Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Ngự Thuyết - Vô xứ

Ngự Thuyết

Biển mênh mông. Không bờ bến, không một hòn đảo, không một mỏm đá, không một bãi san hô. Chỉ có nước và sóng. Trên mặt sóng trôi giạt một con thuyền nhỏ, quá nhỏ. Như con sâu cái kiến trên sa mạc hoang. Nhưng kiến bò từng đàn, quẩn quanh đâu đấy, rồi quay về tổ không xa mấy. Con thuyền thì một mình, trôi giạt mãi. 


Chiếc thuyền này được đặc biệt đóng theo hình dáng một quả trứng ngỗng, mái, sườn, đáy, cửa, đều bằng gỗ chắc, khít khao, liền lạc. Đặc biệt, đáy khá nặng. Khi sóng dồi gió dập, người hoa tiêu bảo, đóng kín tất cả cửa và mái thuyền lại, thuyền sẽ quay cuồng lăn lộn như con rái cá rồi cuối cùng cũng nổi lên và trở lại vị thế cũ, đáy nằm dưới, mái bên trên. Như  con mèo bị túm bốn chân mình lật ngửa, rồi bị thả xuống từ một độ cao ngắn, nó vẫn có thể xoay thân hình lại và rớt xuống bằng bốn chân an toàn. 

Nhưng chiếc thuyền phải nhỏ. Vâng, nó nhỏ lắm, và khá chắc, chỉ chứa được một gia đình gồm vợ chồng và hai đứa con, đứa chị khoảng 16 tuổi, đứa em trai khoảng 12 tuổi. Và người bạn thân của gia đình đồng thời là hoa tiêu. Năm người tất cả. Không có hải đồ, chỉ có chiếc la bàn cũ kỹ mua ở chợ trời. Người hoa tiêu, một sĩ quan hải quân, yêu cầu mang theo hành lý, lương thực, nước uống tối thiểu, vì, theo anh ta, chỉ vài ba ngày hy vọng gặp tàu lớn vớt, bằng không, bốn năm ngày sau cũng đến được một hòn đảo của Mã Lai, hoặc Tân Gia Ba, hoặc Nam Dương. Vùng Biển Đông Nam Á chi chít đảo. Cho nên thuyền chở nặng làm gì, chỉ thêm khó xoay xở mà thôi.   

Người chồng lên tiếng:
“Liều mạng đi vào mùa biển động, nhưng kìa, biển lại yên, gió lại lặng, thuyền chạy êm ru. Bây giờ trời mới sáng mà mình đã đi ra ngoài hải phận rồi, phải không?  Mình may mắn quá cậu ơi?”

“Cho đến phút này thì may.” Người lái vui vẻ nói. “Biết đâu tối nay...Nhưng đừng lo, chiếc thuyền này sẽ chấp hết. Cứ việc bão tố đi, ta chả sợ.”

“Này Vĩnh,” người chồng tiếp lời, “tôi sung sướng quá. Càng xa bãi Phan Rí, càng xa dải đất hình chữ S đó, tôi càng cảm thấy lồng ngực như đang nở ra, tiếng nói như  vang dội lên, con mắt thì tha hồ mở to để nhìn đến, đến, đến vô cực. Và tâm hồn thì, tâm hồn thế nào cậu nhỉ?”


“Tâm hồn hả? Tâm hồn bay bổng”

“Đúng, bay bổng.”

Nói xong, ông Cảnh, người chồng hát lớn, giọng ồm ồm, lạc điệu, lạc nhịp, ông Vĩnh cũng hát theo, cũng lạc điệu, lạc nhịp, hai giọng hòa với nhau lộn xộn: “Ra khơi ... thấy  lòng phơi phới ... thấy  tình thế giới ... thấy mộng ngày mai ... thấy niềm tin mới...” 

Đứa con trai mở to mắt ngạc nhiên nhìn bố, mẹ nó cũng mở to mắt nhìn theo. Chờ hát xong, người mẹ góp lời:
“Anh Vĩnh ơi, tôi cũng biết bài hát này. Bài Viễn Du của Phạm Duy chứ gì?”

Ông Vĩnh vừa trả lời người mẹ vừa ngoảnh nhìn cô gái rồi hét to: 
“Đúng thế. Mình là cá gặp nước rồi. Như cá gặp nước hề, ta vẫy vùng. Chị có thấy thế không, anh có thấy thế không, cháu Hiền có thấy thế không?”  Rồi cuời lớn.        

Ông Vĩnh là bạn vong niên của ông Cảnh, thua ông Cảnh trên dưới mười tuổi. Cô gái, Hiền, lặng lẽ vịn một tay lên thành ghe mân mê, mắt hoang mang nhìn xa về phía trời và biển gặp nhau làm thành  một đường gần như cong cong dài mút mắt. 

“Hết thấy chim trên bầu trời rồi, phải không cháu?” ông Vĩnh quay lại hỏi cô gái.

“Dạ, đúng thế.” Cô gái hơi giật mình trả lời nhỏ nhẹ.

“Cháu biết tại sao không?”

Cô gái lơ đãng:
“Thưa không.”

“Tại mình đã đi xa bờ, chim bay không tới.”

“Chú nói lạ chưa,” cô có vẻ bắt đầu quan tâm đến câu chuyện. “Chim có thể bay hàng ngàn cây số, hàng chục ngàn cây số. Loài chim trốn lạnh có thể bay từ miền Bắc Cực xuống Nam Bán Cầu kia mà. Phải không chú?”

Ông Vĩnh mỉm cười:
“Đúng thế. Nhưng chú muốn nói những loài chim của đất liền như chim sẻ, quạ, hay ngay cả bồ nông chẳng hạn, chúng không bay xa lắm. Còn những loài di điểu khác, có loài bay thật cao trên trời xanh hay trên những lớp mây, mình không thấy được đâu. Và cũng thường bay ven bờ biển hoặc trong đất liền.” Cười khẽ. “Lỡ mỏi cánh, đói, kiếm chỗ đậu, chỗ ăn chứ.”

“Nhưng cháu nhớ ở vùng cháu cứ cuối mùa thu là thấy chim bay đầy trời, bay thành nhiều đàn theo hình chữ V hướng về phía Nam. Hết lượt này đến lượt khác. Cứ  thế cho đến gần nửa tháng mới hết.” Ngẫm nghĩ, cô nói tiếp: “Không, chưa hết đâu. Sau đó cũng còn lại năm bảy cánh chim lẻ tẻ trên bầu trời. Có lẽ đó là những con chim già yếu bay theo không kịp.”   

“Cháu nói đúng. Đó là lúc chúng nó mới khởi hành. Về sau bay càng lúc càng cao, như chú vừa nói, bay trong mây, rồi vượt lên trên những đám mây cao nhất và bay mãi, bay mãi. Thế là ta hết thấy.”  

“Giống chim đó là hải âu, phải không chú?” 

“Di điểu có nhiều loại, nhưng chim hải âu có thuộc loại đó hay không, chú không rõ lắm. Có thể đó là loại di điểu bay không xa lắm. Chỉ biết rằng chim hải âu luôn luôn nhớ biển, như một ám ảnh không rời. Chúng sống lẩn quẩn bên bờ biển, thường bay là đà trên mặt nước để bắt cá. Nhưng khi nào đậu trên mặt đất, thì thật là lạ.”

“Lạ ra làm sao?”

Ông Cảnh nói chen vào:  
“Chú Vĩnh là sỹ quan hải quân, lại biết nhiều chuyện biển lắm. Hai người có vẻ tâm đầu ý hợp, con cứ việc tra khảo đi.” 

Ông Vĩnh tiếp:
“Người ta nói cáo chết ba năm quay đầu về núi. Đấy chỉ là ẩn dụ. Giống chim hải âu mới là lạ. Những lúc bay đã mỏi cánh, hoặc những lúc biển vắng người, chúng thường họp nhau thành một đám khá đông, năm bảy chục con, đậu sát bên nhau, ngồi im trên mặt đất, giấu chân dưới hai cánh, tất cả đều quay về một phía, thường là hướng về biển, mắt nhìn mê mải. Như đó là thói quen có từ muôn đời.”

Cô gái ngắt lời:
“Nhưng chú vừa bảo đó là một ám ảnh không rời mà. Chứ đâu phải là thói quen.”

“Thì cái ám ảnh lâu đời biến thành quán tính, thành thói quen.” 

Cô ta dường như chưa thỏa mãn với lời đáp ấy. Cô quay nhìn ông Vĩnh trong một khoảnh khắc ngắn, rồi lại đưa mắt nhìn xa về phía trời và biển gặp nhau. Dường như cô quên hẳn ông Vĩnh vừa nói chuyện với mình. Cô nói nhỏ như chỉ để một mình mình nghe: 
“Di điểu có bay đi luôn không? Hay hết lạnh lại quay về? Bầy chim én cũ qua thành phố, thơ ai thế?  Còn mình thì sao?”

“Cháu nói gì?”  

Cô thảng thốt:
“Dạ, cái gì ạ ...Vâng, cháu nói những con chim già yếu, bệnh tật bay theo không nổi lại phải bỏ cuộc hoặc chết ở dọc đường.”

Ông Vĩnh cười:
“Hiền đa sầu đa cảm lắm đấy.”

Cô gái cũng cười theo, cười guợng, tiếng cười trong veo, đáp:
“Không, có gì đâu mà sầu với cảm hả chú. Cháu chỉ tưởng tượng vớ vẩn thế thôi.” 

Nói xong, cô lại lơ đãng nhìn xa, rồi hầu như quên ngay người vừa đối thoại, lẩm bẩm:
“Mà ngay cả những con chim không già yếu cũng có thể vì một lý do nào đấy bay đi lạc đàn. Trời bao la, biển bao la, một cánh chim.”

Cô gái sắp tuổi dậy thì, tóc dài mượt mà, mắt to đen, người hơi gầy, những ngón tay thon đầu tháp bút. Trông cô thanh thoát như hình ảnh những thiên thần trong “chuyện đời xưa”. Đứa em trai trông nghịch ngợm, dường như thích thú từng giây từng phút của chuyến vượt biển, chốc chốc cười rú lên.  

“Hòa! Yên đi nào. Đừng cười nữa có được không? Chị đang…”

“Thì cứ để nó vui được phút nào hay phút ấy,” người mẹ mắng nhẹ cô gái. “Mà hình như con có chuyện gì, chuyện gì ... lo nghĩ.”

“Dạ không.”        

Người cha chen vào:
“Con Hiền thỉnh thoảng vẫn thế. Con gái mới lớn mà, thỉnh thoảng ‘trở trời trái gió’ đấy thôi. Bà đừng quan trọng hóa vấn đề.”

“Không phải thế đâu,” người vợ ngắt lời. “Tôi để ý … chỉ mới đây thôi, từ ngày mình quyết định vượt biển.” 
Nước mắt rưng rưng, cô gái nhìn bố. Ông Cảnh cau mày, rồi như không muốn biết thêm tại sao đứa con gái của mình có cử chỉ như thế, ông quay qua ông Vĩnh bắt chuyện:
“Cậu biết tại sao tụi nó tệ hại đến như thế hay không?”

“Tụi nào?”
“Thì tụi nào nữa. Cái bọn đã làm cho cả Miền Nam tan hoang.”
Ông Vĩnh nhún vai trả lời: 
“Cộng Sản mà. Nga, Tàu, rồi Việt. Cá mè một lứa thế thôi.”

Ông Cảnh sôi nổi:
“Không, không đơn giản như thế. Chúng nó có mẫu số chung, nhưng đồng thời cũng có những nét cá biệt. Chẳng hạn Cộng Sản Việt Nam man trá nhất, độc ác nhất, tráo trở nhất, lật lọng nhất.”

“Anh nói có quá lời không?”

“Không quá lời một chút nào cả. Tất nhiên có nhiều nguyên do, mà cái khiến cho ta vừa thương hại vừa ghê tởm, đó là cái mặc cảm của chúng…” 

“Anh cứ nói tiếp đi,” ông Vĩnh giục. 

“Chiếm được miền Nam bỗng chúng nhận ngay rằng chúng thua kém đủ thứ. Nếu là người có lương tri, lương tâm, thì ráng rèn luyện, học hỏi để có ngày theo kịp người khác. Đằng này vì mặc cảm tự ti, chúng dối mình, dối người, bóp méo sự thật, rồi dùng bạo lực và gian trá chà đạp lên tất cả những gì trái ý chúng.”

“Tôi thông cảm với anh. Trước những mất mát lớn lao, người ta đâm ra có những ý nghĩ lạ, có khi cực đoan.”    

Ông Cảnh gắt, to tiếng:
“Nghĩa là cậu bảo tôi nói sai?”

Hình như to tiếng là thói quen của ông Cảnh, chốc chốc ông lên giọng một lần thế thôi, chứ không phải đó là biểu lộ giận dữ. 

 “Không phải thế. Anh nói không sai nhưng … tôi chưa tìm ra chữ nào cho thích hợp. Đúng rồi, anh  quả là người ngay thẳng của ngày xưa còn sót lại. Trong sáng quá, lương thiện quá, trắng đen phân biệt rành mạch quá, trong cái thế giới ma quỷ bây giờ.”     
                                                                                                                                                                                                                                                                                          
Người mẹ chăm chú nghe hai người đàn ông tranh luận, thằng Hòa ngồi sát mạn thuyền vói tay ra ngoài như muốn đón hết những đợt sóng nhấp nhô, cô gái thì nhìn trời thỉnh thoảng thở dài. Hình như cô có điều gì khó nghĩ. 

Ông Vĩnh không muốn tranh luận tiếp, quay qua cô gái nói:
“Hiền, cháu nghĩ gì, nói cho chú nghe được không.”


“Dạ, cháu nghĩ … Thì còn nghĩ gì khác ngoài chuyện mong sao đi nhanh cho thoát.”

“Chú cảm thấy cháu … Cháu xem chú như người dưng nước lã, không muốn nói hết những gì muốn nói, chứ gì.”

Cô gái hơi bối rối:
“Không phải vậy đâu chú. Để cháu cố nói hết nhé. Dường như cháu muốn làm một cái gì đấy, quan trọng đối với cháu lắm thì phải, mà … mà … cháu chẳng biết đó là cái gì cả. Cháu nói thật đấy, tin hay không tùy chú.”
Ông Vĩnh im lặng nghe, chờ cô bé nói tiếp. Nhưng cô xoay qua mẹ thì thầm. Trời đang trong sáng bỗng nhiên nổi lên một đám mù bao trùm cả không trung. Rồi như có một loài thủy quái khổng lồ chạy điên cuồng dưới đáy, mặt biển sôi sục, tiếng gào phát ra ghê rợn. Hai người đàn ông vội đóng kín mái thuyền và mấy cái cửa hông. Chiếc thuyền trồi lên, trụt xuống, cuốn quanh. Chỉ trong một khoảnh khắc, biển lặng, sóng êm. Mấy cánh cửa được hé mở, mọi người nhìn ra ngoài, thở dài nhẹ nhõm. Đồ đạc mang theo đã được ràng rịt chặt chẽ, thế mà nhiều thứ bị sổ tung nằm ngổn ngang. Ông Vĩnh mở các cánh cửa và đẩy cái mái của chiếc thuyền ra cho ánh sáng uà vào, xong loay hoay tìm kiếm.  Bỗng ông la to:
“Ô, chiếc la bàn vỡ rồi!”

“Chết chưa,” ông Cảnh la toáng, “thế phải làm sao?”

“Nguy quá, để tôi nghĩ xem,” ông Vĩnh đáp.

Người mẹ đầu bù, tóc rối, mặt tái mét, thằng  Hòa đứng thun mình co ro run rẩy. Hiền không tỏ vẻ quá lo sợ, lẩm bẩm: 
“Biết làm sao đây!”

Mọi người thu dọn lại đồ đạc trong thuyền, nhìn nhau sững sờ. Nước uống chứa trong mấy thùng nhựa bị đổ tháo gần hết, thức ăn, áo quần và các thứ đồ lỉnh kỉnh ướt mèm. Ông Vĩnh kiểm soát lại toàn bộ chiếc thuyền.

“OK chứ”, ông Cảnh hạ giọng xuống hỏi.

“Vâng, chưa đến nổi. Nhưng cái la bàn hỏng rồi, đi hướng nào bây giờ. Có lẽ phải cho thuyền trôi thật chậm, chờ đến tối nhìn sao định huớng, rồi …Nhưng mùa này biển động, ngày thường âm u, đêm không sao.”
Ông chưa dứt lời bỗng từ xa sóng nổi lên cao như ngọn đồi làm mặt biển nghiêng hẳn. Ông nhanh tay kéo kín cái mái trong khi mấy người kia hối hả đóng kín các cửa hông. Chiếc thuyền chìm nổi, lăn lộn trong cơn thịnh nộ của biển. Hơn mười phút sau, biển lặng, sóng êm. Các cửa được mở ra, nước vào ngập kín đáy thuyền. Mọi người vội vàng tát nước. Thằng Hòa cũng bắt chước làm theo. Khi đã tát cạn, ông Cảnh lo lắng nói:
“Sao nước vào nhiều thế. Thuyền bị gì rồi chắc?”     
  
“Không phải đâu, tại vì mình đóng cửa không kịp.” Ông Vĩnh trấn an.

Người mẹ quỳ xuống, hai tay chắp lại, lâm râm cầu nguyện, thằng Hòa quỳ cạnh mẹ. Cô gái đứng vịn tay lên khoan thuyền nhìn xa ngẩn ngơ xuất thần. Ông Cảnh đằng hắng:
“Hiền, con … con vói lấy cho bố chiếc khăn lông.”

Cô thảng thốt nhìn cha, có vẻ ngượng. Trao xong chiếc khăn, cô đến bên mẹ thì thầm: 
“Cho con nói với mẹ một chút nhé.” 

Người mẹ đáp nhỏ:
“Yên nào.” Rồi tiếp tục cầu nguyện.  

“Nhưng có chuyện này gấp lắm mẹ ơi.”

Người mẹ ngạc nhiên nhìn con. Cô gái nói hối hả:
“Con nhớ con có đọc một truyện trong một cuốn sách. Hồi đó con thấy nó buồn cười ...”

“Thôi con, giờ này mà con còn …”

“ Mẹ, mẹ, cho con nói tiếp. Nay con không còn thấy buồn cười nữa.”

“Chuyện chi vậy?”

“Trầm hà.”

“Là cái gì, mẹ không hiểu.”  

Ngừng một chốc, cô nói: 
“Con nhớ lời Phật dạy, đời người ngắn ngủi, vô thường. Ai rồi cũng sẽ ra đi, kẻ trước người sau, cách nhau có bao lâu đâu trong thời gian vô cùng. Chẳng hạn bố mẹ đi trước hay con đi trước thì cũng thế thôi. Mẹ ơi, bố ơi, đừng buồn, đừng giận con, tội nghiệp con lắm nhé.”

Người mẹ mở tròn mắt nhìn con, hoảng hốt:
“Hiền, sao con nói gì kỳ quặc vậy. Mẹ sợ quá!” Bỗng bà la thất thanh:
“Kìa lại sóng kìa! Lại sóng kìa!”

Mái thuyền và các cửa lần này được đóng lại rất nhanh kịp thời ngăn nước biển tràn vô. Chiếc thuyền quay tít. Biển lại gào lên như điên, như cuồng. Như muốn ra tay thanh toán cho xong ngay một món nợ truyền kiếp nào đó. 

Mươi phút sau biển lặng. 

Ông Vĩnh và ông Cảnh kiểm soát lại con thuyền. Ông Vĩnh nói lớn, giọng nói không còn bình tĩnh:
“Bánh lái gãy, chân vịt kẹt, nước đã tràn vô qua mấy kẽ nứt, lỗ hủng.” Ngẫm nghĩ trong vài giây, ông hét to: “Tát nước! Tát nước cái đã! Chuyện khác tính sau!”

 Mọi người kẻ dùng nồi soong, người dùng thau, chậu, ông Vĩnh thì lấy ngay cái nón đang đội trên đầu, hì hục tát nước. Hiền đứng yên như tượng đá chờ đợi. Lại một đợt sóng thần khác chồm lên khỏi mặt biển trông như bức tường cong quái đản khổng lồ lù lù cuốn tới sắp nuốt chửng con thuyền bé. Mọi người không còn hồn vía, vất hết các thứ đồ dùng để tát nuớc, nằm nép mình xuống sát lòng thuyền. Hiền ngoảnh nhìn mọi người rồi đột nhiên lao ra khỏi mạn thuyền, dật dờ trên mặt sóng trong chớp mắt rồi chìm xuống nhanh, với mái tóc xanh lòa xòa là những gì được trông thấy sau cùng. Bà mẹ đang nằm co quắp bỗng rú lên một tiếng kinh hoàng, đồng thời chồm người lên lao ra theo, người cha nhanh tay kịp ôm chầm lấy người mẹ. Lạ thay, bức tường nước đang tiến tới bỗng dưng chùn lại, rồi từ từ chìm rạp xuống, chìm rạp xuống. Mặt biển rùng mình sủi bọt trắng xóa. Sau một chốc, những ngọn sóng xanh trong veo lại nhấp nhô thay thế đám bọt trắng. Một cơn gió nhẹ thổi tới mơn man hòa với tiếng sóng rì rào tạo thành những điệu ru êm êm, vỗ về. Như những lời thì thầm muôn đời của biển. Mẹ Thiên Nhiên mới lên cơn thịnh nộ đấy bây giờ đã khéo làm lành. 

Người mẹ chết giấc nằm gọn trong lòng người cha đang ngồi khóc không ra tiếng, không ra nước mắt, thằng Hòa như người vô hồn, ông Vĩnh gục đầu vào mạn thuyền bất động như cái thây ma. Chiếc thuyền không người lái lềnh bềnh, lắc lư trôi. Ông Vĩnh là người lấy lại bình tĩnh trước tiên, lặng lẽ tìm những thứ vặt vãnh còn sót lại trên thuyền dựng thành một cánh buồm nhỏ để gió đưa thuyền đi. Ông Cảnh nhìn vợ thẫn thờ, nói trong tiếng nấc:
“Con Hiền … nó đã muốn đi, và đã đi. Số phận của nó là thế … em hãy để nó yên tâm mà đi … đừng buồn …”

Ông Vĩnh nhỏ nhẹ nói với bạn:
“La bàn hỏng rồi, cái động cơ cũng hỏng. Tôi không định huớng được, nhưng phải cho thuyền nó chạy từ từ. Để nó trôi lềnh bềnh thì không cần phải sóng thần như lúc nảy, chỉ một đợt sóng không lớn lắm cũng đủ làm nó lật.”

“Lật thì cứ việc lật đi, chả còn gì đáng kể.” Một chốc: “Không lật thì cứ trôi, đi đâu cũng được.” Ông nghiến răng, dằn giọng:  “Nhưng đừng, đừng, đừng lộn ngược về cái xứ sở khốn nạn ấy.”

Người vợ bỗng cựa mình lẩm bẩm:
“Con ơi, con chờ mẹ với.” 

Nói xong bà lại chìm vào giấc mơ mê man.

Chiều hôm đó, chiếc thuyền nhỏ rách nát được một tàu buôn của người Anh vớt. Người mẹ tỉnh dần, nằm trên chiếc giường nhỏ có trải tấm “ra” trắng tinh. Bà quay đầu phía này, phía nọ, mệt nhọc, ngơ ngác, đảo mắt nhìn quanh con tàu, hết góc này đến góc kia. Thỉnh thoảng bà cố nhổm người dậy, ông Cảnh ngồi bên cạnh vỗ vỗ cho bà nằm xuống. Bà lại nằm yên từ từ nhắm mắt như thể để làm vừa lòng chồng. Cho đến khi hai dòng nuớc mắt của bà chảy ra hai bên má, ông Cảnh biết rằng bà lại chìm dần vào giấc ngủ mới. Cứ thế trong nhiều ngày. Có khi ông nghe bà nói trong giấc ngủ, “Không sao đâu mẹ. Bây giờ con thấy bình thản lạ”. Ông Cảnh không giấu nổi mối thương tâm, những nét đau khổ hằn sâu lên khuôn mặt hốc hác. Thằng bé chốc chốc khóc rưng rức. 

Ông Vĩnh giọng nói đầy ân hận, ngập ngừng:
“Tôi cứ tuởng tôi đóng được một chiếc thuyền có thể …”
Ông Cảnh ngắt lời:
“Thôi, cậu đừng nhắc đến chuyện đó nữa. Có ai học được chữ ngờ. Mà ông Trời sao độc ác đến thế.”

“Nhưng cũng tại tôi nữa. Nghĩ mình có thể làm được chuyện phi thường, một con thuyền độc đáo.”

Sau một tiếng thở dài, ông tiếp:
“Xin anh chị cũng đừng quá buồn khổ. Trước khi ra đi, mình đã chấp nhận cái xấu nhất có thể xẩy ra. Nhiều gia đình chết hết là chuyện thường. Nay dù sao mình cũng còn chút may mắn.”

Ông Cảnh cười gượng:
“Cậu nói đúng. Có cả hàng ngàn, hàng vạn trường hợp đau đớn hơn gia đình tôi nhiều.   Nhưng tôi thật không ngờ con Hiền nó đành đoạn bỏ chúng tôi. Hình như nó đã có quyết tâm từ trước. Lạ thật, tôi có linh cảm nó biết trước tai họa sắp xẩy ra. Cậu thấy đó chứ, trước đấy không lâu khi trời chưa trở chứng, khi biển còn lặng, nó đã nhỏ to chuyện gì đó với mẹ nó, rồi nó nhìn tôi như nhìn lần cuối.”

Ông Vĩnh gật gật đầu tỏ vẻ hiểu ý. Bầu máu nóng trong người ông Cảnh bỗng dưng sôi sục trở lại, ông nói lớn bất chấp những người khác trên tàu có bực mình hay không:
“Tai họa đến càng khiến tôi căm thù bọn chúng. Mọi điều ngang trái đều vì bọn chúng mà ra cả. Tất cả bọn chúng tuốt, không sót một tên nào.”

“Anh nói lạ,” ông Vĩnh nhẹ nhàng đáp. “Chẳng lẽ chúng nó cũng làm nên sóng gió ngoài biển hay sao? Lại nữa, anh không nên vơ đũa cả nắm. Chính danh thủ phạm là tụi chóp bu thôi. Bọn thừa hành kể chi.”

“Ông Cảnh trợn mắt, nói như  hét:
“Thế sao ông không ở lại?” Ngừng một chốc, ông nói tiếp, “Xin lỗi, tôi coi cậu như ruột thịt tôi mới nói thẳng thừng như vậy. Theo tôi nghĩ, nếu không có những tên chế tạo vũ khí giết người, những lũ tuớng tá mưu mô, qủy quyệt, những đám quân lính khát máu, tàn bạo, liệu Hitler và cả bộ tham mưu làm được gì? Cộng sản cũng thế thôi, liệu chúng làm được gì nếu không có bọn tay sai say máu, mù quáng. Còn nữa, tụi Cộng Sản Việt Nam đúc không được một viên đạn, chỉ giỏi nịnh bợ, làm tôi mọi cho ngoại bang, nghe lời chúng nó xúi giục đem xe tăng, thiết giáp, sơn pháo, đại pháo, về dày xéo Miền Nam.”

“Thì ta cũng xài súng Mỹ.”

“Nhưng ta tự vệ, chúng nó xâm lăng, chúng nó cướp. Đúng thế, cướp. Hồi 45 chúng ‘cướp chánh quyền’, chữ ‘cướp’ do chúng nó thú nhận, và tiêu diệt những đảng phái quốc gia yêu nước. Vừa rồi, miền Nam ta lo xây dựng để trở thành một nước dân chủ hùng mạnh ở Đông Nam Á, chen vai thúc cánh với Đại Hàn, Thái Lan, Nam Dương, còn chúng thì ngày đêm bóp trán suy nghĩ, mưu toan, lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, để cướp.”
Ông Vĩnh đăm chiêu:
“Tôi đồng ý với anh, nhưng có lẽ ta phải có đủ một độ lùi nào đó mới có thể nhìn lịch sử một cách đúng đắn hơn. Bây giờ tôi xin hỏi thật, chắc anh bị bọn đó hành hạ hết cỡ nên … nên anh căm thù chúng nó lắm?”

Ông Cảnh ngắt lời:
“Ông nghĩ rằng tôi bị hành hạ nên bây giờ muốn báo thù, muốn nói xấu chúng nó cho hả giận? Nếu thế ông lầm rồi. Gia đình tôi chỉ là nạn nhân chung chung như hàng triệu người khác. Tôi lại còn không bị đi tù cải tạo như ông. Nhưng chỉ sống với chúng nó chưa đầy một năm, tôi ngán ngược. Trước kia nghe nói bọn ấy độc ác, dối trá, gian manh, tàn bạo, đểu cáng, mình nghĩ rằng đó chỉ là lối tuyên truyền tố cộng quá trớn. Nay mới thấy những lời tố giác ấy còn quá nhẹ.”

“Cũng đồng ý đi, nhưng không hoàn toàn đồng ý. Thuộc cấp thì phải theo lệnh trên, dù muốn, dù không. Hơn nữa, những đứa càng ngu dốt càng cuồng tín, trên bảo gì, dưới nghe răm rắp. Nhưng cũng có không ít những người ưu thời mẫn thế bị ép vào guồng máy. Họ nín thở qua sông.”

Ông Cảnh phì cười, đốp chát:
“Thế thì những người đó hết đất dụng võ rồi. Trước kia nín thở lặn lội qua sông Bến Hải gặp chúng ta, nay sông nào? Còn chuyện này nữa. Cậu có biết tại sao chúng nó tìm mọi cách nhục mạ và hành hạ chúng mình đến thế không?”

“Tại sao?”

“Tại vì, như tôi đã nói, và đây cũng là một trong những lý do chính, chúng tự ti mặc cảm. Nếu chúng nó có bản lĩnh, và tài giỏi hơn ta, và giàu có hơn ta, và còn một chút nhân tính, và còn biết nghĩ đến tình nghĩa đồng bào trong một nước dù Bắc dù Nam, chúng sẽ có cách đối xử khác hẳn.”

“Anh Cảnh này …”

“Khoan, khoan, để tôi nói tiếp. Đằng này chúng chẳng có gì cả. Thì chỉ có việc cướp. Vừa ăn cướp vừa la làng: ‘Chúng ông đến đây vì lý tưởng cao cả quyết trừ hung, diệt bạo, tóm cổ lũ phạm tội, hành hạ chúng nó, tịch biên gia sản, đất đai, nhà cửa, công xưởng.’ Làm như thế mới nuốt trôi được của cướp. Muốn được hiệu quả tối đa, trước khi ra tay, chúng họp nhau thảo luận thật kỹ càng, chu đáo những phương cách dối trá, lừa gạt, đổi trắng thay đen. Xong, tập dượt, tổng duợt hàng trăm lần từ bọn chóp bu đến lũ tốt đen, tốt đỏ. Thế là khi hành sự, tên nào cũng nhuần nhuyễn đường lối, làm và nói ro ro như máy. Chẳng hạn, ngay cả thời kỳ trước 75, vụ Huế Mậu Thân, chúng giết, chúng chôn sống hàng ngàn người chứng cớ rành rành, chúng cũng dám trâng tráo đổ tội cho Mỹ Ngụy không chút ngượng ngập. Chúng thừa biết chẳng ai tin chúng, nhưng chúng lại nghĩ rằng cứ nói láo mãi sẽ đến ngày có người tin chúng, hoặc những thế hệ sau chẳng biết gì sẽ tin chúng. Một lũ lưu manh, mặt dày, trơ trẽn!” 
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/03/ngu-thuyet-vo-xu.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001