Nhìn lại 2013 từ lăng kính nhân quyền
2013 với sự lớn mạnh không ngờ của XHDS
Vài năm gần đây, một số khái niệm vốn lâu nay bị coi là “nhạy cảm”,
“đáng sợ” bỗng dưng xuất hiện trở lại ở Việt Nam; mặc dù vẫn là “nhạy
cảm”, vẫn bị chính quyền nhìn nhận với một thái độ thù địch. Đó là các
khái niệm như: nhân quyền (không biết nếu gọi là “quyền con người” thì
có đỡ bị chính quyền cảnh giác và ghét bỏ không?), tự do, dân chủ, và xã
hội dân sự (XHDS).
XHDS không phải là chưa từng tồn tại ở Việt Nam. Ngược lại, những hình
thức kết giao tự nguyện - như các hương, họ, phái, sinh hoạt nơi đền
chùa, đình làng, v.v. - đã từng rất phổ biến và là rường cột của đời
sống của người dân Việt Nam, ít nhất là ở nông thôn miền Bắc, trong hàng
thế kỷ. Thực sự chỉ đến khi đảng cộng sản lên cầm quyền, với việc thi
hành các chính sách khắc nghiệt, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản,
biến xã hội thành trại lính nơi “mỗi người dân là một chiến sĩ”, thì
XHDS mới bị phá vỡ. Tocqueville từng viết, đại ý là các chế độ độc tài
không cần người dân thương yêu chúng mà chỉ cần người dân đừng thương
yêu nhau và đừng kết hợp với nhau để cho chúng dễ không chế một xã hội
phân rã (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ quốc ăn năn, NXB Chúng Ta, 2012).
Cho nên “Đảng ta” không thích XHDS. Đảng coi đó là một “thủ đoạn của
diễn biến hòa bình” và kiên quyết “không để các tổ chức XHDS bị lợi
dụng”!
Song, năm 2013, XHDS ở Việt Nam đã lớn mạnh như một sự bùng phát vượt
khỏi tầm kiểm soát của đảng. Lần đầu tiên, người dân công khai tuyên bố
thành lập các hội, các nhóm, diễn đàn, mà khỏi cần đến luật về hội và mớ
thủ tục “xin-cho” mà đảng vẫn ưa dùng: Hội Anh Em Dân Chủ, Mạng Lưới
Blogger Việt Nam, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Bầu bí Tương thân, v.v. Từ
xuất phát điểm ban đầu là những hội nhóm thành lập trên mạng, họ đã
“xuống đường” và có những hoạt động thực tiễn: Nhóm Công dân tự do tổ
chức dã ngoại nhân quyền và phân phát Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền,
No-U làm thiện nguyện, Mạng Lưới Blogger Việt Nam đến các đại sứ quán và
tổ chức quốc tế để trao Tuyên bố 258. Một số tổ chức NGO quy mô nhỏ
trong nước, vốn lâu nay chịu sự dò xét, giám sát của chính quyền, cũng
đã cố vươn dậy trong cái vòng kim cô chật hẹp, để góp phần lên tiếng về
tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 có thể đã
là một ngày hội của XHDS và những công dân tự do nếu họ không bị chính
quyền ra sức chống phá, đàn áp: Chương trình “Tôi tự do” bị ép hủy, các
buổi kỷ niệm Ngày Nhân quyền ở Hà Nội và TP.HCM bị trấn áp, blogger tham
dự bị hành hung và bị người của chính quyền tấn công bằng… mắm tôm.
Nhưng sự kết hợp của người dân, sự phát triển của XHDS, là không thể bị
phá hoại một lần nữa như thời kỳ đảng còn tự tung tự tác tuyệt đối. Từng
hội nhóm mới vẫn ra đời và hoạt động ngày càng công khai. Sau “chiến
dịch 258”, Mạng Lưới Blogger Việt Nam tuyên bố thành lập chính thức vào
đúng ngày Quốc tế Nhân quyền. Diễn đàn Xã hội Dân sự thành lập sau một
tuyên bố đòi các quyền dân sự - chính trị, một động thái mà đảng coi như
hành vi tự tiện, ngang nhiên - thì ra ngoài sự kiểm soát của đảng mà
lị. Báo Quân Đội Nhân Dân gầm lên: “Gần đây, một số người lập ra cái gọi
là “diễn đàn xã hội dân sự” với ý định không úp mở thúc đẩy “chuyển
hóa” chế độ chính trị ở Việt Nam”.
Trong sự lớn mạnh của XHDS năm 2013 này, còn có một sự kiện đáng chú ý:
Lần đầu tiên, các tổ chức XHDS của Việt Nam đã có sự hợp tác (tất nhiên
là ngoài bàn tay kiểm soát của đảng) với các tổ chức trong khu vực, đặc
biệt là ở Philippines. Tháng 7, No-U Việt Nam xuất hiện trong cuộc biểu
tình chống Trung Quốc do Liên minh Biển Tây Philippines tổ chức. Tháng
10, một nhóm bạn trẻ ở Việt Nam sang Philippines theo lời mời của Asian
Bridge để tìm hiểu về XHDS ở Philippines. Họ đã học, say mê và vui
thích, và đã trở về Việt Nam bất chấp việc bị công an đe dọa, sách
nhiễu. Sự can thiệp của chính quyền vào những hoạt động dân sự bình
thường, cuối cùng, đã trở thành một trò lố bịch và vô duyên trong mắt
các bạn trẻ và cộng đồng quốc tế.
Nở rộ “luật ngu”
Nói từ giác độ điều hành vĩ mô, không ra những đạo luật yếu kém, gây
thiệt hại cho dân thì không phải là chính quyền Việt Nam. Nói cách khác,
ban hành những “luật ngu” đã thành chuyện bình thường ở Việt Nam từ
hàng chục năm nay. Nhưng chỉ đến thời Internet, những yếu kém ấy mới bị
“phơi áo”, và 2013 là một năm đặc biệt chứng kiến nhiều “luật ngu”: Nghị
định 72 về “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin
trên mạng”, Nghị định 174 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”,
Nghị định 159 về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí,
xuất bản”, Nghị định 208 về “các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử
lý hành vi chống người thi hành công vụ”, v.v.
Các đạo luật ấy không chỉ “ngu” - chẳng hạn quy định trang tin điện tử
cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp - mà còn “ác”, bởi chúng
nhằm hạn chế quyền tự do của công dân, gây thiệt hại, phiền phức cho xã
hội và dành phần lợi về nhà nước với lý do “để thuận tiện cho việc quản
lý”. Vâng, để giúp việc cai quản xã hội được dễ dàng thì cán bộ thi hành
công vụ có quyền nổ súng để phòng vệ, bắt giữ người chống đối; chính
quyền có quyền phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng với hành vi
“tuyên truyền chống Nhà nước” mà chưa đến mức truy cứu hình sự (nôm na
là chưa đủ chứng cứ để bắt mày thì tao cũng phạt tiền được mày). Và với
Nghị định 159 thì tất cả các ngành nghề, đối tượng vốn coi báo chí là kẻ
thù tiềm tàng lâu nay, bây giờ đều có thể nghiễm nhiên xử phạt báo chí,
từ chủ tịch UBND cấp huyện đến công an, bộ đội, cảnh sát biển, hải
quan, cơ quan thuế, quản lý thị trường.
Sự xuất hiện nở rộ những đạo luật ngu và ác cho thấy việc vi phạm nhân
quyền ở Việt Nam đã trở thành có hệ thống và được thể chế hóa. Nhưng nó
cũng là biểu hiện của sự kém cỏi và bất lực của chính quyền một đảng
trong công việc quản trị, điều hành đất nước.
Trò hề sửa đổi hiến pháp
Công cuộc sửa đổi Hiến pháp của đảng đã “kết thúc thắng lợi” với việc
đảng đã có được bản hiến pháp theo ý muốn: tiếp tục khẳng định vị trí
“tiên phong” và vai trò lãnh đạo của đảng, lấy chủ nghĩa Mác-Lê và tư
tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Bản hiến pháp 2013 đạt được các
mục đích đảng đề ra từ đầu là “thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ
trương, chính sách lớn”, “ghi nhận những thành quả, thành tựu to lớn của
đất nước” do đảng khởi xướng.
Đấy là đứng trên giác độ lợi ích của đảng. Còn từ giác độ nhân quyền thì
bản hiến pháp mới chẳng mang lại lợi ích gì. Các quyền công dân “được
ban phát” về cơ bản vẫn như hiến pháp 1992. Khái niệm “quyền con người”
được đưa vào một cách chiếu lệ cho đúng “mốt”. Ân xá Quốc tế nhận xét,
bản hiến pháp đã “liên tục đặt luật quốc gia lên trước quyền của các cá
nhân, kể cả những quyền đã được đề cập trong các nghĩa vụ của Việt Nam
trên cơ sở công ước hiện hành”.
Đối với xã hội, các đợt lấy ý kiến và thảo luận sửa đổi Hiến pháp gây
lãng phí khổng lồ. Trả lời BBC, TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Các cuộc
họp ấy tốn ngân sách nhà nước 250 tỷ đồng, không kể chi phí thời gian,
cũng như không kể chi phí của các cấp, các ngành tự chi ra, để dẫn đến
là hầu như không có ý kiến nào đóng góp đã được tiếp thu cả”.
Sự lố bịch của màn kịch tưởng như không có giới hạn: Ngày 3/4, tỉnh Bình
Dương tổ chức họp báo công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi
Hiến pháp, theo đó, số lượt ý kiến đóng góp từ ngày 12/3 tới ngày 27/3
trong toàn tỉnh lên tới 44.459.628 trên tổng dân số 1,7 triệu người.
Trong số ý kiến đóng góp này, có 44.455.188 người tán thành nguyên văn
với bản Dự thảo Hiến pháp, chiếm tỷ lệ 99,99% dân số tỉnh Bình Dương.
Thật là một tỉnh cách mạng!
Báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 21/4 trích lời Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội cho biết, “Sau 3 tháng triển khai nghiêm túc, dân chủ Nghị quyết của
Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý
của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với
28.140 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý”. Mới ba tháng mà
đã có đến hơn 28.000 cuộc họp.
Vấn đề là, theo khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” (UNDP, Hội Luật gia Việt
Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng thực hiện),
42,4% dân chúng Việt Nam không biết gì về hiến pháp hoặc chưa bao giờ
nghe nói đến. Với 57,6% còn lại thì có tới 23% không hề biết Việt Nam
đang tổ chức góp ý sửa đổi hiến pháp.
Xét cho cùng, đây có vẻ lại càng là một thành công to lớn của đảng: Đa
số người dân sẽ thấy “tự nhiên thì đảng đem Hiến pháp ra sửa”, “tự nhiên
thì đảng kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi, rồi người ta góp ý xong cũng
chẳng để làm gì”. Dân chúng không hiểu và do đó, không quan tâm; còn
đảng thì nghiễm nhiên có được một hiến pháp mới hợp ý.
Tuy nhiên, trong thời đại Internet, với sự phát triển của truyền thông
xã hội, những ý đồ của đảng dù thế nào vẫn bị không ít thì nhiều người
nhận ra. Ít nhất thì cái kết 97% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua dự
thảo hiến pháp của đảng cũng đánh dấu cảnh hạ màn vụng về của một trò
hề tốn kém.
O ép nghệ sĩ và quyền tự do sáng tạo
Những cái tên này gợi cho bạn điều gì: Asia 71, Thằng mõ 1 - Cái nường 8x, Bụi đời Chợ Lớn, Đại gia, Cafe Cộng, Zone 9?
Năm nay (cũng như mọi năm khác), chính quyền tiếp tục “tăng cường công
tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm” các trường hợp văn nghệ sĩ lợi dụng...
quyền tự do sáng tác để “xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu” Việt Nam, tức là
nói những điều đảng và nhà nước không muốn nghe. Đầu năm, đĩa Asia 71 bị
cấm tại Việt Nam, 6 nghệ sĩ tham gia bị cấm về nước biểu diễn. Tháng 5,
CD “Thằng mõ 1 - Cái nường 8x” của nhạc sĩ Ngọc Đại bị thu hồi và tiêu
hủy. Tháng 6, phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị kiểm duyệt, cấm chiếu vì “không
phản ánh đúng hiện thực xã hội Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”.
Tháng 8, tiểu thuyết “Đại gia” của nhà văn Thiên Sơn bị cấm phát hành vì
“cường điệu quá mức” trong việc phản ánh hiện thực xã hội. Cũng tháng
8, chuỗi cửa hàng cafe Cộng của ca sĩ Linh Dung bị “ngả vạ” vì “tội” chế
Lenin toàn tập, xuyên tạc thơ Bác Hồ. Cuối năm, tụ điểm vui chơi Zone 9
- “hợp tác xã nghệ thuật”, nơi gặp gỡ ưa thích của bạn trẻ và giới văn
nghệ sĩ ở Hà thành - bị buộc phải đóng cửa từ 23/12 không rõ lý do.
Chính quyền còn tiến hành “đuổi kỳ cùng” các chủ kinh doanh ở Zone 9,
cắt điện, nước rõ sớm, không cho họ đủ thời gian để dọn đồ!
Nói theo ngôn ngữ của đảng, thì công tác quản lý văn hóa hiện còn nhiều
bất cập. Những người nắm quyền sinh quyền sát với văn nghệ sĩ và các sản
phẩm văn hóa lại là những đầu óc thủ cựu và thấp văn hóa nhất. Cái khổ
cho Việt Nam là bất cập này lại là bất cập chung, tồn tại ở mọi lĩnh
vực, mọi ngành nghề chứ không chỉ trong văn hóa-nghệ thuật. Và sự yếu
kém của lãnh đạo sẽ còn làm khổ dân chúng dài dài.
Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ
Cuối cùng thì, sau nhiều nỗ lực vận động ráo riết và cả nỗ lực đấu tranh
với “các thế lực thù địch” như đám blogger phản động đã dám cả gan ra
Tuyên bố 258 đòi Nhà nước sửa đổi luật pháp, hay cánh Human Rights
Watch, Amnesty International…, ngày 12/11, Việt Nam đã trúng cử vào HĐNQ
LHQ với 184/192 phiếu thuận. Trước đó, ngày 7/11, Việt Nam cũng đã gấp
rút ký Công ước Chống tra tấn để thể hiện nỗ lực “hội nhập” với các tiêu
chuẩn chung của thế giới về nhân quyền.
Khỏi phải nói, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ đã được truyền
thông của đảng đưa tin (gồm cả báo chí chính thống lẫn dư luận viên)
đưa tin hoan hỉ như thế nào. Hoan hỉ đến mức không một tờ báo, một trang
mạng nào của đảng nói rằng đây là cuộc bầu cử chọn ra 4 ghế từ 4 ứng
viên! Thành viên của HĐNQ cũng là các nước có thành tích hữu hảo về nhân
quyền ngang ngửa Việt Nam: Trung Quốc, Nga, Ảrập Xê-út. Cách đây hơn
một thập niên, Lybia dưới thời Gaddafi còn là chủ tịch của HĐ này.
Lời yêu cầu nhà nước sửa đổi, hoàn thiện luật pháp để bày tỏ cam kết gia
nhập HĐNQ dĩ nhiên không được đáp ứng và đó là điều mà các blogger ra
Tuyên bố 258 đã lường trước. Họ, cũng như những người đấu tranh cho nhân
quyền - tự do ở Việt Nam, đều hiểu rằng, công cuộc đấu tranh vì quyền
con người sẽ còn rất dài, và với việc Việt Nam gia nhập HĐNQ LHQ, tất cả
chỉ vừa mới bắt đầu.
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.fr/2013/12/nhin-lai-2013-tu-lang-kinh-nhan-quyen.html#.UsLMmfvKHC8
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001