Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Hoàng Nhất Phương - Hope Springs – Suối Nguồn Hy Vọng 

Hoàng Nhất Phương
Khi không còn thanh xuân phải chăng hành động, suy nghĩ, tình cảm của người ta sẽ rất khác…? Người ta nhìn đời trần trụi, trống vắng, hoang sơ thậm chí tự sa mạc hóa xã hội dù đang đi giữa đường phố sinh động, náo nhiệt. Cuộc sống không phải là bữa tiệc kéo dài, cũng không phải là một lễ hội trường cửu. Điều này bà Kay (Meryl Streep) biết, nhưng sinh hoạt đời thường của vợ chồng bà hình như không ổn. Bà có khung trời riêng của bà. Ông Arnold (Tommy Lee Jones) - chồng của bà - có thế giới biệt lập của ông ấy. Mỗi người tự sống, tự suy nghĩ, tự giải quyết mọi sự theo cách của mình. Một ngày lặng lẽ qua. Một tuần đơn độc qua. Một tháng âm thầm qua. Xuân đi. Hạ đến. Thu về. Đông tới. Sự thay đổi của không gian, của thời gian, của nhịp đời, đã chẳng còn là đề tài để bà và chồng cùng chia sẻ, cùng nói cho nhau nghe như trước đây. Sau hơn 31 năm chung sống, bối cảnh gia đình của họ rất tốt, các con khôn lớn đã ở riêng, chỉ còn lại hai vợ chồng. Lẽ ra ông và bà phải ân cần chăm sóc lẫn nhau. Buồn thay họ lạnh lùng, cô đơn ngay trong nhà của họ…!

snhy3.jpg

Từ lâu rồi họ là những người “độc thân” tại chỗ. Bà ở phòng của bà. Ông Arnold ở phòng của ông. Chuyện ân ái chỉ còn là hoài niệm, để tưởng nhớ mùi hương. Ngoài vài câu trao đổi nhạt nhẽo, ông Arnold không hề nói bất cứ chuyện gì với bà Kay. Bây giờ điều ông quan tâm nhất là làm cách nào có thể chơi golf tốt, làm thế nào để trái banh bay lên cao phóng đi thật xa, và rất điệu nghệ rơi đúng vào cái lỗ tròn của nó. That’s enough! Thế là đủ! Golf là niềm vui của ông. Ông chỉ cần bấy nhiêu thôi. Ông không ngó ngàng đến vợ. Nhận ra khoảng cách giữa hai người càng lúc càng xa, bà Kay đau khổ. Bà muốn hâm nóng lại tình cảm vợ chồng, muốn phá tan cuộc sống vô vị, nhàm chán, lạnh lẽo. Quyết tâm tìm lại hạnh phúc, bà Kay mời chồng đi nghỉ ở Main, vừa để thăm thị trấn cổ Great Hope Springs, vừa để nhờ chuyên gia tâm lý là bác sĩ Berinie Felg (Steve Carell) cố vấn cho tình trạng tâm sinh lý của họ.
Thật khó yêu cầu nữ tài tử Meryl Streep phải tạo dáng vẻ nhí nhảnh, đi tới đi lui cười giỡn…v.v…, vì đây không phải là thế mạnh của cô khi xuất hiện trước phim trường. Nhưng người nữ tài tử lừng danh này đã rất thành công, lúc diễn tả tâm trạng tuyệt vọng của bà Kay khi nhận ra sự thay đổi tiêu cực, ù lì của chồng. Bà đi tìm một con đường, để cả hai vợ chồng cùng trở về với suối nguồn hy vọng của tình yêu. Cũng giống như vậy, chẳng thể nói gì khác ngoài lời khen ngợi tài tử Tommy Lee Jones, một người biến đổi nhân cách từ tích cực sang tiêu cực, từ vui vẻ nồng nàn sang cáu kỉnh lạnh nhạt. Và rồi thật khó khăn nhưng vẫn cố, ông Arnold tìm lại phong thái trầm tĩnh nồng ấm ngày xưa, để cùng với vợ thì thầm phúc âm riêng của hai người. Không thể quên tài tử Steve Carell, vì ông đã hóa thân là bác sĩ tâm lý Berinie Felg thật như sự thật. “Suối Nguồn Hy Vọng” thành công, một phần lớn nhờ sự nhập vai của các tài tử Streep-Jones-Carell.

snhy4.jpg

Nếu có sơ sót chăng, chính là sự nề nếp quá mức khi đưa ra quá trình điều trị tâm lý của hai nhân vật chính. Ai cũng biết một khi tâm sinh lý bị rối loạn, một khi tình cảm bị thui chột, bị tổn thương ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, thái độ và phản ứng của người ta rất bất thường. Người ta có lúc gầm lên như sư tử, và cũng rất nhiều khi im như hạt thóc. Diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp này, lại được dàn trải một cách quá chu đáo, như vẽ sẵn đường biên cho nhân vật Kay của Streep và Arnold của Jones. Nếu đạo diễn Frankel khai thác sâu rộng vào kịch bản, mạnh mẽ ra lệnh “Action!” Tôi tin rằng Meryl Streep và Tommy Lee Jones dư đầy tài năng để diễn tả sự xung đột nội tâm, vì khuynh hướng libido bị ức chế. Đây là một giới hạn của “Hope Springs,” khi có hai tài tử thượng thặng đóng vai những nhân vật chính. Hay đạo diễn David Frankel cho rằng, chỉ là thể loại phim hài tình cảm nhẹ nhàng, không cần đi sâu vào yếu tố tâm sinh lý.

snhy5.jpg

Qua những thước phim của “Hope Springs,” đạo diễn David Frankel đã đưa lên màn bạc những điều trục trặc trắc trở có trong đời sống lứa đôi. Khó khăn mà ông bà Arnold - Kay phải đương đầu, cũng là những khó khăn mà bất cứ ai có gia đình đều phải trải nghiệm. Để hâm nóng lại nguồn mạch cảm xúc gần như đã lịm tắt, bà Kay mời chồng tham dự chuyến đi tìm lại dấu tích tình yêu. Để mãi mãi là người đàn ông có trách nhiệm, ông Arnold phải nhìn lại bản thân, phải thay đổi sự vô cảm, tính ích kỷ, học biết những điều nên tránh, mới không làm tổn thương tình cảm của người kết tóc se duyên với mình. Cho dẫu là như vậy, thực hành những điều này không dễ. Họ phải trải qua từng đêm tối tâm hồn, phải chiến đấu với sự bất lực của bản thân, mới có thể đưa những lời khuyên của bác sĩ Felg vào sinh hoạt đời thường, trả lại cho gia đình hai chữ “hạnh phúc” từng có. Điều này cho thấy hạnh phúc không dễ tìm. Tìm thấy rồi cũng không dễ nắm giữ. Và người ta chỉ có thể nắm giữ hạnh phúc bằng tình yêu chân thực. Đây chính là thông điệp của "Hope Springs.”
Hoàng Nhất Phương
4:01 am Thứ Tư ngày 5 tháng 9 năm 2012

snhy2.jpg
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 07/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/14203
========================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001