Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

TÁC PHONG LÃNH ĐẠO 
Một cảnh đoàn xe "rồng rắn' đưa lãnh đạo cấp tỉnh đi cơ sở
* BÙI VĂN BỒNG
          Trong đổi mới tư duy và hoạt động của lãnh đạo, có đổi mới phương pháp công tác và tác phong lãnh đạo. Xem các tấm ảnh lưu trữ hoạt động của nhiều vị lãnh đạo trong nước và trên thế giới, ai cũng khen các bức ảnh chụp các vị lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia có tác phong rất “chính khách”, nhưng cũng rất gần gủi với công chúng. Chắc chắn cái “bộ phận không nhỏ” mà Nghị quyết TW 4 nêu lên đã qua nhiều lần, rất nhiều lần cắp sách đi học và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng, học thì cứ học, đi học và ăn lương, rồi đâu lại vào đó, không cần để ý, hoặc quên luôn! Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo  điển hình về tác phong quần chúng, gắn mọi hoạt động với sinh hoạt đời sống của người dân, gần gủi và thân tình với mọi tầng lớp xã hội. Như là cảnh Bác lội xuống ruộng cùng nông dân xem từng gié lúa, Bác Hồ chống hạn, Bác ngồi bên bờ ruộng cung nông dân, ngồi bên cỗ máy với công nhân…
Thủ tướng Võ Văn Kiệt


          Người ta nói, suốt 2 nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng-thường trực, lại gần 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng, vậy là tới 4 kỳ Đại hội (gần 20 năm), nhưng ít có ai chụp được ảnh hoặc quay được thước phim nào thể hiện ông Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ nông dân, công nhân một cách tự nhiên, dân dã. Không thấy hình ảnh ông hòa đồng cùng công chúng lao động, người dân nghèo. Ít thấy vị nguyên thủ quốc gia nào tác phong quan cách, trịch thượng và "điệu hạnh" như vậy. Cái chỗ trang nghiêm hoặc gian khó thì cười rất tươi; những nơi người ta rất vui thì gương mặt lại tỏ ra quan trọng hóa, hoặc khó đăm đăm. Chỉ thấy ông ta lên xuống xe hơi, máy bay, phát biểu trên bục, bắt tay lãnh đạo các cấp, gần đây càng ít đi cơ sở...
           Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc vai trò to lớn của đạo đức trong đời sống xã hội, nhất là trong nhân cách, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bằng chính tấm gương của mình và bằng rất nhiều bài nói và viết, Người đã đặt nền móng xây dựng nền đạo đức cách mạng. Tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu (khoá I, ngày 18-1-1949), Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết của mình trước tiên”. Tính nết mà Bác nói ở đây có tác phong, lối sống. Bản thân Người, suốt cả cuộc đời Người nêu gương mẫu mực về đạo đức cách mạng vì nước, vì dân. Người chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.

Bác Hồ ra ruộng với nông dân
               Tu dưỡng, rèn luyện, sửa đổi tính nết của mình phải thông qua hoạt động thực tiễn, bền bỉ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Ra ruộng với nông dân, Bác Hồ  mặc bộ áo quần nâu, màu đất phù sa. Nay các vị không cần ra ruộng, mà nếu có đi vùng nông thôn cũng giày cao, cà vạt, quần áo không dính hạt bụi, xe đưa rước, theo đuôi cả mấy chục chiếc, mà toàn là xe hạng xịn đắt tiền, cảnh sát đưa đường còi hụ inh ỏi, vênh vang như ông chủ lớn tư sản. Cả mấy nhiệm kỳ hô hào, tổ chức tốn kém, mất thời gian “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng lãnh đạo các cấp từ trên xuống dưới, hết khóa này sang khóa khác, đâu có học được gì? Thôi, Bác đi lâu rồi, để cho Bác yên, đừng lôi Bác ra làm tấm bình phong che đậy những yếu kém, xấu xa nữa!
          Tác phong lãnh đạo luôn luôn có quan hệ đến uy tín, tình cảm của lãnh đạo đối với đồng cấp, thuộc quyền, với quần chúng và cả khi hoạt động, giao lưu đối ngoại. Trước hết, tác phong phải được nhìn nhận, thể hiện từ quan điểm sống, từ lối sống giản dị, lành mạnh, biết tôn trọng mọi người, không phân biệt thấp, cao, sang, hèn. Đã có không ít lời dị nghị, không tán đồng của dư luận công chúng khi thấy một vị lãnh đạo có tác phong không được “chính khách”, từ nụ cười, ôm hôn, bắt tay đến nói năng, đi, đứng. Có những cuộc tiếp xúc ngoại giao với người cùng cương vị ở nước ngoài, nhưng có lãnh đạo lại không đứng ngang hàng với họ, lùi lại sau nửa bước, hoặc một bước. Có những cuộc đối ngoại người ta chỉ cần ôm hôn một cái, mình níu lại hôn đủ ba cái. Có vị đại diện lãnh đạo khi phát biểu lại móc túi giở ra tờ giấy để có “phao” nói đúng các gạch đầu dòng đã chuẩn bị sẵn, theo đúng chỉ đạo của “lãnh đạo tập thể”!  Người ta chỉ bắt một tay, đứng ngay ngắn, mình lại hơi cúi, bắt hai tay…Ngay như những cuộc ngoại giao có phu nhân đi cùng, thì cách phục trang của phu nhân lãnh đạo là bậc “mẫu nghi thiên hạ” cũng phải ăn mặc sao cho sang trọng, lịch lãm, phù hợp đối tác, không nên tỏ ra quá giản dị đến mức như bị tầm thường hóa.
            Còn trong các hội nghị, tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, đối thoại với dân chúng cũng vậy, tự tác phong quan cách, quan trọng hóa chức vụ, vị thế đã vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa cấp trên với cấp dưới, giữa lãnh đạo với người dân. Đã có khoảng cách thì trong lượng lời nói và sức thuyết phục chắc chắn bị giảm trước cử tọa, trước dân chúng.
           Có những mẫu hình thể hiện qua tác phong lãnh đạo như sau:
              - Lãnh đạo theo lối “mệnh lệnh”: Là đòi hỏi cấp dưới tuân thủ chấp hành ngay tức khắc mênh lệnh một cách cứng nhắc, tức khoái theo tác phong “mệnh lệnh hóa”, không cho đối tượng được giao nhiệm vụ có ý kiến đề xuất, kiến nghị, lệnh là phải làm ngay (điều này ngoại trừ những mệnh lệnh cần thiết của người chỉ huy trong lực lượng vũ trang). Tác phong này nhiều khi được việc nhanh, hiệu quả tức thì, nhưng nhiều khi cũng tai hại vì thiếu dân chủ, nảy sinh lối độc đoán, chuyên quyền. Có khi kết quả thực thi nhiệm vụ không được như mong muốn hoặc ngược lại với ý định lãnh đạo.
Khi viếng Lăng Bác

                - Lãnh đạo theo lối “quyết đoán”: Thể hiện tác phong nhanh, đa số những lãnh đạo có tác phong này đều thể hiện năng lực một cách tự chủ, coi trọng nội lực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Biết tự tin, hiểu cấp dưới, tác nhân trực tiếp của thay đổi lớn. Họ có khả năng nhìn nhận và sử dụng cấp thuộc quyền, huy động được cấp dưới xoay quanh một định hướng chiến lược, có tác dụng làm gương và thu hút sựu chăm tâm làm nhiệm vụ của cấp dưới. Khi quyết đoán càng có hiệu quả thì uy tín của họ càng lớn. Tác phong lãnh đạo này thường rất hữu hiệu cho đổi mới, cần một một mục tiêu lớn và rõ ràng.
                - Lãnh đạo theo lối “tình cảm hài hòa” : Tạo ra sự hài hòa cho cấp dưới. Tác phong này thường theo phương pháp nhuần nhị, khéo léo, tỏ ra biết tôn trọng mọi người, “lạt mệm buộc chặt, lo cho nhân viên trước đã”. Vì thế, trong cơ quan, đơn vị họ tạo được những khả năng thông cảm lớn, tạo nên một không khí cởi mở. Chính vì thế, đoàn kết nội bộ dược hình thành và chặt chẽ, rất hữu hiệu trong việc xây dựng một tinh thần gắn bó, động viên trong những lúc khó khăn.
              - Lãnh đạo theo lối “dân chủ - đồng lòng”:  Tác phong này thường là rất được lòng tập thể, cộng đồng, tạo dựng được sự đồng lòng thông qua sự tham gia tích cực của cấp dưới. Người lãnh đạo tôn trọng dân chủ, luôn luôn thực hành dân chủ khá rộng rãi. Có việc gì hệ trọng thường hỏi ý kiến: “Mọi người nghĩ thế nào?”, rồi sau đó mới quyết đoán. Tác phong này thường hội tụ được sức mạnh tổng hợp, tận dụng được thế mạnh hợp lực, hợp tác với cấp dưới, dựa vào sự trao đổi. Vì thế, rất hữu hiệu để cấp dưới mạnh dạn hợp tác tích cực.


                - Lãnh đạo theo lối “kích động”: Đây là tác phong thể hiện sự gương mẫu và coi trọng xât dựng nhân vật điển hình, tập thể, bộ phận điển hình, làm mẫu để áp dụng cho toàn diện. Người lãnh đạo với tác phong này cũng phải quyết đoán, ấn định những tiêu chí thành công cao bằng sự tự tin. Tác phong này luôn luôn mang tính chỉ dẫn, khuyến khích: “Hãy làm như tôi, hãy làm như họ”. Người lãnh đạo thường có ý thức, ham muốn thực hiện, nảy sinh và phát huy được những sáng kiến.
               - Lãnh đạo theo lối “huấn luyện viên”: Đây là tác phong có ích để xây dựng một đội ngũ thuộc quyền có năng lực và tinh thần trách nhiệm “đều tay”. Nó góp phần không nhỏ xây dựng đội ngũ kế cận có năng lực và phát triển nhân tài cho tương lai. Tác phong lãnh đạo theo những phương pháp này rất thuận lợi cho sự phát triển năng lực cấp dưới, cảm thông và ý thức rõ về vai trò lãnh đạo của mình. Rất hữu hiệu để sửa soạn tương lai, đội ngũ lãnh đạo kế thừa. 
              - Lãnh đạo theo lối “quan liêu, quan cách, thiếu trách nhiệm”: Đây là tác phong lãnh đạo kém hiệu quả nhất. Nhiều khi do nặng giải quyết “khâu oai” rất cá nhân chủ nghĩa mà mất dân chủ, không tập hợp được ý kiến, sức mạnh tập thể, nhưng cũng dễ mnắc khuyết điểm và sai lầm. Tác phong này cũng dễ bị cấp thuộc quyền lợi dụng, ưa nịnh, xao nhãng chức trách. Người lãnh đạo có tác phong này thường cho mình là năng lực giỏi không ai bằng, kéo theo tác phong áp đặt, hoặc khoán trắng cho cấp dưới, cái gì cũng u u chung chung. Có thể chi lo cho cá nhân mình mà ít quan tâm đến người khác. Công việc ở những cơ quan, đơn vị như vậy thường bị đình trệ, hiệu quả thấp, dễ sinh ra mất đoàn kết nội bộ.
               Tác phong, phương pháp, phong cách hay thuật lãnh đạo đều có nét chung là sự thể hiện rõ nét trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đạo đức, nhân cách, cá tình của người lãnh đạo. Tác phong càng giản dị, tự nhiên, biết tôn trọng và gần gũi mọi người, có đầu óc cầu tiến, coi trọng chí tiến thủ thì người lãnh đạo càng được quần chúng tin yêu, cảm phục, uy tín cành sâu rộng. Những phương cách thể hiện tác phong mà các người lãnh đạo áp dụng trước hết từ nhận thức, quan điểm, cách sống,  lối sống, thói quen và tất nhiên là cả năng khiếu. Tác phong lãnh đạo có tác dụng rất lớn đến sự phát triển của “văn minh lãnh đạo”, đem lại những hiệu quả tùy mức độ khác nhau trong công tác đổi mới tư duy, hành động, đổi mới phương pháp công tác của cán bộ lãnh đạo các cấp.
BVB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001