Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ đến mức nào? 

Steven A. Cook, Michael Koplow | Foreign Policy
Ngọc Hoà chuyển ngữ

Không dân chủ như Washington nghĩ.
Có vẻ kỳ lạ khi thách thức lớn nhất của chính quyền Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại bắt đầu bằng một cuộc biểu tình nhỏ về môi trường sau hơn một thập kỷ cầm quyền, nhưng hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đổ xuống đường ở các thành phố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng cho thấy một điều gì đó lớn hơn nhiều đã xảy ra so với việc phá hủy cây cối trong công viên Gezi của Istanbul – một miếng vá không gian xanh không đáng chú ý gần Quảng trường Taksim – nhưng lại đang gây ra tình trạng bất ổn.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra trên khắp các thành phố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Internet)

Các cuộc biểu tình ở Gezi gây chú ý bằng những cảnh tượng đáng kinh ngạc bao gồm những người biểu tình gào thét đòi ông Erdogan và chính phủ phải từ chức trong khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng bằng hơi cay và dùi cui, là đỉnh điểm của sự bất mãn phổ biến đang gia tăng trước xu hướng phát triển chính trị gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề xảy ra hiện tại là việc phá bỏ một công viên không quá sáu khu nhà để chính phủ có thể thay thế bằng một trung tâm mua sắm, nhưng toàn bộ sự việc thể hiện cách thức mà Đảng Công bằng và Phát triển (AKP) áp dụng để dần dần bóp nghẹt mọi đối lập trong khi vẫn đảm bảo duy trì trong ranh giới dân chủ. Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền đảng AKP đã trở thành trường hợp điển hình về một nền dân chủ rỗng.
Sự tàn khốc của các cuộc biểu tình và cách phản ứng của cảnh sát ở công viên Gezi của Istanbul chắc chắn gây ngạc nhiên cho nhiều người ở Washington. Thổ Nhĩ Kỳ là “mô hình tuyệt vời” hay ” đối tác kiểu mẫu,” và như nhiều người nói, cũng “đã dân chủ hơn so với một thập kỷ trước đây.” Có một mức độ sự thật nhất định trong những lời khẳng định này, mặc dù những lời sau được lặp đi lặp lại đến mức phát ngán, nhưng chúng bóp méo các quá trình chính trị phức tạp và thường trái ngược đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đảng AKP và ông Erdogan có khả năng thu hút, chưa từng có con số người Thổ Nhĩ Kỳ được vận động để tham gia chính trị và trở nên giàu có như vậy – nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp ba lần từ năm 2002-2011, 87 phần trăm người Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây nhất, so với 79 phần trăm trong cuộc bầu cử năm 2002 để đảng AKP lên nắm quyền. Tuy nhiên, cuộc vận động này đã không đồng thời đi kèm với khả năng cạnh tranh chính trị. Trên thực tế xảy ra điều ngược lại, nó mở đường cho đảng AKP củng cố quyền lực để biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nhà nước độc đảng. Điều trớ trêu là đảng AKP đã xây dựng một hệ thống phi tự do trong khi Washington lại đang giương cao ngọn cờ Thổ Nhĩ Kỳ như một mô hình cho các quốc gia khác sau cuộc nổi dậy của thế giới Ả Rập.
Một thời gian ngắn sau khi đảng AKP lên nắm quyền vào năm 2002, một cuộc tranh luận diễn ra tại Hoa Kỳ và Châu Âu về việc liệu có phải Thổ Nhĩ Kỳ đã “rời bỏ phương Tây” hay không. Phần lớn là hệ quả của nỗi ám ảnh Hồi giáo phổ biến sau ngày 9/11. Nhưng điều đó cũng không đúng sự thật. Ngay từ đầu, những người Hồi giáo có đầu óc cải cách của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm mọi việc có thể để xua tan quan niệm cho rằng cuộc bầu cử của họ là lý do để Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng lại với thập kỷ hợp tác và hội nhập với phương Tây. Ankara tái khẳng định cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và tiến hành các cải cách chính trị sâu rộng để loại bỏ nhiều di sản độc tài trong quá khứ, chẳng hạn như đặt quân đội dưới sự kiểm soát dân sự và cải cách hệ thống tư pháp.
Sự cởi mở chính trị, văn hóa, và kinh tế mới giúp ông Erdogan lãnh đạo một liên minh gồm các tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, người Kurd, giới tinh hoa theo chủ nghĩa đại đồng, doanh nghiệp lớn, và người Thổ Nhĩ Kỳ trung bình để tái đắc cử với 47 phần trăm số phiếu phổ thông trong mùa hè năm 2007, cũng là lần đầu tiên một đảng nhận được hơn 45 phần trăm số phiếu kể từ năm 1983. Điều này chưa từng xảy ra trong nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Erdogan không dừng lại ở đó. Trong năm 2011, vị Thủ tướng Chính phủ củng cố huyền thoại chính trị của ông ta với 49,95 phần trăm số phiếu phổ thông.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã thành công. Đến năm 2012, ông Erdogan điều khiển nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, trở thành một tác nhân có ảnh hưởng ở Trung Đông, và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là một người đối thoại đáng tin cậy của không ai khác hơn là Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngay cả khi đảng AKP đã giành chiến thắng cuộc bầu cử ở trong nước và nhận được sự hoan nghênh từ nước ngoài, thì khuynh hướng độc tài đã bắt đầu. Trong năm 2007, đảng bắt giữ một nhóm có âm mưu lật đổ chính phủ gồm các phần tử của cái gọi là nhà nước ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ – những sĩ quan quân đội, đặc vụ tình báo, và thế giới tội phạm ngầm – và tìm cách sử dụng nó để bắt các nhà phê bình phải im lặng. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đất nước mà các nhà báo thường bị bỏ tù vì lý do đáng chất vấn, bộ máy nhà nước được sử dụng để chống lại những mối lo ngại của doanh nghiệp tư nhân khi xảy ra bất đồng giữa chủ sở hữu với chính quyền, và gây áp lực đối với mọi hình thức của tự do ngôn luận.
Các phát ngôn viên và những người biện hộ cho đảng AKP cung cấp nhiều lời giải thích cho những thiếu sót, từ lý do “đó là luật pháp”, hoặc “không rõ bối cảnh,” cho đến “hoàn toàn bịa đặt.” Những lý do này dao động khi bị giám sát và tiết lộ góc nhìn đơn giản của đảng AKP về dân chủ. Trông chúng cũng giống như các lý lẽ biện minh cho tư lợi mà các vị vua chuyên chế Ả Rập bị lật đổ đã từng đem ra sử dụng để thu hẹp lĩnh vực chính trị và thể chế hóa quyền lực cho đảng phái và gia đình của họ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, giới chính sách đối ngoại ưu tú của Washington coi Thổ Nhĩ Kỳ như một “mô hình” hay đối tác thích hợp để tạo nên một cú hạ cánh nhẹ nhàng ở Ai Cập, Tunisia, Libya và các nơi khác.
Giữa cao trào của những loạt đạn hơi cay vô tận nhắm vào người biểu tình ở quảng trường Taksim, một trong những cố vấn của Thủ tướng đặt câu hỏi, “Làm thế nào mà một chính phủ đã từng nhận được gần 50 phần trăm số phiếu có thể là độc tài?” Điều này đã hoàn toàn nắm bắt được những sự năng động gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan, nơi mà chính phủ sử dụng dư lượng ngày càng tăng của chiến thắng bầu cử để biện minh cho mọi loại hành vi chống lại các cơ sở lớn của phe đối lập.
Hình thức này biểu hiện một cách rõ ràng nhất trong các cuộc tranh luận về hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, được sử dụng như một phương tiện để xây dựng cho ông Erdogan một cơ chế tổng thống, qua đó ông ta sẽ phục vụ với tư cách là vị tổng thống mới lần đầu tiên được trao quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi các đảng đối lập sôi sục lên tiếng phản đối một kế hoạch như vậy và ủy ban hiến pháp bị rơi vào bế tắc cuối năm 2012 – bỏ lỡ hạn chót để trình các khuyến nghị của nó vào cuối năm – ông Erdogan đe dọa sẽ hoàn toàn không đếm xỉa đến ủy ban và áp đặt dự án hiến pháp của riêng ông ta. Ông ta nêu ra ý tưởng một lần nữa vào đầu tháng tư năm 2013, nhưng làm dịu lại quan điểm khi thấy rõ rằng có sự phản đối đáng kể trước giấc mơ tổng thống của ông ta ngay cả trong nội bộ đảng AKP.
Bộ luật mới về rượu cồn của Thổ Nhĩ Kỳ, trong số những vấn đề khác, đưa ra những hạn chế về việc mua bán rượu sau 10 giờ đêm, cắt giảm quảng cáo, và cấm cấp giấy phép bán rượu mới cho các cơ sở gần nhà thờ Hồi giáo và trường học, là một ví dụ khác cho khuynh hướng ủng hộ chủ trương đa số quyết định của đảng AKP. Bất chấp sự phản đối om sòm, bộ luật được viết, tranh luận và thông qua chỉ trong vòng hai tuần, còn phản ứng của ông Erdogan trước các nhà phê bình bộ luật này là lời khẳng định rằng họ chỉ nên uống ở nhà.
Tương tự như vậy, đảng AKP tiến hành các dự án xây dựng lớn ở Istanbul, bao gồm cả việc nâng cấp Quảng trường Taksim, việc xây dựng một sân bay mới, và việc thi công một cây cầu thứ ba qua eo biển Bosphorus, nhưng đều gây tranh cãi và bị phản đối bởi các liên minh trải rộng trên những lợi ích đa dạng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, chính phủ đã chà đạp một cách thô bạo những người đối lập với các dự án, khẳng định rằng bất cứ ai không ưa thích những gì đang diễn ra cần phải biết rằng đảng AKP được nhiều người ưa chuộng như thế nào trong các cuộc bầu cử. Trong một nỗ lực điển hình để sử dụng lượng phiếu dư của đảng AKP như một cây gậy, ông Erdogan cảnh báo CHP – đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ – vào thứ Bảy rằng, “nếu các ông tập hợp được 100.000 người, tôi có thể tập hợp một triệu.”
Bước ngoặt phản dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra mà không gây chú ý đối với thế giới bên ngoài. Không chỉ là những biện pháp cưỡng chế – bắt giữ, điều tra, phạt thuế, và bỏ tù – những điều mà Washington đã cố tình bỏ qua để có lợi cho một câu chuyện vui tươi hơn về “phép lạ Thổ Nhĩ Kỳ”. Có lẽ sự việc không phải là rõ ràng, nhưng trong thập kỷ qua, đảng AKP đã thiết lập một liên minh mạnh mẽ, phi chính thức giữa các doanh nhân và các phương tiện truyền thông có liên quan đến đảng, đặt kế sinh nhai của họ phụ thuộc vào trật tự chính trị mà ông Erdogan đang xây dựng. Những người chống lại phải chịu rủi ro xảy ra cho chính mình.
Tất cả những điều trên là lý do giải thích tại sao sự hỗn loạn hiện nay trên vấn đề “tái thiết” công viên Gezi có nguồn gốc sâu hơn là việc chỉ san bằng không gian xanh. Nó thể hiện sự phẫn nộ đối với chủ nghĩa tư bản bè phái, sự ngạo mạn của quyền lực, và độ mờ đục của bộ máy AKP. Đối với các phương tiện truyền thông, ông Erdogan khuyến khích những thay đổi về chủ sở hữu hoặc dọa dẫm những người khác để đảm bảo phủ sóng tích cực – hoặc không phủ sóng đối với trường hợp các cuộc biểu tình ở công viên Gezi. Trong một cảnh tượng siêu thực – thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không gây ngạc nhiên đối với các nhà quan sát Thổ Nhĩ Kỳ – đài CNN quốc tế hôm thứ Sáu truyền hình trực tiếp các cuộc biểu tình ở quảng trường Taksim, trong khi tại cùng một thời điểm, đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ, kênh tiếng Thổ trong mạng lưới của CNN, cho chạy một chương trình nấu ăn khi ở giữa trung tâm lịch sử của thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ đang xảy ra những biến động rất lớn. Sự năng động trong kiểm duyệt và đe dọa báo chí của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các phương tiện truyền thông phê phán chính phủ đều trở thành mục tiêu của sự trả thù, đã dẫn đến việc sa thải các nhà báo tài năng như Amberin Zaman, Hasan Cemal, và Ahmet Altan vì chỉ trích chính quyền hoặc bất tuân các bức chế của nó. Kiểu đe dọa ngầm này của chính phủ trong một xã hội được cho là dân chủ hay đang dân chủ hóa là không hợp lý.
Trong hoàn cảnh này, nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết là cởi mở hơn so với một thập kỷ trước, khi đảng AKP theo đuổi cải cách dân chủ để đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán gia nhập thành viên. Nó đã khép lại theo một hướng hoàn toàn khác. Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản đã trở thành một nhà nước độc đảng. Trong nhà nước này, đảng AKP đã nhận được sự hỗ trợ từ phe đối lập nhạt nhẽo của Thổ Nhĩ Kỳ, khi phe này đắm mình trong những sự hẹp hòi thiển cận của Thổ Nhĩ Kỳ và thương tiếc sự ra đi của tầng lớp ưu tú Kemalist, những kẻ có lập trường cứng rắn nhưng lại không có những cam kết cụ thể cho nền dân chủ. Nền dân chủ thành công tạo ra cho công dân của họ những cách thức bày tỏ nỗi khao khát và bất mãn vượt ra khỏi các cuộc bầu cử định kỳ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại một cách ngoạn mục trong lĩnh vực này.
Sự kết hợp giữa đối lập yếu ớt và chiến thuật áp bức của đảng AKP cuối cùng đã đi đến đỉnh điểm. Sự kiện này sẽ không hạ bệ chính phủ, nhưng nó sẽ thiết lập lại nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ theo một hướng đi mới; vấn đề là liệu đảng AKP sẽ rút ra một số bài học quan trọng từ những người hội tụ trên đường phố hoặc tiếp tục tăng cường quan niệm cho rằng các cuộc bầu cử trao cho chính phủ quyền làm bất cứ điều gì nó muốn.
Nhưng không chỉ có đảng AKP cần phải đánh giá lại chính sách của họ, kể cả Washington cũng vậy. Có lẽ chính quyền Obama không quan tâm đến sự đảo chiều của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc xét thấy rằng tốt hơn là nên tư vấn, vỗ về, và khuyến khích ông Erdogan một cách kín đáo và thông qua những hành động thách thức âm thầm như kéo dài nhiệm kỳ của Đại sứ Francis Ricciardone thêm một năm nữa, người từng chọc tức chính phủ trên vấn đề tự do báo chí.
Cuộc chơi dai dẳng này đã thất bại từ lâu. Đã đến lúc Nhà Trắng phải nhận ra rằng những lời hùng biện về dân chủ của ông Erdogan đã bỏ xa thực tế. Thổ Nhĩ Kỳ mang đến cho thế giới Ả Rập ít hơn những gì chính quyền Obama dường như đã nghĩ, và thay vì chỉ kêu gọi các chính phủ Ả Rập phải chú ý đến nhu cầu của các công dân của họ, Washington cũng có thể muốn kêu gọi bạn bè mình ở Ankara phải làm như vậy. Đảng AKP và Thủ tướng Erdogan có thể đã được bầu với tỷ trọng lá phiếu phổ thông ngày càng tăng trong thập kỷ qua, nhưng hành động của chính phủ ngày càng cho thấy có vẻ như là nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ không mở rộng ra khỏi phòng bỏ phiếu.
[*] Steven A. Cook là thành viên cao cấp danh hiệu Hasib J. Sabbagh cho Nghiên Cứu Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại. Michael Koplow là giám đốc chương trình của Viện Israel và tác giả của trang blog Đế quốc Ottoman và chủ nghĩa phục quốc Do thái.
Nguồn: Steven A. Cook, Michael Koplow, How Democratic is Turkey, Foreign Policy, 03 Tháng 6 năm 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle
Admin gửi hôm Thứ Năm, 27/06/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130627/tho-nhi-ky-dan-chu-den-muc-nao
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001