Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Phan Thanh Tâm - Kiều Việt Nhân Hậu - Kiều Tàu Ác Hiểm 


Phan Thanh Tâm 

Hễ nhắc đến nàng Kiều thì ai cũng nghĩ đến số kiếp long đong của nhân vật Thúy Kiều trong truyện thơ của cụ Nguyễn Du. Tên đó đã trở thành biểu tượng cho cái Mệnh Bạc của người Tài Sắc, cái Ngang Trái của Khách Má Hồng bị trôi sông lạc chợ, ba chìm bảy nổi, vùi dập trong chốn phong trần. Giáo sư Đàm Quang Hưng, người chuyển ngữ sang tiếng Việt, một văn phẩm Trung quốc ở thế kỷ 17 của Thanh Tâm Tài Nhân, còn cho rằng, “Kiều Việt nhân hậu chớ không hiểm ác như Kiều Tàu”; khi ông so sánh Thúy Kiều của tác giả bản gốc chữ Hán và cô Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du.


Giáo sư Đàm Quang Hưng và Phan Thanh Tâm


Giáo sư Hưng, nguyên Trưởng Khoa Toán trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một thuyền nhân tị nạn cộng sản, đến Mỹ ông cắp sách đi học lại ở Đại Học Minnesota, cho biết ông có ý định chuyển ngữ bản gốc Truyện Kiều chữ Hán từ trước 1975. Tuy bận bịu còn dạy toán ở trường đại học cộng đồng từ năm 1989, ông đã hoàn thành dự án này tại Houston, Texas ngày Thứ Sáu 21/12/2012. Ông thông thạo chữ Hán là nhờ hồi nhỏ học từ ông ngoại Tổng Đốc Phạm Đình Hoè. Ngày nay, tuy đã 83 tuổi ông còn thuộc nằm lòng Tam Tự Kinh; có thể đọc làu làu 3234 câu thơ Kiều. Giá trị số Pi 3.1416 trong công thức tính chu vi hay diện tích hình tròn, ông cũng có thể nhớ đến 50 số thập phân. 

Trong lời giới thiệu đọc bản dịch Kim Vân Kiều Truyện, Giáo sư Đặng Phùng Quân viết “Dịch giả là một giáo sư toán, việc ông làm văn chương không có gì phải lạ, dường như tinh thần toán học thiên về những hình thái trừu tượng cũng như tinh thần văn chương thiên về những hình thái giả tưởng, mà giả tưởng và trừu tượng là hai mặt bổ sung trong sáng tạo”. Giáo sư Đàm Quang Hưng còn là dịch giả bộ truyện ngắn Liêu Trai Chí Dị cuả Bồ Tùng Linh, một danh phẩm văn chương Trung quốc thế kỷ thứ 17, viết về chồn tinh ma quỷ; có chỗ đứng vững chắc trong văn học sử Trung Quốc vì cốt truyện kỳ lạ cũng như vì thể văn độc đáo.

Dịch giả Hưng năm 2011 đã từ chối thư mời của Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên Giám đốc Trung tâm Quốc học Việt Nam về diễn thuyết về chữ Nôm và truyện Kiều ở Viện Hán Nôm Hà Nội. Ông đã viết trả lời  thẳng rằng “chỉ về nước khi nào chế độ Cộng sản không còn tồn tại ở Việt Nam”. Đọc bản chuyển ngữ, ta thấy cách viết tiểu thuyết của thế kỷ 17. Trước các Hồi đều có câu tóm lược ý chính. Đây không phải là bản chuyển ngữ đầu tiên. Bản dịch gốc này, Truyện Kiều được chia làm 30 hồi thay vì 20 hay 22 hồi như các bản dịch khác. Thời Việt Nam Cộng Hoà, Nha Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa năm 1971 có xuất bản một cuốn do Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch. 

Kim Vân Kiều Truyện là chuyện một người đàn bà sắc tài toàn vẹn, du xuân gặp nho sinh Kim Trọng. Tài tử giai nhân đính ước. Kiều vì chữ hiếu, bán mình chuộc cha, bị đưa vào  thanh lâu. Thúc sinh tay chơi lấy Kiều làm thiếp; Kiều bị Hoạn Thư vợ cả hành hạ phải trốn; lại gặp ma đầu, bán cho một thanh lâu khác. Tại đây, kỹ nữ gặp người hùng Từ Hải nhưng là một tướng giặc. Kiều dựa thế lấy Đức trả ơn người tốt, lấy Thắng giết kẻ hãm hại mình trong những ngày sống trong ô nhục. Từ Hải chết đứng vì nghe lời Kiều.  Kiều tự vận ở sông Tiền Đường được vãi Giác Duyên vớt.  Lúc Kiều giang hồ lưu lạc, Thúy Vân thay chị lấy Kim Trọng. Sau 15 năm xa cách truân chuyên, Kiều đoàn tụ gia đình; tái hợp người tình xưa nhưng chỉ giao duyên qua thơ nhạc. 

Phù thủy của tiếng Việt

Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đoan trang thanh thoát, đẹp, đằm thắm, đa cảm nhưng lại có một trái tim hiểm độc. Nếu ta không báo được cái thù tàn ác của các người thì khi chết ta sẽ làm quỷ dữ để nhai hồn người. Kiều đã tâm niệm như vậy lúc bị sa cơ lỡ vận. Khi thành phu nhân, Kiều ra tay báo thù rửa nhục, hạ lệnh, “”Bạc bà đã đẩy người xuống giếng, sẽ bị chém đầu, thủ cấp bêu lên cây cao. Bạc Hạnh mua con gái nhà lành bắt làm nghề mại dâm, sẽ bị cưa thành trăm mảnh, thịt cho ngựa ăn”. Trả thù vợ cả, Kiều ra lệnh: “lột y phục, giày tất y thị, treo ngược lên mà đánh trăm roi”. Hoạn thị quằn quại như trạch trong tro nóng, như lươn trong nước sôi la hét ầm ĩ. Hai gia nhân vợ cả Hoạn Thư là “Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển thì hãy chém đầu”. Trong chốc lát, đao phủ đem vào trình hai thủ cấp be bét máu.

Báo oán ba kẻ ở lầu xanh Lâm Truy, xử Mã Tú, Kiều thét, “Quân sĩ! dắt mụ này đi, dùng nhựa tưới vào thân mụ, treo ngược mụ lên xà ngang giàn cột, đầu chúc xuống đất, chân chổng lên trời, cho đúng lời thề ngày trước”. Với Mã Bất Tiến Kiều bảo, “dẫn đi dùng dao nhọn cắt da ở tứ chi để rút hết gân sao cho tứ chi gã đều bị rũ liệt, cho đúng lời thề của gã”. Đối với Sở Khanh, Kiều phán, “nấu một nồi nhựa thông với vỏ gai, lấy một ang nước lạnh để bên, lột hết y phục gã; một lính múc nhựa sôi mà tưới lên thân gã, một lính múc nước lạnh mà tưới lên sau”. Xong Kiều cám ơn Từ: “nhờ có uy Trời của Đại vương, thiếp báo được hết mối thâm thù”. Trước đó, Kiều đã đền ân cho những người giúp mình, thời bị trôi giạt, phải tiếp người cửa trước rước người cửa sau; và mời họ cùng ngồi coi Kiều rửa hận.

Thúy Kiều của cụ Nguyễn, trái lại thì khác, nhân hậu hơn. Khi quân sĩ dẫn Hoạn Thư ra trình dưới trưóng, Kiều nghĩ chuyện ghen tuông thì cũng người ta thường tình nên truyền quân lệnh xuống trường tiền tha ngay hai mẹ con vợ cả. Trong hơn 40 câu thơ xử oán không hề thấy cảnh dã man: châm lửa đốt kẻ bị treo ngược, dùng móc câu tận lực rút gân Mã Bất Tiến ba bốn lần, chậu nước vôi tưới lên thân Sở Khanh khiến máu chín đen, hay tiếng kêu đau ầm ĩ của mụ Tú khi bị quân sĩ phun nước vào mặt cho tỉnh lại. Tác giả cuốn truyện thơ đã sửa đổi, thêm thắt, sáng tạo cho hợp với tâm tình người Việt; lược bỏ rất nhiều chi tiết rườm rà, thô tục hay dã man, và sắp xếp tình tiết cho diễn biến câu chuyện hợp với luận đề tài mệnh tương đố.

Trăm  năm trong cõi người ta; chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau là hai câu mở đầu bao hàm ý chính cuốn truyện. Mấy câu thơ cuối tác giả bảo, muôn sự tại trời, bắt phong trần, phải phong trần; có tài đừng cậy chi tài; đừng trách trời gần trời xa; mà tất cả đều ở tại lòng ta. Theo Trần Trọng Kim, hiểu truyện Thúy Kiều là hiểu được một phần đạo Phật; có hiểu đạo Phật mới hiểu rõ truyện Kiều. Ở đời bất cứ việc gì hay dở, lớn nhỏ đều là cái quả của một cái nhân tự mình đã tạo ra. Khi đền ân xưa báo oán cũ, Kiều Việt không cậy thế để hành xử dã man, ti tiện như trong truyện chữ Hán. Truyện thơ của cụ hợp với luận đề ác giả ác báo. Kiều hưởng ngay cái nghiệp mới. Trùng phùng với mẹ cha và nối lại tình xưa nhưng chỉ là duyên bạn cho đến già. 

Nguyễn Du phỏng theo truyện này, gửi gấm nỗi lòng, viết thành truyện Đoạn Trường Tân Thanh, theo thể lục bát, rất hợp với cảm quan người Việt, trở thành một áng văn bất hủ. Cụ một lòng với nhà Lê, nhà Lê không còn, phải thờ nhà Nguyễn. Chẳng khác gì Thúy Kiều tình thâm với Kim Trọng nhưng vì gia cảnh, phải xa lìa người tình mơ mà còn phải chịu cái oan khổ trầm luân. Nguyễn Du, bậc kỳ tài, khéo dùng câu, dùng chữ, lời văn lại hay, thâu tóm tất cả cái đẹp của tiếng Việt vào trong một truyện thơ. Đến nay vẫn không có ai bì được. Cố nhà thơ Nguyên Sa có lần nói với Giáo sư Hưng, Nguyễn Du là phù thủy của ngôn ngữ. Học giả Phạm Quỳnh thì cho rằng, truyên Kiều còn, tiếng ta còn mà tiếng ta còn thì nước ta còn.

Một truyện thơ linh ứng

Lại nữa, trong bất cứ cảnh ngộ nào của đời người và người đời hay bất cứ tầng lớp nào trong xã hội từ cao sang quyền quí, thơ ngây trong sáng, cho đến hạng đá cá lăn dưa, đầu đường xó chợ, cùng cực gian ác hoặc hiền lương đức độ cũng được cụ vẽ ra chân dung bằng một vài câu thơ rất khéo, rất thần tình; dù rằng truyện thơ Thúy Kiều được viết từ hơn 200 năm trước. Chữ và nghĩa trong truyện thơ không lỗi thời, không chết. Có thể nói, ai trong chúng ta cũng từng nghe hay từng thuộc lõm bõm vài câu thơ của cụ. Nhà văn Nhất Linh viết trong Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều: một bức tranh vẽ cuộc đời cho người biết nhân tình thế thái, một quyển bói cho người hay tin, một tập văn mẫu rất bổ ích cho người làm văn. 

Thơ của cụ Nguyễn Du chẳng những làm say lòng người đọc mà là cuốn thơ duy nhất linh ứng. Cô Ngọc trong cuốn Lều Chõng của Ngô Tất Tố, đã lạy Vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều xin một quẻ trước khi lấy chồng. Nhiều người vuợt biên tìm tự do cũng đã bói Kiều. Họ cho rằng Kiều là một tác phẩm sâu thẳm, bao trùm mọi tình huống. Lỡ chân đã bước vào đây, Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non, Người còn thì của cũng còn, Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà là bốn câu thơ đã giúp Phạm Phú Minh, 13 năm tù cải tạo, hiện chủ biên trang mạng diendantheky.net, khi còn ở tù vẫn giữ vững niềm tin rằng, sẽ có ngày, được sống thoải mái ở một nơi khác. Anh cho biết, anh xin được quẻ này trong một đêm rằm Trung Thu năm 1975 ở trại tù cô nhi Long Thành. 

Tuy vậy, cũng có người nêu lên vấn đề đạo đức để chống đối, chê bai Truyện Kiều. Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Họ nhắc đền chuyện gái mới lớn lên mối manh chưa có mà đã gian díu với trai; cả gan lén sang nhà Kim Trọng ban ngày còn cả ban đêm để mà đờn địch thơ phú. Ngoài ra, trong cuốn Truyện Kiều Nghệ Thuật Và Lan Toả tác giả Đặng Cao Ruyên ghi lại cảnh thời Cộng sản miền Bắc đốt sách năm 1948, kết án Truyện Kiều là văn chương uỷ mị, văn chương tư sản, văn chương phản cách mạng. Những gì liên quan đến nàng Kiều cũng không thoát được chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Nhiều đền thờ và năm gian nhà chứa đầy thư tịch của dòng họ Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, tỉnh Hà tĩnh bị tiêu hủy. Nhiều người thân thuộc gia đình cụ bị bắt giam, chết trong tù.

Dù vậy, truyện thơ của cụ Nguyễn Du vẫn được coi như là một áng văn tiêu biểu độc nhất cho văn hóa Việt Nam. Theo cuốn Truyện Kiều Nghệ Thuật Và Lan Toả do Tổ hợp Miền Đông Hoa Kỳ xuất bản, truyện này đã được dịch sang tới 13 thứ tiếng, Á Rập, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Đức, Hy Lạp (Grec modern), Nga, Nhật, Lỗ Ma Ni (Rumani), Pháp, Tiệp, Trung Quốc và Ý Đại Lợi. Vì nó được dịch trở lại chữ Hán nên từ thập niện 50 thế kỷ XX mới có phong trào nghiên cứu về nguồn gốc của Truyện Kiều. Khi tìm hiểu bản gốc của Thanh Tâm Tài Nhân thì thấy nó tầm thường; đúng như vua Minh Mạng phê bình, tác giả người Trung Hoa viết lan man như nước lụt lan tràn, không chảy thành dòng. Nhờ cụ Nguyễn Du, Thúy Kiều đã vượt không gian thời gian và còn đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, phim ảnh, kịch, hội hoạ. 

Giáo sư Đàm Quang Hưng tuy chỉ chuyển ngữ bản Hán văn của Thanh Tâm Tài Nhân (1607-1677), người tỉnh Sơn Đông, Trung quốc, nhưng thực ra Giáo sư đã đóng góp vào việc tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820). Giáo sư cho biết, bản gốc lấy xuống từ trên mạng trong thư viện văn học của Bắc Kinh. Để có dịch phẩm Kim Vân Kiều Truyện, liên lạc qua diện thoại với giáo sư 832-798-5983.

(Bài nói chuyện buổi giới thiệu sách Kim Vân Kiều Truyện tại Việt Nam Center, Saint Paul, Minnesota chiều ngày 18/5/2013).

Phan Thanh Tâm
Saint Paul, 5/2013
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/phan-thanh-tam-kieu-viet-nhan-hau-kieu.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001