Trò chuyện giữa nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Hoàng Minh Tường quanh sự cố tiểu thuyết Nguyên khí bị cấm xuất bản
HH: Xin chào tác giả tiểu thuyết Thời của Thánh Thần. Đọc báo mạng mấy hôm nay thấy nhà văn đang gặp nạn. Chợt nhớ câu thơ của thi hào Nguyễn Khuyến: “Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông/ Nó lại lôi ông đến giữa đồng…”. Hình như ông cũng vừa bị “lèn” cho một vố đau như thế?
HMT:
Cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng đã quan tâm. Ông vận thơ Nguyễn Khuyến để vấn
an tôi, quả là một lời thăm hỏi văn hoá. Tôi không bị “lèn”, nhưng còn
đau hơn thế. Vì giá thân xác mình bị đau đã đi một nhẽ. Nhưng đây lại là
đứa con tinh thần của mình, sản phẩm sáng tạo văn chương của mình bị
bóp từ trong trứng, mới đau đớn hơn nhiều…
HH: Nhưng cơn cớ làm sao? Đọc chương trích (Sử thần Ngô Sĩ Liên) trên các báo mạng thì thấy đây hoàn toàn là một cuốn tiểu thuyết lịch sử.
HMT:
Vâng. Tôi biết thời chúng ta đang sống bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho
các nhà tiểu thuyết đương đại. Nhưng sẽ chẳng có nhà văn nào thành công,
nếu không tự bẻ cong ngòi bút của mình đi, tự đẽo gọt những trang văn
cho tròn trĩnh, nhợt nhạt… Vì thế tôi phải chọn đề tài lịch sử, trốn vào
lịch sử may ra mới an toàn…
HH: Vậy mà ông có an toàn đâu. Nghe nói Cục Xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấm xuất bản tiểu thuyết Nguyên khí
của ông? Lý do là gì nhỉ? Chỉ vì ông đã gửi bản thảo đến mấy nhà xuất
bản và bị từ chối? Chỉ vì NXB Tri Thức không có chức năng in tiểu
thuyết?
HMT: Những lí do kì quặc phải
không? Các nhà xuất bản có thể từ chối in một cuốn sách là chuyện bình
thường. Có thể có một bản thảo bị 9 nhà xuất bản từ chối, nhưng đến nhà
xuất bản thứ 10 thì lại được vồ vập chào đón thì sao? Tuyệt tác Lolita
của Nabokov đã từng bị tất cả các NXB ở “cựu lục địa” từ chối đấy thôi.
Lý do thứ nhất là vớ vẩn. Còn lý do thứ hai, nếu NXB Tri Thức không có
chức năng in tiểu thuyết, thì các vị có cho tôi in ở các nhà xuất bản có
chức năng in tiểu thuyết (ví dụ NXB Văn Học, Hội Nhà văn…) không? Câu
trả lời dứt khoát là: Không. Các vị nại ra lý do cho có vẻ dân chủ. Thực
chất là các vị muốn bóp chết một tác phẩm khi còn chưa ra đời. Vậy đó.
Rất buồn là mấy chục năm nay giới sáng tác chúng ta bị vây bủa bởi một
hệ thống xuất bản không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi bỗng nhớ
lại câu chuyện đúng ba mươi năm trước của ông…
HH: Về tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm và chuyện Hoàng Cầm với tôi bị vào tù bởi tập thơ ấy?
HMT: Ông có đọc tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của tôi không? Ông có ấn tượng gì với nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ trong tác phẩm?
HH: Hình như ông muốn mượn câu chuyện tôi bị bắt vào Hoả Lò để viết về một đoạn đời của Nguyễn Kỳ Vỹ?
HMT:
Trường hợp các trí thức bị bắt oan như Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung,
Hoàng Hưng, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… hồi ấy nhiều lắm. Từng người đều
có bóng dáng trong nhân vật nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ của tôi. Vậy mà người
ta bảo Thời của Thánh Thần là cuốn sách đen, bôi nhọ chế độ. Nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn ở các hệ thống trường đảng đều nêu Thời của Thánh Thần như một cuốn sách bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa.
HH: Còn bây giờ, Nguyên khí có phải là một cuốn sách đen không?
HMT: Tôi cũng không biết nữa… Với hai lý do mà Cục Xuất bản bộ Thông tin và Truyền thông gán cho, thì không biết chừng họ còn xếp Nguyên khí trên cả sách đen. Họ không đủ kiên nhẫn chờ cho Nguyên khí
xuất bản rồi mới thổi còi như lâu nay họ vẫn làm, mà họ xục xuống tận
nhà xuất bản, bắt đem nộp bản thảo để kiểm duyệt. Tôi bỗng nhớ mồ ma nhà
văn Trần Hoài Dương. Một đêm kia, ông choàng tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như
tắm. Ông vừa mơ một giấc mơ khủng khiếp, rằng cách mạng thành công từ
năm 1930 chứ không phải 1945. Nếu quả như vậy thì Thơ Mới, Tự lực Văn
đoàn, Mỹ thuật Đông Dương… đã bị bóp chết từ trong trứng, chứ làm gì
được tồn tại để bây giờ chúng ta tự hào có những di sản tinh thần vô
giá. Và may thay, thời ấy, nhờ bọn thực dân không kiểm duyệt kỹ như bây
giờ, mà những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,
Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… mới còn để lại được Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn, Bước đường cùng, Bỉ vỏ, Vang bóng một thời…
HH: Quả là một giấc mơ khủng khiếp…
HMT:
Vâng. Tận diệt văn hoá là một tội ác khủng khiếp. Triệt tiêu động lực
sáng tạo của người viết, bóp chết tác phẩm khi còn trong trứng là vi
phạm nhân quyền… Một nền văn học chỉ dung dưỡng những tác phẩm tụng ca,
một nền xuất bản lúc nào cũng khuyến cáo các nhà văn hãy tự kiểm duyệt
các tác phẩm của mình ngay từ khi ngồi trước trang viết, thì còn gì là
văn chương.
HH: Qua vụ cấm xuất bản Nguyên khí, ông có thấy mình bị mất nhân quyền?
HMT:
Nếu tôi bảo rằng nhân quyền là thứ xa xỉ với xứ sở này thì ông có tin
không? Với trí thức, tầng lớp nhạy cảm nhất của xã hội, thì đó là nỗi
đau âm ỉ. Nhân quyền của nhà văn chính là Văn quyền, quyền được viết,
được công bố tác phẩm. Không có thứ quyền tối thiểu này nhà văn sẽ bị
triệt tiêu động lực, khát vọng sáng tác. Người ta đặt ra luật xuất bản
chỉ cốt để bó tay người viết. Nhiều người khuyên tôi khởi kiện kẻ đưa ra
lệnh cấm lưu hành để đến nỗi Thời của Thánh Thần bị đầu nậu in
lậu hàng vạn bản, bất cứ hàng sách vỉa hè nào cũng thấy bày bán, mà
chẳng bị ai thu hồi. Tác giả, NXB, nhà nước, bị thiệt nhiều triệu đồng,
độc giả bị đọc một thứ ấn phẩm vừa sai lỗi vừa mất câu… Nhưng kiện ai,
thưa ông? Kẻ ra lệnh cấm luôn lẩn trong bóng tối. Không có văn bản. Chỉ
một câu nói, hoặc một giọng nói qua điện thoại.
HH: Ông nói khiến tôi thấy nản. Chả lẽ hơn bẩy chục nhà xuất bản trên cả nước đều sợ hãi trước những câu nói phát ra từ bóng tối…?
HMT:
Ông có tin không, khi có người bảo rằng, hầu hết các Giám đốc các nhà
xuất bản trong cả nước ta đều là cánh tay nối dài của An ninh văn hoá,
của Cục Xuất bản. Họ biết sách của anh hay, nhưng họ không dám in, vì họ
còn phải bảo vệ niêu cơm của họ. Khi viết xong Nguyên khí, tôi
có đưa cho một vài người bạn làm lãnh đạo các nhà xuất bản, vốn có viết
lách, có hiểu biết văn chương. Tôi nghĩ rằng họ về hưu rồi, già rồi, còn
gì phải sợ. Vậy mà sau khi đọc, họ đều lắc đầu: Rằng hay thì thật là hay, nhưng tôi xuất bản còn gay hơn nhiều. Tôi còn phải giữ cái niêu…(!). Đó, kẻ sĩ thời nay đó…
HH:
Thế mới tiếc là cách đây chục năm, vẫn còn có những Giám đốc xuất bản
có bản lĩnh. Như ông Nguyễn Văn Ngợi, NXB Thanh Niên, đã in Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, ông Quang Huy, NXB Văn hoá - Thông tin, dám in mấy bài thơ tù của tôi trong tập Người đi tìm mặt, ông Nguyễn Khắc Trường, NXB Hội Nhà văn, in Thời của Thánh Thần… Song,
hình như mươi năm nay, chính sách xuất bản ngày càng khắt khe với những
nội dung “nhạy cảm”, khiến không còn cơ hội xuất hiện những giám đốc
bản lĩnh như thế nữa. Và hình như đó cũng là thông điệp mà ông muốn gửi
đến bạn đọc qua tiểu thuyết Nguyên khí?
HMT:
Đúng là như vậy. Qua câu chuyện vụ án Lệ Chi Viên, tôi không chỉ minh
oan cho hai đại quan triều Lê sơ là Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi và
Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, mà còn đề cập tới gương mặt kẻ sĩ thời
nay. Họ là hậu duệ của Ức Trai tiên sinh, đau đáu với vận mệnh dân tộc,
căm ghét cường quyền, nhưng nếu gặp phải một xã hội toàn trị, họ cũng
đành thúc thủ, một số người cũng đành chịu chung số phận như Nguyễn Trãi
thời xưa…
HH: Có nghĩa là Nguyên khí không chỉ là một tiểu thuyết lịch sử đơn thuần, mà có đề cập đến cả đương đại.
HMT:
Tôi dựng lại không khí lịch sử thời Lê sơ một phần qua góc nhìn, cách
đánh giá của người đương thời. Tác phẩm, ngoài hàng loạt những nhân vật
lịch sử nổi tiếng, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Ngô Sĩ Liên, Trịnh
Khả, Lê Thái Tông, Đinh Liệt, Lương Đăng, Nguyễn Thị Anh…. Còn có một
vài nhân vật hiện đại như Giáo sư Hoàng Nguyên, Chủ nhiệm Huỳnh Đạo,
Thọt Bỉ Nhân, Đỗ Chí Cao, Ngô Tháp, v.v.
HH: Tôi hiểu ra rồi… Người ta bắt lỗi ông chính là ở những trang viết về các nhân vật hiện đại và thời cuộc hôm nay. Tiểu thuyết Nguyên khí có không khí tranh biện và với một bút pháp hậu hiện đại?
HMT:
Tôi có đọc về khuynh hướng hậu hiện đại. Nhưng tôi không viết theo lý
thuyết. Tôi viết bằng cảm quan và kinh nghiệm của mình. Việc phân loại
dành cho các nhà lý luận. Tôi chỉ tin một điều, nếu những ai đã đọc và
yêu thích tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của tôi, thì sẽ không thất vọng khi đọc tiếp Nguyên khí.
HH: Ông định sẽ công bố Nguyên khí trên mạng?
HMT:
Còn cách nào khác nữa? Thời đại bùng nổ thông tin cho người viết chúng
ta một khả năng bất tận, đó là anh có thể đến mọi chân trời, nếu anh đem
đến cho người đọc một điều gì mới mẻ.
HH: Thầy Nhất Hạnh có câu này: “Be free where you are”
(Hãy tự do ở bất cứ nơi nào anh đang ở). Tôi nghĩ không ai tước đoạt
nổi tự do của người sáng tạo, trừ khi anh ta tự tước quyền mình. Nhưng
quyền công bố tác phẩm lại do chính quyền từng nơi quyết định. Điều tôi
cứ nghĩ mãi không ra là: Suốt mấy chục năm, họ cứ cấm, cứ bắt, cứ cắt…
mãi mà kết quả bao giờ cũng chỉ là “quảng cáo” không công cho tác phẩm,
tác giả bị cấm, bị bắt. Thế mà họ vẫn cứ làm như chưa hề có kinh nghiệm
về tấn bi hài kịch ấy. Tại sao thế nhỉ? Phải chăng trước đây họ hy vọng
nỗi sợ vô hình do họ gây ra trong toàn xã hội, mà trước hết cho “kẻ sĩ”,
sẽ bảo đảm cho quyền lực toàn trị của họ, còn bây giờ thì chính họ bị
kẹt cứng trong nỗi sợ vô hình bị đả kích, bị lên án, bị trở thành tội đồ
của lịch sử?
HMT: Gót chân Asin của Tần Thuỷ
Hoàng chính là nỗi sợ hãi người đời phỉ nhổ. Những chế độ độc tài toàn
trị mọi thời đều có gót chân như vậy. Họ sợ hãi sự minh bạch, sợ hãi mọi
sự phản biện. Hình như giáo sư Ngô Bảo Châu có nói rằng: “Một xã hội
không có phản biện là một xã hội đang chết lâm sàng”. Tôi lại nhớ câu
của nữ nhà văn Pháp Yveline Féray, tác giả tiểu thuyết Vạn Xuân:
“Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi, là tấn thảm kịch của một vĩ nhân
sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ”. Cái xã hội quá ư bé nhỏ ấy, không
chỉ tồn tại ở thời Ức Trai tiên sinh, mà ngay cả ở chế độ có bom hạt
nhân của Kim Jong Un và bạn bè chúng, cũng mãi mãi quá ư bé nhỏ vậy
thôi…
HH: Còn một thắc mắc nữa, tôi không
hiểu vì không nằm trong “tổ chức”. Thế cái Hội Nhà văn nước ta sinh ra
để làm gì nhỉ? Hội không có động thái gì bênh vực các tác giả bị sách
nhiễu như anh sao? Và các đồng nghiệp của anh? Họ có phản ứng gì không?
HMT: Thưa nhà thơ, nhà thơ quá biết câu trả lời rồi, còn hỏi làm gì nữa…
HH: Ôi thôi, vậy những chuyện này không chỉ là chuyện của ngành xuất bản, của an ninh văn hoá, mà là chuyện “nguyên khí”
của cả một dân tộc đang… hết hơi? Với một “nguyên khí” như thế, dân tộc
này làm sao bảo vệ được sơn hà xã tắc mà cha ông truyền lại? “Một câu
hỏi lớn không lời đáp”!
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN.
Nhà văn Hoàng Minh Tường tham luận về tiểu thuyết lịch sử
Bìa cuốn Thời của thánh thần
Nhà thơ Hoàng Hưng đọc bài thơ viết trong tù tại L’Espace Hà Nội.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 11:15
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/tro-chuyen-giua-nha-tho-hoang-hung-va.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001