Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Hành trình khám phá chính mình 
(Petrotimes) - “Khi đã gọi là có mục đích là đã có bon chen. Có người đi 5km đã tới đích. Nhưng có người đi 1.000km mà vẫn chưa tới được đích. Đối vói tôi, cái đích của mình là một cuộc hành trình đi tìm chính mình và cảm nhận thế giới. Mục đích bao giờ cũng là phía trước. Như một dòng chảy cứ miên man chảy và chảy, không bao giờ dừng lại, không bao giờ hài lòng với chính mình”. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tâm sự những điều chị đau đáu về nghề như vậy .  
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
1. Sau những dịch chuyển liên tục từ Nam ra Bắc để hoàn thành nhà lưu niệm cho thân phụ - nhà văn Kim Lân - chị Hiền cảm thấy mãn nguyện vì đã thực hiện được một phần nào những di nguyện của cha. Một góc Kim Lân giản dị, gồm những kỷ vật của ông và bạn bè, gia đình. Đó là nơi tụ hội của cả gia đình 7 anh em của chị, khi cuộc sống bộn bề mưu sinh đã kéo mỗi người đi một ngả. Chị, trong nỗ lực có phần khó khăn của mình, muốn níu giữ lại, một góc của cụ Kim Lân ngày xưa, để gắn kết gia đình, dòng tộc.
Và giờ, chị đã có thể bình tâm với điều đó, để trở về với niềm đam mê trọn đời của chị, là một họa sĩ. Cảm giác họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đang chạy đuổi với thời gian để thực hiện những dự định của mình. Chị chỉ sợ thời gian trôi quá nhanh, mà mình không kịp vẽ. Những bộn bề cuộc sống, những lo toan đời thường không chạm tới chị được nữa. Thế giới của chị, dường như chỉ có nghệ thuật và chỉ nghệ thuật mà thôi.
Những ngày này chị lại đang “nhập thất” cho dự án “Những đứa trẻ” mà chị nung nấu từ rất lâu nhưng giờ mới bắt tay hoàn thiện. Những tư liệu sống đã ngồn ngộn trong đầu, chị chỉ chực ngồi trước tấm vải để phóng bút. Từ ngày còn nhỏ, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền rất mê trẻ con. Suốt ngày chị bế và chơi với chúng như những người bạn. Những gương mặt thiên thần, chưa vướng bụi trần ai hiện lên trong tranh của chị, mang theo cả khát vọng về cái đẹp vĩnh hằng, cái đẹp thuần khiết của cuộc sống. Hỏi chị vì sao ở tuổi 60, lại vẽ về những đứa trẻ. Chị chỉ cười, có lẽ, đến lúc này chị mới có sự tĩnh tâm để vẽ. Nhưng “Những đứa trẻ” đã thành hình hài trong chị từ rất lâu rồi. Nguyễn Thị Hiền rong ruổi khắp các miền đất nước, khi Hà Giang, Lào Cai, khi Đà Nẵng, Hội An. Đó là kết quả của một chặng đường chị đã sống và làm việc. Ở đó chị gặp lại tuổi thơ của mình. Một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm ở ngôi nhà số 4 Hạ Hồi, trong căn phòng hơn 30m vuông, cho 7 anh chị em họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và ông bà Kim Lân sống. Chị là con gái đầu nên được cụ Kim Lân dành cho nhiều ưu ái. Bởi hình như ở chị hội tụ đủ những nét tinh hoa về hội họa mà nhà văn Kim Lân chưa chạm tới.
Sinh thời nhà văn Kim Lân rất mê vẽ, nhưng ông không để lại một bức tranh nào cho hậu thế. Ông dồn tình yêu với hội họa vào cô con gái cưng, cũng là một người bạn tri kỷ của nhà văn. Chị Hiền kể, hồi còn nhỏ, khi cả nhà sống ở đồi ấp Cầu Đen, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật ở Nhã Nam, Yên Thế, một vùng đất kỷ niệm vì chị được lớn lên trong không khí của văn nghệ sĩ, những bác Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đều sống ở đó... Khi giải phóng thủ đô, nhà văn Kim Lân đưa con gái về Hà Nội, chị nhớ quả đồi đó và trong nỗi nhớ miên man, chị cầm cọ.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từng được coi là thần đồng hội họa khi từ bé chị đã bộc lộ một năng khiếu đặc biệt. Nhưng đến năm 2005 chị mới tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên, với 142 bức tranh sơn dầu và sơn mài chị vẽ trong 2 năm và lấy tên cuộc triển lãm là “Dòng chảy” tại TP HCM vì muốn gửi một thông điệp rằng, chị vẫn luôn luôn làm việc, chưa lúc nào ngưng nghỉ như một dòng chảy, lúc tuôn trào, lúc chắt chiu từng giọt, lúc vượt thác ghềnh, lúc âm thầm lặng lẽ như mạch nước ngầm, nhưng dù thế nào đi nữa vẫn luôn là một dòng chảy liên tục chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Sau đó là liên tục các triển lãm của chị. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng là người đầu tiên có một triển lãm cá nhân ở Tây Ban Nha, “Dòng chảy III - Giao cảm” tại Madrid.
Thế mà rồi, bức tranh đầu tiên của chị đã được giải thưởng quốc tế ở Hungary. Phát hiện ra tài năng của con gái, cụ Kim Lân hàng ngày đi mua giấy bút, đồ vẽ cho con. Ông có một tình yêu con đặc biệt nhưng lại khá khắt khe với chị Hiền. Chính những rèn luyện có phần khắc nghiệt của cụ đã dẫn chị vào con đường hội họa. Nhưng điều chị học được ở cha mình không chỉ là tình yêu với hội họa, mà còn là bản lĩnh và cá tính của người sáng tạo. Đến bây giờ chị vẫn còn nhớ, khi chị vào học trường mỹ thuật, cụ chỉ nói một câu mà chính câu nói đó đã ám ảnh chị suốt cả quãng đời sáng tạo miệt mài của mình: “Khi con đi học, là học sinh, con phải là một học sinh giỏi về hình họa, kỹ thuật. Nhưng khi sáng tạo, con phải là chính mình”.
Tuổi thơ có những ấn tượng đặc biệt trong họa sĩ Nguyễn Thị Hiền như vậy. Nên đối với chị, tuổi thơ là một quãng đời rất có ý nghĩa trong đời sống của mỗi con người. Chị tâm sự: “Trong những bộn bề phức tạp của cuộc sống, những đứa trẻ như những cái mầm đang nẩy lên, rất cần những định hướng để chúng vừa phát triển tự do, vừa trở thành những loài cây vững chãi và có ích cho cuộc sống”, đó là những tư tưởng mà chị muốn gửi gắm trong triển lãm sắp tới của mình. Những tư tưởng đó, đều có bóng dáng của cụ Kim Lân.
Những gương mặt trẻ con khắp mọi miền đất nước, từ vùng núi, nông thôn, thành thị sẽ xuất hiện trong triển lãm sắp tới của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, với hơn 40 bức sơn mài và sơn dầu.
Có hôm chị ngồi một mạch từ 3 giờ chiều đến 3 giờ sáng, vẽ liền bốn bức tranh. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không có thói quen vẽ phác thảo. Đứng trước toan, nét cọ của chị cứ bay, vẽ mà như không vẽ. Bởi ý tưởng đã nung chín trong chị, cứ thể chảy ra mà thôi. Đó là những lúc hạnh phúc nhất đối với người nghệ sĩ.
Lưu bút của Thế Lữ trong bức "Phiên dao"
Sau “Những đứa trẻ”, sẽ là “Chân dung bạn bè và những người cùng thời”. Dự án này, chị định dành hẳn 10 năm. Và nếu có thể, sẽ là một món quà mừng sinh nhật chị khi đã bước vào một giai đoạn khác của cuộc đời trong 10 năm nữa. Đó là gương mặt của những bạn bè, những người còn sống. Có những gương mặt chị sẽ vẽ bằng ký ức vì họ không còn… Đó là dấu ấn của một thời kỳ lịch sử nhiều biến động mà chị đã sống, đã trải qua. Thời đoạn đó, có những gương mặt, những số phận không bao giờ lặp lại. Thế nên, với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đây là một dự án mà chị tâm huyết trước khi xếp hành trang nghệ thuật của mình để bay về một cõi nào đó. Và chị sẽ làm môt phòng lưu niệm để giữ lại những bức chân dung đó, không bán, không tặng.
2. Có thể nói, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chịu ảnh hưởng bởi những quan niệm nghệ thuật của Kim Lân rất rõ nét. Trải qua bao biến cố trong cuộc đời, bao bầm dập, thậm chí nếm trải cả những cay đắng trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình, thì người luôn bên cạnh chị, mang đến cho chị niềm tin, không ai khác ngoài cụ Kim Lân. Nên chị bảo, chị đã phải trả giá nhiều cho điều đó nhưng chị vẫn luôn vững vàng được là do thầy, chị vẫn thấy những điều thầy Kim Lân dạy như một xác tín. Sau này khi lớn lên, trải nghiệm qua nhiều cung bậc của cuộc sống và nghệ thuật, ngoài việc tìm ra chính mình, chị còn hiểu một điều, phải biết tự phủ nhận mình. Cuộc đời nghệ sĩ như một dòng chảy không ngừng lại, không ai được tọa hưởng trên những thành công của chính mình. Bởi khi người nghệ sĩ xây cho mình một tháp ngà rồi tọa hưởng trong đó, thì coi như sự sáng tạo của anh ta cũng chấm dứt. Khi chị làm triển lãm cá nhân đầu tiên trong Sài Gòn, cụ Kim Lân đã nói: “Con làm triển lãm này phải gánh trên vai mình nhiều gánh nặng, của một Nguyễn Thị Hiền đã từng được coi là một thần đồng hội họa. Nhưng con không thể vẽ như con của ngày xưa, mà con lại luôn phải là chính mình. Nghệ thuật được là chính mình mới là thứ nghệ thuật chân thực nhất”.
Lưu bút của Hoàng Cầm trong bức "Em và sen"
Và từ triển lãm đầu tiên đó, chị đã liên tiếp xuất hiện bằng những màu sắc mới. Cảm giác như chị làm việc gấp gáp, bù lại quãng lặng quá lâu trong cuộc đời nghệ thuật của chị (do gia đình có những biến cố riêng, chị không xuất hiện rầm rộ mà âm thầm làm việc). Có nhiều họa sĩ nói với chị rằng, tại sao Hiền không in đi in lại những bức tranh nổi tiếng nhất của mình, để mọi người nhớ và ấn tượng về chị. Bởi mỗi họa sĩ, thường chỉ nổi danh với một vài tác phẩm của mình. Nguyễn Thị Hiền chỉ cười, chị vẽ tranh không để cầu sự nổi tiếng. Chị vẽ từ những ẩn ức trong tâm hồn mình.
Đối với chị, vẽ tranh như một lẽ sống. Đó là hành trình khám phá chính mình. “Khi đã gọi là có mục đích là đã có bon chen. Có người đi 5km đã tới đích. Nhưng có người đi 1.000km mà vẫn chưa tới được đích. Đối với tôi, cái đích của mình là một cuộc hành trình đi tìm chính mình và cảm nhận thế giới. Mục đích bao giờ cũng là phía trước. Như một dòng chảy cứ miên man chảy và chảy, không bao giờ dừng lại…”. Chị đã bỏ lại những bon chen của đời thường, thậm chí cả những thị phi của người đời để bay lên bằng những khát vọng được cống hiến cho nghệ thuật. Và ở trên một tầng cao khác chị nhìn cuộc đời nhân ái hơn, hồn hậu hơn.
Lưu bút của Kim Lân trong bức sơn mài "Để lại cho con"
3. Bạn bè của Hiền đều biết về thú mê đồ của chị. Chị mê đồ và sống chung với bộn bề đồ đạc. Cả hai ngôi nhà ở Sài Gòn và Hà Nội đã trở nên quá chật chội bởi sở thích sưu tầm đồ của chị. Chị ảnh hưởng từ thú chơi tao nhã ngày xưa của cụ Kim Lân. Từ tấm bé chị đã được ngắm nhìn những món đồ tuyệt đẹp trong nhà mình.
Chị mê nhất là đồ cổ, từ những chạm khắc trên gỗ, đến những bức tượng, những gốm. Mỗi món đồ đều mang trong mình bao trầm tích của thời gian, bao thăng trầm của lịch sử. Chị còn nhớ, ngày nhỏ đi sơ tán, nhà chị lúc nào cũng chỉ có hai gánh, một gánh sách và một gánh là đồ cổ. Rồi khi lớn lên, chị rong ruổi những chuyến thực tế về nông thôn, có một thời tượng và đồ gốm quăng lăn lóc các góc vườn. Đẹp quá, chị xin về, rồi cứ thế, bộ sưu tập của chị cứ đầy dần lên…
Chị không phải là người quảng giao. Yêu ghét rõ ràng. Nhưng điều khiến tôi yêu quý chị, dù đã trải qua những thăng trầm của đời sống, thậm chí có những lúc nghiệt ngã, nhưng chị vẫn giữ được cái nhìn hồn hậu với cuộc đời. Chị biết bỏ qua những thị phi hèn kém, sống cao hơn mọi người, để biết bao dung và tha thứ. Khi chồng chị mất, từng có những thị phi khủng khiếp đổ lên đầu chị. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không hoảng loạn. Bởi tâm chị rất vững. Chị gọi những người có định kiến với mình đến và nói: “Tôi tự kiêu lắm, tôi ở trên cao này cơ mà, tôi đâu còn thời gian để nghe những điều xấu. Thời gian của tôi không còn nhiều, tôi muốn chắt lọc những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Ngày xưa, khi tôi đi sơ tán ở đồi Non Tứa, khu đồi vắng và trơ trọi. Gia đình tôi đã trồng lên đó rất nhiều cây, về sau, ở đó thành một khu rừng để tặng mọi người. Và trong ngôi nhà của mình, trong thế giới của tôi, tôi cũng đang trồng những cây thành một rừng cây để lại cho cuộc đời… Sao mọi người không giúp tôi để chúng ta cùng có một khu rừng trong chính ngôi nhà của mình”.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà văn Kim Lân
Nhưng để học được sự bình an đó, tĩnh tại đó, chị cũng đã nếm trải rất nhiều câu chuyện buồn. “Khi cuộc đời đã đi sang phía bên kia núi, tôi thấy tâm mình tĩnh lặng hơn, không còn nhiều ham muốn nữa. Mình đã chọn được cả sự bận rộn, chứ không thể bận một cách tùm lum được. Thế nên, tôi trân trọng từng khoảnh khắc sống trên cuộc đời, bởi với tôi, thời gian giờ là vô giá”.
Những lúc buồn, chị thường ngồi một mình. Hoặc xách balô, bỏ phố đi lang thang về những miền quê. Đi, sống và vẽ. Đó là hành trình cuộc đời chị.
Giờ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền sống trong căn nhà bề bộn ở Sài Gòn. Đôi khi tôi thấy chị đơn độc trong thế giới của chính mình. Nhưng cũng dễ hiểu thôi. Một người đàn bà tài sắc như chị, làm sao không đơn độc?! Bởi xét cho cùng, bản chất của người nghệ sĩ là cô đơn. Họ cô đơn trong sự đủ đầy của chính mình, để vẽ, để sáng tạo. Thì cô đơn cũng là một hạnh phúc.
“Nghệ thuật đích thực luôn đi tìm cái sâu thẳm trong chính mình, cái chân thật nhất, cái riêng nhất của mình. Vì chỉ có cái riêng nhất của mình mới là cái không ai khác có được. Và cuộc đi tìm kiếm này là một sự bứt phá liên tục, sáng tạo không ngừng nghỉ, không thỏa mãn với chính mình, dám bỏ lại sau mình những thành công đã có, đi tìm cái còn ở phía trước, gọi nó, tìm nó, sáng tạo nó, cho đến khi lờ mờ hiện lên nắm bắt nó và thể hiện nó vào trong tranh của mình. Không xếp đặt trước, không tạo ra trước như một mô hình mà sống cùng nó, hòa quyện trong nó như máu chảy trong cơ thể vậy”.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền


Hằng Nga
(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)
nguồn:http://www.petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/hoa-si-nguyen-thi-hien-hanh-trinh-kham-pha-chinh-minh.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001