Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Gánh hát Phụng Hảo lưu diễn ở Nam Vang 

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013-06-29
mc-2-305.jpg
Kim Cúc – Năm Châu – Phùng Há trong vở Tuyết Băng và bạo lực.
Courtesy Huỳnh Công Minh 

Nhớ quê hương

Gánh hát lên Nam Vang ở lâu đến 5 năm, thì dĩ nhiên mọi người trong gánh hát ai cũng nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở Việt Nam, ai cũng có về thăm nhà, người có nhà cửa sự nghiệp ở Nam Vang họ còn muốn về, huống chi là gánh hát nơi nào cũng là tạm hết, mà một chỗ ở tới 5 năm trời thì họ cũng sắp xếp để về thăm, đặc biệt là họ về vào ngày giỗ ông bà cha mẹ.
Lúc đi thì bằng ghe phải mất mấy ngày mới tới, nhưng khi về thăm nhà thì chẳng ai đi ghe tàu cả, mất thì giờ, mà đi bằng xe đò chỉ một buổi là tới nơi. Hồi đó có xe đò chạy đường Sài Gòn – Nam Vang, sáng khởi hành tại dốc cầu Sài Gòn, và khoảng 12 giờ trưa là đến bến xe Chợ Lớn. Ở Nam Vang có chiếc cầu không biết do ai đặt tên, mà lại mang tên “Cầu Sài Gòn”, người Việt cư ngụ ở đây khá đông nên xe đò đậu bến ngay ở chỗ dốc cầu, mỗi ngày đưa hành khách về Việt Nam và ngược lại. Nhờ đi xe đò dễ dàng, mau tới, nên trừ một số ít là họ không về hoặc không cần về, chớ phần đông anh chị em đào kép công nhân thì năm nào cũng về thăm quê hương, có người một năm về Việt Nam tới mấy lần, và khi đi như vậy thì vai trò nhờ người khác thay thế, những người không vai trò hát thay cho, hoặc một người đóng hai vai. Các vai phụ người ta ít chú ý, hơn nữa trang phục tuồng Tàu mang hia đội mão rất khó phân biệt đào kép thủ hai vai. Riêng Má Bảy Phùng Há là đào chánh, nếu không có mặt là khán giả biết ngay, do đó mà không lần nào về thăm Việt Nam mà ở quá hai đêm, có khi ở Sài Gòn một đêm thôi là phải trở lại Nam Vang ngay, vậy mà bà cũng về cả chục lần.
Đối với một người mà tên tuổi gắn liền với nghệ thuật cải lương như Má Bảy Phùng Há, thì dĩ nhiên trong đời đi hát không biết bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn, nếu kể hết ra từng sự việc xảy ra trong gần tám thập niên, phục vụ nghệ thuật thì chắc phải viết thành cuốn nhựt ký nhiều trang. Do đó tôi chỉ xin Má Bảy kể lại kỷ niệm nào đáng ghi nhớ nhứt, ăn sâu vào tâm khảm nhiều nhứt, thì câu trả lời của Má Bảy là: Sanh nghề tử nghiệp.
Câu chuyện sanh nghề tử nghiệp đã ám ảnh Má Bảy suốt nhiều thập niên, mà cho đến ngày đã gần đất xa trời rồi, mà khi nhắc tới cũng tưởng chừng như mới gần đây thôi, như vậy cho thấy rằng câu chuyện phải có gì đặc biệt lắm, chớ nếu không thì đâu có vương vào tâm trí lâu dài.
Số là trong thời gian đoàn Phụng Hảo, đóng trụ tại rạp Kim Phụng ở Nam Vang suốt 5 năm, như đã nói qua ở mấy kỳ trước, mà lúc bấy giờ thành phần nghệ sĩ hầu hết đều còn trẻ, kể cả Má Bảy cũng còn ở tuổi thanh xuân, thì một chuyện đau buồn đưa đến không những làm rúng động trong đoàn hát, mà luôn cả khối người Việt đang làm ăn sinh sống ở Nam Vang, cũng xúc động bàng hoàng, đó là nghệ sĩ kép chánh Tư Út chết trên sàn diễn, trong lúc đang hát đóng cặp với nghệ sĩ Phùng Há trong tuồng Mộng Hoa Vương.

Chuyện chẳng lành


NamChauPhungHa-250.jpg
Từ trái sang: Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong Tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc ở Cần Thơ diễn trên sân khấu khoảng năm 1931. Hình: Ngành Mai sưu tầm.

Năm 1948 một đêm nọ trước mấy trăm khán giả, gánh Phụng Hảo đang diễn tuồng Mộng Hoa Vương, tức “Một Đêm Trăng Trong Vườn Ngự Uyển”, nghệ sĩ Phùng Há đóng vai Mộng Hoa Vương và kép Tư Út trong vai sứ giả Ngô Trung Cảnh. Buổi diễn đêm nay là lần diễn cuối cùng của Tư Út, hai màn đầu hào hứng đi qua, khán giả hồi hộp say mê với màn ba, cảnh đêm trăng huyền ảo, vườn ngự uyển đẹp như thiên thai, nhạc trỗi khúc giao duyên, sóng tình Mộng Hoa Vương xao động. Ngô sứ giả say cảnh đêm trăng, say hương người ngọc, chén quỳnh vơi cạn mấy lần.
Trong vai Mộng Hoa, Phùng Há dịu dàng lộng lẫy, Ngô Trung Cảnh Tư Út lẫm liệt nhưng đa tình. Mộng Hoa Vương bước tới làm duyên:
Dù trẫm là một bậc chí tôn, cũng theo tiếng gọi của trái tim dịu dàng.
Ngô sứ giả chợt ngây người, rồi ngồi sụm xuống đột biến ngã vào người Mộng Hoa Vương Phùng Há. Tưởng đâu kép chánh Tư Út quên tuồng hát cương cho qua lớp, đào chánh Phùng Há do phản ứng tự nhiên vội vàng đỡ lấy ôm chặt Ngô Sứ Giả vào người chớ không thôi té ngã, đồng thời kêu:
Ngô Sứ Giả chàng đã say rồi à!
Không thấy trả lời, Mộng Hoa Vương kêu tiếp:
Ngô Sứ Giả chàng đã say rồi sao, thôi để thiếp đưa chàng vào trướng gấm.
Nhưng Ngô Trung Cảnh không còn nghe lời yêu đương của nữ hoàng được nữa, chàng gục đầu xuống thiếp đi trong tiếng đàn réo rắc, giọng hát mê ly. Vẫn không thấy Ngô Sứ Giả động tịnh gì hết, Mộng Hoa Vương mới cuống cuồng lên, kêu các nhạc sĩ ngưng lại, nhưng do kêu tiếng nhỏ nên mấy ông thầy đờn có nghe gì đâu, vẫn tiếp tục hòa nhạc trổi khúc giao duyên. Mộng Hoa Vương day vào trong nói lớn:
Thôi đi mấy ông ơi, đờn cái gì nữa, anh Tư Út chết rồi đây nè!
Giờ đây thì mấy ông thầy đờn mới buông đờn chạy ra tiếp cứu, còn về phía khán giả thì chẳng ai biết ất giáp gì cả, tưởng đâu lớp tuồng là như thế, đến chừng nghe Mộng Hoa Vương tức đào chánh Phùng Há kêu như vậy thì mới biết có chuyện chẳng lành.
Trong số những người coi hát hôm bữa đó có bác sĩ Nguyễn Văn Minh, rời hàng ghế khán giả nhảy lên sân khấu, làm ngay công việc của một bác sĩ, ông định bệnh cho rằng kép chánh Tư Út bị đứt gân máu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh sinh quán ở Miền Nam Việt Nam, du học tốt nghiệp y khoa ở Pháp, cùng thời với bác sĩ Trương Ngọc Hơn, Trần Quang Đệ. Về nước ông qua Miên làm việc trong bệnh viện lớn ở Nam Vang, đồng thời mở phòng mạch tư. Ông có quốc tịch Pháp và ở luôn bên Nam Vang, đến lúc bên Miên “cáp duồn” người Việt, Má Bảy có hỏi thăm nhưng chẳng biết tin tức gì cả, không biết ông có thoát được bàn tay đẫm máu của Pon Pot, chủ trương tiêu diệt các nhà trí thức theo chính sách của Khờ Me Đỏ hay không.
Nghệ sĩ Phùng Há hét lên, khán giả xôn xao, rạp hát bắt đầu hỗn loạn, tiếng bàn tán vang lên. Tuy vậy khán giả vẫn ngồi lại theo dõi, chớ chưa ai đi về dù là bức màn nhung đã được buông xuống. Phía sau hậu trường cô Phùng Há muốn điên vì không ai chịu thế vai Ngô Trung Cảnh, kép hề Ba Vân, kép Mười Bửu đều không thuộc tuồng. Đối cùng kép Bảy Khải xung phong lãnh vai trò để hát cặp với Phùng Há.
Trước tai nạn bất ngờ của gánh hát, khán giả dễ dãi ngồi xem không đòi hỏi gì hơn. Xem là xem cho qua đêm diễn, chứ trong lòng họ còn nghĩ đến sinh mạng của Tư Út, người kịch sĩ tài danh đã làm cho họ say mê từ bao lâu nay.
Tin nghệ sĩ Tư Út chết trên sàn diễn được loan ra nhanh chóng, bất cứ nơi nào có người Việt cư ngụ là có bàn tán, và có quá nhiều câu chuyện kỳ bí được tung ra, không biết những nguồn tin thất thiệt xuất phát từ đâu, mà người ta đồn đãi rằng, tại vì kép hát diễn không đúng bị nhân vật trong truyện về “bắt đi” hoặc là do hát hay quá nên bị Tổ nghiệp “đem về” hát cho Tổ coi ở bên kia thế giới, v.v...
Thật ra thì lúc ấy kép Tư Út bị đột biến, nhưng có lẽ không trầm trọng lắm, nên sau khi được bác sĩ Minh tiêm cho một mũi thuốc khỏe, vài giờ sau ông tỉnh lại. Thế nhưng, cùng lúc ấy Tư Út lại vướng thêm chứng bệnh đậu mùa, là bệnh truyền nhiểm đáng sợ. Người ta còn nhớ năm 1948, là năm có dịch bệnh đậu mùa khắp cả Đông Dương, gây cho hàng vạn người tử vong, nhiều nhứt là miền thôn quê, hầu như thiên hạ chưa hề biết “trồng trái” là gì.
Từ Út vướng phải chứng bịnh truyền nhiễm hiểm nghèo ấy, nhưng thật ra không ai ngờ. Những ngày đầu thì vẫn như thường, chỉ có buổi sáng là hanh nóng chóng mặt. Ai cũng tưởng Tư Út bị trúng gió độc trong đêm ấy, chỉ cần nghỉ vài đêm là khỏi ngay. Mỗi ngày bác sĩ đều có đến thăm bệnh và tận tình chăm sóc.
Thật là một tin sét đánh làm run sợ tất cả mọi người. Bắt đầu ngày thứ tư, Tư Út lúc hôn mê, hay nức cục và làm nhiều triệu chứng đáng sợ. Mỗi lần mê là gọi nghệ sĩ Phùng Há:
Cô Bảy ơi! Cô van vái giùm tôi! Cô Bảy ơi!
Giữa lúc ấy cô Phùng Há và các bạn nghệ sĩ đang lâm vào một tình trạng nguy ngập. Gánh hát đang ở nơi xứ lạ quê người mà Tư Út lại mắc phải bệnh truyền nhiễm, liệu rồi đây hậu quả sẽ ra sao?
Đến ngày thứ năm, những mụt đen đã nổi có dề trong da, tối ngày anh cứ măn tóc. Cuộc tản cư đàn bà trẻ em trong gánh bắt đầu, ai có nhà quen thì ở tạm hoặc tìm nơi trú ngụ đỡ. Không khí hãi hùng ghê sợ bao trùm gánh hát.
Ngày nay nhờ y học tìm ra phương pháp trồng trái, nên bệnh đậu mùa coi như bị đẩy lui trên quả địa cầu. Chớ khi xưa đậu mùa là chứng bệnh truyền nhiễm ghê sợ, làm chết người hàng loạt, mà kép Tư Út vướng phải ở Nam Vang. Người xưa có câu “vô đậu bất thành nhân” có nghĩa là người nào mà chưa bị bệnh đậu mùa một lần thì chưa chắc sống, bởi ai đã bị lên đậu rồi thì không có nữa.
Nếu ai có đọc qua truyện Phong Thần, chắc khó quên một đoạn, lúc binh tướng của Nhà Châu do Nguyên Soái Khương Tử Nha thống lãnh đi dẹp Vua Trụ. Khi đến một thành nọ, bị tướng thủ thành tên là Dư Đức, dùng phép thuật, rãi những hạt đậu, làm cho cả quân binh tướng sĩ của Khương Thượng đều bị bệnh đậu mùa. Chỉ có 2 người không nhiễm bệnh là Na Tra (nhờ thân thể là bông sen tạo thành) và Dương Tiễn (nhờ thất thập nhị huyền công).
Nhưng nếu xét theo khoa học thì lúc ấy có dịch đậu mùa, là bệnh truyền nhiễm lây nhanh, nên ai nấy đều bị bệnh vậy. Chớ còn chuyện dùng đậu làm phép cho bị bệnh thì rất khó tin.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/traditional-music-062913-nm-06282013171724.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001