NGÓT MỘT THẾ KỶ VĂN CHƯƠNG ViỆT NAM ĐÃ BÒ QUA CHU VI THƠ MỚI?
28/12/2013
Nguyễn Hoàng Đức
Thơ Mới xuất hiện những năm ba mươi
thế kỷ 20, giờ đây đang là những ngày cuối năm 2013, như vậy là
văn thơ mới Việt Nam đã hành trình ngót nghét một thế kỷ.
Nhưng không có gì không có khúc dạo đầu, cũng chẳng có gì
thoát nổi sự bào thai ngay trong lòng nó, Thơ Mới xuất hiện
1930-1945, cũng không ngoại lệ, thực ra nó được sửa soạn từ khi
chữ quốc ngữ ra đời từ 1621 (không có chữ quốc ngữ không có
thơ mới), nhưng sự mang thai khẩn thiết và chín muồi của nó
bắt đầu từ ban mai thế kỷ 20, khi chí khí khao khát độc lập,
tự do và tiến bộ của giới trí thức và nhân dân Việt Nam dâng
rất cao.
Thơ Mới rõ
ràng đã là đỉnh cao của thơ ca Việt, một đỉnh cao độc nhất vô
nhị trong quá khứ chưa từng có, và song hành với nó là một
nền văn xuôi rất mới mẻ vỡ hoang tầm vóc và tương xứng với
thơ, ra đời với những tên tuổi và tác phẩm như “Tắt đèn” của
Ngô Tất Tố, “Chí Phèo” của Nam Cao, hay “Số đỏ” của Vũ Trọng
Phụng…
Thơ Mới là một đỉnh cao, cũng là
mùa gieo hạt đầu tiên, hạt đấy phải nảy mầm thành cây vươn cao,
thành đại thụ… nhưng giờ đây sau rất nhiều đánh giá từ mọi
hướng, chúng ta vẫn chưa vượt qua được thời Thơ Mới, và vẫn cứ
mệt mỏi hát bài ca “bao giờ cho đến ngày xưa”…
Ngót một thế kỷ gieo hạt đã trôi
qua, chúng ra thăm đồng vẫn thấy chỉ toàn lúa lép. Vậy giờ đây
chúng ta thử “cân” đong những thứ hạt mà mình thu được. Ngoài
vài tác phẩm kể trên, cũng như sự đáng tiếc giành cho các tài
năng lớn như Vũ Trọng Phụng hay Hàn Mạc Tử yểu mệnh, nói
chung mấy nhà văn tiền bối như Ngô Tất Tố hay Nam Cao vẫn chưa
chín muồi để có một tầm vóc “đại văn hào” với nhiều tác
phẩm hay tư tưởng đồ sộ. Dẫu vậy những đỉnh cao này dường như
chưa có ai thời mới vượt qua. Có rất nhiều bằng chứng cho việc
này, chẳng hạn, văn học mạng là thứ văn học tốc độ nhất,
tiện lợi nhất, hiện đại nhất, nhưng mới đây theo nhiều đánh
giá của các nhà chuyên môn giỏi cả mạng lẫn văn học, đã đành
chính thức tuyên bố: sau 5 năm, văn học mạng chẳng có thành tựu
gì đáng kể, coi như thất bát trắng tay. Hoặc có rất nhiều
người trẻ quan niệm rằng: thời nay hiện đại, tuổi trẻ nhanh
nhạy, tiếp thu nhiều tiến bộ của thời đại, nên các cây viết
trẻ viết khác và hay hơn xưa nhiều. Đây là cách nghĩ hoàn toàn
phiến diện. Chẳng hạn như tôn giáo là đức tin và trí tuệ cao
bậc nhất của loài người, nhưng hơn 2000 năm nay, nhân loại chưa
nghĩ được ra thứ tôn giáo nào lớn hơn các tôn giáo đã có. Về
triết học, một chuyên gia “lật đổ” như Nietzsche đã thú nhận
“chúng ta không làm gì được nhiều hơn tổ sư của chúng ta”. Còn
về thời đại, nhiều chuyên gia cảnh báo: thế hệ mới có nhiều
nguy cơ rơi vào mù văn hóa mới. Văn chương không phải là thời
trang mà cần mốt mới hay hiện đại. Văn chương là suy tư, triết
lý và tư tưởng. Đó là điểm mạnh không cãi nổi của văn chương.
Mà nếu có ai muốn cãi lại điều này thì đều thất bại hoặc
mang một tầm vóc bé. Để dễ hiểu, tôi xin đưa ra vài minh chứng
ở châu Á, như thi hào Tagore, Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn… tất nhiên
còn rất nhiều cây bút vui vẻ cảm xúc, nhưng đó là mối quan tâm
thứ hai của chúng ta. Mà với những người thích chinh phục
đỉnh cao thì “thứ hai” không bao giờ còn là mối quan tâm nữa,
hoặc nếu có chỉ là mối quan tâm của kẻ yếu. Thực tế đã được
nhiều cây bút trẻ chứng minh và thú nhận, họ nói: càng ngày
càng thiếu những tư duy đồ sộ bởi vì người ta chỉ chú trọng
vào cái cấp thời của văn chương chớp nhoáng trên mạng.
Giờ chúng ta nên đi vào kiểm kê
những tài sản đã đạt được. Ngoại trừ vài khuôn mặt có tấm
có món mà chưa trở thành đại văn hào nghễu nghện đồ sộ, còn
lại Việt Nam chỉ có thơ. Mà thơ thì sao? Như một loạt các bài
nghiên cứu rất tỉ mỉ cụ thể, thì hầu hết các nhà thơ dù rất
danh tiếng cũng thường chỉ là tác giả của một bài. Còn một
vài nhà văn dù rất nổi tiếng nhưng nếu xét nét ra thì cũng
thuổng chỗ này chỗ kia nhiều lắm. Điều đó cũng logic thôi, vì
khi trí tuệ yếu ớt, thiếu vốn thì người ta đành “mượn” tạm.
Tóm tắt, khuôn mặt văn chương hiện
đại Việt Nam có tài sản gì? Nói chung, chủ yếu là thơ với
tài năng dù rất tài cũng chỉ một bài, nếu bắt tay viết
trường ca thì hầu hết thất bại vì không kiếm được nhân vật mà
chỉ là kéo dài những cảm xúc lê thê. Về tiểu thuyết, như
nhiều chứng kiến, các nhà văn Việt cứ viết tập hai là quanh co
nhạt nhẽo. Giờ chúng ta thử đếm mấy thành tựu. Nhà văn
Nguyễn Khải một người rất khá về vốn kiến thức và bản lĩnh,
nhưng thừa nhận “cả đời tôi tạo được ra mỗi Tuy Kiền”. “Chuyện
kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn là bức tranh về tù nhân rất
sinh động và vật vã, nhưng dường như chỉ có thế, nếu đem so
với “Papilon người tù khổ sai” của Charrière Henry thì không gian
phiêu lưu cũng như tình tiết hấp dẫn không thể bằng, nhưng
Papilon cũng chỉ là thứ ghi chép á văn học mà thôi. “Đêm thánh
nhân” của Nguyễn Đình Chính cũng khá đồ sộ nhưng dường như là
văn du lịch đi từ mỏ đá đến nhà mồ Tây Nguyên… Đây cũng là đặc
trưng của văn thơ Việt muốn kéo dài thì chẳng có cách nào
khác là dùng “cấu trúc chiều ngang” đi theo mạch của địa lý
nhiều hơn là đi chiều dọc của mục đích tư tưởng. “Cơ hội của
Chúa” của Nguyễn Việt Hà cũng gây đình đám nhưng cũng là một
thứ cấu trúc chiều ngang, thứ chiều ngang sinh hoạt, nhân vật
chính đi hết cuộc nhậu này đến cuộc nhậu khác mang theo tư duy
không quan trọng hơn chính chai rượu. Còn một ông vua truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp cũng không thể quên lãng, nhưng có điều ông vua
này không thể hóa men của truyện ngắn thành chất liệu cho
tiểu thuyết. Còn các khuôn mặt nữ, Phạm Thị Hoài được trang
bị văn hóa rất cẩn thận ở Đức, hay Dương Thu Hương đã có “Bên
kia bờ ảo vọng” từ rất sớm, nhưng rõ ràng hai con tầu có vẻ
lớn này chưa thể cập bến cảng đồ sộ. Còn vài nhân vật mới
như Đặng Thân với “Những mảnh hồn trần” dường như là đại biểu
cao cấp cho văn chương “hiện đại”, nhưng liệu anh đi xa bao nhiêu
hay lại trở thành “đại diện cho mùa thất thu của văn học
mạng”? Nguyễn Một với hai tiểu thuyết “Đất trời vẫn vũ” và
“Ngược mặt trời” đã xây dựng bút pháp huyền ảo khá logic công
phu, anh đã chạm đến cả siêu hình học, đức tin… Chỉ có điều
người ta vẫn cảm thấy anh như một hậu vệ chưa dùng hết sức
bình sinh sút bóng vào “gôn”, nghĩa là vẫn chưa tới và chưa
đã, lại phải chờ trận chung kết của anh.
Những năm qua, công bằng mà nói “Nỗi
buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là gặt hái nhiều ý nghĩa
thành công bậc nhất cả trong và ngoài nước. Có những tờ báo
uy tín về văn học của Mỹ đã đánh giá Bảo Ninh là “Sự phản
tỉnh đầu tiên về chiến tranh Việt Nam” (the first reflexion on
theVietnam war). Nhưng cũng có điều nhà văn này dường như không
thể chắp thêm toa cho đoàn tầu sự nghiệp của mình. Có một lần
tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Kiên, một người yêu và bái phục văn
chương của Bảo Ninh từ đỉnh đầu đến gót chân, đã nói vài
lần: viết như Bảo Ninh như một kẻ say, lảo đảo, không biết mình
đang viết cái gì, có như vậy mới có áng văn bất hủ như “Nỗi
Buồn chiến tranh”. ? Viết như kẻ say, viết bằng cảm tính, chính
thế người ta mới hết vốn không thể viết thêm được. Và viết
như say, thì chẳng bao giờ thành chuyên nghiệp cả, và thật khó
mà đạt tới tầm vóc của một nhà văn đồ sộ, bởi vì có một
phương ngôn “người chuyên nghiệp là người sáng tác được cả ngay
trong lúc không hưng phấn”.
Trong bài này, hầu như tôi không bàn
đến tầm vóc của thơ, bởi lẽ thơ còn chưa vượt được thời Thơ
Mới thì bàn làm gì. Vả lại, tôi đang ưu tiên bàn đến tác phẩm
và tác giả đồ sộ tầm vóc, thì chu vi của một bài thơ bé
quá, một trang giấy in thơ không thể đủ tầm vớt nền văn học
của dân tộc đang từ đống bèo thành trái núi. Có rất nhiều
người Việt biện hộ rằng “hay không cốt dài”, có thể thế, nhưng
đồ sộ, vĩ đại, hoành tráng không phải tầm vóc của vài cọng
rau hay bốn hòn gạch tứ tuyệt.
Giờ chúng ta hãy trả lời câu hỏi
cốt tử: tại sao nền văn học đã có một khởi đầu đẹp như trong
mơ từ thời Thơ Mới lại không thể nhúc nhích tiến bộ tí nào?
Một chiếc đồng hồ không thể vận
động nếu kim giây chạy không kéo theo kim phút và kim giờ. Tiến
bộ, hình ảnh biểu tượng của thế giới là leo cầu thang. Qua
khảo sát và sống chung với người Việt, các tác giả Việt, tôi
thấy rõ một điều: chúng ta thiếu vắng trầm trọng khả năng tư
duy của lý trí. Chính thế mà kết cấu cho các tiểu thuyết
lỏng lẻo, truyện ngắn thiếu tình tiết, thơ không thể mang nhân
vật. Và không có lý trí thì chắc chắn người ta không thể tiến
bộ vì theo triết học: cảm xúc là bản năng muôn đời không bao
giờ thay đổi. Chỉ có lý trí và tư tưởng thay đổi mà thôi.
Tất cả các ngôi nhà lớn hay vươn lên
tầm cao thì đều đòi hỏi sự cấu kết của kiến trúc, vậy mà
chúng ta đòi dựa vào cảm xúc thì làm sao có kết cấu cho kiến
trúc hay tác phẩm đồ sộ. Có phải vì thế mà chúng ta chỉ
đóng nổi chuồng chim, chuồng gà cho sáng tạo mấy vần thơ lẻ?
(nói cho sang chứ làm một chuồng chim còn công phu hơn một bài
thơ ngắn tũn).
Nền văn học muốn lớn thì cũng phải
dựa trên nền bạn đọc lớn. Dân số nước ta ngót một trăm triệu
người đang ở tốp cường quốc rồi, vậy mà các cuốn sách in ra
chỉ cỡ một nghìn, không bằng một huyện lẻ của nước khác… Dân
trí chúng ta thấp như vậy, thì bao giờ văn học cũng như sách
vở mới được đặt lên đỉnh não?
Sách là tư duy lại không ở trên đầu,
vậy thì chỉ còn những thứ thơ cảm xúc bẻo lẻo đọc tứ tung
để hú hí mua vui và cầu tí danh hờ vặt vãnh. Vậy thì bao giờ
chúng ta mới bò ra khỏi chu vi có diện tích “đựng hạt men”
của thời Thơ Mới? Nếu chúng ta không chịu sáng tạo bằng lý
trí thì chắc chắn đó là chu vi bất khả vượt qua!
NHĐ 28/12/2013
Tác giả gửi cho NTT blog
nguồn:http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2013/12/28/21614/
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001