Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng (1)
Jerry Z. Muller/ Trần Ngọc Cư dịch
Dẫn nhập:
Trong trận chiến ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội,
người ta có thể nói không sai là chủ nghĩa tư bản đã thắng. Thậm chí một
số nước “cộng sản” như Trung Quốc và Việt Nam cũng đang ôm ấp một dạng
thức nào đó của chủ nghĩa tư bản, mà có người gọi là “tư bản nhà nước”,
hay một cách mỉa mai “tư bản đỏ”.
Dù dưới dạng thức nào đi nữa, ít ai có thể chối cãi rằng chủ nghĩa tư
bản là đường lối hữu hiệu nhất để tạo ra đời sống thịnh vượng kinh tế
cho xã hội loài người.
Trong bài tiểu luận sau đây, Giáo sư Jerry Z. Muller phân tích những đặc
tính bất biến của chủ nghĩa tư bản, đó là tính năng động kinh tế cũng
như tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế – những đặc tính luôn
luôn đi với nhau như bóng với hình; như cái Thiện và cái Ác cùng tồn tại
một lúc trong thân phận con người. Để đối phó với tình trạng bất bình
đẳng và bất an kinh tế đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong thế
giới tư bản tiên tiến, đặc biệt tại Hoa Kỳ, Muller nhấn mạnh sự cần
thiết phải duy trì một chính sách nhà nước phúc lợi hợp lý để đảm bảo sự
ổn định và hài hòa xã hội, đồng thời chống lại cả loại hình chính trị
đặc quyền đặc lợi (politics of privilege) của cánh Hữu lẫn loại hình
chính trị sách động hận thù (politics of resentment) của cánh Tả.
Tình trạng bất bình đẳng đang thực sự gia tăng gần như khắp nơi trong thế giới tư bản hậu công nghiệp (postindustrial). Và dù cho nhiều người bên cánh Tả có nghĩ gì đi nữa, đây không phải là hậu quả chính trị, và chính trị không thể đảo ngược được nó, vì vấn đề này có gốc rễ sâu xa và bất trị hơn người ta có thể dễ dàng nhận ra. Bất bình đẳng kinh tế là một sản phẩm tất yếu của sinh hoạt tư bản chủ nghĩa, và việc mở rộng cánh cửa bình đẳng về cơ hội cũng chỉ làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế mà thôi – vì một số cá nhân và một số cộng đồng giản dị là có khả năng hơn các cá nhân và cộng đồng khác trong việc khai thác những cơ hội mà chủ nghĩa tư bản cung ứng để phát triển và thăng tiến trong đời. Tuy nhiên, dù cho nhiều người bên cánh Hữu có nghĩ gì đi nữa, đây là một vấn đề chung cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì cho những người làm ăn thất bát hay những người, trên bình diện ý thức hệ, quyết theo đuổi chủ nghĩa bình quân – bởi vì nếu không được giải quyết, tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày một gia tăng có thể xói mòn trật tự xã hội và tạo ra một một phản ứng dân túy (populist) quật ngược lại hệ thống tư bản chủ nghĩa nói chung.
Trong vài thế kỷ qua, sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến bộ loài người, vừa đưa đến những tăng trưởng về mức sống vật chất mà trước đó không ai tưởng tượng nổi, vừa đưa đến sự phát triển mọi tiềm năng chưa từng thấy của con người. Nhưng, tính năng động nội tại trong bản thân chủ nghĩa tư bản lại tạo ra một tình trạng bất an đi kèm với những lợi lộc mà nó mang lại, vì thế sự tiến triển của chủ nghĩa này luôn luôn gặp chống đối. Thật ra, phần lớn lịch sử chính trị và cơ chế của những xã hội tư bản là lịch sử của những nỗ lực làm giảm bớt hoặc ngăn cản tình trạng bất an ấy, và chính việc tạo ra nhà nước phúc lợi (the welfare state) giữa thế kỷ 20 cuối cùng đã giúp chủ nghĩa tư bản và thể chế dân chủ cùng tồn tại tương đối hài hòa.
Trong những thập kỷ gần đây, những phát triển trong lãnh vực công nghệ, tài chánh, và thương mại quốc tế đã tạo ra những làn sóng và hình thái bất an mới cho những nền kinh tế tư bản hàng đầu, làm cho đời sống ngày càng trở nên bất bình đẳng và nhiều rủi ro hơn, không những cho các tầng lớp hạ lưu và giới lao động mà còn cho một bộ phận không nhỏ của giai cấp trung lưu. Cánh Hữu gần như nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này, trong khi cánh Tả ra sức loại bỏ nó bằng hành động của chính phủ, bất chấp phí tổn ngân sách. Cả hai đường lối này đều không khả thi trong dài hạn. Các thể chế tư bản đương đại cần phải chấp nhận rằng tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế sẽ tiếp tục là kết quả tất yếu của các hoạt động thị trường và phải tìm cách che chắn người dân khỏi những hậu quả nghiêm trọng của chúng – đồng thời bằng một cách nào đó vẫn duy trì được tính năng động vốn tạo ra những lợi ích kinh tế và văn hóa to lớn của chủ nghĩa tư bản.
Thương phẩm hóa (Commodification) và bồi dưỡng văn hóa
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống gồm các quan hệ kinh tế và xã hội được xác định bởi quyền tư hữu, bởi việc trao đổi hàng hóa và các dịch vụ do những cá nhân tự do, và bởi việc sử dụng các cơ chế thị trường để kiểm soát việc sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Một số yếu tố tư bản chủ nghĩa đã tồn tại trong xã hội loài người qua nhiều thời đại, nhưng mãi đến thế kỷ 17 và 18, tại nhiều nước châu Âu và thuộc địa của chúng tại Bắc Mỹ, các yếu tố này mới kết hợp thành lực lượng. Suốt lịch sử trước đó, gần như mọi hộ gia đình đều tiêu thụ hầu hết những thứ tự mình sản xuất ra và sản xuất hầu hết những thứ mà mình tiêu thụ. Mãi đến thời điểm này, đại đa số dân chúng tại một số nước mới bắt đầu mua hầu hết những thứ mà họ tiêu thụ và họ làm được điều này nhờ số tiền họ thu được từ việc bán hầu hết những thứ mà họ sản xuất.
Sự phát triển các hộ gia đình theo định hướng thị trường (market-oriented households) và cái gọi là “xã hội thương mại” có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi khía cạnh của sinh hoạt loài người. Trước khi có chủ nghĩa tư bản, đời sống con người bị chi phối bởi những định chế truyền thống luôn luôn đặt những lựa chọn và định mệnh của cá nhân dưới sự khống chế của các cơ cấu cộng đồng, chính trị, và tôn giáo khác nhau. Những định chế này cho phép xã hội thay đổi ở mức tối thiểu, ngăn cản không cho người dân tiến bộ nhiều nhưng đồng thời cũng che chắn họ khỏi những dâu bể của cuộc đời. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản cho các cá nhân nhiều khả năng làm chủ và chịu trách nhiệm về cuộc đời mình hơn bao giờ hết – điều này vừa khai phóng vừa đáng sợ, khiến cả tiến bộ lẫn thoái hóa đều có thể.
Thương phẩm hóa (commodification) – sự chuyển đổi các hoạt động được thực hiện để sử dụng riêng tư thành các hoạt động được thực hiện để bán trên thị trường mở rộng – cho phép dân chúng sử dụng thì giờ hiệu quả hơn, chuyên biệt hóa trong việc sản xuất những thứ mà họ tương đối rành nghề và mua các thứ khác từ người khác. Các hình thái thương mại và chế tạo mới đã sử dụng sự phân công (division of labor) để sản xuất những mặt hàng gia dụng thông thường với giá rẻ và cũng tạo ra một loạt hàng hóa mới. Như sử gia Jan de Vries nhận xét, kết quả của sự kiện này là điều mà người đương thời gọi là “một sự đánh thức những thèm khát của trí óc” – nới rộng những sở thích cá nhân và tạo ra một cảm thức chủ quan mới mẻ về các nhu cầu. Sự bành trướng nhu cầu đang diễn ra hiện nay đã từng bị những người bài bác chủ nghĩa tư bản từ Rousseau đến Marcuse đả kích là đã giam hãm con người trong chiếc lồng làm bằng những ham muốn phản tự nhiên (unnatural desires). Nhưng nó lại được những người bênh vực kinh tế thị trường từ Voltaire trở về sau ca ngợi là đã mở rộng tiềm năng của con người. Theo quan điểm này, nỗ lực phát triển và đáp ứng những đòi hỏi và nhu cầu cao hơn là yếu tính (essence) của văn minh.
Vì có khuynh hướng coi các thương phẩm (commodities) là vật thể hữu hình, chúng ta thường bỏ qua cái mức độ mà việc tạo ra và phân phối ngày càng rẻ các thương phẩm văn hóa mới đã mở rộng, những gì mà ta có thể gọi là “các phương tiện trau dồi bản thân” (the means of self-cultivation). Vì lịch sử của chủ nghĩa tư bản cũng là lịch sử phát triển truyền thông, thông tin, và giải trí – vừa là phương tiện vừa là đối tượng của tư duy (things to think with, and about).
Trong số những thương phẩm hiện đại xuất hiện sớm nhất, phải kể đến các ấn phẩm (ví dụ đầu tiên là cuốn Kinh Thánh), và việc chúng ngày một rẻ và dễ kiếm còn có ý nghĩa lịch sử hơn cả sự phát triển của máy nổ, chẳng hạn. Điều này cũng đúng với sự phổ biến của giấy in, cho phép nhật báo và tạp chí ra đời. Những phát kiến này lại làm phát sinh các thị trường mới về thông tin và nghề thu thập và phân phối tin tức. Vào thế kỷ 18, việc đưa tin từ Ấn Độ đếnLondonphải mất hàng tháng; ngày nay, chỉ cần trong chốc lát. Sách báo và tin tức đã giúp nới rộng không những tầm hiểu biết mà còn phát triển trí tưởng tượng của chúng ta, khả năng thông cảm với đồng loại và tưởng tượng như thể chính bản thân chúng ta đang được sống trong những lối sống tân kỳ. Chủ nghĩa tư bản và tiến trình thương phẩm hóa vì vậy đã thúc đẩy cả chủ nghĩa nhân đạo lẫn các hình thức mới mẻ trong việc tự phát minh chính mình (new forms of self-invention).
Trong thế kỷ vừa qua, các phương tiện bồi dưỡng văn hoá được phát triển nhờ việc phát minh máy ghi âm, phim ảnh, và truyền hình, và cùng với sự trỗi dậy của Internet và máy vi tính trong nhà, những chi phí của việc tiếp thu kiến thức và văn hoá đã giảm bớt nhanh chóng. Đối với những người nằm trong xu thế này, việc phát triển các phương tiện bồi dưỡng văn hóa đã tạo điều kiện mở mang kiến thức của con người ở mức gần như không thể tưởng tượng nổi.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa tư bản đã mở ra nhiều cơ hội hơn bao giờ hết cho sự phát triển tiềm năng con người, thì không phải ai cũng có thể tận dụng những cơ hội ấy hay có thể tiến xa hơn nữa sau khi nắm được cơ hội. Chẳng hạn, lịch sử đã chứng minh, nhiều rào cản chính thức hoặc không chính thức đối với sự bình đẳng về cơ hội đã ngăn cản nhiều bộ phận dân chúng khác nhau – như phụ nữ, dân tộc thiểu số, và giới nghèo – không cho phép họ hưởng đầy đủ tất cả những gì mà chủ nghĩa tư bản cống hiến. Nhưng qua thời gian, trong thế giới tư bản tiên tiến, những rào cản ấy đã dần dần được hạ thấp hay tháo gỡ, nhờ vậy ngày nay người ta có thể tiếp cận cơ hội đồng đều hơn bao giờ hết. Tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại ngày nay, do đó, phát sinh vì thiếu cơ hội đồng đều thì ít, mà vì khả năng không đồng đều trong việc khai thác cơ hội thì nhiều. Và khả năng không đồng đều đó lại phát xuất từ những khác biệt trong tiềm năng bẩm sinh mà các cá nhân có từ khi chào đời và trong cung cách mà gia đình và cộng đồng giúp đỡ và khuyến khích tiềm năng con người phát triển.
Trong việc hình thành khả năng và khuynh hướng của cá nhân để vận dụng các phương tiện bồi dưỡng văn hóa mà chủ nghĩa tư bản cung ứng, đề cao vai trò của gia đình đến đâu cũng không đủ. Hộ gia đình không chỉ là nơi tiêu thụ và truyền giống. Nó còn là bối cảnh chính trong đó trẻ em được xã hội hóa, được giáo dục, và trở thành văn minh, trong đó các thói quen của chúng được phát triển để sau đó lại ảnh hưởng đến số phận chúng trong tư cách người dân và tác nhân thị trường Theo ngôn ngữ của kinh tế học đương đại, gia đình là một workshop (phân xưởng) trong đó vốn con người (human capital) được tạo ra.
Qua thời gian, gia đình đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa tư bản bằng cách tạo ra những nhu cầu mới đối với những hàng hoá mới. Gia đình cũng thường xuyên bị chủ nghĩa tư bản khuôn nắn vì những hàng hóa mới và phương tiện sản xuất mới đã thúc đẩy các thành viên trong gia đình sử dụng thời gian theo lối mới. Vào thế kỷ 18, khi các hàng tiêu thụ mới bắt đầu xuất hiện với giá rẻ hơn bao giờ hết, các hộ gia đình dồn nhiều thì giờ hơn cho các hoạt động theo xu thế thị trường, với tác động tích cực đến khả năng tiêu thụ của họ. Mặc dù ban đầu đồng lương của đàn ông có lẽ đã thực sự suy giảm, nhưng lương của cả vợ, chồng, con cái cộng lại đã nâng tiêu chuẩn tiêu thụ (standards of consumption) cao hơn trước. Nhưng, việc tăng trưởng kinh tế và mở rộng các chân trời văn hóa không cải thiện mọi phương diện của đời sống cho mọi người. Việc con cái của giai cấp lao động có thể kiếm tiền từ tuổi vị thành niên đã khuyến khích chúng sao lãng học hành và sự thiếu lành mạnh của một số hàng hoá mới xuất hiện (bánh mì trắng, đường, thuốc lá, rượu mạnh) cho thấy tiêu chuẩn tiêu thụ tăng cao không luôn luôn đồng nghĩa với sự cải thiện sức khỏe và tuổi thọ con người. Và khi thời gian lao động của người phụ nữ được tái phối trí từ việc phục vụ gia đình sang phục vụ thị trường, các tiêu chuẩn vệ sinh có vẻ suy giảm, gia tăng rủi ro bệnh tật.
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, người ta chứng kiến sự phát triển từng bước của các phương tiện sản xuất mới khắp các khu vực kinh tế. Đây là thời đại cơ khí, có đặc tính là các nguồn lực vô cơ (chủ yếu là máy hơi nước) ngày càng thay thế các nguồn lực hữu cơ (người và súc vật), một tiến trình đã gia tăng năng suất rất lớn. Khác hẳn trong một xã hội chủ yếu dựa vào nông nghiệp và tiểu công nghệ gia đình, việc chế tạo hàng hoá bây giờ ngày càng diễn ra trong những công xưởng được xây dựng chung quanh các cỗ máy tân kỳ nhưng quá kềnh càng, quá ồn ào, và quá dơ bẩn, không thể chứa trong nhà. Công ăn việc làm do đó ngày càng tách khỏi hộ gia đình, một chuyển biến rốt cuộc đã thay đổi cơ cấu gia đình.
Thoạt đầu, các chủ nhân của những nhà máy công nghiệp hóa mới mẻ này đã tuyển dụng phụ nữ và trẻ em vào làm công nhân vì họ là những người dễ sai bảo và dễ kỷ luật hơn đàn ông. Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, người nam công nhân trung bình ở Anh được hưởng sự gia tăng đáng kể và bền vững của đồng lương đích thực; vì vậy, một sự phân công mới đã diễn ra ngay trong phạm vi gia đình, theo đường ranh giới tính. Nhờ sức mạnh thể chất cho họ một ưu thế tương đối trong việc sản xuất, nam giới ngày càng làm việc đông đảo trong các nhà máy với đồng lương thị trường đủ cao để nuôi cả gia đình. Tuy vậy, thị trường của thế kỷ 19 chưa thể cung cấp những hàng hóa để tạo ra sự sạch sẽ, vệ sinh, các bữa ăn bổ dưỡng, và việc trông nom chu đáo các trẻ em. Trong giới thượng lưu, những dịch vụ này có thể được đầy tớ cung ứng. Nhưng đối với hầu hết mọi gia đình, những dịch vụ này ngày càng được các bà vợ cung ứng. Tình trạng này đã phát sinh ra mô hình gia đình chồng đi kiếm cơm – vợ lo nội trợ (the breadwinner-homemaker family), dựa trên sự phân công theo giới tính. Theo de Vries, nhiều cải tiến về sức khỏe, tuổi thọ, và giáo dục từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, có thể được lý giải bởi việc tái phân bố (realloacation) lực lượng lao động phụ nữ từ thị trường về với hộ gia đình và, sau cùng, tái phân bố giới thiếu niên từ thị trường về với học đường, khi trẻ em rời bỏ lực lượng lao động để đến trường.
Tính năng động và sự bất an
Trong phần lớn lịch sử nhân loại, cội nguồn chính cho nỗi bất an của con người là thiên nhiên. Như Marx nhận xét, trong những xã hội như thế, hệ thống kinh tế hướng đến ổn định – và bế tắc. Những xã hội tư bản, trái lại, từ trước đến nay vẫn hướng tới sáng kiến và tính năng động, tới sự sáng tạo tri thức mới, sản phẩm mới, phương thức sản xuất và phân phối mới. Tất cả những điều đó đã chuyển vị trí của tình trạng bất an từ thiên nhiên sang kinh tế.
Hegel đã nhận xét vào những năm 1820 rằng đối với con người trong một xã hội thương mại đặt cơ sở trên mô hình chồng kiếm cơm-vợ lo việc nhà (the breadwinner-homemaker model), ý thức về giá trị bản thân và thế giá của mỗi người được gắn liền với công ăn việc làm. Điều này đặt ra một vấn đề, vì trong một nền kinh tế thị trường tư bản năng động, thất nghiệp là một khả năng hiển nhiên. Sự phân công lao động do thị trường tạo ra có nghĩa là nhiều công nhân có các kỹ năng được chuyên biệt hóa cao độ (highly specialized) và chỉ thích hợp với một số công việc rất hạn hẹp. Thị trường tạo ra những nhu cầu thường xuyên thay đổi, và do đó khi nhu cầu đối với sản phẩm mới gia tăng thì nhu cầu đối với sản phẩm cũ giảm bớt. Những người có cuộc đời gắn bó với một vai trò nhất định trong việc sản xuất ra những sản phẩm lỗi thời thường bị thất nghiệp và không có tay nghề để kiếm việc làm mới. Và việc cơ giới hóa hoạt động sản xuất cũng dẫn đến nạn thất nghiệp. Nói cách khác, ngay từ lúc khởi đầu, tính sáng tạo và sự đổi mới trong chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã đi đôi với nỗi bất an của các thành viên trong lực lượng lao động như bóng với hình.
Marx và Engels đã phác họa tính năng động, nỗi bất an, sự cải tiến các nhu cầu, và việc mở rộng các khả năng văn hóa của chủ nghĩa tư bản trong Tuyên ngôn Cộng sản như sau:
“Thông qua việc bóc lột thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã cho sản xuất và tiêu dùng một tính chất quốc tế. Nó rút phắt nền tảng quốc gia trụ dưới chân công nghiệp, khiến các thế lực phản động cực kỳ khó chịu. Các ngành công nghiệp quốc gia lâu đời đã bị tiêu diệt và đang hàng ngày bị tiêu diệt. Chúng bị choán chỗ bởi những ngành công nghiệp mới mà sự xuất hiện trở thành một vấn đề sống còn với mọi quốc gia văn minh, những ngành công nghiệp không còn sử dụng nguyên liệu bản xứ mà sử dụng nguyên liệu khai thác từ những vùng xa xôi nhất, những ngành công nghiệp mà sản phẩm được tiêu thụ không chỉ trong nước mà ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu. Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng sản phẩm nội địa, chúng ta thấy những nhu cầu mới, đòi được thỏa mãn bằng các sản phẩm từ các vùng đất và vùng khí hậu xa xôi. Thay cho sự cô lập và tự túc cố hữu của địa phương và quốc gia là giao lưu mọi hướng và sự phụ thuộc phổ quát giữa các quốc gia.”
Đến thế kỷ 20, nhà kinh tế Joseph Schumpeter sẽ triển khai trên những luận điểm này cái ý niệm cho rằng chủ nghĩa tư bản có đặc tính “hủy hoại sáng tạo”, trong đó các sản phẩm, các hình thức phân phối và tổ chức mới sẽ đào thải các hình thức cũ hơn. Nhưng khác với Marx, là người chỉ thấy nguồn gốc của tính năng động này trong cuộc tìm kiếm “tư bản” quái gở (mà ông cho là bóc lột giai cấp công nhân), Schumpeter tập trung vào vai trò của doanh nhân là người có sáng kiến, biết đưa vào thị trường các hàng hóa mới và khám phá các thị trường và các phương pháp mới.
Tính năng động và tình trạng bất an do chủ nghĩa tư bản công nghiệp thế kỷ 19 tạo ra đã dẫn đến sự thành lập các định chế mới để giảm bớt bấp bênh kinh tế, bao gồm tập đoàn trách nhiệm hữu hạn, nhằm giảm bớt rủi ro cho người đầu tư; các công đoàn, nhằm cải tiến lợi ích của người lao động; các hội tương trợ, nhằm cho vay nợ và cung cấp bảo hiểm chôn cất (burial insurance); và ngành bảo hiểm nhân thọ thương mại. Vào những thập niên giữa thế kỷ 20, nhằm đối phó nạn thất nghiệp tràn lan và cảnh khốn cùng do cuộc Đại khủng hoảng kinh tế gây ra (cũng như do sự thành công chính trị của chủ nghĩa cộng sản và phát-xít, một sự thành công đã thuyết phục nhiều nhà dân chủ rằng một tình trạng quá bấp bênh về kinh tế là mối đe dọa cho chính bản thân thể chế dân chủ tư bản chủ nghĩa), các nước dân chủ phương Tây đã chọn chính sách nhà nước phúc lợi (the welfare state). Nhiều quốc gia khác nhau đã sáng tạo nhiều kết hợp khác nhau gồm các chương trình cụ thể, nhưng các nhà nước phúc lợi mới mẻ này có nhiều điểm giống nhau, trong đó có chế độ bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm thất nghiệp cũng như nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ các gia đình.
Sự bành trướng của nhà nước phúc lợi vào những thập niên sau Thế chiến II đã diễn ra vào một thời điểm mà các nền kinh tế tư bản đang tăng trưởng nhanh chóng. Sự thành công của nền kinh tế công nghiệp đã cho phép chuyển một số lợi nhuận và tiền lương vào các mục đích chính phủ thông qua việc đánh thuế. Sự phát triển dân số thời hậu chiến, trong đó mô hình gia đình chồng đi làm-vợ nội trợ (the breadwinner-home maker model) chiếm số đông, cũng rất phù hợp, vì tỉ lệ sinh cao vừa phải đã tạo ra một tỉ lệ thích hợp giữa số công nhân năng động và những người lệ thuộc [vợ con]. Cánh cửa cơ hội giáo dục được mở rộng, khi các đại học ưu tú gia tăng việc nhận sinh viên căn cứ vào thành tích học tập và tiềm năng của họ, và càng ngày càng có nhiều người theo học tại các cơ sở giáo dục cấp cao hơn. Các rào cản không cho phép phụ nữ và người thiểu số tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội cũng bắt đầu sụp đổ. Kết quả của tất cả những điều đó là một tình trạng quân bình tạm thời, trong đó các nước tư bản tiên tiến trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đa số dân chúng có công ăn việc làm, và tương đối có bình đẳng kinh tế-xã hội.
nguyen_y_van gửi hôm Thứ Sáu, 28/06/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130628/chu-nghia-tu-ban-va-tinh-trang-bat-binh-dang-canh-huu-va-canh-ta-sai-lam-o-nhung
======================================================================
Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng (2)
Tháng 6 26, 2013
Jerry Z. Muller
Trần Ngọc Cư dịch
Đời sống trong nền kinh tế hậu công nghiệp
Đối với nhân loại nói chung, cuối thế kỷ
20 và đầu thế kỷ 21 là một thời kỳ tiến bộ ngoạn mục, một phần không
nhỏ nhờ vào sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu. Tiến
trình tự do hóa kinh tế (economic liberalization) tại Trung Quốc, Ấn Độ,
Brazil, Indonesia, và các nước khác trong thế giới đang phát triển đã
cho phép hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực và
tiến lên giai cấp trung lưu. Trong khi đó, người tiêu thụ tại các nước
tư bản tiên tiến hơn, như Hoa Kỳ chẳng hạn, đã và đang được hưởng sự
giảm giá cực lớn của nhiều mặt hàng, từ quần áo đến máy truyền hình, và
có thể mua sắm cả một biển hàng hóa mới mẻ, những thứ đã biến đổi cuộc
đời họ.
Nhưng đáng chú ý hơn cả có lẽ là những
biến đổi trong các phương tiện trau dồi kiến thức bản thân
(self-cultivation). Như nhà kinh tế Tyler Cowen nhận xét, phần lớn thành
quả của những phát triển gần đây “nằm trong đầu và trong những chiếc laptop của chúng ta nhiều hơn nằm trong khu vực kinh tế sinh ra doanh thu”. Do đó, “phần lớn giá trị của Internet
được cảm nhận ở mức độ cá nhân và vì thế không bao giờ xuất hiện trong
những số liệu chỉ năng suất”. Nhiều cuộc trình diễn âm nhạc vĩ đại của
thế kỷ 20, đủ mọi thể loại, có thể được thưởng thức miễn phí trên YouTube.
Nhiều bộ phim xuất sắc của thế kỷ 20, mà ngày trước chỉ thỉnh thoảng
mới được trình chiếu tại các trung tâm nghệ thuật ở một vài vùng đô thị
lớn, bây giờ có thể được xem bởi bất cứ ai vào bất cứ lúc nào với một lệ
phí hàng tháng rất thấp. Chẳng bao lâu nữa, thư viện của các đại học
lớn sẽ mở cửa trực tuyến cho toàn thế giới; và tiếp theo đó, những cơ
hội chưa từng có trong việc phát triển đời sống cá nhân sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, tất cả sự tiến bộ này vẫn bị
ám ảnh bởi hai đặc điểm bất diệt của chủ nghĩa tư bản: đó là, tình trạng
bất bình đẳng và bất an kinh tế. Ngay từ năm 1973, nhà xã hội học
Daniel Bell đã nhận xét rằng trong thế giới tư bản tiên tiến, tri thức,
khoa học, và công nghệ đang thúc đẩy một cuộc chuyển đổi sang cái mà ông
gọi là “xã hội hậu công nghiệp (postindustrial society)”. Cũng như
ngành chế tạo hàng hoá trước đó đã thay thế nông nghiệp làm nguồn thu
dụng nhân công chính, ông lý luận, khu vực dịch vụ (the service sector)
hiện đang thay thế khu vực chế tạo. Trong một nền kinh tế tri thức hậu
công nghiệp, việc sản xuất các mặt hàng chế tạo dựa trên đầu vào công
nghệ (technological inputs) nhiều hơn dựa vào kỹ năng của những công
nhân thực sự xây dựng và lắp ráp sản phẩm. Điều này ngụ ý một sự suy
giảm nhu cầu đối với các công nhân nhà máy có kỹ năng (skilled) và bán
kỹ năng (semiskilled) và sự xuống cấp về giá trị kinh tế của họ – cũng
như trước đó đã có sự suy giảm nhu cầu đối với người làm nghề nông và sự
xuống cấp giá trị của họ. Trong một nền kinh tế hậu công nghiệp, những
kỹ năng được đòi hỏi gồm tri thức khoa học kỹ thuật và khả năng sử dụng
thông tin. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ thông tin ào ạt diễn
ra trong nền kinh tế trong vài thập kỷ gần đây chỉ càng thúc đẩy mạnh mẽ
những xu thế này.
Một ảnh hưởng nghiêm trọng do sự trỗi
dậy của nền kinh tế hậu công nghiệp liên quan đến địa vị và vai trò của
nam giới và nữ giới. Lợi thế tương đối của nam giới trong các nền kinh
tế tiền công nghiệp và công nghiệp (preindustrial and industrial
economies) phần lớn nằm ở sức mạnh thể lực lớn hơn của họ – một điều mà
bây giờ ngày càng ít cần đến. Trái lại, nữ giới hoặc do cấu tạo sinh học
hoặc qua giao tiếp xã hội, có được một lợi thế tương đối về kỹ năng ứng
xử và trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), những đức tính ngày
càng trở nên quan trọng trong một nền kinh tế hướng tới dịch vụ hơn là
hướng tới sản xuất vật dụng. Bộ phận kinh tế mà người phụ nữ có thể tham
gia đã mở rộng, và lao động của họ đã trở nên có giá trị hơn trước –
điều này ngụ ý rằng, nếu họ dùng thì giờ cho việc nội trợ thì họ sẽ mất
đi những khả năng thuận lợi trong lực lượng lao động được trả lương.
Điều đó dẫn đến sự thay thế ngày càng phổ biến các hộ gia đình chồng đi
kiếm cơm-vợ lo nội trợ (male breadwinner-female homemaker households)
bằng hộ gia đình có hai nguồn thu nhập (dual-income households). Những
người ủng hộ cũng như những người đả kích việc thu dụng phụ nữ vào nền
kinh tế được trả lương có xu thế nhấn mạnh quá đáng vai trò của các cuộc
tranh đấu ý thức hệ về nữ quyền trong sự thay đổi này, trong khi đánh
giá quá thấp vai trò của những thay đổi trong bản chất của tiến trình
sản xuất tư bản chủ nghĩa. Việc tái triển khai lao động phụ nữ ra khỏi
hộ gia đình được thể hiện một phần nhờ sự xuất hiện của những hàng hoá
mới, những hàng hóa đã cắt giảm thì giờ lao động cần thiết trong gia
đình (như máy giặt, máy sấy, máy rửa chén, bình nóng lạnh, máy hút bụi,
lò vi sóng). Chính việc dành nhiều thì giờ hơn cho hoạt động thị trường
đã làm nảy sinh nhu cầu mới đối với những mặt hàng tiêu thụ trong gia
đình ít đòi hỏi công sức (như thức ăn gói sẵn và làm sẵn), đồng thời
thúc đẩy sự bành trướng của việc ăn nhà hàng và thức ăn nhanh. Và điều
này đã dẫn đến tiến trình thương phẩm hóa dịch vụ chăm sóc (the
commodifiation of care) – khi trẻ em, người cao niên, và người tàn tật
ngày càng được chăm sóc không phải bởi người thân, mà bởi những người
được trả lương.
Xu thế người phụ nữ được học hành nhiều
hơn và thành đạt hơn trong nghề nghiệp đi đôi với việc thay đổi chuẩn
mực xã hội trong việc lựa chọn người hôn phối. Trong thời đại hôn nhân
với mô hình chồng kiếm cơm-vợ lo việc nhà, người phụ nữ có khuynh hướng
coi trọng khả năng kiếm tiền trong việc lựa chọn người hôn phối. Về phần
mình, người đàn ông đánh giá những khả năng nội trợ của người vợ tương
lai cao hơn những thành đạt nghề nghiệp của họ. Không phải là chuyện bất
thường khi đàn ông hay đàn bà lấy một người có cùng trình độ trí thức,
nhưng vào thời đó đàn bà có xu thế lấy đàn ông có trình độ giáo dục và
thành đạt kinh tế cao hơn mình. Khi kinh tế chuyển từ một nền kinh tế
công nghiệp sang một nền kinh tế dịch vụ và thông tin hậu công nghiệp,
phụ nữ đã sánh vai cùng nam giới trong nỗ lực giành sự công nhận xã hội
qua các công việc được trả lương, do đó một cặp vợ chồng cần mẫn tiêu
biểu hiện nay ngày càng là hai người đồng đẳng (peers), với trình độ
giáo dục ngang hàng hơn trước và mức thành đạt kinh tế tương đương hơn
trước – một tiến trình được gọi là “assortative mating” [“trao duyên phải lứa, gieo cầu đúng nơi”- Kiều].
Tình trạng bất bình đẳng trên đà gia tăng
Những xu thế xã hội hậu công nghiệp này
đã tác động đáng kể lên tình trạng bất bình đẳng hiện nay. Nếu thu nhập
gia đình tăng lên gấp đôi ở mỗi nấc thang kinh tế, thì tổng số thu nhập
của những gia đình ở những nấc thang cao hơn chắc chắn tăng nhanh hơn
tổng số thu nhập của những gia đình ở những nấc thang bên dưới. Nhưng
đối với một bộ phận đáng kể những hộ gia đình ở phần dưới của chiếc
thang, thu nhập gia đình không thể nào tăng gấp đôi được – vì khi lương
tương đối của phụ nữ được tăng lên và lương tương đối của giới nam công
nhân ít học bị giảm sút, thì giới đàn ông này bị coi là càng ngày càng
khó lấy vợ. Thông thường, những hạn chế về vốn con người (human capital)
khiến những người đàn ông này khó kiếm được việc làm và biến họ trở
thành những đối tượng ít được mong muốn. Và những đặc điểm nhân cách của
những người đàn ông thất nghiệp kinh niên đôi khi cũng xuống cấp theo.
Với đồng lương càng kém cỏi mang về cho gia đình, những người đàn ông
này càng bị coi là ít cần thiết – một phần vì ngày nay đàn bà có thể
trông cậy vào những trợ cấp của nhà nước phúc lợi như một nguồn thu nhập
độc lập phụ trội, dù ít ỏi bao nhiêu chăng nữa.
Tại Hoa Kỳ, một trong những phát triển
nổi bật nhất của các thập kỷ gần đây là tiến trình giai cấp hóa các mô
hình hôn nhân giữa các tầng lớp và các nhóm sắc tộc khác nhau trong xã
hội. Khi luật ly dị được nới lỏng vào những năm 1960, tỉ lệ ly dị đã gia
tăng trong mọi tầng lớp xã hội. Nhưng vào khoảng thập niên 1980, một mô
hình mới đã xuất hiện: tỉ lệ ly dị bắt đầu giảm trong những bộ phận dân
chúng có học, trong khi tỉ lệ ly dị trong những bộ phận dân số thiếu
học vẫn tiếp tục tăng. Hơn nữa, những người có học và khá giả thường có
khả năng lấy vợ lấy chồng hơn, trong khi những người thiếu học ít có khả
năng này. Vì gia đình đóng vai trò là nơi tạo ra vốn con người, những
xu thế trên có hậu quả nghiêm trọng lây lan sang tình trạng bất bình
đẳng trong xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em được cả cha lẫn
mẹ nuôi dạy trong một cuộc hôn nhân không gián đoạn có khả năng phát
triển tinh thần kỷ luật và lòng tự tin hơn, để chuẩn bị cho những thành
công trong đời, trong khi trẻ em – và nhất là con trai – được nuôi trong
các hộ gia đình chỉ có một người cha hay mẹ đơn chiếc (hay, tồi tệ hơn
nữa, những hộ gia đình với một người mẹ có những quan hệ tạm bợ) thường
chịu rủi ro nhận lãnh những hậu quả xấu cao hơn.
Tất cả sự thể này đã và đang diễn ra
trong một thời kỳ mà cơ hội đồng đều trong việc tiếp cận giáo dục và
tiến trình phân cấp (stratification) các phần thưởng kinh tế thị trường
đang gia tăng – cả hai diễn biến này đã nâng cao tầm quan trọng của vốn
con người. Một yếu tố của vốn con người là khả năng nhận thức (cognitive
ability): sự nhanh trí, khả năng suy luận và áp dụng các mô hình rút từ
kinh nghiệm, và khả năng đối phó với tính phức tạp trí tuệ. Một yếu tố
khác là nhân cách và các kỹ năng xã hội: tinh thần kỷ luật, đức tính
kiên trì, và tinh thần trách nhiệm [còn được gọi là noncognitive skills,
ND]. Yếu tố thứ ba là kiến thức thực có (actual knowledge). Tất cả
những yếu tố này của vốn con người đang ngày càng trở nên tối quan trọng
cho sự thành công trong thị trường hậu công nghiệp. Như nhà kinh tế
Brink Lindsey nhận xét trong cuốn sách gần đây của ông, Human Capitalism
(Chủ nghĩa tư bản nhân văn), từ năm 1973 đến năm 2001, tăng trưởng lợi
tức trung bình hàng năm là 0,3% cho những người thuộc 1/5 thấp nhất
trong bản phân phối lợi tức Hoa Kỳ, so với 0,8% cho những người thuộc
1/5 ở giữa và 1,8% cho những người thuộc 1/5 cao nhất trong bản phân
phối. Những mô hình khá tương tự cũng chiếm lĩnh tại nhiều nền kinh tế
tiên tiến khác.
Tiến trình toàn cầu hóa không phải là
nguyên nhân gây ra, nhưng nó góp phần đẩy mạnh mô hình bất bình đẳng
ngày càng tăng về phân phối lợi tức tương ứng với vốn con người nêu trên
Chuyên gia kinh tế Michael Spence đã phân biệt hàng hoá và dịch vụ “mậu
dịch” (tradable), tức những thứ có thể xuất khẩu và nhập khẩu dễ dàng,
và những hàng hóa và dịch vụ “phi mậu dịch” (untradable), tức những thứ
không thể xuất nhập khẩu. Ngày càng nhiều, những hàng hóa và dịch vụ mậu
dịch được nhập vào các xã hội tư bản tiên tiến từ các xã hội tư bản kém
tiên tiến, là nơi giá lao động thấp hơn. Khi các hàng chế tạo và các
dịch vụ thông dụng được đưa ra sản xuất ở nước ngoài (outsourced) thì
đồng lương công nhân thiếu tay nghề và thiếu học tại các xã hội tư bản
tiên tiến sẽ xuống thấp hơn nữa, trừ phi những người này có thể tìm được
việc làm khấm khá trong khu vực hàng hóa-dịch vụ không thể xuất nhập
khẩu (the untradable sector).
Tác động của tài chính hiện đại
Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng
kinh tế hiện đang gia tăng đã trở nên nghiêm trọng hơn do chính nỗi bất
an và lo lắng cũng đang gia tăng của những người ở nấc thang kinh tế cao
hơn. Một xu thế ảnh hưởng đến vấn đề này là tiến trình tài chính hóa
nền kinh tế, chủ yếu diễn ra tại Mỹ, hiện đang tạo ra cái mà nhà kinh tế
Hyman Minsky mệnh danh là “chủ nghĩa tư bản quản lý tiền” (money
manager capitalism) và được chuyên gia tài chính Alfred Rappaport gọi là
“chủ nghĩa tư bản môi giới” (agency capitalism).
Đến tận thập niên 1980, tài chính tuy là
một yếu tố cần thiết nhưng hạn chế trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Việc mua
bán cổ phiếu (thị trường chứng khoán) gồm các nhà đầu tư cá nhân, lớn
hoặc nhỏ, bỏ tiền của chính mình vào cổ phần các công ty mà họ tin là có
viễn ảnh dài hạn tốt đẹp. Vốn đầu tư thời bấy giờ cũng có thể xuất phát
từ các ngân hàng đầu tư chính của Wall Street hay của các nước khác;
đây là những công ty tư nhân trong đó tiền của người hùn vốn có thể chịu
rủi ro mất mát. Tất cả điều này bắt đầu thay đổi khi các quỹ vốn chung
lớn hơn được đem ra đầu tư và được các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp
(professional money managers) chứ không do bản thân các chủ vốn ấy triển
khai trên thị trường.
Một nguồn vốn mới mẻ thuộc loại này là
các quĩ hưu trí (pension funds). Trong những thập kỷ hậu chiến, khi các
công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ ra đời từ Thế chiến II như là những
tập đoàn có sức mạnh độc quyền (oligopolies) ít gặp cạnh tranh và có thị
trường to lớn bành trướng ở bên trong cũng như bên ngoài nước Mỹ, lợi
nhuận và viễn ảnh tương lai của những công ty này đã cho phép chúng cung
ứng cho nhân viên của mình những chương trình hưu trí trong đó quyền
lợi công nhân được qui định rõ ràng và công ty gánh chịu mọi rủi ro.
Nhưng, từ thập niên 1970, vì môi trường kinh tế Hoa Kỳ trở nên giầu cạnh
tranh hơn trước, lợi nhuận của các tập đoàn cũng trở nên bấp bênh hơn,
và các công ty (cũng như nhiều tổ chức trong khu vực công) cố gắng
chuyển hướng sự rủi ro bằng cách đặt các quỹ hưu trí vào tay các nhà
quản lý tiền chuyên nghiệp, tức những chuyên gia được người ta kỳ vọng
sẽ tạo ra lợi nhuận đáng kể. Lợi tức hưu trí của nhân viên không còn tùy
thuộc vào lợi nhuận của các công ty họ từng phục vụ mà tùy thuộc vào số
phận của các quỹ hưu trí.
Một nguồn vốn mới mẻ khác là các quỹ tài
trợ (emdowments) cho các đại học và các tổ chức phi lợi nhuận thời gian
đầu nhờ quyên góp (donations) mà phát triển, nhưng càng ngày người ta
càng kỳ vọng chúng sẽ tăng trưởng hơn nữa nhờ thành tích của việc đầu tư
chúng vào thị trường. Và còn có một nguồn vốn mới mẻ hơn nữa phát xuất
từ các cá nhân và chính phủ trong thế giới đang phát triển, nơi mà sự
tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, kết hợp với một xu thế tiết kiệm cao và
một ước muốn bỏ vốn vào các dự án đầu tư tương đối an toàn, đã dẫn đến
những luồng tiền to lớn chảy vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ.
Được thúc đẩy một phần bởi những cơ hội
mới mẻ này, các ngân hàng đầu tư truyền thống của Wall Street đã tự biến
mình thành những tập đoàn có cổ phần được mua bán công khai trên sàn
giao dịch – nghĩa là, những ngân hàng này bắt đầu đầu tư không những với
ngân quỹ của chính mình mà còn với tiền của người khác – và ràng buộc
tiền thưởng dành cho các đối tác và nhân viên của mình vào lợi nhuận
hàng năm. Tất cả sự kiện này đã tạo ra một hệ thống tài chính cạnh tranh
cao độ, bị khống chế bởi những nhà quản lý đầu tư có khả năng điều động
những lượng vốn hùn hạp to lớn, và thù lao của họ tùy thuộc vào khả
năng mang lại thành tích vượt trội hơn những người cùng địa vị. Cơ cấu
tưởng thưởng trong môi trường này đã thúc đẩy các nhà quản lý quỹ đầu tư
cố gắng tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn (maximize short-term returns), và
sức ép này đã phần nào đổ xuống lãnh đạo các tập đoàn. Khung thời gian
bị thu hẹp đã tạo ra một cám dỗ là phải thúc đẩy lợi nhuận trước mắt,
bất chấp cả những đầu tư dài hạn, dù đó là lãnh vực nghiên cứu phát
triển (research and development) hay đó là việc cải thiện các kỹ năng
của lực lượng lao động trong một công ty. Đối với cả giới quản lý lẫn
nhân viên, hậu quả của nỗ lực đầu tư này là một tình trạng xáo trộn
thường xuyên làm gia tăng khả năng mất việc và bất an kinh tế.
Một nền kinh tế tư bản tiên tiến hẳn
nhiên cần đến một khu vực tài chính rộng lớn. Một phần của điều đó là
việc đơn giản nới rộng sự phân công lao động: giao các quyết định liên
quan đến đầu tư cho các chuyên gia có nghĩa là cho phép phần còn lại
trong dân chúng có được không gian trí tuệ (the mental space) để theo
đuổi những gì mà họ thành thạo hơn hay quan tâm nhiều hơn. Tính phức tạp
ngày càng gia tăng của các nền kinh tế tư bản ngụ ý rằng doanh nhân và
lãnh đạo các tập đoàn cần đến người giúp đỡ trong việc quyết định thời
điểm và phương cách gây vốn. Và các công ty quản lý đầu tư (private
equity firms) mà quyền lợi gắn liền với sự gia tăng giá trị thực (real
value) của các hãng mà chúng đầu tư, đóng vai trò chủ yếu trong việc đẩy
mạnh tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề này, vốn là mối bận tâm chính
đáng của các nhà tài chính, thường đưa đến những hậu quả quan trọng, và
muốn xử lý chúng thì phải cần đến thông minh, cần mẫn, và động lực. Vì
thế, chẳng phải là một điều đáng ngạc nhiên hay là một điều ngoài ý muốn
khi các chuyên gia trong lãnh vực này được trả lương rất hậu. Nhưng dù
những lợi ích và giá trị xã hội liên lũy của nó là gì đi nữa, tiến trình
tài chính hóa xã hội (the financialization of society) vẫn mang lại một
số hậu quả đáng tiếc, cả trong việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng
bằng cách nâng cấp giới chóp bu trên chiếc thang kinh tế (thông qua
những phần thưởng phi thường mà giới quản lý tài chính nhận được), lẫn
trong việc gia tăng tình trạng bất an kinh tế cho những thành phần ở nấc
thang thấp hơn (thông qua việc tập trung cao độ vào thành tích kinh tế
ngắn hạn mà phải loại bỏ các quan tâm dài hạn khác).
(Còn 1 kì)
__________________
Jerry Z. Muller là Giáo sư Sử học tại Catholic University of America và là tác giả cuốn The Mind and the Market: Capitalism in Western Thought (Trí tuệ và Thị trường: Chủ nghĩa Tư bản trong Tư tưởng phương Tây).
Nguồn: Jerry Z. Muller, “Capitalism and Inequality. What the Right and the Left Get Wrong”. Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=2645
======================================================================
Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng (3)
Jerry Z. Muller
Trần Ngọc Cư dịch
Xem kì 1 , kì 2 hoặc toàn bài trong bản PDF
Gia đình và vốn con người
Trong môi trường toàn cầu hóa, tài chính
hóa, hậu công nghiệp ngày nay, vốn con người là quan trọng hơn bao giờ
hết trong việc quyết định những cơ may trong đời. Điều này khiến vai
trò của gia đình trở nên quan trọng hơn cũng bởi vì, các nguồn lực do
gia đình truyền lại cho con cái có xu thế định đoạt rất nhiều cho sự
thành công ở nhà trường và nơi làm việc, như phát hiện luôn lặp lại của
mọi thế hệ các nhà nghiên cứu xã hội và khiến họ tiu nghỉu. Như chuyên
gia kinh tế Friedrich Hayek đã vạch ra nửa thế kỷ trước trong cuốn The Constitution of Liberty
(Hiến pháp của Tự do), trở ngại chính cho sự bình đẳng về cơ hội là ta
không thể tìm được một cơ chế tốt hơn để thay thế những vị phụ huynh
thông minh hay những gia đình biết bồi dưỡng tình cảm và văn hóa cho con
cái. Theo một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế Pedro Carneiro và
James Heckman, “Những khác biệt về trình độ kỹ năng nhận thức (cognitive
skills) và các kỹ năng không thuộc phạm vi nhận thức (noncognitve
skills) xuất hiện sớm trong đời người và tồn tại mãi. Có chăng là, học
vấn chỉ đào sâu thêm những khác biệt đầu đời này mà thôi”.
Vốn di truyền nằm dưới nhiều dạng thức
khác nhau: cơ cấu gien (genetics), sự nuôi dưỡng trước và sau khi đứa
trẻ sinh ra, và các định hướng văn hóa được truyền đạt trong gia đình.
Hẳn nhiên, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng thường không quan trọng bằng
những yếu tố gần như không liên quan đến tiền bạc này. (Sự hiện hữu nổi
bật của sách báo trong một hộ gia đình là dấu hiệu con cái đạt điểm cao ở
học đường, chứ không phải là lợi tức của gia đình đó.) Qua thời gian,
nếu xã hội được tổ chức dựa vào chế độ nhân tài, vốn di truyền gia đình
và phần thưởng thị trường sẽ có có xu thế gắn bó với nhau.
Những cha mẹ có học vấn thường có khuynh
hướng đầu tư thêm thì giờ và năng lực cho việc chăm sóc con cái, thậm
chí khi cả cha lẫn mẹ đều bận việc ở sở làm. Và những gia đình có vốn
con người phong phú có khả năng sử dụng hiệu quả hơn những phương tiện
giáo dục cải tiến mà chủ nghĩa tư bản đương đại cống hiến (chẳng hạn
tiềm năng bồi dưỡng tri thức qua Internet) đồng thời chống lại những cạm
bẫy tiềm ẩn (như xem TV và chơi các trò chơi vi tính).
Điều này ảnh hưởng đến khả năng của trẻ
em trong việc vận dụng nền giáo dục chính thức ở nhà trường, một nền
giáo dục ít ra cũng có tiềm năng ngày càng mở rộng để đón tiếp mọi
người, bất chấp địa vị kinh tế hay sắc tộc. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có
6,4 % trẻ em Mỹ hoàn tất bậc trung học, và chỉ một trong 400 người tiếp
tục lên đại học. Như vậy, thời bấy giờ một bộ phận dân chúng rất đông
đảo có khả năng trí óc, nhưng không có cơ hội, để theo đuổi các bằng cấp
cao. Ngày nay, tỉ lệ học sinh Mỹ hoàn tất bậc trung học là khoảng 75%
(xuống từ đỉnh cao 80% năm 1960), và khoảng 40% thanh niên đăng ký theo
học đại học.
Tờ The Economist gần đây đã
nhai lại một quan niệm lỗi thời: “Trong một xã hội có cơ hội đồng đều
rộng rãi, địa vị của cha mẹ trên thang lợi tức sẽ không mấy ảnh hưởng
đến nấc thang lợi tức của con cái họ về sau”. Nhưng sự thật là, càng có
cơ hội đồng đều do cơ chế tạo ra bao nhiêu, thì các di sản thuộc vốn con
người của gia đình lại càng quan trọng bấy nhiêu. Như nhà khoa học
chính trị Edward Banfield nhận xét một thế hệ trước đây trong cuốn The Unheavenly City Revisited [một
tác phẩm xét lại các vấn đề đô thị Mỹ, ND], “Toàn bộ nền giáo dục luôn
ưu đãi trẻ em thuộc giai cấp trung lưu hoặc thượng lưu, vì thuộc về giai
cấp trung lưu hay thượng lưu có nghĩa là hưởng được những phẩm chất tốt
đẹp giúp cho việc học tập đặc biệt dễ dàng”. Những cải tiến về phẩm
chất trường học có thể cải thiện thành quả giáo dục nói chung, nhưng
chúng có xu thế làm gia tăng, chứ không giảm bớt, khoảng cách thành đạt
giữa con em xuất thân từ những gia đình có vốn con người chênh lệch
nhau. Những nghiên cứu gần đây với mục đích chứng minh rằng tại Hoa Kỳ
ngày nay sự thăng tiến xã hội giữa các thế hệ (intergenerational
mobility) ít diễn ra hơn so với trong quá khứ (hay so với tại một số
quốc gia châu Âu), đã không thấy được rằng sự kiện này thật ra có thể là
sản phẩm trớ trêu của nỗ lực gia tăng bình đẳng về cơ hội qua nhiều thế
hệ. Và trong khía cạnh này, có thể Hoa Kỳ chỉ là nước dẫn đầu trong các
xu thế cũng hiện diện tại các nước tư bản tiên tiến khác.
Thành đạt khác nhau giữa các nhóm xã hội
Gia đình không phải là cơ chế xã hội duy
nhất có một ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển vốn con người
(human capital) và đối với sự thành công nhiên hậu trong thị trường; các
nhóm cộng đồng, như các cộng đồng tôn giáo, chủng tộc và dân tộc cũng
có một ảnh hưởng tương tự. Trong cuốn sách xuất bản năm 1905, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism
(Luân lý Tin lành và Tinh thần Tư bản chủ nghĩa), nhà xã hội học Max
Weber nhận xét rằng trong các khu vực tôn giáo khác nhau, người Tin lành
làm kinh tế giỏi hơn người Công giáo, và người theo Giáo phái Calvin
(Calvinists) thành công hơn người theo Giáo phái Luther (Lutherans).
Weber đưa ra một một lý giải mang tính văn hóa cho sự khác biệt này, một
sự khác biệt có gốc rễ trong những khuynh hướng tâm lý do các đức tin
khác nhau này tạo ra. Vài năm sau, trong cuốn The Jews and Modern Capitalism
(Người Do Thái và Chủ nghĩa Tư bản Hiện đại), Werner Sombart, người
đồng thời với Weber, đưa ra một lý giải khác hơn cho sự thành công của
các nhóm khác nhau, bằng cách một phần dựa vào các khuynh hướng văn hóa
và một phần dựa vào các khuynh hướng chủng tộc. Và đến năm 1927,
Schumpeter, một đồng nghiệp trẻ hơn của họ đã đặt tựa đề cho một bài
tiểu luận quan trọng là “Giai cấp xã hội trong một môi trường thuần
chủng (ethnically homogeneous)”, vì ông đinh ninh rằng trong một bối
cảnh hợp chủng, các mức độ thành đạt thay đổi theo từng sắc dân, chứ
không chỉ theo giai cấp xã hội mà thôi.
Những lý giải được đưa ra cho những mô
hình nói trên là không quan trọng bằng thực tế là, mức thành đạt khác
nhau giữa các nhóm vẫn là một đặc điểm bất diệt trong lịch sử của chế độ
tư bản, và những chênh lệch này vẫn tiếp tục tồn tại ngày nay. Tại Hoa
Kỳ đương đại, chẳng hạn, người châu Á (đặc biệt khi không kể đến các sắc
dân hải đảo Thái Bình Dương) có xu thế thành đạt hơn người da trắng bản
xứ (non-Hispanic whites), người da trắng bản xứ lại thành đạt hơn người
da trắng gốc châu Mỹ La tinh (Hispanic whites), người châu Mỹ La tinh
lại thành đạt hơn người Mỹ gốc châu Phi [người da đen]. Đây là sự thật
dù ta nhìn vào sự thành đạt về học vấn, vào lợi tức, hay nhìn vào các
loại hình gia đình, như các trường hợp sinh con ngoại hôn chẳng hạn.
Những quốc gia Tây Âu (và nhất là những
quốc gia Bắc Âu), với những trình độ bình đẳng kinh tế còn cao hơn Mỹ
nhiều, thông thường là những nước có những khối dân thuần chủng hơn Mỹ.
Khi những đợt dân nhập cư gần đây làm cho nhiều nước tiên tiến hậu công
nghiệp giảm bớt tính thuần chủng so với trước, chúng cũng có vẻ phân hoá
giai cấp theo các đường ranh cộng đồng, với một số nhóm dân nhập cư
biểu hiện những mô hình thành công hơn khối dân cư hiện hữu từ trước và
một số nhóm khác lại ít thành công hơn. Tại Vương quốc Anh chẳng hạn,
con cái những người Trung Hoa và người Ấn Độ nhập cư thường thành công
hơn dân bản xứ, trong khi con cái của người da đen từ vùng Ca-ri-bê
(Caribbean blacks) và người Pakistan thường thua kém hơn. Tại Pháp, con
cái của người Việt Nam nhập cư thường thành công hơn con cái người bản
xứ, và con cái của các sắc dân Bắc Phi lại thua kém hơn. Tại Israel, con
cái của người Nga nhập cư thường thành công hơn người bản xứ, trong khi
con cái của những người nhập cư từ Ethiopia lại thua kém hơn. Tại
Canada, con cái người Trung Hoa và người Ấn Độ thường thành công hơn con
cái dân bản xứ, trong khi con cái của dân nhập cư từ vùng Ca-ri-bê và
châu Mỹ La tinh lại thua kém hơn. Phần lớn sự chênh lệnh trong mức độ
thành công này có thể được giải thích bằng thành phần giai cấp và quá
trình đào tạo khác nhau của các nhóm nhập cư ngay tại cố quốc của họ.
Nhưng vì bản thân những cộng đồng nhập cư này đã đóng vai trò là nơi cưu
mang vốn con người, những mô hình về sự thành đạt này có khả năng và
vẫn còn tồn tại qua thời gian và không gian.
Trong trường hợp Hoa Kỳ, chính sách di
trú của nước này đã đóng một một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong việc
làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, vì tính năng động kinh
tế, sự cởi mở văn hóa, và địa thế của nước Mỹ có xu thế thu hút một số
người tài giỏi và thông minh nhất thế giới lẫn một số người ít học nhất
thế giới. Sự thể này đã nâng chóp bu của thang kinh tế lên cao và hạ
phần dưới cùng xuống thấp hơn nữa.
Tại sao giáo dục không phải là một phương thuốc chữa trị mọi thứ bệnh
Sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn về tình
trạng bất bình đẳng và phân hóa giai cấp xã hội đang gia tăng tại các
nước hậu công nghiệp đương nhiên đã đưa đến các cuộc thảo luận về những
điều có thể thực hiện để đối phó vấn đề này. Trong bối cảnh của Hoa Kỳ,
câu trả lời đến từ hầu hết mọi thành phần xã hội thật là đơn giản: giáo
dục.
Một chủ đề của lập luận này tập trung
vào giáo dục đại học. Theo đó, hiện nay có một khoảng cách đang gia tăng
về những cơ may trong đời giữa những người tốt nghiệp đại học và những
người không tốt nghiệp, và vì thế cần phải có càng nhiều người vào đại
học càng tốt. Đáng tiếc là, mặc dù một tỉ lệ người Mỹ cao hơn trước đang
theo đuổi bậc đại học, nhưng họ không nhất thiết học hỏi nhiều hơn. Một
con số ngày càng đông đảo không đủ khả năng học tập ở bậc đại học,
nhiều người phải rời ghế nhà trường trước khi hoàn tất học vị, và nhiều
người khác nhận những bằng cấp chỉ phản ánh những tiêu chuẩn thấp hơn
trình độ mà người ta thường cho là một bằng đại học phải có.
Trong khi đó, mức chênh lệch đáng kể
nhất trong sự thành tựu ở học đường diễn ra sớm hơn bậc đại học, được
biểu hiện trong tỉ lệ hoàn tất bậc trung học, và những chênh lệnh quan
trọng trong thành tích học tập (giữa các giai cấp xã hội khác nhau và
giữa các sắc tộc khác nhau) còn xuất hiện sớm hơn, ngay từ cấp tiểu học.
Do đó, một chủ đề thứ hai của cuộc tranh luận giáo dục tập trung vào
bậc tiểu học và trung học. Những phương thức chữa trị được đề xuất ở đây
gồm có: cung cấp thêm tiền cho các trường học, cho phụ huynh nhiều lựa
chọn hơn, kiểm tra bài vở của học sinh thường xuyên hơn, và cải thiện
hiệu năng của giáo viên. Thậm chí nếu một số hoặc toàn bộ các biện pháp
này là đáng mong muốn vì những lý do khác đi nữa, không một biện pháp
nào chứng tỏ đã giảm bớt khoảng cách giữa các học sinh và giữa các nhóm
xã hội – vì bản thân nền giáo dục chính thức ở nhà trường (official
schooling) đóng một vai trò tương đối nhỏ bé trong việc tạo ra hoặc duy
trì các khoảng cách thành đạt (achievement gaps).
Thật ra những khoảng cách này có nguồn
gốc trong những mức vốn con người khác nhau (different levels of human
capital) mà trẻ em thừa hưởng khi chúng bắt đầu đi học – điều này đã dẫn
đến một chủ đề thứ ba của cuộc tranh luận giáo dục, tập trung vào việc
chăm sóc tuổi thơ ấu của trẻ em sớm hơn và tích cực hơn. Những đề xuất ở
đây thường dẫn đến việc đưa trẻ em ra khỏi môi trường gia đình và đặt
chúng vào những bối cảnh mang tính cơ chế (institutional settings) càng
dài thời gian càng tốt (như chương trình Head Start, Early Head Start
/cho trẻ em đi học sớm) hay thậm chí cố gắng tái xã hội hoá toàn bộ
những khu dân sinh (như trong dự án Khu vực của Trẻ em Harlem/the Harlem
Children’s Zone project). Có một số trường hợp thành công riêng lẻ với
những chương trình này, nhưng không ai biết chắc là chúng có thể được
nhân rộng trên một qui mô lớn hơn không. Nhiều chương trình cho thấy kết
quả ngắn hạn về khả năng nhận thức, nhưng hầu hết những thành quả này
có xu thế mai một qua thời gian, và những thành quả còn sót lại thường
là không đáng kể. Có một điều khả tín hơn là, những chương trình này
giúp trẻ em trau dồi các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức
(noncognitive skills [như các đức tính]) và những đặc điểm nhân cách có
thể dẫn đến thành công kinh tế tương lai – nhưng với một cái giá và nỗ
lực đầu tư đáng kể, vì phải sử dụng các nguồn lực được rút tỉa từ những
bộ phận thành công hơn trong xã hội (và như thế làm suy yếu các nguồn
lực mà họ có thể sử dụng để đầu tư) hay các nguồn lực được chuyển từ các
dự án tiềm năng khác.
Vì tất cả những lý do trên, tình trạng
bất bình đẳng trong các xã hội tư bản tiên tiến dường như vừa gia tăng
vừa không tránh khỏi, chí ít trong giai đoạn hiện nay. Thật vậy, một
trong những khám phá chắc chắn nhất của ngành nghiên cứu khoa học xã hội
đương đại là, một khi sự cách biệt giữa các gia đình có lợi tức cao và
những gia đình có lợi tức thấp gia tăng, thì những cách biệt trong sự
thành đạt về học vấn và công ăn việc làm giữa con cái họ lại càng gia
tăng hơn nữa.
Phải làm gì?
Chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn tiếp tục
tạo ra những lợi ích ngoạn mục và những cơ hội ngày càng to lớn hơn cho
việc tự trau dồi và phát triển bản thân. Nhưng hơn bao giờ hết, những
mặt tốt của nó đang đi cùng với những mặt xấu, đặc biệt là việc gia tăng
tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế. Như Marx và Engels đã nhận
xét chính xác, điều làm cho chủ nghĩa tư bản khác với các hệ thống xã
hội và kinh tế khác là nó “thường xuyên cách mạng hóa việc sản xuất, gây
xáo trộn liên tục cho mọi tình huống xã hội, [và] mang lại tình trạng
bấp bênh và dao động triền miên”.
Vào cuối thế kỷ 18, nhà nghiên cứu và
thực hành môn kinh tế chính trị vĩ đại nhất nước Mỹ, Alexander Hamilton,
đã có một số nhận xét sâu sắc về tính hàm hồ tất yếu (inevitable
ambiguity) của chính sách công trong một thế giới đầy lực hủy diệt sáng
tạo (a world of creative destruction):
Cái thân phận mà Thượng đế đã quan
phòng vĩnh viễn cho con người là, mỗi điều tốt lành mà con người được
thụ hưởng đều bị pha trộn với nhiều điều xấu xa, mọi suối nguồn hoan lạc
là ngọn nguồn của thương đau – ngoại trừ một điều là Đức hạnh, điều tốt
lành duy nhất không bị pha chế được phép tồn tại trong Thân phận hữu
hạn của con người… Người làm chính trị đích thực… sẽ hỗ trợ những cơ chế
và kế hoạch nàocó xu thế tạo hạnh phúc cho đồng loại, phù hợp với
khuynh hướng tự nhiên của họ là gia tăng gấp bội nguồn hạnh phúc cá nhân
và gia tăng các nguồn tài nguyên và sức mạnh quốc gia – cố gắng đưa vào
mỗi trường hợp tất cả những thành tố có thể được sử dụng để vạch ra các
biện pháp ngăn ngừa và chỉnh sửa cái ác vốn luôn luôn đi đôi với những
ân sủng thế gian.
Bây giờ cũng như vào thời đó, vấn đề
trước mắt chỉ là làm thế nào để duy trì những ân sủng thế gian của chủ
nghĩa tư bản đồng thời vạch ra các biện pháp ngăn ngừa và chỉnh sửa đối
với những điều ác vốn luôn luôn đi đôi với những ân sủng ấy.
Một liều thuốc tiềm năng để chữa trị các
vấn đề bất bình đẳng và bất an kinh tế giản dị là tái phân phối lợi tức
từ chóp bu xuống tận đáy của nền kinh tế. Tuy nhiên, phương thức này có
hai khuyết điểm. Khuyết điểm thứ nhất là, qua thời gian, chính các thế
lực đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng sẽ xác lập lại thế
lực của mình; việc này đòi hỏi tái phân phối lợi tức thêm nữa, hay tái
phân phối mạnh mẽ hơn. Khuyết điểm thứ hai là vào một thời điểm nào đó,
việc tái phân phối lợi tức sẽ tạo ra bất mãn sâu sắc và cản trở các động
cơ tăng trưởng kinh tế. Một mức độ nào đó của việc tái phân phối lợi
tức thông qua đánh thuế, sau các kết toán thị trường, là điều có thể
thực hiện và cần thiết, nhưng mức độ lý tưởng là bao nhiêu thì đây là
vấn đề chắc chắn sẽ bị tranh cãi gay gắt, và dù con số có nhiều bao
nhiêu đi nữa, việc tái phân phối lợi tức sẽ không bao giờ giải quyết
được những vấn đề cơ bản.
Phương thuốc thứ hai, sử dụng chính sách
chính phủ để thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân và giữa các nhóm xã
hội bằng cách đưa chính sách ưu đãi cho những thành phần làm ăn thất
bát, có lẽ còn tồi tệ hại hơn cả chính cơn bệnh. Dù bất cứ ích lợi được
viện dẫn là gì đi nữa, những phần thưởng được ủy thác cho một số loại
công dân nhất định chắc chắn tạo ra một cảm thức bất công trong phần còn
lại của xã hội. Nghiêm trọng hơn nữa là cái giá phải trả cho những phần
thưởng này nếu xét về hiệu năng kinh tế, vì theo định nghĩa, chúng sẽ
đưa những cá nhân thiếu khả năng lên những địa vị mà họ sẽ không thể
vươn tới nếu chỉ dựa vào tài năng của mình. Tương tự như thế, những
chính sách cấm đoán việc sử dụng tiêu chuẩn tài năng (meritocratic
criteria) trong giáo dục, trong việc thu dụng nhân viên, và cung cấp tín
dụng – chỉ vì những tiêu chuẩn này có “tác động chênh lệch” lên số phận
của nhiều cộng đồng khác nhau hoặc vì chúng làm gia tăng hậu quả bất
bất bình đẳng xã hội – chắc chắn sẽ làm suy giảm phẩm chất của hệ thống
giáo dục, lực lượng lao động, và cả nền kinh tế.
Một phương án chữa trị thứ ba, khuyến
khích đổi mới kinh tế liên tục để làm lợi cho mọi người, có nhiều hứa
hẹn hơn hai phương án trên. Sự kết hợp giữa Internet và các cách mạng
điện toán hiện nay có thể được ví với việc khám phá ra điện, một khám
phá đã tạo điều kiện cho gần như vô số hoạt động khác, đã chuyển hóa xã
hội nói chung trong nhiều cung cách không ai tiên đoán được. Trong số
những thành quả khác, Internet đã cực kỳ nhanh chóng gia tăng tốc độ của
kiến thức, một yếu tố chủ yếu trong việc tăng trưởng kinh tế tư bản chủ
nghĩa chí ít kể từ thế kỷ 18. Thêm vào đó, các viễn ảnh của các ngành
khác dù còn nằm trong thời kỳ ấu trĩ, như công nghệ sinh học
(biotechnology), sinh tin học (bioinformatics), và công nghệ nanô
(nanotechnology), cũng như các viễn ảnh về tăng trưởng kinh tế tương lai
và sự cải thiện đang diễn ra của đời sống con người, đều có vẻ sáng sủa
một cách hợp lý. Tuy nhiên, thậm chí cả sự đổi mới liên tục lẫn sự phục
hồi tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không loại bỏ hay thậm chí giảm bớt một
cách đáng kể tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế, vì sự khác
biệt giữa các cá nhân, giữa các gia đình, và giữa các tập thể sẽ vẫn cứ
ảnh hưởng đến sự phát triển vốn con người (human capital) và sự thành
đạt nghề nghiệp.
Do đó, muốn cho chủ nghĩa tư bản tiếp
tục giữ được tính chính đáng và đáp ứng được nguyện vọng của các bộ phận
dân chúng nói chung – kể cả những thành phần hạ lưu và trung lưu trên
nấc thang kinh tế xã hội, cũng như những thành phần thượng lưu gần chóp
bu, kẻ thua cũng như người thắng – các mạng lưới an toàn do chính phủ
lập ra nhằm giúp giảm bớt tình trạng bất an kinh tế, xoa dịu những nhức
nhối do thất bại trong thị trường và giúp duy trì cơ hội đồng đều cho
mọi người, cần phải được duy trì và được hồi sinh. Những chương trình
này đã hiện hữu tại hầu hết các nước trong thế giới tư bản tiên tiến, kể
cả Hoa Kỳ, và vì thế cánh Hữu cần phải chấp nhận rằng chúng đang đáp
ứng một mục đích không thể thiếu và phải được duy trì chứ không nên cắt
bỏ – rằng những chi phí của chính phủ về phúc lợi xã hội là một cách đối
phó thích hợp với một số đặc điểm có vấn đề nội tại trong chủ nghĩa tư
bản, chứ không phải là một “con quái vật” cần phải “bỏ đói”.
Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, những biện pháp
như an sinh xã hội (Social Security), bảo hiểm thất nghiệp (unemployment
insurance), phiếu mua thực phẩm dành cho người nghèo (food stamps), tín
chỉ giảm thuế lợi tức (the Earned Income Tax Credit), chế độ y tế cho
người nghỉ hưu (Medicare), chế độ y tế cho người già hay người tàn tật
(Medicaid), và việc nới rộng bảo hiểm do Đạo luật Cải tổ Y tế (the
Affordable Care Act [hay Obamacare]) đã giúp đỡ và xoa dịu trước hết
những người kém thành công hay không thể tham dự vào nền kinh tế hiện
nay. Cắt giảm phạm vi trợ cấp của những chương trình này là một hành vi
thiếu nhân ái trong khi tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế đang
gia tăng. Và nếu không vì gì khác chăng nữa, thì chính tinh thần vị kỷ
sáng suốt (the enlightened self-interest) của những ai đã hưởng lợi
nhiều nhất trong một xã hội mang tính năng động tư bản chủ nghĩa chắc
chắn sẽ giúp họ nhận ra rằng, nếu không chịu từ bỏ một số thành quả thị
trường của mình để đạt được sự ổn định xã hội và kinh tế liên tục, thì
đó là một thái độ dại dột. Các chương trình phúc lợi của chính phủ cần
phải cải tổ cấu trúc, nhưng cánh Hữu phải chấp nhận rằng một nhà nước
phúc lợi rộng lượng hợp lý sẽ còn tồn tại mãi, và tồn tại vì những lý do
hết sức hợp lý.
Về phần mình, cánh Tả cần phải tỉnh táo
đối diện với thực tế là, những toan tính táo bạo nhằm xóa bỏ tình trạng
bất bình đẳng có thể vừa là quá tốn kém vừa là vô ích. Chính sự thành
công của những nỗ lực trong quá khứ nhằm gia tăng sự bình đẳng về cơ hội
– như mở rộng cánh cửa giáo dục và cấm hẳn mọi hình thức phân biệt đối
xử – mang ý nghĩa là, trong các xã hội tư bản tiên tiến ngày nay, những
vựa tiềm năng to lớn và riêng rẽ chưa được khai thác càng ngày càng trở
nên hiếm hoi. Vì vậy, việc đưa thêm nhiều biện pháp hơn nữa để cải thiện
sự bình đẳng có thể khó đạt được thành quả như các biện pháp đã sử dụng
trước đây, trong khi sự tốn kém lại to lớn hơn nhiều. Và nếu những biện
pháp này dẫn đến việc lấy mất nguồn lực của những thành phần xã hội có
vốn con người phong phú hơn để đưa sang những thành phần thiếu loại vốn
này, hoặc không đếm xỉa đến các tiêu chuẩn thành đạt và tài năng, thì
chúng sẽ cản trở tính năng động và đà tăng trưởng kinh tế, vốn là nền
tảng cho nhà nước phúc lợi hiện nay đứng vững.
Như vậy, thách thức đối với chính sách
của chính phủ trong thế giới tư bản tiên tiến là làm thế nào để duy trì
một mức độ năng động kinh tế nhằm cung ứng các lợi ích ngày càng to lớn
cho tất cả mọi người, đồng thời có thể chi trả những chương trình phúc
lợi xã hội cần thiết nhằm làm cho đời sống của người dân dễ thở hơn
trong tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày càng gia tăng. Các
quốc gia khác nhau sẽ đối phó thách thức này bằng những đường lối khác
nhau, vì mỗi quốc gia có những ưu tiên, những truyền thống, có diện
tích, và những đặc tính dân số và kinh tế khác nhau. (Một trong những ảo
tưởng của thời đại là nghĩ rằng trong vấn đề chính sách của chính phủ,
các quốc gia có thể tùy tiện vay mượn mô hình của nhau.) Nhưng một khởi
điểm hữu ích có lẽ là, phải từ bỏ cả loại chính trị đặc quyền đặc lợi
(the politics of priviledge) lẫn loại chính trị sách động hận thù (the
politics of resentment), để chấp nhận một quan điểm rõ ràng về những gì
chủ nghĩa tư bản thực sự có liên quan, chứ không mang thái độ lý tưởng
hóa của những người sùng bái chủ nghĩa này và thái độ phỉ báng của những
người đả kích nó.
_________
Jerry Z. Muller là Giáo sư Sử học tại Catholic University of America và là tác giả cuốn The Mind and the Market: Capitalism in Western Thought (Trí tuệ và Thị trường: Chủ nghĩa Tư bản trong Tư tưởng phương Tây).
Nguồn: Jerry Z. Muller, “Capitalism and Inequality. What the Right and the Left Get Wrong”. Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra
nguồn:http://www.procontra.asia/?p=2652
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001