Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Trúc Chi - Thăm bạn

Trúc Chi - Thăm bạn 

   at 6/30/2013 03:15:00 PM
Trúc Chi

Dạo ấy, bệnh tật nó chưa làm phiền anh Nguyễn Mộng Giác. Con người siêng năng này lúc ấy đang dư sức để mà vừa đi làm vừa chăm chút cho nguyệt san Văn Học. Thường, khi gặp nhau hoặc lúc chuyện trò qua điện thoại mà lại đúng vào tuần lễ cuối tháng, anh hỏi nhẹ:
- Tháng này có bài không anh?



Thường thường là có và chưa xong. Mà tôi thì nước đến chân mới nhảy nên thường thường là khất vì tôi nghĩ rằng cái nợ chữ nghĩa, lỡ quá kỳ hạn mà không thanh toán kịp cũng không sao. Báo chứ có phải là “nhà băng” đâu mà phải lo lời với lãi.

- Hôm nay Thứ Ba. Thứ mấy anh đem đi in?

- Thứ Năm.

- Sáng sớm thứ Năm tôi e-mail bài cho anh.

- Anh nhớ sửa lỗi đánh máy cho kỹ. 

Nếu mấy hàng trên đây là một mẩu chuyện khi đối diện nhau thì thường nó vẫn được kết thúc bằng một nét cười trong đôi mắt lanh và sáng. Ấy, cái lối anh Giác giục bài nó hiền lành như vậy đó. Mà dặn dò cũng nhẹ nhàng không kém. Con người này ăn nói quả có từ tốn. Mà bản tính cũng hiền lành. Xin ghi lại một điều tôi đã để ý khi nhìn anh phát biểu trước đám đông để minh chứng cho cái nét dễ thương này trong con người Nguyễn Mộng Giác:
Khác với những cú huơ tay quyết liệt, những phút cất tiếng rất dõng dạc của một số diễn giả tự thấy mình hoạt bát và hùng hồn mỗi khi cần phải nhấn mạnh một điểm trong diễn văn, anh Giác không lên giọng, không đưa mắt quét ngang thính phòng hoặc hội trường khi muốn tô đậm một nét trong lời phát biểu. Anh chỉ đưa hai bàn tay hơi xòe ra, mấy ngón tay cong cong, xô nhè nhẹ về phía trước. Động tác của một người đang đẩy một vật gì đó ra phía trước cho người khác xem, mà đẩy từ từ thôi. Qua cử chỉ đó, tiềm thức anh nói với cử tọa: “Tôi đưa ý kiến ra vậy thôi, không ép quí vị phải nhận nó.” Người hung hăng không có được động tác ấy.

Nói đã vậy mà viết thì như thế nào?  Cần phải nói ngay rằng ở đây tôi không đề cập đến cốt chuyện hoặc lời văn  của bất cứ một tác phẩm nào của anh, tuy đã đọc hầu hết toàn bộ. Viết ở đây, tôi dùng theo cái nghĩa đen giản dị: cầm bút ghi chữ xuống mặt giấy.

Một buổi chiều, thời gian anh bắt đầu lâm trọng bệnh cách đây cũng sáu bảy năm, vợ chồng tôi đến thăm. Ngồi nói chuyện với tôi một lúc, anh mệt, vào nghỉ. Vợ tôi vào bếp trò chuyện với Diệu Chi đang lo sửa soạn cơm tối. 

Thấy tập bản thảo Sông Côn Mùa Lũ trên cái bàn thấp trong phòng khách, tôi lật xem kỹ, tuy đã được anh Giác cho xem nhiều lần trước đó. Về cuộc hành trình hi hữu của tập bản  thảo này từ Tân Sơn Nhứt sang đến phi trường Los Angeles, anh chị em bạn viết lách đã kể lại nhiều lần, tôi không còn chi để thêm nữa. Đây là một tập vở dày đến hơn mười mấy phân chứ không ít. Giấy, có chỗ trắng, chỗ màu cà-phê sữa mà nhiều sữa. Giấy cũ thì nó ngả màu đã đành. Tôi chỉ xin nói rõ là đã có lúc anh Giác không đủ tiền để mua giấy tốt vì anh sáng tác bộ tiểu thuyết lịch sử này trong những năm mà chỉ có những người nhìn mà không thấy hoặc thấy mà không nhìn mới dùng mấy chữ “nhà đủ người no” khi nói về thực trạng kinh tế và tài chánh ở miền Nam sau khi Sài Gòn đổi chủ vào cái tháng Tư lịch sử ấy.

Nét chữ rõ ràng, ngay ở những đoạn anh viết hơi thoắng. Tốc độ (tôi vẫn thích “tốc độ” hơn “tốc lực”) của ngòi bút khi tăng khi giảm nhưng mà chữ viết vẫn đều, bút đưa nhanh mà tự dạng vẫn khoan thai. Nhiều chỗ có đến bảy tám trang không thấy sửa một chữ, điều này cho thấy anh suy nghĩ kỹ trước khi hạ bút. Tôi có thể hình dung ra một Nguyễn Mộng Giác cắm cúi viết, chứ không đến nỗi phải “hì hục” một cách cực nhọc như Nguyễn Vỹ và Trương Tửu! (1)

Bây giờ, thời đại của điện thư, của máy vi tính, viết lách mà có sửa chữa chi cũng không hề để lại một “di tích” nào cho nên xem được bản thảo một tác phẩm viết tay của bạn, với tôi là hiếm, do đó, quí. Hôm ấy, tôi đã nghĩ thầm rằng sau này chắc không còn có dịp cầm trong tay một tập bản thảo nào dày như vậy của bất cứ một ai khác.

Mới đó mà nay nhớ đến tập vở dày cộm ấy đã có thể dùng đến hai chữ di cảo. Tôi sực nghĩ đến một cái tứ thơ buồn buồn của ngôi sao Bắc Đẩu trên vòm trời thơ Việt, Nguyễn Du:
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu…

Phải rồi…đường còn dài mà trời đã về chiều, bạn bè mới thì ít…Khi viết ra câu chữ Hán trên đây, Nguyễn Du có còn ôm hoài bão nào không – vì ông dùng hai chữ trường đồ - tôi không làm sao biết được. Tôi nghĩ đến bảy chữ hàm súc đó chỉ vì nó nhắc đến bạn bè, đến ngày tàn. Tôi nghĩ đến tâm sự của Tố Như, đến cái bóng ngày tàn đang buông xuống buổi chiều của  chính đời tôi, tôi nhớ đến vài người bạn viết lách, hát xướng nay đã là người thiên cổ: khoảng mấy năm gần đây, Nguyễn Đức Quang, Cao Xuân Huy, Thảo Trường đã rủ nhau ra đi… bây giờ đến Nguyễn Mộng Giác. Bạn mới thì ít đã đành, mà bạn cũ thì ngày càng lơ thơ. Rứa mới rầu.

Nhưng mà… thôi. 
Tập bản thảo mà tôi vừa nhắc đến trên đây dĩ nhiên là quí đối với toàn thể gia đình anh Giác. Nhưng tôi biết còn có một vật “gia bảo” nữa mà anh Giác cũng nâng niu không kém.  Nó không phải là ngọc ngà châu báu chi, nó là một tờ giấy, một văn kiện, nó là cái học bạ thời trung học của anh. 

Đó là một tờ giấy cũ, còn cũ hơn cả giấy trong tập bản thảo Sông Côn Mùa Lũ. Lời phê của các giáo sư, mực xanh và đen có chỗ đã phai, nhìn kỹ mới đọc được hết. Mà đọc được rồi thì thấy toàn là lời khen trong mọi môn. Với một cái học bạ như thế, không có chi đáng ngạc nhiên khi thấy anh đậu thủ khoa đại học sư phạm sau này.

Dĩ nhiên, ai mà không quí những thành tựu, những kết quả của cố gắng của chính mình trong những bước đầu trên con đường mở mang học vấn. Sau khi xem và đọc kỹ cái học bạ cũ kỹ ấy, tôi trao nó lại cho anh Giác. Anh vừa đỡ lấy nó - tôi nhấn mạnh đỡ chứ không phải cầm – vừa nói với một cái nhìn trìu mến dừng lại trên những hàng chữ mờ mờ:
- Còn được cái này…

Anh Giác bỏ dở câu nói. Tôi hiểu. Phải rồi. Một cuộc bể dâu năm 1954 nhồi thêm một phen dâu bể 1975, bên cạnh những điều trông thấy còn biết bao nhiêu là mất mát trong lòng mỗi người trong chúng ta… Cái học bạ của môt thời xa xưa ấy, anh Giác quí nó là phải.  Giữa những gì đã bỏ anh mà đi biệt tăm – làm sao tôi biết hết được – tờ giấy cũ ấy  hẳn  đã từng cho anh chút an ủi, chút ấm áp, chút ánh sáng khi biết mình còn vớt được chút kỷ vật nhỏ nhoi sau hai cơn khói lửa đánh dấu một trận nội chiến – vâng, nội chiến bởi vì mồm mép, miêng lưỡi cho lắm thì cái chuyện người Việt giết hại nhau vẫn sờ sờ ra đó, đố mà phủ nhận, mà chối – khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. Trận nội chiến đã thiêu rụi bao nhiêu thứ khác trên giải đất từng được xem là giang sơn gấm vóc. Viết đến đây, hai câu trong bài Vịnh Bức Dư Đồ của Tản Đà “học thuộc lòng” từ ngày còn ở Quốc Học Huế, cách đây cũng đã ngoài 65 năm chứ không ít, chợt trở về với tôi trong một thoáng liên tưởng nhuốm chút buồn, chút tiếc:
Ấy của ông cha xưa để lại
Mà nay con trẻ  lấy làm chơi

Cái hôm anh Giác đưa tôi xem tờ học bạ cũng là hôm anh kể tôi nghe một mẩu chuyện vui hồi sống trong vùng Việt Minh – chính quyền cọng sản hồi đó gọi là vùng “tự do” – và đã có một lúc anh đi chăn dê cho người trong làng. Một hôm, có một con dê đực bỏ bầy đi lên trên núi. 

Anh Giác nói:
- Tôi sợ quá. Mất dê phải đền cho người ta.

Sau khi sục sạo cả một buổi qua các lối đi quen thuộc của bầy dê, anh vẫn không tìm ra con dê quái ác ấy. Nhưng mà cuối ngày rồi nó cũng tìm về chuồng. Anh Giác cười:
- Vừa mừng vừa giận tôi quất cho nó mấy roi. Sau đó nghĩ lại cũng tội con dê. Lỗi mình để cho nó sổng chứ đâu phải lỗi nó!

Nghe xong câu chuyện, tôi nói giỡn:
-  Hồi ấy anh có gặp anh Bùi Giáng không? Anh Bùi Giáng cũng đã từng chăn dê.

-   Anh Bùi Giáng chăn dê ở Quảng Nam. Còn lúc đó tôi ở Bình Định.  Mà lúc đó tôi cũng chưa biết Bùi Giáng là ai.

Vậy là trong số văn nghệ sĩ miền Nam, theo tôi biết, đã có hai người – một nhà văn và một nhà thơ – từng đi chăn dê. Loại kinh nghiệm chăn nuôi này có để lại dấu vết nào trong tác phẩm của hai anh hay không, tôi chưa đọc hết mọi tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác và Bùi Giáng nên cũng không dám nói.  Chỉ biết thời gian hai anh chăn dê không dài đến mười tám mười chín năm như Tô Vũ đời nhà Hán bên Trung quốc! Và sau 54, cả hai anh đều bỏ miền “tự do” rồi sau đó, dấn mình vào nghiệp thơ, nghiệp văn.

Mà lại lạc đề mất rồi. Phải tự nhắc mình rằng mình đang viết về Nguyễn Mộng Giác, về những kỷ niệm với Nguyễn Mộng Giác. Non ba mươi năm trời… Bao nhiêu lần gặp nhau tại nhà riêng của anh mà cũng là trụ sở của Văn Học, trong nhiều buổi sinh hoạt cọng đồng người Việt ở Westminster, trong mấy tiệm cơm, tiệm phở quen thuộc khu Bolsa… Bao nhiêu là câu chuyện văn chương, thời sự, tình đời ấm lạnh… kể sao cho hết.

Học hỏi nhau về những gì mình đã lịch nghiệm trong cuộc sống, qua sách vở.  Ý kiến về dăm vấn đề dĩ nhiên là có lúc khác nhau, đối nghịch nữa là khác, nhưng mà không tranh cãi, không một lần phật ý, không một lần bực mình. Kể sao cho hết kỷ niệm với Giác. Bạn là vậy đó. Trong một bài viết về tình bằng hữu, Montaigne nói gọn gàng mà hàm súc rằng sở dĩ bạn ông và chính ông thân nhau là vì anh ấy là anh ấy, vì tôi là tôi. (2) Triển khai sao cho hết ý nghĩa của câu văn giản dị này!

Ngôi nhà ở góc đường rẽ vào nhà anh Giác từ đường Magnolia có hàng rào gỗ sơn trắng. Tôi vẫn dùng cái hàng rào trắng ấy để “làm dấu” mà chuẩn bị quẹo. Một lần đến nhà anh Giác, cùng đi với Huy Văn – có viết cho Văn Học – tôi nói giỡn rằng nếu chủ nhà sơn lại màu khác là hai anh em mình lạc. Tuần trước, lái xe trên đường Magnolia, thấy cái hàng rào ấy, bất giác tôi thắng nhẹ mà trong đầu lại cũng thoáng một ý nghĩ mà tôi không biết là mình đang nghĩ gì. Tôi nhả thắng, tiếp tục lái đi. Tối hôm ấy, như thường lệ, lên giường, tôi vẫn đọc sách, báo dăm ba phút. Tôi lật tờ tuần báo tìm cái bài đọc dở tối hôm trước. Đến một đoạn có mấy chữ “nền văn học của nhiều nước Đông Âu” tôi giật mình. Tôi chợt hiểu vì sao tôi đã cho xe đi chậm lại khi nhìn thấy cái hàng rào ấy tuy tôi không một mảy may có ý định rẽ vào nhà Giác. Đây:
Hai chữ văn học trong bài báo đã khiến tôi nhớ đến nguyệt san Văn Học. Và khi thấy màu trắng trên hàng rào nọ, tiềm thức tôi dẫn tôi  đến Văn Học và Nguyễn Mộng Giác. Và cái ý nghĩ mà tôi tưởng là không có một ý niệm nào rõ rệt chính là một giây, một thoáng hụt hẫng, ngỡ ngàng. Cái hụt hẫng, ngỡ ngàng của  người xô cánh cửa nhìn vào một căn phòng mà người đó biết rằng trong đó có nhiều đồ vật, hình ảnh quen thuộcnhưnglại chỉ thấy một căn phòng trống rỗng.
Bạn tôi ra đi thật rồi.

Trúc Chi
7/12

(1) Trong bài Gửi Trương Tửu, Nguyễn Vỹ viết:
“…..Và nhìn chúng mình hì hục viết
      Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết….”
(2) “…parce que c’est lui,parce que c’est moi
( de l’amitié )
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/06/truc-chi-tham-ban.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001