương đạo đức của ai đó theo tôi là một chuyện rất hình thức, nếu không nói là rất tầm phào, bởi tấm gương đạo đức chỉ là sự thể hiện bên ngoài của một chiều sâu văn hóa bên trong. Không được học và không chịu học để bồi bổ một cái nền văn hóa bên trong, xây dựng một môi trường văn hóa bên ngoài, mà chỉ hô hào, vận động mà mọi người lo học tập, đúng hơn là bắt chước cái vỏ đạo đức của người khác, nếu có thành công thì cũng chỉ có được một thứ đạo đức giả. Viết đến đây tôi bỗng nhớ cách đây khá lâu trên trang cười 24h có đăng một chuyện vui, đại ý có 3 người, một người không hút thuốc, không say xỉn, một người hút thuốc như ống khói và một người hút thuốc, nhiều khi say xỉn và để người đọc đoán xem họ là ai. Kết quả là con người không hút thuốc lá, không say xỉn, con người tưởng chừng là hình mẫu rất nên học theo lại chính là Hítle, trùm phát xít Đức. Rõ ràng không phải vì Hítle có những đức tính đó mà ta phải coi chúng là xấu, nhưng cũng không thể vì nó tốt mà lại có cuộc vận động học tập Hítle, hay không thể nói vì Sớc sin là một tấm gương sáng mà ta nên làm theo chuyện nhậu nhẹt của ông.
Nói vòng vo một hồi như vậy là vì mới có một câu chuyện tưởng chừng như chẳng có chút ăn nhập nào với chuyện đang nói ở trên, lại xảy ra mãi tít tận bên nước Nhựt xa xôi nữa. Đó là câu chuyện về một chú bé 9 tuổi trong thảm họa vừa qua đã có một hành động có lẽ rất bình thường ở xứ sở của người Nhật, nhưng lại được nhìn nhận là rất cao đẹp và hiếm hoi ở nước ta. Câu chuyện này đã được vô số các loaị báo chí đăng tải và bình luận, với rất nhiều lời ca ngợi, nhiều bài học, nhiều mơ ước được đưa ra. Nên tôi cũng chẳng còn điều gì để nói thêm nữa.
Dù sao vẫn còn một chút an ủi rằng khi người ta nhận ra được cái đẹp, dù là ở tận một nơi rất xa, thì có nghĩa là trong tâm mỗi người cái đẹp vẫn còn. Để hy vọng đến một ngày nào đó, câu nói nước Việt ngàn năm văn hiến sẽ không phải là những lời nói suông.

Tháng 3/2011
_________________
Đăng bỡi: Tranhung09
nguôn:http://tranhung09.blogspot.com/2012/09/chuyen-trinh-o-van-hoa-chuyen-hoc-tap.html
=======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001