Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Bên ngoài việc chuyển trục chiến lược: Một lộ trình mới cho quan hệ Mỹ-Trung

Tháng 3 21, 2013
Kevin Rudd
Trần Ngọc Cư dịch
Cuộc tranh luận về tương lai quan hệ Mỹ-Trung đang được thúc đẩy bởi một chính sách đối ngoại và an ninh quyết đoán hơn của Trung Quốc trong thập kỷ qua, phản ứng của khu vực đối với sự kiện này, và cách trả lời của Washington – “chuyển trục chiến lược” hoặc “tái quân bình lực lượng” hướng về châu Á. Việc chính quyền Obama tiếp tục tập trung vào ý nghĩa chiến lược của châu Á là hoàn toàn chính đáng. Nếu không có một động thái như vậy, sẽ có nguy cơ là Trung Quốc, với một quan điểm cứng rắn, thực tiễn về quan hệ quốc tế, sẽ kết luận rằng một Hoa Kỳ kiệt lực về kinh tế sẽ mất thế đứng tại Thái Bình Dương. Nhưng hiện nay rõ ràng là Hoa Kỳ muốn ở lại châu Á lâu dài, nên cũng đến lúc cả Washington và Bắc Kinh phải đánh giá tình hình, nhìn về phía trước, và đi tới một số kết luận dài hạn về loại hình thế giới nào mà hai nước muốn thấy ở bên kia rào cản.
Các nhiệm vụ trung tâm của châu Á trong những thập kỷ tới sẽ là tránh cho kỳ được một cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và duy trì thế ổn định chiến lược lâu nay từng củng cố sự thịnh vượng của khu vực. Những nhiệm vụ này là khó khăn nhưng có thể thực hiện được. Chúng đòi hỏi cả hai phía phải thông hiểu nhau triệt để, phải hành động bình tĩnh trước nhiều khiêu khích, và phải quản lý các thế lực trong nước và trong khu vực đang đe dọa chia rẽ hai cường quốc. Do đó, tình hình này sẽ đòi hỏi một quan hệ sâu sắc hơn và được cơ chế hoá hơn nữa – một quan hệ được củng cố bằng một khung chiến lược biết chấp nhận thực tế cạnh tranh giữa hai nước, tầm quan trọng của tinh thần hợp tác, và sự kiện là những đề xuất này không loại bỏ lẫn nhau. Ngoài ra, đường lối mới mẻ này phải được thể hiện trên thực tế xuyên qua một nghị trình có cơ cấu được thúc đẩy bằng các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước.
TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ CON RỒNG ẨN MÌNH
Tốc độ, phạm vi, và tầm ảnh hưởng trong sự trỗi dậy của Trung Quốc là chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Chỉ nội trong vòng 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng từ một vị thế nhỏ hơn Hòa Lan đến một vị thế lớn hơn mọi nước khác ngoại trừ Hoa Kỳ. Nếu chẳng bao lâu nữa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, như một số người tiên đoán, thì đó sẽ là lần đầu tiên từ thời Vua George III [của Vương quốc Anh, 1738-1820] một nước không nói tiếng Anh, không thuộc về phương Tây, và phi dân chủ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. [Tất cả chú thích trong ngoặc vuông là của dịch giả]. Lịch sử dạy chúng ta rằng, cứ lẽ thường, quyền lực kinh tế đi đâu thì quyền lực chính trị và chiến lược đi theo đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc tất yếu sẽ tạo ra những lợi ích, những giá trị, và thế giới quan chồng chéo và đôi khi xung đột nhau. Nỗ lực duy trì hoà bình sẽ rất quan trọng không những cho ba tỉ người châu Á mà còn cho tương lai của trật tự toàn cầu. Phần lớn lịch sử của thế kỷ 21, dù muốn dù không, sẽ được viết tại châu Á, và điều này sẽ được hình thành do sự kiện là, liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có được quản lý một cách hoà bình và không gây xáo trộn cho trật tự thế giới hay không?
Trật tự châu Á sau Thế chiến II đã dựa vào sự hiện diện và tính có thể dự đoán (predictability) của sức mạnh Hoa Kỳ, một sức mạnh được củng cố bằng một mạng lưới liên minh và đối tác quân sự. Sự kiện này từng được hầu hết các quốc gia trong khu vực hoan nghênh, trước là để ngăn chặn sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, và sau nữa là để bảo đảm an ninh cho Tokyo và Seoul (loại bỏ nhu cầu các chương trình vũ khí hạt nhân địa phương) và để dập tắt một số căng thẳng nhỏ khác trong khu vực. Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với những khó khăn kinh tế và ngân sách của Hoa Kỳ đã bắt đầu tạo mối hoài nghi đối với tính bền vững của cơ cấu an ninh này. Một cảm thức bất an chiến lược và một mức độ đề phòng chiến lược bằng cách đi nước đôi đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều thủ đô khác nhau trong khu vực. Chính sách “tái quân bình” (rebalance) của chính quyền Obama đã cung ứng một biện pháp điều chỉnh cần thiết, tái lập lại những yếu tố chiến lược cơ bản. Tự bản thân, chính sách này không đủ mạnh để duy trì hoà bình – một thách thức ngày càng trở nên phức tạp và khẩn cấp khi chính trị đại cường (great-power politics) tương tác với với một loạt xung đột chưa đủ tầm cỡ khu vực đang gia tăng và những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn tại biển Hoa Đông và Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam].
Trung Quốc nhìn những chuyển biến tình hình này qua lăng kính những ưu tiên đối nội và quốc tế của chính mình. Ủy ban Thường vụ Chính trị Bộ, gồm những lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản, coi những điều sau đây là trách nhiệm cốt lõi: phải bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng, phải duy trì sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước (gồm việc chống lại các phong trào li khai và bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền biển đảo), phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế vững mạnh bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, phải đảm bảo an ninh năng lượng, phải duy trì ổn định toàn cầu và khu vực để không gây phương hại cho nghị trình tăng trưởng kinh tế, phải hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và phải mạnh dạn quyết đoán hơn nữa các lợi ích trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và phải nâng cao địa vị của Trung Quốc như một đại cường.
Những ưu tiên toàn cầu và khu vực của Trung Quốc được hình thành chủ yếu do những đòi hỏi kinh tế và chính trị trong nước. Trong một thời đại mà chủ nghĩa Marx đã mất hết tầm quan trọng ý thức hệ, thì chính nghĩa còn lại của Đảng sẽ tùy thuộc vào một tổng hợp gồm có thành tích kinh tế, chính trị dân tộc chủ nghĩa, và nỗ lực chống tham nhũng. Trung Quốc quan niệm sự trỗi dậy của mình trong bối cảnh lịch sử của dân tộc, như là một hành động dứt khoát đối với một thế kỷ bị nước ngoài chà đạp (bắt đầu bằng Chiến tranh Nha phiến và kết thúc bằng sự chiếm đóng của Nhật) và như là một cách đưa đất nước trở lại địa vị xứng đáng của một nền văn minh lớn, có chỗ đứng được kính nể cùng với các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Trung Quốc chứng minh rằng trong lịch sử chẳng mấy khi Trung Quốc đem quân đi xâm lược nước khác và không hề theo đuổi chủ nghĩa thực dân trên biển (khác hẳn các nước châu Âu) và chính bản thân Trung Quốc từng là mục tiêu của nhiều cuộc ngoại xâm. Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, phương Tây và các nước khác không có lý do gì để lo sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thật ra, các nước khác có thể hưởng lợi từ sự vươn dậy này nhờ mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bất cứ một quan điểm nào khác hơn đều bị Trung Quốc đả kích gay gắt, coi đó như một phần của học thuyết về “mối đe dọa của Trung Quốc”, một học thuyết mà Trung Quốc coi là tấm bình phong che chắn cho chính sách bao vây của Mỹ trên thực tế.
Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc bỏ qua là sự khác biệt giữa “mối đe dọa” và sự “thiếu rõ ràng” (uncertainty) — thực chất của điều mà các nhà lý thuyết về bang giao quốc tế gọi là “nan đề an ninh” (the security dilemma) – nghĩa là, cái cách mà Bắc Kinh theo đuổi các lợi ích chính đáng của mình có thể gia tăng mối lo ngại cho các nước khác. Việc này nêu lên một câu hỏi bao quát hơn là, liệu Bắc Kinh đã phát triển một đại chiến lược cho dài hạn hay chưa. Những tuyên bố công khai của Bắc Kinh — nhấn mạnh rằng Trung Quốc muốn theo đuổi “một cuộc trỗi dậy hoà bình” hay “phát triển hoà bình” và tin tưởng vào nguyên tắc “hai bên đều có lợi” (win-win) hay “một thế giới hài hòa” – cũng như việc vận dụng châm ngôn của Đặng Tiểu Bình, “Che giấu sức mạnh, đợi lấy thời cơ”, cho đến nay vẫn chưa làm sáng tỏ vấn đề. Đối với người nước ngoài, câu hỏi then chốt là liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động bằng tinh thần hợp tác trong trật tự toàn cầu hiện nay, một trật tự đặt cơ sở trên luật pháp, sau khi Trung Quốc đạt được địa vị đại cường, hay thay vào đó Trung Quốc sẽ tìm cách khuôn nắn trật tự này theo hình ảnh của mình. Điều này vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời.
TẬP CẬN BÌNH NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC TUÂN THEO
Trong phạm vi những ưu tiên tổng thể của Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping), Tổng bí thư vừa được chỉ định của Đảng Cộng sản và là Chủ tịch nước sắp nhậm chức, sẽ có một ảnh hưởng quan trọng và có lẽ quyết định trên chính sách quốc gia. Tập tỏ ra thoải mái với địa vị lãnh đạo này. Ông tự tin ở lý lịch quân sự cũng như lý lịch cải tổ của mình, và nhờ khỏi phải tốn công để chứng tỏ khả năng của mình trên hai bình diện này, ông có được một ít tự do để xoay xở tình hình. Ông đọc nhiều sách và có sự hiểu biết của một sử gia về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Tự bản năng, Tập đã là một nhà lãnh đạo và sẽ không lấy làm thoả mãn với việc duy trì nguyên trạng trong chính sách hiện nay. Nếu đem so với tất cả các người tiền nhiệm, Tập là quan chức có khả năng cao nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình để trở thành một nhân vật cao hơn một kẻ dẫn đầu giữa những người đồng đẳng (primus inter pares), mặc dù vẫn nằm trong giới hạn của quyền lãnh đạo tập thể (collective leadership).
Tập đã đi một bước dẫn đầu chưa từng thấy. Ông tuyên bố thẳng thừng rằng nếu nạn tham nhũng không được giải quyết, Trung Quốc sẽ rơi vào một tình trạng hỗn loạn như Mùa Xuân Á Rập, và ông đã đưa ra những nội qui mới mẻ, minh bạch cho giới lãnh đạo về vấn đề xung đột lợi ích [giữa công và tư]. Ông vạch ra những cẩm nang cho Chính trị Bộ nhằm cắt giảm những cuộc hội họp thiếu nội dung và những diễn văn chính trị dài dòng, ông hậu thuẫn việc đàn áp một số báo chí và websites trong nước có thái độ thẳng thắn về mặt chính trị, và ông lên tiếng ca ngợi những nhà hiện đại hoá quân đội Trung Quốc. Đặc biệt là, Tập đã công khai vay mượn tư duy từ cẩm nang chính trị của Đặng Tiểu Bình, khi tuyên bố rằng hiện nay Trung Quốc vẫn cần thêm nhiều cải tổ kinh tế hơn nữa. Tuy nhiên, về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng, Tập vẫn còn giữ thái độ tương đối im lặng. Nhưng trong vai vế là một thành viên cao cấp của Quân ủy Trung ương, cơ quan kiểm soát quân lực Trung Quốc (Tập giữ chức Phó Chủ tịch từ 2010 đến 2012 và vừa được chỉ định vào chức Chủ tịch gần đây), Tập đã đóng một vai trò quan trọng trong “những nhóm lãnh đạo” của Quân ủy về chính sách đối với biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [biển Đông Việt Nam], và những hành động gần đây của Bắc Kinh trên những vùng biển này đã khiến một số nhà phân tích thời sự kết luận rằng ông ta là một người cứng rắn, không nương nể, trên vấn đề chính sách an ninh quốc gia. Một số nhà bình luận khác lại chú ý đến những ý kiến về chính sách đối ngoại mà ông đã phát biểu trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ tháng Hai năm 2012, khi ông nói đến nhu cầu phải có “một loại quan hệ đại cường mới” với Washington và rõ ràng là chính ông đã lấy làm ngạc nhiên khi gần như không nhận được một phản hồi đáng kể nào từ phía Mỹ.
Vào thời điểm này mà coi Tập Cận Bình có tiềm năng trở thành một Gorbachev và coi những cải tổ của ông như là bước đầu của một glasnost Trung Quốc là không đúng. Trung Quốc không phải là Liên Xô và cũng không sắp sửa trở thành một Liên bang Nga. Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, Tập có thể đưa Trung Quốc đi theo một hướng mới. Các lãnh đạo mới của Trung Quốc vốn là những nhà cải tổ kinh tế từ trong bản năng hay do được đào tạo về mặt tri thức. Việc thực hiện một cuộc chuyển đổi rộng lớn như họ dự trù sẽ cần đến hầu hết vốn liếng chính trị của họ và sẽ đòi hỏi quyền kiểm soát chính trị liên tục và vững chắc, thậm chí cả khi những cải tổ này tạo ra các lực tác động mạnh mẽ để thay đổi xã hội và chính trị. Hiện vẫn chưa có một kịch bản được đồng thuận cho việc cải tổ chính trị lâu dài; chỉ có một nhiệm vụ trước mắt là nới rộng quyền dân chủ trong nội bộ Đảng của 82 triệu đảng viên. Khi nói đến chính sách đối ngoại, tính trung tâm của nhiệm vụ kinh tế trong nước hàm chứa ý nghĩa là lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì ổn định chiến lược hơn nữa chí ít trong thập niên tới. Điều này thỉnh thoảng có thể mâu thuẫn với những đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc, nhưng khi có sự mâu thuẫn, Trung Quốc sẽ muốn giải quyết các xung đột hơn là để chúng phá hoại sự ổn định này. Nói chung, Tập là một nhà lãnh đạo mà Hoa Kỳ nên tìm cách làm việc với, không những trong nỗ lực quản lý các vấn đề chiến thuật thường ngày mà còn trên những vấn đề chiến lược rộng lớn hơn, lâu dài hơn.
ĐẾN LƯỢC OBAMA PHẢI NẮM THẾ CHỦ ĐỘNG
Không phải chỉ là một tuyên bố quân sự, chính sách tái quân bình lực lượng của chính quyền Obama nằm trong một chiến lược ngoại giao và kinh tế khu vực rộng lớn. Chiến lược này còn bao gồm việc Hoa Kỳ quyết định trở nên một thành viên của Thượng đỉnh Đông Á và những kế hoạch phát triển Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược của Hoa Kỳ với Ấn Độ, và mở cửa chào đón Miến Điện (Myanmar). Một số người đã chỉ trích việcWashingtonphục hồi lại thái độ quyết liệt của mình như là nguyên nhân của những căng thẳng đã gia tăng gần đây. Nhưng quan điểm này không thể đứng vững, nếu nó được duyệt xét kỹ càng, căn cứ vào sự tràn lan của những sự cố an ninh khu vực có ý nghĩa bắt đầu diễn ra cách đây hơn nửa thập kỷ.
Trung Quốc, quốc gia của những nhà làm chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng theo chủ nghĩa thực tiễn, nơi mà sinh viên các học viện quân sự bị bắt buộc phải đọc Clausewitz, Carr, và Morgenthau, chỉ biết kính nể sức mạnh chiến lược và khinh khi thái độ lưỡng lự và sự yếu đuối. Người ta không thể kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chào đón việc Mỹ chuyển trục chiến lược. Nhưng sự chống đối của Bắc Kinh không có nghĩa chính sách mới này của Mỹ là sai lầm. Việc Mỹ tái quân bình lực lượng đã được hoan nghênh khắp mọi thủ đô khác của châu Á – không phải vì Trung Quốc bị coi là một mối đe dọa, mà vì các chính phủ tại châu Á không cảm thấy chắc chắn là một khu vực bị Trung Quốc khống chế sẽ có ý nghĩa gì. Vì thế, hiện nay khi chính sách tái quân bình đang được thực thi, câu hỏi đặt ra cho những nhà làm chính sách Hoa Kỳ là, trong giai đoạn tiếp theo họ sẽ đưa mối quan hệ với Trung Quốc đến đâu?
Một khả năng là, Hoa Kỳ sẽ tăng tốc mức độ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, chứng minh rằng Bắc Kinh không có cơ may chi tiêu nhiều hơn hay vượt trội Washington và đồng minh của Mỹ. Nhưng về mặt tài chánh, nỗ lực này sẽ không bền vững và vì thế không đáng tin tưởng.
Khả năng thứ hai sẽ là cố duy trì nguyên trạng (the status quo) trong khi tiến trình tái quân bình lực lượng bắt đầu có hiệu quả, chấp nhận rằng một sự cải thiện cơ bản trong quan hệ song phương là không thể có được và phải thường xuyên tập trung vào việc quản lý các vấn đề và các cuộc khủng hoảng. Nhưng lựa chọn này là quá thụ động và có nguy cơ bị tràn ngập bởi số lượng và tính phức tạp của những cuộc khủng hoảng khu vực cần phải được quản lý; tình trạng chệch hướng chiến lược do đó có thể phát sinh, rơi vào một quĩ đạo ngày càng tiêu cực.
Khả năng thứ ba sẽ là “chuyển số”, tạo thay đổi trong mối quan hệ hiện nay bằng cách đưa ra một khuôn khổ mới mẻ cho việc hợp tác với Trung Quốc — một khuôn khổ nhìn nhận thực tế là hai nước đang cạnh tranh chiến lược, xác định các lãnh vực chủ yếu mà hai nước chia sẻ lợi ích để làm việc và có hành động thích đáng, và nhờ  thế bắt đầu thu hẹp sự thiếu tin cậy đang mở toang hoác giữa hai nước. Nếu được thực hiện đúng đắn, chiến lược này sẽ không gây tai hại, ít gặp rủi ro, và mang lại kết quả cụ thể. Nó có thể giảm nhiệt độ trong khu vực một cách đáng kể, tập trung sự chú ý của các cơ quan an ninh quốc gia của hai nước vào các nghị trình chung đã được các cấp cao nhất phê chuẩn, và giúp giảm bớt rủi ro của việc chệch hướng chiến lược có tính tiêu cực.
Một yếu tố quyết định của chính sách này là hai bên phải cam kết thường xuyên mở ra các cuộc họp thượng đỉnh. Hiện nay số lượng sáng kiến trao đổi không chính thức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn nhiều hơn số chiến thuyền trên biển HoaNam[biển Đông ViệtNam]. Nhưng không một sáng kiến nào có thể có một ảnh hưởng quan trọng lên quan hệ Mỹ-Trung, vì trong bang giao với Trung Quốc, không có gì thay thế được sự tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước. Tại Bắc Kinh cũng như tạiWashington, Chủ tịch nước hay Tổng thống là người làm quyết định quan trọng. Nếu không có sự tham gia của Tập Cận Bình, động lực tự nhiên của hệ thống chính trị Trung Quốc trong khả năng tốt nhất là hướng tới thay đổi từ từ và trong khả năng xấu nhất là ngưng trệ. Vì thế Hoa Kỳ có lợi ích sâu sắc khi tiếp xúc trực tiếp với Tập, bằng một cuộc họp thượng đỉnh hằng năm tại mỗi thủ đô, cùng với các buổi làm việc khác kéo dài một cách hợp lý giữa hai lãnh đạo, được tổ chức kết hợp với các hội nghị G-20, Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, và Thượng đỉnh Đông Á.
Cả hai chính phủ cũng cần đến những người tiền đạo có thẩm quyền (authoritative point people) hoạt động thay mặt lãnh đạo nước mình, quản lý nghị trình giữa các cuộc họp thượng đỉnh và giải quyết vấn đề khi cần thiết. Nói cách khác, Hoa Kỳ cần đến một người có thể đóng vai trò mà Henry Kissinger đã đóng vào đầu thập  niên 1970, và Trung Quốc cũng cần một người đồng nhiệm tương tự.
Trên quan điểm toàn cầu, hai chính phủ cần phải nhận ra một hay nhiều hơn những vấn đề hiện đang bế tắc trong hệ thống quốc tế và cùng nhau làm việc để đưa chúng đến những kết thúc thành công. Việc này bao gồm các Vòng đàm phán mậu dịch Doha (vẫn còn bế tắc mặc dù đã tiến gần một cuộc dàn xếp chung cục năm 2008), các cuộc đàm phán thay đổi khí hậu (mà Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể, kể từ Hội nghị LHQ về Thay đổi Khí hậu 2009 tại Copenhagen), chống bành trướng vũ khí hạt nhân (hội nghị duyệt xét tiếp theo về Hiệp định Chống bành trướng Vũ khí Hạt nhân cũng sắp đến), hoặc một số vấn đề còn tồn đọng trên nghị trình G-20. Tiến bộ đạt được trên bất cứ mặt trận nào nói trên sẽ chứng minh rằng nếu mọi phía có đủ ý chí chính trị, người ta có thể làm cho trật tự toàn cầu hiện nay hoạt động có lợi cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc. Việc đảm bảo rằng Trung Quốc trở thành một kẻ hùn hạp tích cực (active stakeholder) cho tương lai của trật tự ấy là rất quan trọng. Vì thế, thậm chí những thành công khiêm nhượng cũng đều có ích.
Trên quan điểm khu vực, hai nước cần phải sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và diễn đàn Cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Cộng (Plus) để phát triển một loạt biện pháp xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và xây dựng an ninh giữa quân đội 18 nước trong khu vực. Hiện nay, những diễn đàn này có nguy cơ trở nên phân cực thường xuyên vì những tranh chấp lãnh hải trong biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [biển Đông Việt Nam], vì thế điểm đầu tiên phải thương thuyết là một nghị định thư nhằm xử lý các sự cố trên biển, cùng với các hiệp định khác tiếp theo sau đó để nhanh chóng giảm bớt rủi ro xung đột do tính toán sai lầm.
Trên bình diện song phương, Washington và Bắc Kinh cần phải nâng các cuộc đối thoại thường xuyên giữa hai quân đội đến các cấp chủ chốt, chẳng hạn về phía Hoa Kỳ, như Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Ban tham mưu Liên quân. Việc nâng cấp này phải được  tách khỏi những thăng trầm trong quan hệ hai nước, với những cuộc họp tập trung vào những thách thức an ninh khu vực, như Afghanistan, Pakistan, và Bắc Triều Tiên, hay những thách thức mới mẻ nghiêm trọng khác như an ninh mạng. Và cuối cùng, trên bình diện kinh tế, Trung Quốc cần phải xét đến việc nới rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương để bao gồm cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, và nhiên hậu cả Ấn Độ nữa.
TIẾN TỚI MỘT THÔNG CÁO CHUNG THƯỢNG HẢI MỚI
Nếu những nỗ lực nói trên bắt đầu đơm hoa kết trái và giảm bớt phần nào sự ngờ vực hiện đang chia rẽ hai nước, các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc phải chịu khó suy nghĩ, tìm cách đúc kết mối quan hệ ít xung đột, có tinh thần hợp tác này trong một Thông cáo chung Thượng Hải mới mẻ. Một đề xuất như thế thường tạo ra một phản ứng độc địa tại Washington, vì các thông cáo chung thường bị coi là những con khổng long ngoại giao và vì một tiến trình như vậy có nguy cơ khơi dậy vấn đề Đài Loan đầy tranh cãi trước đây [theo đó Hoa Kỳ chấm dứt công nhận Trung Hoa Dân Quốc]. Mối quan ngại sau là chính đáng, vì Đài Loan sẽ bị gạt qua một bên để cho một hành động ngoại giao như thế có thể thành công. Nhưng đây không phải là một vấn đề không thể khắc phục, vì quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan hiện đang tốt đẹp hơn bao giờ cả kể từ 1949.
Đối với cáo buộc cho rằng các thông cáo chung hiện nay ít có giá trị, điều này có lẽ không đúng với Trung Quốc mặc dù nó có thể đúng với Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, các biểu tượng thường mang những thông điệp quan trọng, kể cả đối với quân đội, vì thế việc sử dụng một thông cáo chung để phản ánh và đúc kết một tư duy chiến lược mới mẻ, hướng về tương lai, trong tinh thần hợp tác — nếu có thể thỏa thuận một văn bản như vậy—có khả năng mang lại hữu ích đáng kể trong hệ thống Trung Quốc. Tuy nhiên, một chuyển động như thế phải theo sau sự thành công hợp tác chiến lược, chứ không được sử dụng để khởi động một tiến trình có khả năng hứa hẹn thật nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu.
Những người yếm thế có thể tranh luận rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải phục hồi lòng tin cậy lẫn nhau trước khi bất cứ một hợp tác chiến lược có ý nghĩa nào có thể diễn ra. Thật ra, phải lý luận ngược lại mới đúng: người ta chỉ có thể xây dựng sự tin cậy trên cơ sở của sự thành công có thực trong các dự án hợp tác. Hơn nữa, việc cải thiện quan hệ ngày càng trở nên khẩn cấp, vì những thay đổi chiến lược sâu sắc đang diễn ra khắp khu vực chỉ sẽ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn và có tiềm năng tạo thềm nhiều mồi lửa chiến tranh. Việc để cho các biến cố diễn biến tự nhiên, không được hướng dẫn, sẽ có nhiều rủi ro to lớn, vì khắp châu Á, chưa ai trả lời được là các lực tác động tích cực của tiến trình toàn cầu hoá của thế kỷ 21 hay các thế lực hắc ám của các chủ nghĩa dân tộc cũ kỹ cuối cùng sẽ thắng thế.
Việc bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của Obama và nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình mở ra một cơ hội độc đáo để đặt quan hệ Mỹ-Trung trên một hướng đi tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ đòi hỏi khả năng lãnh đạo vững vàng từ các cấp cao nhất của hai chính phủ cũng như một khung ý niệm và cấu trúc cơ chế chung để hướng dẫn công việc của bộ máy thư lại mỗi nước, cả dân sự lẫn quân sự. Bài học lịch sử cho thấy, sự trỗi dậy của các đại cường mới thường châm ngòi các cuộc xung đột toàn cầu to lớn. Việc chứng tỏ rằng châu Á của thế kỷ 21 có thể là một ngoại lệ cho một qui luật lịch sử hãi hùng vẫn nằm trong phạm vi quyền lực của Obama và Tập Cận Bình.
KEVIN RUDD hiện là Đại biểu Quốc hội Úc. Ông từng làm Thủ tướng Úc từ 2007 đến 2010 và Bộ trưởng Ngoại giao từ 2010 đến 2012.
Nguồn: “Beyond the Pivot. A New Road Map for U.S.-Chinese Relations”, Foreign Affairs, March/April 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=1929
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001