Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Những hiện tượng thời tiết-thiên tai bất thường trong năm 2013

Những hiện tượng thời tiết-thiên tai bất thường trong năm 2013 


Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-12-29
Cơn bão Haiyan với sức gió trên 300 cs/giờ đánh dạt chiếc tàu hàng trăm tấn lên bờ tại Tacloban, hòn đảo phía đông của Leyte, Philippines ngày 11 Tháng 11 năm 2013
Cơn bão Haiyan với sức gió trên 300 cs/giờ đánh dạt chiếc tàu hàng trăm tấn lên bờ tại Tacloban, hòn đảo phía đông của Leyte, Philippines ngày 11 Tháng 11 năm 2013
AFP

Nghe bài này
Những hiện tượng thời tiết- thiên tai trong năm 2013 đáng chú ý ra sao? Một số chuyên gia thuộc chuyên ngành môi trường, hải dương học về tình hình đó trong chuyên mục Khoa học- Môi truờng kỳ này.
Bình thường, bất thường hay cực đoan?
Bão tố, lũ lụt, hạn hán …là những thiên tai lâu nay xảy ra tại những vùng miền khác nhau trên Trái Đất. Qua kinh nghiệm, con người có thể nhận biết phần nào khoảng thời gian trong năm những hiện tuợng đó xảy ra tại nơi họ sinh sống từ đời này qua đời kia.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhất là trong năm 2013 nhiều người cho rằng chu kỳ tự nhiên có những biến đổi thất thường không như trước kia nữa. Nắng nóng, hạn hán, mưa gió, bão tuyết… đến sớm hơn, kéo dài hơn hay mức độ nặng  hơn…
Kỹ sư Đặng Đình Cung từ Pháp đưa ra định nghĩa thế nào là bất thường, cực đoan trong các hiện tượng tự nhiên:
Trước tiên tôi xin định nghĩa một hiện tượng bất thường và một hiện tượng cực đoan. Theo toán học thì một hiện tượng bất thường là một hiện tượng có xác suất xẩy ra rất nhỏ và một hiện tượng cực đoan là một hiện tượng ở ngoài khoảng cách biến động có thể chấp nhận được.
Dựa trên định nghĩa ông đưa ra đó, ông có đánh giá về tình hình thiên tai trong năm 2013 như sau:
Năm 2013 ở Việt-Nam không có gì là bất thường. Mùa khô năm nay ngắn hơn trung bình nhưng cũng có năm hạn hán ít hơn. Nếu không kể thêm nhân tai do đập thủy lợi bị vỡ hay xả lũ thì lượng mưa năm nay nhiều hơn trung bình nhưng cũng có năm mưa nhiều hơn
Kỹ sư Đặng Đình Cung
Dựa trên hai định nghĩa ấy thì năm 2013 ở Việt-Nam không có gì là bất thường. Mùa khô năm nay ngắn hơn trung bình nhưng cũng có năm hạn hán ít hơn. Nếu không kể thêm nhân tai do đập thủy lợi bị vỡ hay xả lũ thì lượng mưa năm nay nhiều hơn trung bình nhưng cũng có năm mưa nhiều hơn. Tuy nhiên, như mọi năm, thiên-tai đă cướp đi một số quá nhiều sinh mạng và một phần quá lớn tài sản, đặc biệt là ở miền Trung.
Hiện tượng cực đoan năm nay là bão Hải Yến đã tàn phá các đảo phía Nam Philippines. Nhưng cơn bão đã giảm cường độ và trở thành áp thấp nhiệt đới khi dạt vào bờ biển Việt Nam. Điều bất thường, hay đúng hơn là bất ngờ, của bão Hải Yến là thanh niên Việt Nam đã quyên được rất nhiều tiền giúp đỡ nạn nhân ở Philippines. Việt Nam và Philippines là hai quốc gia nghèo. Phong trào liên đới tự phát này của giới trẻ làm tôi hãnh diện là người Việt Nam và cảm thấy thân thiện hơn với người Philippines.
Trái với đánh giá của kỹ sư Đặng Đình Cung, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, một chuyên gia về tình hình biến đổi khí hậu từng tham gia vào báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí hậu- IPCC, thì những hiện tượng tự nhiên trong năm qua theo như báo cáo thứ năm của IPCC thì rõ ràng có những bất thường :

Tuyết phủ dọc đường đèo Ô Quý Hồ, Lào cai dày hàng chục cm vào chiều 16 và sáng 17/12/2013
Tuyết phủ dọc đường đèo Ô Quý Hồ, Lào cai dày hàng chục cm vào chiều 16 và sáng 17/12/2013

Vấn đề biến đổi khí hậu trong những năm vừa qua và đặc biệt trong năm vửa rồi có nhiều bất thường...số lượng thiên tai gây nên bão lụt, mới bắt đầu mùa đông giá trị cực trị của lạnh bất thường khiến tuyết rơi ở Sapa và các đỉnh núi cao của Việt Nam có nơi lên đến từ 30-50 cm chưa từng có ở Việt Nam. Hay như bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines
tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh
Theo đánh giá của tôi vấn đề biến đổi khí hậu trong những năm vừa qua và đặc biệt trong năm vửa rồi có nhiều bất thường, đã nhìn thấy rõ ràng không  còn thuần túy là dự báo như trước đây nữa. Một ví dụ cụ thể trong năm 2013 tại Việt Nam : số lượng thiên tai gây nên bão lụt, mới bắt đầu mùa đông giá trị cực trị của lạnh bất thường khiến tuyết rơi ở Sapa và các đỉnh núi cao của Việt Nam có nơi lên đến từ 30-50 cm chưa từng có ở Việt Nam. Hay  như bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines ở cấp độ 5, gío giật 310 km/giờ vuợt xa phân cấp bão cấp độ 5 lớn nhất. Đó là hiện tượng rất bất thường. Có thể nói biến đổi khí hậu không xảy ra như dự báo nữa mà đang xảy ra ngày ở mức độ càng gia tăng. Diễn tiến của nó theo  báo cáo của IPCC là đang rất phức tạp.
Ông Trần Việt Liễn, chuyên gia hiện đang làm công tác cố vấn cho Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam về vấn đề biến đổi khí hậu có nhận định :
Tại Việt Nam trong năm qua, thiên tai biểu hiện khá rõ nét, có lẽ cũng do biến đổi khí hậu. Nguời ta đổ lỗi hết cho biến đổi khí hậu, tôi cũng không nhất trí đâu ; thế nhưng tác động của nó là có. Năm vừa rồi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng của bão. Số lượng các cơn bão họat động trên Biển Đông, các áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam ( may mắn bão Haiyan không đổ bộ vào Việt Nam), nhưng lũ lụt trên các sông ở miền Trung Việt Nam cũng gây ra thiệt hại khá lớn. Các bộ ngành đã có báo cáo, và năm vừa qua là năm thiên tại gây thiệt hại lớn cho nhiều khu vực ở Việt Nam.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng biên độ của các hiện tuợng khí hậu. Ngòai việc tăng nhiệt độ trung bình còn xuất hiện cực đoan về nhiệt độ cao còn có cực đoan nhiệt độ thấp cũng nhiều. Đợt rét hiện đang diễn ra ở miền bắc Việt Nam cũng là hiện tượng tương đối dị thường của thời tiết. Đặc biệt mưa tuyết ở Việt Nam năm nay diễn ra trên diện tích khá rộng ở miền núi phía bắc. Những dị thường đó cũng do tác động biến đổi khí hậu ở góc cạnh nào đó thôi, và đó cũng là một hiện tượng.
Tôi nghĩ rằng kết hợp với những hiện tượng ở Châu Âu, Mỹ liên quan đến bão, bão tuyết thì thông tin trên báo chí nhiều ; nhưng theo tôi chưa có chứng minh là hiện tuợng cực đoan nhiều hơn so với thường kỳ.
Giáo sư Đinh Văn Ưu
Giáo sư Đinh Văn Ưu, giảng dạy tại Khoa Hải Dương, Đại học Quốc gia Hà Nội thì có nhận xét cẩn trọng hơn về các hiện tượng thời tiết trong thời gian qua như sau :
Đối với vùng đông nam Á, đáng chú ý là cơn bão Haiyan vừa rồi thổi qua Philippines và khi đến Việt Nam lại đi lệch về phía bắc ; người ta cho rằng chưa có sự kiện một cơn bão đổ bộ vào đất liền mạnh như cơn bão Haiyan vừa rồi. Nguời ta có dự đóan, nhưng lượng bão ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương chưa phải là kỷ lục- có nhiều hơn năm ngóai nhưng ở diện trung bình cao thôi. Tôi nghĩ rằng kết hợp với những hiện tượng ở Châu Âu, Mỹ liên quan đến bão, bão tuyết thì thông tin trên báo chí nhiều ; nhưng theo tôi chưa có chứng minh là hiện tuợng cực đoan nhiều hơn so với thường kỳ. Cũng có thông tin cho rằng năm 2012-2013 và kể cả năm nay là giai đọan chuyển tiếp trong chu kỳ khí hậu. Điều này nói lên một điều có thể trong thời gian tới biển đổi khí hậu có một bước ngoặc khác chăng ! Đó có thể là bắt đầu một thời kỳ tiểu băng hà mới ; nhưng chưa thể chứng minh gì đuợc điều ấy. Tuy nhiên theo ghi nhận về họat động mặt trời mà tài liệu khoa học công bố cho thấy chu kỳ thứ 25 của họat động Mặt Trời có vẻ yếu hơn các chu kỳ khác.
Bộ Tài Nguyên- Môi Trường Việt Nam cho rằng năm 2013 là một năm ‘khốc liệt’ về thời tiết tại Việt Nam. Đó là tuyết rơi vào tháng 12 tại nhiều điểm ở Sa Pa mà từ năm 1961 đến nay mới xuất hiện trở lại. Rồi mưa đá, nắng nóng ở Bắc Bộ. Mưa ở khu vực đông bắc và bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm.
Con người đã tích lũy tác động của công nghiệp từ ba thế kỷ nay mới đến tình trạng nguy kịch như hiện nay. Vậy thì phải tắt tất cả những nhà máy và ngưng không dùng các phương tiện giao thông vận tải cơ giới trong ít nhất ba thế kỷ thì mới có hy vọng tái lập được tình hình thời tiết trước cách mạng công nghiệp
kỹ sư Đặng Đình Cung
Tác động của con người
Đối với nhóm ý kiến cho rằng những thay đổi về thời tiết trên trái đất lâu nay là hệ quả của họat động sản xuất công nghiệp phát thải ra những lọai khí gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất ấm dần lên; cũng như những can thiệp vào môi trường tự nhiên dưới hình thức  phá rừng, xây dựng đập thuỷ điện chặn dòng chảy của các con sông…, kỹ sư Đặng Đình Cung có nhận định:
Khi nhìn tương quan giữa hàm lượng khí các bon với chu kỳ và cường độ những hiện tượng khí hậu bất thường thì phải nhận rằng có mối liên hệ nào đó giữa thiên tai và tác động của con người mà ta có thể gọi là nhân tai. Nhưng quả đất thì lớn mà nhân loại thì nhỏ. Nếu tính những nguồn hiệu ứng nhà kính tự nhiên như là mây và xương mù, khí núi lửa, sinh vật và thảo vật phát ra thì tác động của con người cũng chỉ tương đối thôi. Nhưng khí hậu là một sự cân bằng không ổn định. Chỉ cần thay đổi một chút, và nhân loại đã tham gia vào sự thay đổi, là cân bằng đó mất đi một cách vĩnh viễn. Có lần, ở bên Tầu, họ tắt tất cả các nhà máy và ngưng không dùng bất cứ phương tiện giao thông vận tải cơ giới nào trong vài ngày. Họ không thấy có hiệu quả gì đáng kể và lâu dài. Vấn đề là quán tính của địa cầu rất lớn. Con người đã tích lũy tác động của công nghiệp từ ba thế kỷ nay mới đến tình trạng nguy kịch như hiện nay. Vậy thì phải tắt tất cả những nhà máy và ngưng không dùng các phương tiện giao thông vận tải cơ giới trong ít nhất ba thế kỷ thì mới có hy vọng tái lập được tình hình thời tiết trước cách mạng công nghiệp.
Hãng bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ hồi trung tuần tháng 12 công bố số thiệt hại do thiên tai gây nên trong năm 2013 trên thế giới lên đến khỏang 130 tỷ đô la.
Riêng tại Việt Nam, tổng số thiệt hai do thiên tai trong năm 2013 đuợc thống kê chừng 30 nghìn tỷ đồng, hơn gấp hai lần so với tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2012.
Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/natu-catastro-in-op-env-12292013051812.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001