Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Renata Salecl - ‘Chủ nghĩa Tư bản là chứng loạn thần kinh của nhân loại’ 



Diên Vỹ chuyển ngữ
26.06.2013

Quá nhiều lựa chọn khiến chúng ta căng thẳng?



Tự do là một điều tốt phải không? Không hẳn luôn là thế , triết gia người Slovenia Renata Alecl lập luận. Quyền tự do lựa chọn từ vô số những nghề nghiệp hoặc thương hiệu cà phê rốt cuộc sẽ trở thành một gánh nặng. Xã hội tư bản hiện đại của chúng ta đang bị thống trị bởi một tình trạng "chuyên chế lựa chọn".
SPIEGEL ONLINE: Thưa bà Salecl, tại một cửa hàng thức ăn nhanh Subway chúng ta phải có đến nửa chục quyết định trước khi chúng ta thực sự thưởng thức ổ bánh mỳ của mình. Đấy có phải ý của bà khi bà nói về "chuyên chế lựa chọn" trong các bài thuyết trình của mình?
Salecl: Tôi cố gắng tránh xa những nơi như Subway, và nếu tôi phải đến đấy, tôi luôn mua một loại bánh giống nhau. Khi tôi nói về "chuyên chế lựa chọn", tôi muốn nói về một thứ tư tưởng bắt nguồn từ thời kỳ chủ nghĩa tư bản hậu công nghiệp. Nó bắt đầu với Giấc mơ Mỹ -- một khái niệm về một con người tự túc, vươn lên từ nghèo khổ. Dần dần, khái niệm về sự nghiệp này tiến hoá thành một triết lý sống toàn cầu. Hiện nay chúng ta tin rằng chúng ta có quyền lựa chọn mọi thứ: cách sống, cách ăn mặc, thậm chí khi mua cà phê, chúng ta cũng phải liên tục cân nhắc quyết định của mình. Điều này cực kỳ bệnh hoạn.
SPIEGEL ONLINE: Tại sao?
Salecl: Vì chúng ta luôn cảm thấy căng thẳng, choáng ngợp và có lỗi. Vì theo như hệ tư tưởng này, nếu chúng ta không cảm thấy hạnh phúc, đấy là lỗi của chính chúng ta. Có nghĩa là chúng ta đã có một lựa chọn sai.
SPIEGEL ONLINE: Và nếu chúng ta lựa chọn đúng thì sao?
Salecl: Trong trường hợp này chúng ta liên tục cảm thấy rằng vẫn còn có điều khác tốt đẹp hơn nữa đang lẩn quất phía trước. Vì thế chúng ta không bao giờ thoả mãn và trở nên miễn cưỡng chấp nhận bất kỳ điều gì.
SPIEGEL ONLINE: "Đừng để một người bình thường quyết định. Anh ta không đủ thông minh." Đấy là lập luận mà những kẻ độc tài từng sử dụng trong nhiều thế kỷ. Thế bà muốn nói là họ đúng?
Salecl: Không. Tôi không chỉ trích quyền tự do chính trị hoặc bầu cử, nhưng cái sai của chủ nghĩa tư bản là về khái niệm: nó tạo cho tôi ảo tưởng rằng tôi có thể nắm giữ được quyền lực đối với đời mình.
SPIEGEL ONLINE: Nhưng tôi thực sự có quyền lực ấy. Tôi có thể tự quyết định mình muốn gì, mặc dù sự tính toán làm sẽ làm tôi căng thẳng.
Salecl: Không hẳn thế. Bạn tôi, một nhà tâm lý học, từng kể cho tôi nghe về một bệnh nhân: một người phụ nữ học cao, có việc làm tốt, có nhà riêng và một người chồng đầy yêu thương. "Tôi làm đúng mọi thứ trong đời mình," người phụ nữ nói. "Nhưng tôi vẫn không hạnh phúc." Bà ta đã không làm những gì bản thân mình muốn mà là những gì xã hội trông đợi ở bà .
SPIEGEL ONLINE: Vậy chúng ta cần phải hoàn chỉnh hơn trong việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân?
Salecl: Ngay cả điều này cũng chỉ là một ảo tưởng. Hạnh phúc đã trở thành một tiêu chuẩn để chúng ta đo lường. Thế giới đang ngập tràn những tạp chí phụ nữ tìm cách dạy chúng ta điều gì sẽ làm chúng ta hạnh phúc. Nó ngập tràn những cập nhật tình trạng trên Facebook, cho chúng ta biết người khác thoả mãn cuộc sống đến mức nào. Thậm chí có cả những chỉ số thẩm định mức độ hạnh phúc của những quốc gia. "Hãy sống hạnh phúc" đã trở thành một thứ qui luật xã hội. Nếu bạn không hạnh phúc tức là bạn đã thất bại.
SPIEGEL ONLINE:Nhưng phương châm sống ấy cũng khuyên mọi người rằng họ có thể có lựa chọn riêng cho mình. Điều này tạo cho họ có được sự kiểm soát chắc chắn đối với đời mình.
Salecl: Đúng, nhưng chỉ một phần. Chúng ta vẫn không thể kiểm soát được hệ quả từ những lựa chọn của mình. Nhưng đấy là bước kế tiếp. Chúng ta không chỉ muốn được tự do chọn lựa mà còn muốn được bảo đảm rằng những gì chúng ta lựa chọn phải chính xác như chúng ta mường tượng chúng.
SPIEGEL ONLINE: Tại sao chúng ta lại quá sợ hãi để buông xuôi theo dòng chảy?
Salecl: Bởi vì mỗi khi chúng ta quyết định được điều gì, chúng ta lại mất một thứ khác. Ví dụ rõ rệt nhất là mua một chiếc xe. Rất nhiều người không những xem xét việc đánh giá chiếc xe trước khi mua mà còn tiếp tục theo dõi sau khi mua nó để bảo đảm rằng họ thực sự có lựa chọn đúng.
SPIEGEL ONLINE: Nếu tôi không được quyền chọn lựa vì tôi không có khả năng mua bất cứ thứ gì, liệu điều ấy sẽ làm tôi hạnh phúc hơn?
Salecl: Điều nghịch lý là không. Một trong những thắng lợi lớn nhất của chủ nghĩa tư bản là ngay cả một nô lệ vô sản cũng cảm thấy mình là một ông chủ lớn. Anh ta tin rằng anh ta có khả năng để thay đổi cuộc đời. Chúng ta được thúc đẩy bởi tư tưởng của một người tự lập: chúng ta làm việc nhiều hơn rồi chúng ta tiêu thụ nhiều hơn, và cuối cùng chúng ta tự tiêu thụ bản thân. Những hệ quả của nó là kiệt sức, lòng ham hố và những chứng bệnh khác về phong cách sống.
SPIEGEL ONLINE: Tại sao chúng ta lại đối xử với bản thân quá tệ như thế?
Salecl: Sigmund Freud đã khám phá ra rằng chúng ta tìm sung sướng qua đau khổ với một cách thức khổ dâm kỳ quái. Chuyên chế lựa chọn đã lợi dụng yếu điểm này. Nền văn hoá tiêu thụ làm chúng ta kiệt lực. Chúng ta đau khổ. Chúng ta tự huỷ diệt mình. Và chúng ta không thể dừng lại.
SPIEGEL ONLINE: Nhưng chúng tha không hẳn là nạn nhân. Nói cho cùng, chúng ta đã tự tạo ra cái hệ thống này và nếu chúng ta cứ tiếp tục tiêu thụ, nó sẽ tiếp tục tồn tại. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản chỉ phản ánh bản chất của con người.
Salecl: Đúng thế. Freud cũng nói rằng chúng ta tự lựa chọn chứng loạn thần kinh cho chính mình. Chủ nghĩa tư bản là chứng loạn thần kinh của nhân loại.
SPIEGEL ONLINE: Cũng có những phương cách khác. Có một nhà hàng ở London chỉ phục vụ duy nhất một món ăn và mọi người đứng xếp hàng ra bên ngoài để thử. Và một công ty ở Berlin bán áo thun mà không cho khách hàng xem trước.
Salecl: Đây là một phương pháp tiếp thị đầy thông minh. Bạn cũng thấy điều tương tự ở trẻ con. Nếu bạn hỏi chúng muốn xem phim gì ngay tại rạp chiếu bóng, chắc chắn là chúng sẽ bị choáng ngợp. Ngược lại, nếu trước khi đi xem phim bạn nói “Hãy xem James Bond,” có thể chúng sẽ nói “Không mẹ ơi, nên xem gì khác ngoài phim ấy.” Nếu không có giới hạn, chúng ta tự tạo ra giới hạn.
SPIEGEL ONLINE: Liệu chúng ta có bao giờ được tự do thực sự?
Salecl: Không. Nhưng chúng ta có thể có một cuộc sống nhẹ nhõm hơn. Chúng ta có thể làm được bằng cách chấp nhận rằng những quyết định của mình không luôn hợp lý, rằng chúng ta luôn bị xã hội chi phối; rằng chúng ta sẽ mất một thứ khác mỗi khi chúng ta chọn lựa một thứ gì đấy, và rằng chúng ta không thể thực sự kiểm soát được hệ quả từ những quyết định của mình.
Thực hiện phỏng vấn: Stefan Schultz
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Sáu, 28/06/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130628/renata-salecl-chu-nghia-tu-ban-la-chung-loan-nao-cua-nhan-loai
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001