Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Hoàng Nhất Phương - 2016: Obama’s America - Nước Mỹ của Tổng Thống Obama năm 2016 

Hoàng Nhất Phương


http://www.youtube.com/watch?v=CdOQLqKsKJI&feature=fvwrel
Phim tài liệu “2016: Obama’s America" trình chiếu giới hạn tại Houston, Texas ngày 13-07-2012, thu về gần $32.000 mỹ kim trong tuần lễ đầu tiên. Đến tháng Tám chiếu thêm tại 169 phòng vé, rồi 1.091 địa điểm trên toàn nước Mỹ. Chỉ riêng cuối tuần qua, tính từ ngày 24-08 đến ngày 26-08, bộ phim thu được $6,2 triệu mỹ kim. Tổng kết ngày 29-08, “2016: Obama’s America” thu hơn $10,5 triệu mỹ kim, vượt qua nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc của Hollywood, đứng vị trí thứ tám trong top ten tại bảng xếp hạng của các rạp xi-nê ở Hoa Kỳ. Kết quả này đã đưa "2016: Obama’s America" lên đài danh vọng, được xếp hạng thứ 17 trong danh sách các phim tài liệu có doanh thu cao nhất; đồng thời cũng trở thành một trong số những phim tài liệu về chính trị đứng hạng thứ 6, có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ. Một hiện tượng thật đặc biệt, hiện đang gây xôn xao dư luận không chỉ trong nước Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Có rất nhiều lời bình luận khen cũng như chê, khi nói đến những thước phim tài liệu chỉ dài 89 phút này.
“2016: Obama’s America" dựa trên tác phẩm “The Roots of Obama’s Rage” của nhà văn kiêm bình luận gia bảo thủ Dinesh D’ Souza, tác phẩm có tên trong danh sách best seller của tạp chí New York Times. Kịch bản do chính tác giả cùng viết, và đồng đạo diễn với John Sullivan. Chịu trách nhiệm sản xuất "2016: Obama’s America" là ông Gerald R. Molen, hãng phim Rocky Mountain Pictures phát hành, với ngân qũy chỉ có $2,5 triệu mỹ kim. Bằng cách phỏng vấn và tái hiện lại những hình ảnh quá khứ, bộ phim so sánh cuộc đời của tác giả Dinesh D’ Souza với cuộc đời của Tổng Thống Barack Hussein Obama. D’ Souza đưa ra kinh nghiệm bản thân của ông - một người Mỹ gốc Ấn - di tản đến Hoa Kỳ, là sinh viên của Đại học Darthmouth, sau đó trở thành biên tập viên của tạp chí bảo thủ Policy Review. Ông là chính khách có tiếng nói mạnh mẽ trong nền chính trị Hoa Kỳ, thân cận với các tổ chức bảo thủ hàng đầu kể cả American Enterprise Institute, Heritage Foundation, Hoover Institution, Policy Review, và từng là cố vấn chính trị của Tổng Thống Ronald Reagan.
Nhìn từ quan điểm cá nhân, ông D’ Souza cho rằng nguồn gốc của Tổng Thống Obama chưa bao giờ được giới truyền thông kiểm chứng. Ông đưa ra nhận xét: Tổng Thống đang điều hành nước Mỹ theo guồng máy chính trị của bộ lạc Luo từ thập niên 1950, một tham chiếu nói đến quê cha đất tổ của ông Obama. Theo ông D’ Souza, chương trình nghị sự quốc gia của Tổng Thống Obama nhằm mục đích thực hiện hoài bão của thân phụ, như ông đã khẳng định trong quyển sách “Dreams From My Father." Ông D’ Souza đến Indonesia, nơi cậu bé Obama từng sống với mẹ, ngồi ở quán cà phê vỉa hè đọc quyển sách của Tổng Thống Obama, đi tìm những người thân của tổng thống để phỏng vấn. Ông đã gặp George Obama, người em cùng cha khác mẹ với ông Obama. Trong khi anh của mình là tổng thống Mỹ, một cường quốc hàng đầu trên thế giới, George Obama lại sống rất nghèo khổ ở Kenya. Nhà làm phim muốn George nói lên lời oán trách người anh đang nắm quyền lực chính trị mạnh mẽ trong tay, muốn thế giới nhìn thấy bản chất đích thực của Tổng Thống Obama, một người "bỏ quên" những người thân cùng nguồn cội Phi Châu của mình, nhưng lại đang thống trị Hoa Kỳ bằng nguyên lý chính trị cực đoan của Kenya đã thấm nhập trong giòng máu của cha ông - là ông Barack Obama, Sr.,- cũng như đang cố gắng thu hẹp dấu chân của người Mỹ trên thế giới.

ob3.jpg

Cuộc đời của Tổng Thống Obama được kể lại trong phim, từ lúc ông sống tại Hawaii, và khi sống với người cha gốc Kenya ở Indonesia. Tiểu sử đặc biệt của tổng thống là nguyên cớ để ông D’ Souza khẳng định: Tổng Thống Obama có một thế giới quan không theo phong cách của người Mỹ. Như những câu motto viết trên bích chương quảng cáo “Love Him. Hate Him. You Don’t Know Him. Yêu hay ghét Tổng Thống, bạn cũng không biết gì về ông.” Ông D’ Souza nghĩ rằng công chúng Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, biết quá ít về cuộc đời của ông Obama. Ông vui mừng trước sự thành công của "2016: Obama’s America," vì ông nghĩ " Tự thâm tâm người Mỹ khao khát biết những thông tin về Tổng Thống Obama. Trong lịch sử cận đại, tôi cảm nhận ông là một trong số những người bí ẩn và khó hiểu nhất đã thống lĩnh Nhà Trắng." ("I know there is a deep hunger in America for information about Obama. I do feel that this is one of the most mysterious and elusive guys to occupy the White House, certainly in recent history. ") (*)
Đúng vào lúc thế giới có nhiều biến động chính trị, và Hoa Kỳ đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2012-2016 vào tháng 11, phim tài liệu "2016: Obama’s America" được trình chiếu, như một dữ kiện giúp tìm hiểu nguồn cội của Tổng Thống Obama, phân tích giả thuyết về tương lai của nước Mỹ, và đặt vấn đề "Nếu Tổng Thống Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, chúng ta sẽ ra sao vào năm 2016?" ("If Obama wins a second term, where will we be in 2016?"). Đây chính là thông điệp của bộ phim và cũng là câu hỏi cho khán giả, nhất là cho công dân Mỹ, những người đang sống tại Hoa Kỳ. Chúng ta đã trải qua gần hết bốn năm điều hành của Tổng Thống Obama, đã nhận biết mặt mạnh thế yếu trong nội các của ông về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế...v.v...Vì thế, nên coi "2016: Obama’s America," để xem bộ phim có ý phân biệt chủng tộc nhằm đả kích Tổng Thống Obama hay không. Và nhất là để quyết định tương lai bằng chính lá phiếu của mình, vì như ông D’Souza đã nói: "My destiny is not given to me, it is constructed by me. Số phận của tôi không được ai trao tặng, mà do chính tôi xây dựng."
Hoàng Nhất Phương
6:55am Thứ Sáu ngày 31 tháng 08 năm2012
(*) Ông Dinesh D’ Souza trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình ABC News

ob4.jpg
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Bảy, 01/09/2012
nguồn:http://danluan.org/node/14108
=================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001