Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Một bài viết về Nelson Mandela từ sáu năm trước: Nhìn Nam Phi Ngẫm đến Việt Nam

Một bài viết về Nelson Mandela từ sáu năm trước: Nhìn Nam Phi Ngẫm đến Việt Nam 



Nguồn Blog Đào Hiếu

Hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc họp thượng đỉnh G8 tại Heiligen-Damm, miền bắc nước Đức. Thiên hạ bàn cãi về những kết quả của cuộc họp này, về các cuộc biểu tình của những người phản đối G8 v.v... Nhưng đối với tôi có một tin làm cho tôi suy nghĩ khá nhiều. Đó là việc hôm nay nhóm G8 sẽ phải ngồi lại để bàn về các vấn đề nổi cộm của nhân loại với nhóm G5 bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Brazil và Nam Phi. Nhóm này được đánh giá là đại diện của các nền kinh tế đang vươn lên và trong tương lai sẽ là thành viên của G13. Khi đó mọi vấn đề của nhân loại sẽ không thể thiếu tiếng nói của họ. Về các nước như Trung Quốc, Ấn độ, Brazil, Mexico thì ta khỏi phải bàn, vì tiềm năng về nhân lực tài nguyên, và xuất phát điểm của họ đều trội xa Việt Nam. Nhưng trường hợp Nam Phi làm tôi rất ngạc nhiên, vì trước đây nhóm G8 có đề cử Nam Triều Tiên là nước sẽ tham gia vào, bên cạnh các nước kia.
Sự ngạc nhiên này làm tôi nhớ lại Nancy, một cô gái Nam Phi mà tôi gặp trên chuyến bay Bangkok–Sài gòn (BKK–SGN) khi về Việt Nam ăn Tết đầu năm nay. Cô gái da trắng dễ thương này ngồi bên cạnh tôi trong chuyến bay ngắn đó và khi cô nhờ tôi giúp khai tờ Xuât Nhập Cảnh thì tôi mới biêt cô mang hộ chiếu Cộng Hòa Nam Phi. Tôi hỏi:
– Cô đi Việt Nam làm gì vậy ?
– Tôi tự đi theo kiểu “tây Balô“ để thăm Việt Nam xem sao, nghe nói đất nước ông đẹp lắm mà.
– Vâng, nhưng bên Nam Phi cô cũng nghe nói đến Việt Nam à?
– Ông nghĩ là Nam Phi ít thông tin lắm sao, không có Internet sao? Cô nhìn tôi ngạc nhiên và hỏi lại.
– Không, tôi xin lỗi, vì tôi hiểu quá ít về nước của cô. Trước kia tôi chỉ biết có Apartheid, nay thì chỉ biết đến ông Nelson Mandela.

Cô ta nói ngay: Phải ông ấy là con người nổi tiếng! và cũng là con người đáng kính!
Bây giờ đến lượt tôi ngạc nhiên, vì nghe câu nói đó từ mồm một người Nam Phi da trắng. Thế là chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều. Nancy hỏi tôi về cách đi du lịch ở Việt Nam, về ngày Tết, về đổi tiền v.v... Còn tôi thì hỏi cô về cuộc sống ở Nam Phi hiện nay, đặc biệt là của cộng đồng da trắng.
Qua câu chuyện tôi được biết Nancy 26 tuổi, mới tốt nghiệp đại học kinh tế ở Cape Town, trong khi gia đình cô lại ở Port Elisabeth. Bố cô có một hãng dệt may nhỏ, với vài chục công nhân, chuyên có hơp đồng may cho quân đội và cảnh sát nên lúc nào cũng sống được. Anh cô hiện vẫn là sỹ quan cảnh sát. Khi tôi hỏi có phải anh cô mang hợp đồng về cho bố cô không? Nancy cười hiền khô và nói là anh ta chỉ là sỹ quan trinh sát (detective), chứ không phải là cán bộ quản lý (manager). Rõ ràng cô không hiểu ý của môt lão già Viêt láu cá như tôi. Nhưng sự việc đó làm tôi liên tưởng đến cậu Thông, em họ tôi, trước 1975 là cảnh sát giao thông ở Nha Trang, sau đó đi cải tạo mấy tháng rồi về đạp xích lô cho đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi.
Khi tôi hỏi cô về cảm tuởng sau khi người da trắng bị thất cử năm 1994 và chính quyền rơi vào tay African National Congress (ANC), đại diện cho đa số da mầu, Nancy nói là khi đó cô còn nhỏ đâu có hiểu gì, chỉ nghe kể lại. Bố mẹ cô là người thiên chúa giáo sùng đạo, không hề làm điều ác gì với dân da đen trước đó nên hiện nay công ty của bố cô còn lớn mạnh hơn trước kia. Bố cô vẫn cứ nói vói gia đình: Ơn chúa mà chúng ta được thế này! Cô chỉ biết là trong 5 năm học ở đại học mỗi năm cô lại thấy có nhiều sinh viên da đen hơn năm trước mà thôi. Nhưng giáo sư da đen thì chưa có nhiều...
Chúng tôi chia tay nhau tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi không biết qua chuyến đi này, Nancy sẽ có ấn tượng gì về Việt Nam của tôi, nhưng tôi thì rất có ấn tượng vế những điều cô ta kể về đất nước Nam Phi của cô. Câu chuyện tình cờ đó làm tôi suy nghĩ và so sánh khá nhiều với nội tình nước ta. Một bên là cuộc nội chiến giữa Cộng Sản và Quốc gia suốt 20 năm, bên kia là cuộc xung đột chủng tộc diễn ra suốt 3 thế kỷ. Cuộc chiến tranh Việt Nam được kết thúc bởi tiếng xích xe tăng phá cửa dinh Độc lập, trong khi xung đột chủng tộc tại Nam Phi được kết thúc bằng cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, sau khi tổng thống W.F. De Klerk trả lại tự do cho Nelson Mandela và mời ANC tham gia tranh cử.
Tuy những người tiến vào dinh Độc Lập tuyên bố là không có bên thắng, bên thua, nhưng sau ngày 30/04/1975, ở Việt Nam đã không có hòa giải dân tộc. Hàng trăm ngàn binh lính, sỹ quan, công chức, chính khách chế đô Sài Gòn cũ lần lượt bị đưa đi cải tạo, giam giữ. Thậm chí nhiều người bị xử tử mà không có bản án. Từ những hi vọng được làm lại cuộc đời trong một quốc gia hòa bình thống nhất, nhiều người Việt thua trận sau đó đã mang nặng hận thù với bên chiến thắng. Cuộc vượt biên lớn nhất trong lịch sử loài người với gần hai triêu người tham gia ra đời từ những bi kịch đó. Hàng trăm ngàn mạng người Việt Nam nằm lại giữa biển đông. Danh từ “Boat people", "Thuyền Nhân” xuất hiện trong tự điển quốc tế là hậu quả và thành quả của nền chuyên chính vô sản ở nuớc ta.
19 năm sau đó, tháng 4, 1994 ông De Klerk, thủ lĩnh đảng Quốc gia cầm quyền của người da trắng tuyên bố thua cuộc bầu cử và chúc mừng ông Mandela lên nhậm chức tổng thống. Hành động dũng cảm và cao thượng đó của De Klerk đã đưa ông đi vào lịch sử như một người có công trong công cuộc giải phóng Nam Phi khỏi chế độ Apartheid và năm sau, 1995 ông được trao giải thưởng hòa bình Nobel.
Song cao thượng hơn nữa là thái độ của những người chiến thắng. Nelsson Mandela, người bị giam giữ suốt 27 năm liền trong nhà tù, và các đồng chí của ông đã không tìm cách trả thù những kẻ đã đàn áp nòi giống mình suốt 3 thế kỷ. Trong giai đoạn quá độ từ 1994–1997, khi đang chờ xây dựng hiến pháp mới, chính phủ ANC hầu như tìm cách giữ nguyên hiện trạng (chỉ thay đổi các bộ truởng và các vị trí chủ chốt trong hành pháp). Tất cả các đảng phái chính trị tham gia bầu cử tự do đều tiếp tục được hoạt động, không hạn chế. Bộ máy công an và quân đội giũ nguyên hiện trạng. Một “Ủy ban tìm hiểu Sự thât và Hòa giải” (Truth and Reconciliation Commission) do tổng giám mục Desmond Tutu dẫn đầu với sự có măt của tất cả các đảng phái (kể cả da trắng) có nhiệm vụ tìm hiểu sự thật đã xảy ra trong chế độ Apartheid. Những kẻ vi phạm tội ác, bất kể mầu da, đều bị xử bởi các phiên tòa công khai, có luật sư bào chữa (đa số luật sư là da trắng). Những ai được kết luận là không có tội thì vẫn là công dân tự do.
Khi đọc đến đây trong wikipedia.org, tôi mới hiểu ra, tại sao gia đình Nancy vẫn sống đàng hoàng, vì sao anh cô vẫn là cảnh sát sau khi người da trắng mất quyền lãnh đạo.
Khi ông Mandela rút khỏi chính trường, nhiều người lo ngại sẽ có phân biệt chủng tộc ngược của người da mầu. Nhưng Thabo Mbeky, người kế tục sự nghiêp của Mandela vẫn tiếp tục chính sách hòa giải dân tộc, và về nhiều mặt, nhất là kinh tế, còn rộng mở hơn ngừoi tiền nhiệm. Lý do đơn giản là ông Mbeky được giao du học hành nhiều hơn lãnh tụ Mandela, người mà gần nửa cuộc đời chỉ biết có lao tù. Chính sự cao thượng, sự công minh của Mandela và đảng ANC đã biến Nam Phi từ một quốc gia bị cả thế giới tẩy chay năm 1994, nay thành quốc gia đứng đầu châu Phi, được cả thế giói kính nể, kể cả các nước G8 ngạo mạn nhất. Uy tín của Mandela và ANC cũng góp phần đưa giải vô địch bóng đá thế giới đến với Nam Phi năm 2010, mặc dù cho đến nay họ chưa có lấy 1 sân nào đạt tiêu chuẩn. Đôi bóng của họ, xét về thứ hạng, chỉ hơn Việt Nam ta mấy cấp, còn về sự cuồng nhiệt bóng đá thì dân họ thua xa dân mình (Bên đó khúc côn cầu và cricket thịnh hành hơn)
Xét về kinh tế, tuy chỉ có 43 triệu dân, trong đó hơn 70% là da đen, kém về văn hóa, nghèo về kinh tế, nhưng Nam Phi đã đạt tổng sản phâm quốc dân gần 600 tỷ USD, đứng thứ 24, (Việt Nam đông dân gấp đôi nhưng Tổng sản phẩm = 258 tỷ USD). Thu nhập đầu người Nam Phi đạt 13.100 USD, đứng thứ 76, vượt xa nhiều nước đã có hòa bình trươc họ (Việt Nam với 3100 USD/ đầu người, xếp thứ 157 trong bảng xếp hạng 2006. Theo www.Cia.gov).
Đọc đến đây ắt sẽ có người nêu ý kiến: Nam Phi trong suốt cả thời gian Apartheid cho đến nay vẫn là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, đứng đầu thế giới về xuất khẩu kim cương, đúng thứ 10 về dịch vụ ngân hàng nên được hưởng những lợi thế mà Việt Nam không có! Điều đó đúng, nhưng chỉ là tương đối. Cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi, phong trào giải phóng dân tộc da mầu ở Namibia và Zimbabwe cũng lên nắm chính quyền. Cả ba vùng này đều có những đặc điểm y hệt nhau trong những năm 90 đó. Namibia thì tôi không biết nhiều lắm. Nhưng chính phủ của ông Mugabe ở Zimbabwe lại thi hành chính sách độc tài, triệt hại người da trắng, tước đoạt của cải đất đai của họ, đàn áp chính cả các đảng phái đối lập của người da đen. Hậu quả của nó thế nào thì đã rõ. Hiên nay tại Zimbabwe , nạn đói đang bắt đàu hoành hành! Một ví dụ khác: Việt Nam đã liều mạng tiêu diệt cơ sở của CN tư bản ở Miền Nam, làm mất đi cả một đôi ngũ trí trức, kỹ nghệ gia sau năm 1975, kéo lùi lịch sử dân tộc lại vài chuc năm. Nay đến cả ông Võ Văn Kiệt và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải công nhận sai lầm này, chỉ có điều họ không đủ dũng cảm và cao thượng để xin lỗi cả dân tộc.
Như vậy rõ ràng việc tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki hôm nay đến Heiligen Damm để toạ bàn với Bush, Merkel, Blair v.v về phân chia lại quyền lợi kinh tế, tài nguyên, khí thải trên thế giới này là kết quả của đường lối hòa giải dân tộc và chính sách thu phục nhân tâm đúng đắn của ông ta và những người tiền nhiệm, chứ không phải là sự thừa huởng của một nền móng kinh tế đã có sẵn. Tư thế của lãnh tụ da đen này khác hẳn với chủ tịch Nguyễn Minh Triết, khi đi thăm Mỹ phải cò kè bằng việc thả hai, ba hay bốn người đối lập.
Bài học Nam Phi này làm cho chúng ta xót xa, khi mà một dân tộc mang tiếng có 4000 năm văn hiến, vậy mà 32 năm sau chiến tranh vẫn chưa biết hòa giải với nhau. Những đề tài như „Nghĩa trang Biên Hòa“, „Bia mộ thuyền nhân“ chỉ làm tăng thêm sự hổ thẹn. Vì người ngoại quốc khi nghe chuyện này, họ không quan tâm đến việc Cộng sản hay Chống cộng, mà họ chỉ nghĩ đên một dân tộc! Một giống nòi không có nhân đạo với cả người chết! Báo chỉ trong nước thì vẫn luôn nhắc nhở đến “chiến thắng lịch sử“, và coi những kẻ thua chạy ra bên ngoài, vẫn ôm mối hận cũ là các “thế lực phản động“. Trong khi họ đã lại nhìn nhận các kẻ thù cũ, đã đưa quân sang bắn giết người Việt như Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc thì lại là bạn thậm chí là đồng chí.
Còn các “thế lực phản động” thì chỉ còn biết viết báo chửi Cộng sản cho sướng miệng mặc dù biết rằng người trong nước đâu có đọc được các bài báo đó. Mà nếu có ít người vượt tường lửa đọc được thì họ đâu có chia sẻ những quan điểm đó, vì họ sống trong thế giới khác hẳn. Thấy chửi Cộng sản mãi không được, họ quay lại chửi cả những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, làm cho những người như Phương Nam, hay cả tướng Trần Độ bị bắn cả từ hai phía (xem “Những tên đặc công đỏ...” trên Vietnamexodus.org)
Qua đó chúng ta thấy dân tộc Việt không có sự đồng thuận, kể cả giữa các nhóm lợi ích ở trong nước, giũa các nhóm ở nước ngoài, giữa người trong và ngoài nước, giữa người đã trót thắng và người đã thua. Tôi đọc báo của cả hai bên mà ít thấy (không phải là không có) những bài báo chỉ ra được con đường để dân tộc ta được mở mày mở mặt, mỗi khi đi đâu không phải xin xỏ như kiểu ông Nguyễn Văn Bàng*, hay chí ít cũng không phải nhờ vào các dân biểu nước ngoài (như cô Sanchez) gây áp lực hộ mình .
Bài học của Nam Phi cho thấy, để xứ sở của họ đạt được tầm cỡ về kinh tế và uy tín như ngày nay, kể cả kẻ thắng và người thua đều phải có bản lĩnh và đạo đức. Lẽ tất nhiên trách nhiệm chính nằm trên vai những người “chiến thắng“ đang cầm quyền!
Nguyễn Việt
08/06/2007

* Cựu đại sứ VN tại Liên Hợp Quốc, phải bay cấp tốc sang Mỹ để giàn xếp cho chuyến đi của chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang Mỹ bằng cách hứa thả 2 tù nhân lương tâm
oldmovie13 gửi hôm Thứ Bảy, 07/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131207/mot-bai-viet-de-nho-den-nelson-madela-nhin-nam-phi-ngam-den-viet-nam
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001