Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Đinh Thế Hưng - Hiến pháp Việt Nam và quyền bình đẳng trước pháp luật

Đinh Thế Hưng - Hiến pháp Việt Nam và quyền bình đẳng trước pháp luật 

Ths. Đinh Thế Hưng – Viện Nhà nước và Pháp luật

Quyền bình đẳng trước pháp luật là một quyền con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau.
Nó được xem xét ở các cấp độ khác nhau. Trước hết, quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện là nhu cầu của một chủ thể tự nhiên với tư cách là một con người buộc phải có và cần phải có. Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật là một giá trị của xã hội loài người. Thứ ba, người ta thực hiện quyền bình đẳng đó bằng công cụ pháp luật thông qua việc thể chế hóa và tạo ra cơ chế bảo vệ khi nó bị xâm phạm. Nói cách khác, quyền bình đẳng trước pháp luật là sự bao quát gần như toàn bộ các quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dưới vùng “phủ sóng” của pháp luật. Điều này được quyết định bởi thuộc tính, vai trò của pháp luật trong xã hội với tư cách là các quy phạm do nhà nước ban hành, thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều chỉnh pháp luật là bình đẳng. Cách tiếp cận này phù hợp với các Điều 6, 7 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền (UDHR) quy định về quyền bình đẳng và quyền bình đẳng trước pháp luật mà Công ước về quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã cụ thể hóa.
1. Khái niệm quyền bình đẳng trước pháp luật
a. Mối quan hệ giữa tự do, bình đẳng và pháp luật
Tự do, bình đẳng, pháp luật là những khái niệm có quan hệ với nhau. Trong đó, bình đẳng là cội nguồn của tự do còn pháp luật là sự giới hạn cần thiết cho cả tự do và bình đẳng. Nói cách khác, để đánh giá ở đâu đó có tự do và bình đẳng hay không hãy nhìn vào pháp luật. J.J. Rouseau viết tác phẩm kinh điển “Khế ước xã hội” bắt nguồn từ nỗi trăn trở: “Con người sinh ra đã tự do nhưng ở đâu nó cũng bị xiềng xích”. Cái xiềng xích mà Rouseau muốn nhắc đến đó chính là quyền lực nhà nước thông qua pháp luật đã tước bỏ, hạn chế các quyền con người trong đó có quyền bình đẳng. Trong xã hội có nhà nước với tư cách là sản phẩm của sự tự do khế ước thì không thể có tự do nếu không có sự bình đẳng thật sự giữa các thành viên trong xã hội với nhau. Bản chất của sự bình đẳng là công nhận các giá trị như nhau của các thành viên xã hội trong tất cả các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, xã hội và pháp luật. Bình đẳng được xét dưới hai góc độ là bình đẳng thực tế và bình đẳng pháp lý. Bình đẳng thực tế là sự bình đẳng về xã hội. Đó là sự bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm trong xã hội. Nói cách khác, bình đẳng trước pháp luật là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ pháp lý. Về mối quan hệ giữa bình đẳng và pháp luật, Mác đã nói: “Về bản chất, pháp luật chỉ có thể là sự vận dụng một đại lượng ngang bằng với những người khác nhau”. Đại lượng ngang bằng ở đây là pháp luật. Bởi lẽ, các giá trị về bình đẳng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống được xã hội thông qua nhà nước và thể chế hóa thành pháp luật. Pháp luật trở thành thước đo mang tính chuẩn mực cho sự bình đẳng bởi đỉnh cao nhất của các hệ thống lập pháp quy gọn vào hai mục tiêu: Tự do và bình đẳng.
Dưới góc độ pháp lý, quyền con người trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật là một quan hệ pháp luật mà mỗi bên tham gia quan hệ đó đều có quyền và nghĩa vụ pháp lý. Quan hệ về bình đẳng chỉ được xác lập trên cơ sở của tự do và tự nguyện.
Khi giải thích về quyền bình đẳng trước pháp luật, Lê-nin cho rằng: “Khi những người theo chủ nghĩa xã hội nói về bình đẳng thì có nghĩa là sự bình đẳng mang tính xã hội, bình đẳng về địa vị xã hội chứ không phải sự bình đẳng về khả năng thể chất hoặc tinh thần”[1]. Từ đó có thể thấy, quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền tự nhiên của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và nó phải được ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật. Chính pháp luật cũng giới hạn sự bình đẳng với sự bình quân chủ nghĩa và không thể có bình đẳng nếu có người đứng cao hơn pháp luật. Quan niệm như vậy sẽ hóa giải được mâu thuẫn giữa hai lý thuyết về nguồn gốc quyền con người và phù hợp với đặc tính của quyền con người là: tính hiện thực và tính được thể chế hóa thành luật.
Từ logic này có thể khẳng định, quyền con người là cái có trước và nhà nước với công cụ là pháp luật chỉ làm nhiệm vụ ghi nhận và bảo vệ. Quyền bình đẳng tuyệt đối không phải là sự ban phát hay có thể xin – cho từ phía nhà nước mà nhà nước chỉ ghi nhận, đảm bảo thực hiện và bảo vệ khi nó bị xâm phạm.
Việc đánh giá có bình đẳng hay không bình đẳng trước pháp luật nhiều khi còn ở chỗ quan niệm thế nào là bình đẳng trước pháp luật và pháp luật ở đây là thứ pháp luật như thế nào? Bình đẳng là sự đối xử như nhau nhưng có lẽ không chỉ dừng ở đó. Bình đẳng được hiểu theo chiều dọc và chiều ngang. Đó là sự đối xử như nhau đối với những người có hoàn cảnh như nhau và đối xử khác nhau với những người có hoàn cảnh khác nhau. Cùng một chủ thể kinh doanh được điều chỉnh bằng pháp luật như nhau. Cùng là con người nhưng nam giới có tuổi nghỉ hưu muộn hơn nữ giới. Cùng một hành vi phạm tội như nhau nhưng những người chưa thành niên không phải chịu mức án tử hình… Đó là những biểu hiện của bình đẳng theo chiều dọc mà mới nhìn tưởng như là sự bất bình đẳng.
b. Quyền được pháp luật xác nhận tư cách con người
Trong tác phẩm Bàn về bất bình đẳng, J.J. Rouseau viết:“Những kẻ quyền thế luôn tìm mọi cách để bênh vực cho sự bất bình đẳng. Họ giải thích rằng, bất bình đẳng là một quy luật tự nhiên, cũng như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhân dân rên rỉ dưới sự áp bức của họ thì họ lại dẫn Kinh thánh ra để bịt miệng thiên hạ”[2]. Dưới góc độ tự nhiên – sinh học, con người sinh ra đúng là bất bình đẳng. Nhưng con người không chỉ tồn tại với một mặt tự nhiên. Bản chất của con người là sinh vật xã hội tức là luôn phải tồn tại trong mối quan hệ với nhau. “Đời sống con người, nếu không hợp thành xã hội sẽ là đời sống gian nan, cô đơn, tàn nhẫn và ngắn ngủi”. Nói cách khác, hợp thành xã hội cũng là bản chất tự nhiên của con người để phân biệt với các sinh vật không phải là con người. Tính xã hội của con người làm phát sinh nhu cầu về bình đẳng. Bởi lẽ, xã hội loài người chỉ có thể tồn tại một cách trật tự khi có điều kiện: mọi cá nhân trong xã hội đều được những thành viên khác thừa nhận với tư cách là con người trong mọi mối quan hệ xã hội. Chính vì vậy, bình đẳng ở đây không phải là sự bình đẳng về những thuộc tính sinh học – tự nhiên mà là sự bình đẳng về tư cách con người trong xã hội. Đó là được thành viên khác, xã hội và nhà nước đối xử như là một thành viên trong xã hội có đầy đủ các phẩm chất, các quyền của một con người: quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Quyền bình đẳng là một quyền tự nhiên của con người. Muốn có quyền bình đẳng trước pháp luật thì một người phải được pháp luật thừa nhận tư cách con người.
Sự bình đẳng hay bất bình đẳng trước pháp luật ở các giai đoạn lịch sử khác nhau của xã hội loài người, xét cho cùng chính là nằm ở việc nhà nước và pháp luật xác định tư cách con người trong xã hội đó. Sở dĩ người ta đánh giá xã hội chiếm hữu nô lệ là một xã hội điển hình cho một xã hội bất bình đẳng là bởi người nô lệ không được coi là một con người mà chỉ là công cụ biết nói thuộc sở hữu của chủ nô. Nói cách khác, xã hội chiếm hữu nô lệ, sự bình đẳng (nếu có) chỉ là sự bình đẳng của các cá nhân chủ nô với nhau. Chính vì vậy “người thời cổ sẽ coi là điên rồ cái ý kiến cho rằng người Hy-lạp và người dã man, người tự do và nô lệ, công dân và dân bị bảo hộ, công dân Rô-ma và thần dân Rô-ma (hiểu theo nghĩa rộng) đều có thể đòi hỏi một giá trị chính trị ngang nhau”[3].
c. Quyền không bị pháp luật phân biệt đối xử
Quyền bình đẳng trước pháp luật có nội dung thứ hai đó là quyền không bị pháp luật phân biệt đối xử trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ. Như trên đã nói, con người sinh ra có thể khác nhau về chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo và địa vị xã hội; tuy nhiên, đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, pháp luật luôn đặt giá trị bình đẳng làm thước đo, tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng cách không bình đẳng đó bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau. Quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị pháp luật phân biệt, đối xử còn có khía cạnh khác, đó là quyền được hưởng tất cả các quyền con người như nhau ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh.
Trong xã hội phong kiến, ở mức độ nào đó đã có sự bình đẳng hơn về tư cách con người giữa giai cấp phong kiến và người nông dân. Tuy nhiên, ở đây vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử trong đó có sự phân biệt đối xử trước pháp luật ở những người có đẳng cấp xã hội khác nhau. Căn nguyên là ở chỗ, trong xã hội phong kiến, nhà nước và pháp luật chia con người thành những đẳng cấp khác nhau. Nói cách khác, có sự bình đẳng về tư cách con người nhưng có sự phân biệt về việc hưởng thụ các quyền và nghĩa vụ con người. Kiểu như lễ nghĩa không tới thứ dân, hình phạt không đến trượng phu. Chính sự bất bình đẳng trong xã hội phong kiến là nguyên nhân của cách mạng tư sản mà ngọn cờ của nó là tự do, bình đẳng. Sẽ không bao giờ có quyền bình đẳng – trong đó có bình đẳng trước pháp luật – nếu trong xã hội còn tồn tại một nhóm người tự cho mình những đặc quyền, đặc lợi, tự cho mình ở vị trí cao hơn so với những thành viên khác trong xã hội.
d. Quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng
Quyền con người luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại từ nhiều phía. Đó có thể là các cá nhân khác trong xã hội, cũng có thể từ phía công quyền. Khi những quyền đó bị xâm hại dưới góc độ bình đẳng trước pháp luật, con người đều có quyền được pháp luật bảo vệ như nhau với các quyền pháp lý nhất định. Bảo vệ quyền bình đẳng này cũng là cơ sở để bảo vệ các quyền khác của con người.
Quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng là nhu cầu đòi hỏi cần có phương tiện, công cụ pháp lý từ phía nhà nước; được thể hiện ở hai khía cạnh: được bảo vệ quyền một cách bình đẳng và quyền được bảo vệ quyền bình đẳng. Bảo vệ quyền, xét ở cả hai khía cạnh này đều là việc trong pháp luật ghi nhận các quyền bình đẳng và tạo ra cơ chế bảo vệ quyền đó khi nó bị xâm phạm. Nội dung của quyền bình đẳng trong bảo vệ quyền đòi hỏi mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử lý như nhau trước pháp luật. Tòa án đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Một tòa án công bằng phải là hiện thân của công lý, là nơi phẩm giá con người đứng trước tòa được thừa nhận như nhau và được bảo vệ như nhau. Tòa án án không phải là công cụ chuyên chính, không phải nơi để chà đạp, xúc phạm, hạ nhục nhân phẩm con người. Không phải ngẫu nhiên mà Công ước về quyền dân sự, chính trị năm 1966 nhấn mạnh đến quyền được xét xử một cách bình đẳng, công bằng trước tòa án. Không thể có tình trạng khi vi phạm pháp luật thì người này bị xử lý kỷ luật nội bộ, người khác bị tòa án xét xử; càng không thể để tình trạng một người nào đó bị cho là phạm tội nhưng lại không được xét xử trước tòa. Đều bị xét xử trước tòa và đều được xét xử trước tòa đó là hai mặt của bình đẳng trước pháp luật xét dưới góc độ cơ chế bảo vệ.
Như vậy, từ chỗ trong xã hội có những người không được thừa nhận là con người, giữa con người với nhau còn sự phân biệt đối xử đến việc công nhận: mọi người đều được ghi nhận tư cách con người trước pháp luật cho thấy quyền bình đẳng là một trong những giá trị vĩ đại của văn minh nhân loại. Nó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của loài người. Nó không là một giá trị nhất thành bất biến mà có quá trình phát sinh, phát triển theo hướng luôn được làm mới và bổ sung cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Các giá trị đó được thể hiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung nhất là các văn kiện quốc tế về quyền con người xuất hiện từ thời cách mạng tư sản đến nay.
2. Sự tương thích giữa pháp luật quốc tế và Việt Nam trong việc thể chế hóa quyền bình đẳng trước pháp luật
Quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật có đặc tính thể chế hóa thành pháp luật (các quyền và nghĩa vụ, cơ chế bảo đảm và bảo vệ nó…). Sự thể chế hóa này nhằm đảm bảo tính hiện thực của quyền con người và được thể hiện dưới cấp độ quốc tế và quốc gia.
Ở cấp độ quốc tế: Quyền bình đẳng trước pháp luật được ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền 1948. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tuyên bố mà các nhà nước có thể tiếp thu chứ không mang giá trị ràng buộc. Điều 6 Tuyên ngôn nhân quyền 1948 tuyên bố: Mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi. Điều 7, Tuyên ngôn khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào.
Quyền bình đẳng trước pháp luật đã phát triển thêm một bước khi nó được đưa vào Công ước về quyền dân sự, chính trị 1966 với tư cách là một văn bản quy phạm pháp luật quốc tế có giá trị ràng buộc pháp lý với các quốc gia tham gia và được cụ thể hóa hơn so với Tuyên ngôn nhân quyền 1948. Không những vậy, nó còn là nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế được thể hiện ở nhiều công ước quốc tế khác nhau về các quyền con người. Không chỉ khẳng định, chi tiết hóa, Công ước quyền con người 1966 còn tạo ra cơ chế để bảo vệ quyền con người. Điều 26, 27 Công ước này quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.
Ở cấp độ quốc gia: Quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946 – một bản Hiến pháp được ca ngợi ở nhiều phương diện trong đó có phương diện bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn Điều 6, 7 Hiến pháp 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”.
Kế thừa tư tưởng lập hiến tiến bộ trong đó có những tư tưởng văn minh tiến bộ về quyền con người có từ những năm đầu thế kỷ và đặc biệt là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992 tái khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật tại Điều 51 bằng việc khẳng định: Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền Hiến định và bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc Hiến định. Chính vì vậy, nó không chỉ được thể hiện và cụ thể hóa trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong tất cả các lĩnh vực cụ thể của quan hệ pháp luật như: Điều 5, Điều 14 -16 và Điều 17 – 23 Bộ luật Dân sự (2005); Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự (2004); Điều 1 Luật Quốc tịch (1998); Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (1997); Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu HĐND (2003); Chương III, V Luật Hôn nhân và gia đình (2000); Điều 4 Luật Doanh nghiệp (2005).
Trên bình diện thể chế hóa quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam có thể đưa ra nhận xét sau đây:
Thứ nhất, bình đẳng trước pháp luật là một nội dung xuyên suốt tư tưởng lập hiến Việt Nam. Nó được khẳng định và thể hiện một cách nhất quán trong 4 bản Hiến pháp Việt Nam. Xu hướng chung là quyền bình đẳng trước pháp luật ngày càng được bổ sung trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quyền bình đẳng trước pháp luật từ trước đến nay mới chỉ được thừa nhận là quyền công dân chứ không phải là quyền con người. Đây là sự hạn chế bởi quyền con người có khái niệm rộng hơn quyền công dân và một vấn đề đặt ra là nếu người nào đó bị tước, bị hạn chế quyền công dân thì quyền con người – trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật – có được thừa nhận và bảo vệ không? Trong khi đó, pháp luật vẫn còn tùy tiện trong việc áp dụng trách nhiệm pháp lý về tước quyền công dân. Pháp lệnh trừng trị tội phản cách mạng năm 1967 quy định hình phạt tước một loạt quyền công dân của các phần tử phản cách mạng như là một hình phạt chính[4].
Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật xuất hiện với tư cách là một quyền trong tất cả các bản Hiến pháp nhưng mức độ thể hiện của nó trong các bản Hiến pháp và các lĩnh vực quan hệ pháp luật khác là không giống nhau, lúc thăng lúc trầm. Có khi nó được thể hiện giản dị, mạch lạc và tương đối đầy đủ trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992 nhưng cũng có thời điểm, quyền này bị cắt xén, hạn chế, thậm chí phủ nhận trong Hiến pháp 1959 và 1980. Ví dụ quyền tự ứng cử chỉ xuất hiện trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959; quyền bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế có lúc bị triệt tiêu; quyền tự do xuất bản quy định trong Hiến pháp 1946 không thấy xuất hiện trở lại trong các bản Hiến pháp sau này.
Thứ ba, quyền bình đẳng trước pháp luật của con người trong mối quan hệ với Nhà nước chưa thiết lập được thế quân bình. Nói cách khác, bình đẳng trước pháp luật chỉ được đặt trong mối quan hệ giữa công dân với nhau. Sự bình đẳng trước pháp luật của công dân với Nhà nước còn mờ nhạt; thể hiện ở số quyền xét dưới khía cạnh bình đẳng trước pháp luật vẫn ít hơn số nghĩa vụ. Mặt khác, trong khi thiết kế quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bình đẳng thì tư duy ban – phát, xin – cho phụ thuộc vào Nhà nước vẫn chiếm ưu thế. Ví dụ, cùng bị xâm hại các quyền bởi cơ quan hành chính nhưng công dân chỉ được khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra tòa án, còn bị xâm phạm bởi văn bản quy phạm pháp luật thì hiện nay chưa có cơ chế.
Thứ tư, quyền bình đẳng trước pháp luật chỉ nằm trên giấy, có ý nghĩa “tô điểm” cho Hiến pháp và pháp luật nếu pháp luật không tạo ra được cơ chế để thực hiện và bảo vệ nó. Dưới góc độ lập hiến và lập pháp, chúng ta có thể tự hào về số lượng các quyền, mức độ, phạm vi bao phủ các quyền thể hiện tính chất bình đẳng trước pháp luật của chúng ta không hề thua kém bất cứ nước nào. Tuy nhiên, hạn chế cố hữu nhất vẫn nằm ở cơ chế thực hiện và bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật khi nó bị xâm phạm từ mọi phía. Trách nhiệm tạo ra cơ chế này trước hết thuộc về Hiến pháp.
3. Các biện pháp thúc đẩy quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam
Để đề ra giải pháp thúc đẩy quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam, cách tốt nhất là đi tìm và giải quyết tận gốc nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội trong mọi lĩnh vực đang tồn tại trong xã hội. Bởi lẽ, pháp luật với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng nên nó luôn phản ánh các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Không thể có sự bình đẳng trước pháp luật nếu vẫn còn sự bất bình đẳng trong các lĩnh vực nói trên.
a. Bình đẳng về kinh tế sẽ có bình đẳng trước pháp luật
Trong mối quan hệ giữa kinh tế và pháp luật thì kinh tế đóng vai trò quyết định: “chẳng qua, chế độ pháp luật về chính trị và dân sự chỉ là cái việc nói lên, ghi chép lại quyền lực của các quan hệ kinh tế”[5]. Nguyên nhân của bất bình đẳng được J.J. Rouseau chỉ ra rằng: chế độ tư hữu là nguyên nhân gây nên bất bình đẳng xã hội, trong đó có bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, cần đặt tư hữu vào bối cảnh mà J.J. Rouseau sống và trước đó. Tư hữu thời J.J. Rouseau là thứ tư hữu thuộc về nhóm người thiểu số trong xã hội. Những nhóm người này sở hữu phần lớn của cải, nguồn lực trong xã hội. Pháp luật chỉ là sự ghi nhận và bảo vệ lợi ích của nhóm người này. Chính vì vậy, tư hữu mới là nguyên nhân gây nên sự bất bình đẳng pháp luật. Hay nói cách khác, bất bình đẳng trong tư hữu mới chính là nguyên nhân của bất bình đẳng chứ không phải bản thân nó.
Trong thời đại hiện nay, không ai phủ nhận vai trò của tư hữu đối với sự phát triển của xã hội. Nói cách khác, quốc gia nào bảo vệ sở hữu tư nhân, tạo điều kiện cho nó phát triển tốt nhất, quốc gia đó sẽ giàu mạnh nhất. Nhưng vấn đề cần hiểu khác đi về tư hữu. Tư hữu là sự thừa nhận quyền bình đẳng trong việc sở hữu tài sản và các nguồn lực quốc gia cho tất cả mọi người xét cả về phương diện kinh tế và cơ hội tiếp cận và sở hữu.
Ở Việt Nam hiện nay, tư hữu đã được thừa nhận bên cạnh sự chiếm ưu thế hơn của công hữu. Điều này thể hiện qua việc sở hữu nhà nước, kinh tế nhà nước vẫn được Hiến pháp khẳng định là nền tảng và chủ đạo. Ở đây, có điều chưa được làm sáng tỏ cả trên phương diện chính trị và khoa học[6]. Đó là bên cạnh việc khẳng định sự bình đẳng của các thành phần kinh tế nhưng thực tế, các doanh nghiệp nhà nước lại đóng vai trò chủ đạo. Và chủ đạo lại không được hiểu như là công cụ để điều hành kinh tế, lấp những khoảng trống tiêu cực mà tư nhân và thị trường bỏ ngỏ, mà lại là sự ưu ái trên mọi phương diện: nguồn lực, chính sách, pháp luật, các lợi thế cạnh tranh khác. Những ưu ái đối với doanh nghiệp nhà nước cũng tước đi cơ hội của khối doanh nghiệp dân doanh và như vậy, sự bình đẳng trước pháp luật trong lĩnh vực kinh tế không thể nói là đã được đảm bảo tốt nhất.
Tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực quốc gia đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trả doanh nghiệp nhà nước về đúng với vai trò của nó như nó vốn có, đó chính là tiền đề để đảm bảo bình đẳng trước pháp luật.
b. Đảm bảo sự bình đẳng trong chính trị
Sự bình đẳng về chính trị là những cơ hội ngang nhau trong việc tham gia vào sinh hoạt chính trị của quốc gia, trong đó có sự tham gia vào thực hiện quyền lực nhà nước. Đây đang là vấn đề đặt ra ngay cả với các quốc gia văn minh. Ở Đức, sau hơn 20 năm thống nhất, ngoài Thủ tướng A. Mikel, còn lại, người phía Đông vẫn còn bị hạn chế trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị ở cấp liên bang[7]. Ở Việt Nam, Hiến pháp tuyên bố quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Cụ thể hơn, Hiến pháp phân chia nhân dân thành các thành phần khác nhau, trong đó nền tảng là giai cấp công nhân, nông dân và trí thức (Điều 2 Hiến pháp 1992). Với việc tuyên bố chủ quyền thuộc về nhân dân, cho thấy, quyền bình đẳng trong chính trị được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, thực tế sự tham gia một cách bình đẳng của nhân dân trong chính trị vẫn chưa được như mong muốn xét dưới các tiêu chí dân tộc, giới tính, địa vị xã hội.
Pháp luật phải đảm bảo cho người dân thực hiện quyền bình đẳng trong chính trị bằng việc cải cách chế độ bầu cử, thực hiện quyền khiếu nại tố cáo, quyền tiếp cận thông tin… Một mặt thúc đẩy quyền bình đẳng về chính trị, một mặt thể hiện quyền bình đẳng trước pháp luật của người dân.
c. Pháp luật phải chứa đựng các giá trị tự do, bình đẳng
Các quyền con người muốn trở thành hiện thực phải được thể chế hóa. Tuy nhiên, quyền bình đẳng trước pháp luật có được thực hiện trên thực tế hay không phải xét dưới hai khía cạnh: pháp luật có thừa nhận sự tự do bình đẳng hay không, đồng thời pháp luật phải chứa đựng trong nó các giá trị nhân loại về tự do, bình đẳng. Ở Việt Nam, xét trên cấp độ Hiến pháp, khía cạnh thứ nhất không có gì phải bàn nhiều. Nhưng ở cấp độ thấp hơn, nhất là các văn bản dưới luật, thì việc ghi nhận bảo vệ sự bình đẳng vẫn còn mờ nhạt, thậm chí là có cả vi phạm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều. Có thể là sự tham gia của người dân trong việc hoạch định chính sách không được quan tâm, thiếu vắng cơ chế giám sát trong thực thi pháp luật… Người ta đang đồn đoán một hiện tượng không bình thường là sự chi phối của các nhóm lợi ích có ưu thế trong xã hội đến việc hoạch định chính sách và ban hành pháp luật, nhất là trong lĩnh vực kinh tế – không phải theo hướng tích cực mà là tạo sự ra bất bình đẳng. Điều này không phải hoàn toàn vô căn cứ nếu nghiên cứu nội dung và thực tế áp dụng một số loại văn bản pháp luật này. Ví dụ như, cùng thực hiện hoạt động kinh doanh trên thương trường nhưng có doanh nghiệp thua lỗ thì được Nhà nước ra tay cứu bằng nhiều cách hoặc là tái cơ cấu (chứ không cho phá sản), miễn thuế, khoanh nợ thậm chí trả nợ thay…
Đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật là việc giải quyết vấn đề người làm luật đó đứng ở đâu xét trên phương diện lợi ích./.
_____________________
[1] V.I Lê- nin Toàn tập, tập 24, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 362.
[2] Phùng Văn Tửu, Giăng Giắc Rútxô. Nxb Văn học, Hà Nội, 1978, tr. 155.
[3] F. Enghel, Đạo đức, pháp quyền và bình đẳng, Chống Duy-ring,http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1870s/chongduhring/phan_11.htm
[4] Đào Trí Úc, Luật Hình sự Việt Nam, những vấn đề chung, NXB Khoa học xã hội, H., 2000, tr 252.
[5] K. Mác, Sự khốn cùng của triết học, NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 93.
[6] Theo TS Lê Đăng Doanh, không nước nào trên thế giới khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo kể cả Trung quốc, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 31/10/2010.
[7] Đức sau 20 năm thống nhất: Còn đó bất bình đẳng chính trị, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 10/10/2010.
Nguồn: Tạp chí lập pháp online
Admin gửi hôm Chủ Nhật, 30/06/2013          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130629/dinh-the-hung-hien-phap-viet-nam-va-quyen-binh-dang-truoc-phap-luat
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001